Foreign Affairs August 6, 2021
Kevin Rudd
Đỗ Kim Thêm dịch
Khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe mời các quan chức của Úc, Ấn Độ và Hoa Kỳ họp tại Manila vào tháng 11 năm 2017, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thấy có ít lý do để lo âu. Cuộc tập họp của Bộ Tứ, như khi việc kết nhóm đã thành danh, chỉ đơn thuần là „một ý tưởng thu hút thành tiêu đề thời sự“, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chế diễu. „Chúng giống như bọt biển ở Thái Bình hoặc Ấn Độ Dương: chúng nhận được một số sự quan tâm nhưng rồi sẽ sớm tan biến.“ Bắc Kinh có một số lý do cho sự bài bác như vậy. Theo các chiến lược gia Trung Quốc đánh giá, lợi ích của các thành viên trong Bộ Tứ là quá khác biệt để cho phép họ gắn kết nhau đích thực. Dù sao, việc kết nhóm thành Bộ Tứ đã được thử nghiệm hơn một thập kỷ trước đó với rất ít kết quả thực sự.
Tuy nhiên, trong vòng vài năm kể từ cuộc họp tháng 11 năm 2017, Bắc Kinh đã bắt đầu suy nghĩ lại về sự bài bác ban đầu của mình. Đến tháng 3 năm nay, khi Bộ Tứ tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên cho cấp lãnh đạo và ban hành thông cáo đầu tiên cho cấp lãnh đạo, các quan chức Trung Quốc đã bắt đầu xem Bộ Tứ với mối quan tâm ngày càng tăng. Kể từ đó, Bắc Kinh đã kết luận rằng Bộ Tứ đại diện cho một trong những thách thức có hậu quả nhất đối với các tham vọng của Trung Quốc trong những năm sắp tới.
Khi „cạnh tranh chiến lược“ với Trung Quốc đã trở thành một điểm hiếm hoi của sự đồng thuận lưỡng đảng ở Washington, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cảnh báo rằng đất nước của ông phải đối mặt với một „cuộc đấu tranh về tương lai của trật tự quốc tế“ với một Hoa Kỳ quyết tâm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tập tin rằng Bắc Kinh có cơ hội từ nay cho đến năm 2035 để đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế, công nghệ và thậm chí có tiềm năng là quân sự đứng hàng đầu thế giới. Phối hợp sự thúc đẩy này là thuyết phục các quốc gia ở châu Á và trên toàn thế giới rằng sự thống trị của Trung Quốc là không thể tránh khỏi và theo đó, họ không có lựa chọn nào khác hơn là ngoài việc bắt đầu trì hoãn các đòi hỏi của Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Trung Quốc bắt đầu viết lại các quy tắc của trật tự quốc tế và cố thủ vị trí lãnh đạo toàn cầu của mình mà không cần phải khai hoả.
Bộ Tứ là vấn đề duy nhất đối với chiến lược của Trung Quốc, bởi vì mục đích của Trung Quốc là thống nhất một liên minh đa phương về đề kháng có khả năng đâm gai cứng vào toàn bộ Ấn Độ-Thái Bình Dương và có thể đi xa hơn nữa. Đối với Tập, vấn đề quan trọng là liệu Bộ Tứ sẽ phát triển để đủ lớn mạnh, xuyên suốt và toàn diện để cân bằng một cách có hiệu quả đối với Trung Quốc, do đó, làm suy yếu bất kỳ ý nghĩa nào rằng sự thống trị của nó là không thể tránh khỏi, cho dù là ở châu Á hay toàn cầu. Cho đến nay, Bắc Kinh đã phải tranh đấu để đạt được một phản ứng có hiệu quả đối với thách thức của Bộ Tứ. Liệu các quan chức Trung Quốc có giải quyết một chiến lược thành công trong việc làm suy yếu đà tiến bộ của Bộ Tứ không sẽ là một trong những yếu tố chính trong việc xác định tiến trình cạnh tranh Mỹ-Trung và số phận của các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc nói chung – trong những gì đã trở thành một „thập kỷ sống trong nguy hiểm“.
Hợp tác
Nỗ lực đầu tiên để phát động Bộ Tứ của Abe là sau trận sóng thần năm 2004, khi Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ làm việc chung để ứng phó với thảm họa. Abe coi Bộ Tứ là một cách xây dựng năng lực của bốn quốc gia hợp tác để đáp ứng các thách thức an ninh chung cho khu vực. Nhưng phản ứng ở các thủ đô khác là thăm dò tốt nhất.
Tại Washington, Tổng thống George W. Bush lo ngại rằng sự hợp tác như vậy sẽ khiến Trung Quốc xa lánh một cách vô ích khi họ cần Bắc Kinh trong „cuộc chiến chống khủng bố“; trong vòng vài năm, như các nguồn tin do WikiLeaks rò rĩ sau đó cho thấy, chính quyền đã đảm bảo riêng tư với các chính phủ thuộc khu vực rằng Bộ Tứ sẽ không bao giờ họp. Tại New Delhi, Thủ tướng Manmohan Singh nhiều lần loại trừ bất kỳ sự hợp tác an ninh thực sự nào với Bộ Tứ và phân loại mối quan hệ với Bắc Kinh là „sự tất yếu cưỡng chế“ của ông. Và tại Canberra, chính phủ bảo thủ của John Howard lo lắng về việc làm suy yếu mối quan hệ có lợi về kinh tế với Trung Quốc và cũng phản đối việc mở rộng hợp tác ba bên hiện có với Hoa Kỳ và Nhật Bản bằng cách kết hợp Ấn Độ; vào tháng 7 năm 2007, Úc chính thức rút lui và công bố quyết định tại Bắc Kinh ngay sau đó. Khi Abe, động lực chủ yếu đằng sau Bộ Tứ bất ngờ từ chức vào tháng 9 năm 2007, (trước khi được tái nhiệm là thủ tướng vào năm 2012), người kế nhiệm ông, Yasuo Fukuda đã chính thức đưa Bộ Tứ vào thùng rác của lịch sử.
Một thập kỷ sau, khi Abe đưa vấn đề trở lại, hoàn cảnh chiến lược đã thay đổi triệt để. Sau nhiều năm với các căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng, hành vi quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và Biển Đông (Hoa Nam), và các cuộc đụng độ tái diễn giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ dọc theo biên giới đất liền còn đang tranh chấp, tính toán chiến lược đối với Trung Quốc đã phát triển ở tất cả các thủ đô của Bộ Tứ. Tuy nhiên, Bắc Kinh nghĩ rằng họ có rất ít lý do để lo âu sau khi Bộ Tứ được tập họp lại vào tháng 11 năm 2017 trong một cuộc họp làm việc của các nhà ngoại giao bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Manila: họ đã không đưa ra một thông cáo chung phác thảo một mục đích chiến lược, thay vào đó, họ đưa ra các tuyên bố cá nhân không phối hợp mả phục vụ chủ yếu để làm nổi bật sự khác biệt về các mối quan tâm chính. Phần lớn Bắc Kinh vẫn còn thờ ơ ngay sau cuộc họp đầu tiên của các Bộ trưởng Ngoại giao của Bộ Tứ vào tháng 9 năm 2019 tại New York và ngay cả khi các bộ trưởng cuối cùng đã đồng ý làm việc chung về những gì sẽ trở thành phương châm của Bộ Tứ: „thúc đẩy một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở“.
Sau đó, vào tháng 6 năm 2020, các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ dọc biên giới chung của họ, khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng và khiến New Delhi, đây là thành viên dẻ dặt nhất của Bộ Tứ, đánh giá lại các ưu tiên chiến lược của mình và thể hiện sự nôn nóng mới để cân bằng quyền lực của Trung Quốc. Khi các Bộ trưởng Ngoại giao của Bộ Tứ tái nhóm vào tháng 10 năm 2020 tại Tokyo, Bắc Kinh bắt đầu quan tâm. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố thẳng thừng rằng mục tiêu của Washington là „thể chế hóa“ Bộ Tứ, „xây dựng một khuôn khổ an ninh thực sự“, và thậm chí mở rộng việc kết nhóm vào „thời điểm thích hợp” để „chống lại thách thức mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra cho tất cả chúng ta“. (Pompeo trước đó đã tập hợp New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam cho những gì được biết đến là các cuộc đàm phán „Bộ Tứ mở rộng“ về thương mại, công nghệ và an ninh chuỗi cung ứng.)
Sau cuộc họp, Ấn Độ mời Australia tham gia cuộc thao diễn hải quân thường niên tại Malabar được tổ chức với Hoa Kỳ và Nhật Bản. Điều này là đáng chú ý vì Ấn Độ trước đây đã từ chối cho phép Úc tham gia các cuộc tập trận vì sợ đối đầu với Bắc Kinh. Hiện nay, phần lớn nhờ vào cuộc đụng độ biên giới tháng 6 năm 2020, tất cả sự do dự còn lại ở Delhi đã tan biến. Từ quan điểm của Bắc Kinh, Hội đồng Địa chính trị Vây hãmđột nhiên nhận ra là kém thuận lợi hơn.
Từ phân hoá đến tấn công
Lúc đầu, các chiến lược gia Trung Quốc dường như nghĩ rằng có một giải pháp tương đối đơn giản cho thách thức mới từ Bộ Tứ: sử dụng việc kết hợp việc cà rốt và cây gậy để thúc đẩy mối quan hệ giữa lợi ích kinh tế và an ninh của các thành viên trong Bộ Tứ. Bằng cách nhấn mạnh sự phụ thuộc nặng nề của mỗi quốc gia vào thị trường Trung Quốc, Bắc Kinh hy vọng sẽ phá vỡ Bộ Tứ ra riêng.
Sau cuộc họp cấp bộ trưởng của Bộ Tứ vào tháng 10 năm 2020 và các cuộc thao diễn hải quân Malabar tiếp theo, Yi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, đã đổi giọng điệu của mình một cách đáng kể, dập tắt nỗ lực xây dựng một „NATO Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương“ và gọi chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Bộ Tứ là „một rủi ro an ninh cơ bản lớn lao“ đối với khu vực. Bắc Kinh cũng chọn một mục tiêu để sử dụng một cây gậy. Truyền thống chiến lược của Trung Quốc khuyên „giết một người để cảnh báo một trăm người“. Trong trường hợp này, ý tưởng là giết một người (Úc) để cảnh báo hai người (Ấn Độ và Nhật Bản).
Bắc Kinh trước đây dường như có ý định cải thiện các mối quan hệ với Canberra. Nhưng không có lời giải thích cụ thể nào, đột nhiên Bắc Kinh áp đặt các hạn chế đối với việc nhập khẩu than của Úc – và sau đó là thịt, bông, len, lúa mạch, lúa mì, gỗ, đồng, đường, tôm hùm và rượu vang. Là nền kinh tế nhỏ nhất của các nền kinh tế trong Bộ Tứ, theo đánh giá của Bắc Kinh, Úc sẽ là quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước áp lực kinh tế (và nhờ là do quy mô và địa lý, ít đe dọa đến lợi ích an ninh của Trung Quốc). Đồng thời, Trung Quốc đã làm việc để cải sửa các mối quan hệ với Ấn Độ và Nhật Bản. Sau nhiều năm nỗ lực cải thiện quan hệ với Tokyo, Bắc Kinh đã cố gắng hoàn tất chuyến thăm của Tập để gặp người kế nhiệm Abe, Yoshihide Suga. Và Bắc Kinh đã tìm cách giảm leo thang các căng thẳng với Ấn Độ khi đàm phán một thỏa thuận rút quân khỏi khu vực xảy ra đụng độ và làm việc âm thầm để đảm bảo thả các binh sĩ Trung Quốc bị bắt để tránh gây ra một cơn hoả phong theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Nhưng Bắc Kinh đã đánh giá thấp ảnh hưởng của các hành động của chính mình đối với tình đoàn kết của Bộ Tứ, và cả các củ cà rốt này cũng đều không có tác dụng như dự định. Tại Tokyo, tình trạng trầm trọng hơn về sự quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Hoa Đông và những lo ngại về nhân quyền và Hồng Kông đã bắt đầu làm cho mối quan hệ trở nên lạnh lẽo. Ở Delhi, sự cảnh giác của Trung Quốc đã trở nên hằn sâu, bất kể có sự bế tắc trước mắt đã được giải quyết. Như Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar giải thích, các cuộc đụng độ biên giới đã tạo ra „mức độ thoải mái“ hơn ở Delhi so với nhu cầu „tham gia gắn bó hơn cho các vấn đề an ninh quốc gia“ với Washington và các đối tác khác. Sự xuất hiện của một chính quyền mới ở Washington, một chính quyền sẽ đổi mới sự tập trung vào việc tham gia của đồng minh, khu vực và đa phương và di chuyển nhanh chóng để giải quyết các tranh chấp thương mại và quân sự thời Trump với các đồng minh châu Á, gây thêm một trở ngại nữa cho kế hoạch của Bắc Kinh.
Đến đầu năm nay, các quan chức Trung Quốc đã nhận ra rằng không quan tâm cũng như không chia rẽ Bộ Tứ, cả hai sẽ vận hành. Vì vậy, Bắc Kinh chuyển sang lựa chọn thứ ba: tấn công chính trị toàn diện.
Cuộc họp tháng 3 của các nhà lãnh đạo Bộ Tứ đã xác nhận các mối quan tâm ngày càng gia tăng của Trung Quốc về tầm quan trọng của việc kết nhóm. Bằng cách triệu tập lần đầu tiên các nhà lãnh đạo hàng đầu của Bộ Tứ (mặc dù là qua mạng) quá sớm trong chính quyền của mình, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã báo hiệu rằng nhóm này sẽ là trung tâm của chiến lược của ông ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Và lần đầu tiên, cuộc họp đã đưa ra một thông cáo thống nhất cam kết thúc đẩy „một trật tự tự do, cởi mở, trọng pháp, bắt nguồn từ luật pháp quốc tế“ và bảo vệ „các giá trị dân chủ và toàn vẹn lãnh thổ“. Bộ Tứ cũng cam kết cùng sản xuất và phân phối một tỷ liều vắc-xin COVID-19 trên toàn khu vực. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói về những gì có thể là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của Bắc Kinh khi ông tuyên bố: „Cuộc họp thượng đỉnh hôm nay chứng tỏ là Bộ Tứ đã đến tuổi trưởng thành. Bây giờ nó sẽ vẫn là một trụ cột quan trọng của sự ổn định trong khu vực.“
Kể từ đó, đã có một sự bùng nổ trong sự lên án của Trung Quốc đối với Bộ Tứ như một „âm hưởng nhỏ“ của các quốc gia đang cố gắng „bắt đầu một cuộc Chiến tranh Lạnh mới“. Vào tháng 5, Tập đã lên án những nỗ lực sử dụng „chủ nghĩa đa phương như một tiền đề để tạo ra những âm thanh nhỏ hoặc khuấy động cuộc đối đầu ý thức hệ“. Trung Quốc đã bắt đầu tự miêu tả mình là nhà vô địch của „chủ nghĩa đa phương thực sự“ và là người bảo vệ hàng đầu của hệ thống Liên Hiệp Quốc. Tập và các quan chức Trung Quốc khác đã bắt đầu nói chuyện thường xuyên hơn về „trách nhiệm đại cường“ và vị thế của Trung Quốc là „đại cương có trách nhiệm“. Bắc Kinh cũng đang tăng gấp đôi nỗ lực phát triển các khuôn khổ thương mại thay thế bằng cách thúc đẩy tư cách thành viên của mình trong Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (the Regional Comprehensive Economic Partnership RCEP), cố gắng hoàn tất hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc và tán thành ý tưởng gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, phát triển từ các cuộc đàm phán Đối tác Xuyên Thái Bình Dương do Hoa Kỳ thúc đẩy(the Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, CPTPP). Hy vọng của Bắc Kinh là họ có thể cô lập và gạt bỏ Bộ Tứ bằng cách vượt ra ngoài phạm vi ngoại giao và thương mại trên chính trường thế giới.
Tuy nhiên, những lời tố cáo như vậy cho đến nay đã không có kết quả để ngăn chặn sự tiến bộ của Bộ Tứ. Chuyến công du vào tháng 6 của Biden đến châu Âu, nơi Úc và Ấn Độ tham gia một cuộc họp của các cuộc thảo luận của nhóm G-7 và Hoa Kỳ với Liên minh EU và Khối NATO bao gồm các yếu tố quan trọng của Trung Quốc – củng cố lo ngại rằng Bộ Tứ có thể tự hội nhập vào một liên minh bài Hoa rộng lớn hơn. Và các tương tác Mỹ-Nam Hàn, bao gồm chuyến thăm tháng 5 của Tổng thống Moon Jae-in tới Washington, đã củng cố những lo ngại rằng Bộ Tứ có thể mang lại cho Hàn Quốc và trở thành „Bộ Ngũ“; mặc dù Seoul thường miễn cưỡng đứng công khai về phía Hoa Kỳ để chống lại Trung Quốc, lời tuyên bố chung của hai nước đồng ý rằng họ „thừa nhận tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương khu vực cởi mở, minh bạch và toàn diện bao gồm Bộ Tứ.“
Lý do để lo âu
Trung Quốc có lý do quan trọng để lo âu về những chuyển biến như vậy và những gì họ có thể có ý nghĩa đối với triển vọng cho khu vực và toàn cầu của mình. Ví dụ, trên mặt trận an ninh, Bộ Tứ thay đổi suy nghĩ của Bắc Kinh về các kịch bản khác nhau ở eo biển Đài Loan và Biển Đông, và ở mức độ thấp hơn, ở Biển Hoa Đông, khi ý thức của Trung Quốc về khả năng quân sự Úc, Ấn Độ hoặc Nhật Bản tham gia vào bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến Hoa Kỳ ngày càng tăng. Đặc biệt quan trọng sẽ là sự phối hợp của Bộ Tứ với Sáng kiến Răn đe Thái Bình Dương của Hoa Kỳ. Một mạng lưới hoả tiển chống chiến hạm đặt cơ sở trên đất liền và các khả năng tấn công chính xác khác tại các nước đồng minh đóng trong khu vực có thể cản trở việc Bắc Kinh đe dọa Đài Loan bằng một cuộc xâm lược đổ bộ, phong tỏa hoặc hoả tiển đặt trên đất liền, mặc dù thỏa thuận chính trị về việc triển khai như vậy ở từng quốc gia riêng biệt thuộc bộ Tứ khó là được đảm bảo. Một mối quan tâm khác của Trung Quốc là Bộ Tứ sẽ tiến tới một thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo với quan hệ đối tác tình báo trong Five Eyes, điều này sẽ cho phép thông tin nhạy cảm về chiến lược và hành vi của Trung Quốc được phổ biến rộng rãi hơn.
Nhưng theo quan điểm của Bắc Kinh, kịch bản tồi tệ nhất là Bộ Tứ có thể đóng vai trò nền tảng của một liên minh bài Hoa rộng lớn hơn trong toàn cầu. Nếu Bộ Tứ lôi kéo các quốc gia châu Á khác, Liên minh EU và Khối NATO vào các nỗ lực đối đầu hoặc làm suy yếu tham vọng quốc tế của Trung Quốc, theo thời gian, nó có thể xoay chuyển cán cân quyền lực tập thể dứt khoát chống lại Trung Quốc. Bộ Tứ cũng có thể đặt nền móng cho một liên minh kinh tế, hải quan và tiêu chuẩn rộng lớn hơn, có thể định hình lại mọi thứ từ tài trợ cơ sở hạ tầng toàn cầu đến chuỗi cung ứng đến các tiêu chuẩn công nghệ. Quan chức cấp cao về châu Á trong Toà Bạch Ốc của Biden, Kurt Campbell, đã nói về sự cần thiết phải cung cấp một „tầm nhìn kinh tế tích cực“ cho Ấn Độ-Thái Bình Dương; Bắc Kinh lo ngại rằng Bộ Tứ có thể trở thành điểm tựa cho một nỗ lực như vậy.
Từ quan điểm của Bắc Kinh, một điểm sáng là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có khả năng giữ một khoảng cách với Bộ Tứ như một phần của tính trung dung chung đối với các căng thẳng Mỹ-Trung. Các quan chức Trung Quốc cũng cảm thấy thoải mái trước cảm giác thuộc chủ trương bảo hộ còn được liên tục ở cả Washington và Delhi, điều đó có nghĩa là, cả hai đều không có khả năng tham gia CPTPP (hoặc thậm chí RCEP) bất cứ lúc nào sớm. Thật vậy, lực hấp dẫn của nền kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn là công cụ lớn nhất để làm suy yếu Bộ Tứ và lật đổ các nỗ lực bài Hoa rộng rãi hơn: đối với Bắc Kinh, tăng trưởng kinh tế liên tục của Trung Quốc và tăng tỷ trọng của nền kinh tế toàn cầu vẫn là lợi thế chiến lược quan trọng nhất của Trung Quốc, như Trung Quốc đã có trong quá khứ.
Trung Quốc cũng sẽ tăng gấp đôi hợp tác chiến lược và quân sự với Nga. Moscow và Bắc Kinh đã cam kết mở rộng hợp tác song phương về năng lượng hạt nhân, và trong cuộc điện đàm tháng 5 với Tập, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi các quan hệ Nga-Hoa là „tốt nhất trong lịch sử“. Từ quan điểm của Trung Quốc, Nga đóng vai trò là một đối tác quân sự hữu ích và, đối với Bộ Tứ, cung cấp một cách để mở rộng lĩnh vực lựa chọn chiến lược của Trung Quốc về mặt địa lý. Ví dụ, sự gần gũi của Nga với Nhật Bản và việc tiếp tục chiếm đóng các lãnh thổ phía Bắc của Nhật Bản có thể khiến Tokyo hai lần suy nghĩ trước khi gia nhập với Hoa Kỳ trong bất kỳ kịch bản quân sự nào trong tương lai liên quan đến Trung Quốc.
Việc tiếp tục củng cố Bộ Tứ cũng sẽ thúc đẩy sự gia tăng kinh phí quốc phòng của Trung Quốc hơn nữa. Ngay cả khi một số nhà phân tích Trung Quốc nghi ngờ về tác động thực tế của Bộ Tứ đối với gánh nặng của chiến tranh, các quan chức quân sự sẽ lập luận rằng họ phải sẵn sàng cho các kịch bản tồi tệ nhất liên quan đến Bộ Tứ. Các quan chức Trung Quốc cảnh giác với việc lặp lại sai lầm của Liên Xô về việc tăng cường quá mức về quân sự làm gây thiệt hại cho nền kinh tế dân sự. Nhưng nếu họ thấy mối tương quan của các lực lượng của Hoa Kỳ và các đồng minh của họ đang thay đổi chống lại Trung Quốc, kinh phí quốc phòng của Bắc Kinh sẽ tăng một cách tương ứng, thúc đẩy cuộc chạy đua vũ trang khu vực ở châu Á.
Cuối cùng, vấn đề lớn nhất có thể là tất cả những điều này có ý nghĩa gì đối với Tập, đặc biệt là trong thời gian chuẩn bị cho Đại hội Đảng lần thứ 20, vào mùa thu năm 2022, nơi Tập hy vọng sẽ đảm bảo sự thống trị chính trị trong lâu dài của riêng mình. Có một số cơ hội mà sự tiến bộ của Bộ Tứ sẽ mang lại cho những giới bình luận về Tập có bằng chứng bổ sung về khuynh hướng chiến lược vượt qúa khả năg của Tập. Tuy nhiên, nhiều khả năng cho thấy là, cuối cùng, Tập sẽ cố gắng củng cố thực lư6c trong tay của mình bằng cách chỉ vào Bộ Tứ như là bằng chứng là các đối thủ của Trung Quốc đang vây chặt đất mẹ, do đó để củng cố thêm quyền lực của mình.
KEVIN RUDD là Chủ tịch Hiệp hội Châu Á, tại New York, và trước đây là Thủ tướng Úc.
*Tựa đề bản dịch là cùa người dịch
Bài liên quan:
Điểm sách: Đe dọa nhất trong khi suy yếu?
Thế chiến tương lai sẽ bùng nổ vào năm 2034