Đỗ Kim Thêm dịch

Với tư cách thành viên hạn chế, tổ chức G20 đã tự thể hiện tốt bằng cách thay mặt cho hầu hết cho dân chúng và sản lượng kinh tế của thế giới khi bổ sung hùng hậu cho cơ quan Liên Hiệp Quốc (LHQ)
Bằng cách mở rộng khi thu nhận Liên minh châu Phi (AU), nhóm G20 sẽ vượt qua giới hạn lớn nhất của mình mà không mất đi khả năng linh hoạt.
Nhóm G20 đã trở thành một trụ cột của chủ nghĩa đa phương. Mặc dù thế giới có nhiều địa điểm đàm phán cấp cao, nhóm G20 đại diện cho một loại tốt nhất, tích cực hỗ trợ cho các cuộc đối thoại trong toàn cầu, tranh luận và – quan trọng nhất – là giải quyết vấn đề kinh tế. May mắn thay, hạn chế lớn nhất của tổ chức này – là nó loại ra 96% dân số châu Phi – có thể dễ dàng khắc phục bằng cách thu nhận AU.
Để chắc chắn, kể từ thời kỳ đầu sau khi Thế chiến II, chủ nghĩa đa phương đã hoạt động chủ yếu thông qua hệ thống LHQ. Với 193 quốc gia thành viên, LHQ cung cấp lộ trình duy nhất và cần thiết để tạo ra và thực thi luật pháp quốc tế. Mặc dù LHQ thường xuyên bị phá hoại bởi chủ nghĩa đơn phương của Hoa Kỳ và các cường quốc khác, nhưng nó vẫn rất cần thiết cho sự tồn tại trong toàn cầu. Với khoảng 3 tỷ đô la mỗi năm, ngân sách chính của LHQ là thiếu hụt, mà có lẽ đó là một phần mười những gì nó phải có, và bị thiếu tài trợ kinh niên. Tuy nhiên, LHQ vẫn có những đóng góp to lớn và cần thiết cho hòa bình, nhân quyền và phát triển bền vững.
Nhưng nhóm G20 cũng đã đóng một vai trò quan trọng. Đại diện cho 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nó cho phép giải quyết vấn đề linh hoạt và nhanh hơn. Khi LHQ cho phép mỗi thành viên của mình mười phút để nói về một vấn đề, các nhận xét mất 32 giờ; khi nhóm G20 thảo luận vấn đề, nó chỉ mất hơn ba giờ. Trong khi các quyết định của nhóm G20 không có hiệu lực của luật quốc tế, họ có thể và hỗ trợ các tiến trình tương ứng của LHQ, chẳng hạn như về biến đổi khí hậu và tài chính phát triển.
Một địa điểm khác để đàm phán là nhóm G7 được ra mắt vào năm 1975 để tập hợp các nền kinh tế có thu nhập cao nhất thế giới. Năm 1998, tôi đề nghị tăng gấp đôi cho quy mô của nhóm (lúc đó nó đã trở thành G8 với việc bổ sung Nga) để bao gồm tám nền kinh tế lớn đang phát triển. Một nhóm G16, tôi lập luận, „sẽ không tìm cách ra lệnh cho thế giới, mà là thiết lập các giới hạn cho một cuộc đối thoại đổi mới và trung thực“ giữa các nước phát triển và đang phát triển.
Ngay sau đó, nhóm G20 được tạo ra để đóng vai trò đó. Nó xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1999 như là một cuộc họp của các bộ trưởng tài chính, và sau đó phát triển thành một cuộc họp của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ để đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Kể từ đó, nhóm G7 ngày càng trở nên không còn là đại diện và có khả năng trong các hành động quan trọng (khiến tôi lập luận hồi đầu năm nay là nó nên được loại bỏ hoàn toàn).
Nhóm G20 hiện tại bao gồm 19 chính phủ quốc gia cộng với Liên minh châu Âu (EU). (Vì Pháp, Đức và Ý là thành viên của nhóm G20 trong EU, trong thực tế, họ có hai lần đại diện.) Việc đưa EU vào trong nhóm này là một kỳ công tập hợp. Bởi vì EU điều phối các chính sách kinh tế trên 27 quốc gia thành viên của mình, Ủy ban châu Âu, cánh tay điều hành của nó, có thể phát biểu đáng một cách đáng tin cậy cho khối về các vấn đề kinh tế quan tâm trong toàn cầu.
Hơn nữa, tiến trình trong nhóm G20 lần lượt tăng cường các nỗ lực phối hợp trong nội bộ của EU, cuối cùng xác định lại lợi ích của 27 thành viên. Do đó, nhóm G20 đại diện cho 43 quốc gia (27 thành viên của EU cộng với 16 quốc gia ngoài EU) chỉ đúng với 20 nhà lãnh đạo tại bàn đàm phán.
Trong khi 43 quốc gia đó chỉ chiếm 22% các quốc gia thành viên của LHQ (theo số liệu thuần), tuy nhiên, nhóm bao gồm khoảng 63% dân số thế giới và 87% tổng sản lượng thế giới. Mặc dù 43 quốc gia được đại diện tại bàn hội nghị của nhóm G20 không nói thay cho 150 quốc gia thành viên khác của LHQ, nhưng họ thay mặt đủ cho số người dân và hoạt động kinh tế trên thế giới để có cơ sở vững chắc trong việc thảo luận các thách thức toàn cầu.
Nhưng bằng cách loại trừ hầu hết châu Phi, nhóm này rõ ràng là không đại diện cho châu Phi và các quốc gia có thu nhập thấp trên thế giới. 55 quốc gia của AU (hơn một phần tư số thành viên LHQ) là nơi sinh sống của 1,4 tỷ người (17,5% trong tổng số toàn cầu) và 2,6 nghìn tỷ đô la sản lượng hàng năm theo tỷ giá hối đoái thị trường (gần 3% GDP thế giới).
Tất cả con số này đã nói là, châu Phi hiện có dân số gần giống như Trung Quốc hoặc Ấn Độ, và một nền kinh tế sẽ đứng thứ tám – chỉ sau Pháp và trước Ý – trong một bảng xếp hạng quốc gia. Tỷ lệ dân số và sản lượng của châu Phi sẽ tăng lên trong những năm sắp tới.
Nam Phi, thành viên châu Phi duy nhất của nhóm G20, có nền kinh tế lớn thứ 39 trên thế giới, nhỏ nhất trong số các quốc gia thành viên nhóm G20. Các GDP của Nigeria và Ai Cập thực sự là lớn hơn Nam Phi, nhưng họ vẫn không nằm trong nhóm đứng đầu trong 20 nước trên thế giới.
Do đó, các nhà lãnh đạo châu Phi, ngoài Nam Phi ra, chỉ được mời tham dự G20 với tư cách là nhà quan sát. Sự đại diện rất hạn chế của châu Phi giới hạn đáng kể sự đóng góp của châu Phi trong các cuộc thảo luận của nhóm G20 về các vấn đề chính yếu về kinh tế toàn cầu, không chỉ tại các hội nghị thượng đỉnh G20 hàng năm mà còn trong các cuộc họp bộ trưởng và kỹ thuật quanh năm.
Mấu chốt cho tính hiệu quả của nhóm G20 là nó đạt được mức độ bao phủ rất cao và đại diện cho dân chúng và nền kinh tế toàn cầu với số lượng khiêm tốn của các nhà lãnh đạo để cho phép tăng tốc độ và tính linh hoạt trong việc thảo luận và quyết định. Thu nhận AU sẽ đáp ứng cả hai tiêu chí: tính đại diện tăng lên đáng kể chỉ với một ghế bổ sung tại bàn đàm phán. Đột nhiên nhóm sẽ đại diện cho 54 quốc gia khác, thêm 1,3 tỷ người và sản lượng thêm 2,3 nghìn tỷ đô la, chỉ với mười phút được thêm vào một cuộc thảo luận bàn tròn.
Hơn nữa, việc thu nhận AU thành nhóm G21 mở rộng sẽ có tác dụng đánh bóng châu Phi tương tự mà sự tham gia của EU trong nhóm G-20 có ở trong châu Âu: nó sẽ tăng cường phối hợp chính sách và gắn kết giữa 55 nền kinh tế châu Phi.
Với nhiều thách thức cấp bách trong năm nay, nhóm G20 sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ tư cách thành viên tức khắc của AU. Các ưu tiên chính bao gồm đạt được phạm vi bao phủ phổ quát vắc-xin để ngăn ngừa nhiều ca tử vong do COVID-19 hơn và sự lây lan của các biến thể mới; đưa ra các biện pháp mới để giảm thiểu thiệt hại kinh tế trong lâu dài do đại dịch gây ra; và đảm bảo các cam kết khử cacbon giữa thế kỷ từ tất cả các quốc gia và khu vực để tránh thảm họa khí hậu.
Vì nhóm G20 là một lộ trình quan trọng như vậy, các thành viên tham vọng khác chắc chắn sẽ đến gõ cửa nhóm G20. Nhóm sẽ phải cân bằng lợi ích của việc đại diện rộng rãi hơn so với lợi ích của một thành viên nhỏ, linh hoạt hơn. Khi nói đến AU, sự lựa chọn là hiển nhiên. Một nhóm G21 mới sau đó có thể nói với những người tham vọng khác tìm kiếm đại diện thông qua các phái đoàn khu vực tương tự – chẳng hạn như ASEAN cho 661 triệu người ở mười quốc gia Đông Nam Á đó, hoặc một nhóm tương tự cho Mỹ Latinh.
Năm nay, nhóm G20 nằm trong tay Thủ tướng Ý Mario Draghi, một người có khả năng cao độ. Ý có thể sử dụng nhiệm kỳ chủ tịch của mình để để lại một di sản lâu dài. Bằng cách mời AU tham gia hội nghị thượng đỉnh sắp tới tại Rome vào cuối tháng 10, nhóm G20 có thể đóng góp đáng kể vào việc xây dựng một thế giới thịnh vượng, toàn diện và bền vững hơn.
***
Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững, Đại học Columbia và Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, Cố vấn cho ba Tổng Thư ký LHQ và Người vận động SDG dưới quyền Tổng Thư Ký António Guterres.
Tác giả các sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, Building the New American Economy, A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism. Tác phẩm mới nhất là The Ages of Globalization
* Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch