Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch

Kevin Dietsch/Getty Images
Đứng trước những mối đe dọa do Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đặt ra, tình trạng tự vệ của Nhật Bản phụ thuộc hơn bao giờ hết vào sức mạnh của các liên minh. Bằng cách gia tăng đáng kể kinh phí quốc phòng và theo đuổi hợp tác quân sự chặt chẽ hơn với Hoa Kỳ, chính phủ hiện tại đang đi đúng hướng.
Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tuyên bố mở rộng sức mạnh quân sự đầy tham vọng nhất ở Nhật Bản kể từ khi thành lập Lực lượng Phòng vệ của đất nước vào năm 1954. Kinh phí quốc phòng của Nhật Bản sẽ tăng lên 2% của GDP, gấp đôi mức 1% đã chiếm ưu thế kể từ năm 1976, và Chiến lược ninh Quốc gia mới đưa ra tất cả các công cụ về ngoại giao, kinh tế, công nghệ và quân sự mà Nhật Bản sẽ sử dụng để tự bảo vệ trong những năm sắp tới.
Đáng chú ý nhất là việc Nhật Bản sẽ mua được loại tên lửa tầm xa mà họ đã từ bỏ trước đó, và họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để tăng cường phòng thủ cận duyên xung quanh “chuổi đào đầu tiền“ ngoài khơi Trung Quốc. Tháng trước tại Washington, sau chuyến công du ngoại giao của ông Kishida qua một số nước khác thuộc khối G7, ông và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết hợp tác quốc phòng chặt chẽ hơn. Trong số các yếu tố thúc đẩy những thay đổi này là sự quyết đoán công kích ngày càng gia tăng của Trung Quốc đối với Đài Loan và đặc biệt là cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine, điều này nhắc nhở cho thế hệ mới biết về sự xâm lược quân sự trông như thế nào.
Tất nhiên, một số các lân bang của Nhật Bản lo ngại rằng Nhật sẽ nối lại vị thế quân phiệt như trong những năm 1930. Khi người tiền nhiệm của Kishida, Abe Shinzo mở rộng cách giải thích hiến pháp về tự vệ, bao gồm các hoạt động tập thể với các đồng minh của Nhật Bản, ông đã dấy lên những lo ngại cả trong khu vực và một số thành phần trong xã hội Nhật Bản.
Nhưng tình trạng báo động như vậy có thể được giảm bớt nếu người ta giải thích toàn bộ cốt truyện trong hậu trường. Sau Thế chiến thứ hai, chủ nghĩa quân phiệt đã bị mất uy tín nghiêm trọng ở Nhật Bản, và không chỉ vì hiến pháp do Mỹ đặt ra đã hạn chế vai trò tự vệ của quân đội Nhật Bản. Trong Chiến tranh Lạnh, an ninh của Nhật Bản phụ thuộc vào sự hợp tác với Mỹ. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào những năm 1990, một số nhà phân tích ở cả hai nước coi hiệp ước an ninh song phương có hiệu lực từ năm 1952 là một di tích, và một Ủy ban Nhật Bản được thành lập để nghiên cứu xem liệu Nhật Bản có thể hành động mà không cần có hiệp ước hay không, chẳng hạn như bằng cách dựa vào Liên Hiệp Quốc thay thế.
Nhưng Chiến tranh Lạnh kết thúc không có nghĩa là Nhật Bản không còn sống trong một khu vực nguy hiểm nữa. Lân bang Triều Tiên là một chế độ độc tài khó lường đoán đã liên tục đầu tư các nguồn lực kinh tế khan hiếm của đất nước vào công nghệ hạt nhân và tên lửa.
Một mối quan tâm to lớn và dài hạn hơn nhiều là sự trỗi dậy của Trung Quốc, một nước đã vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2010, và điều này gây tranh chấp về quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku ở Biển Hoa Đông. Ở phía bắc, Nga, một nước có vũ khí hạt nhân, tuyên bố có chủ quyền và kiểm soát các khu vực còn tranh chấp thuộc về Nhật Bản trước năm 1945. Và trên mặt trận kinh tế, Nhật Bản vẫn còn phụ thuộc vào hàng nhập khẩu đi qua các khu vực tranh chấp như Biển Đông. Đây là một nguồn rủi ro dai dẳng, bởi vì không giống như châu Âu sau năm 1945, Đông Á không bao giờ được hương lợi từ sự hòa giải toàn diện giữa các đối thủ hoặc thiết lập các thể chế khu vực mạnh mẽ.
Đứng trước tình hình này, Nhật Bản đã có bốn lựa chọn để đảm bảo cho nền an ninh của mình, chỉ một trong số đó là có nhiều hứa hẹn. Việc tu chỉnh tinh thần hiếu hoà ra khỏi hiến pháp và tái vũ trang toàn diện như một quốc gia hạt nhân sẽ rất tốn kém, nguy hiểm và thiếu sự hỗ trợ trong nước. Đồng thời, việc tìm kiếm chính sách trung lập và dựa vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc sẽ không cung cấp một nền an ninh phù hợp, trong khi việc thành lập một liên minh với Trung Quốc sẽ mang lại cho Trung Quốc quá nhiều ảnh hưởng đối với chính sách của Nhật Bản. Hoặc cuối cùng, Nhật có thể duy trì liên minh với siêu cường ở từ xa.
Liên minh đó cho đến nay là lựa chọn an toàn nhất và tiết kiệm chi phí nhất. Nhưng kể từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ vào năm 2016, một số người Nhật đã lo âu về việc Mỹ chuyển sang chủ trương cô lập. Ngay cả vào đầu những năm 1990, khi tôi tham gia tái đàm phán các điều khoản của liên minh Mỹ-Nhật vào cuối Chiến tranh Lạnh, các quan chức cấp cao của Nhật Bản sẽ hỏi tôi liệu một ngày nào đó Mỹ có thể bỏ rơi Nhật Bản khi Trung Quốc trở nên mạnh mẽ hơn hay không. Hồi đó, nhiều người Mỹ coi Nhật Bản là một mối đe dọa kinh tế, và nhiều người Nhật đã cởi mở với phương sách lấy Liên Hiệp Quốc làm trung tâm hơn để đảm bảo an ninh quốc gia của họ.
Tình hình đã thay đổi với Báo cáo Chiến lược năm 1995 của chính quyền Clinton, trong đó mời Trung Quốc tham gia nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế nhưng cũng phòng ngừa tình trạng bất trắc bằng cách củng cố liên minh với Nhật Bản. Năm 1996, Bản Tuyên bố Tokyo của Clinton và Hashimoto đã nói rõ, liên minh an ninh Mỹ-Nhật là nền tảng cho sự ổn định sau Chiến tranh Lạnh ở Đông Á. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề về mưc độ tin cậy về các đảm bảo của Mỹ, dẫn đến các cuộc thảo luận giữa các chuyên gia an ninh Hoa Kỳ và Nhật Bản, những người đã giúp xác định đầy đủ về nguyên tắc “răn đe mở rộng” của Mỹ.
Việc đảm bảo an ninh tốt nhất là sự hiện diện của quân đội Mỹ, mà Nhật Bản là nước chủ nhà đã giúp cho sự duy trì với sự hỗ trợ đầy hào phóng. Các biện pháp mới được Kishida và Biden công bố vào tháng Giêng vừa củng cố sự đảm bảo này vừa cung cấp tái bảo đảm trong trường hợp Trump hoặc một nhân vật giống Trump trở lại Nhà Trắng. Điều quan trọng là những biện pháp này không mang lại cho các nước láng giềng của Nhật Bản bất kỳ lý do gì để lo ngại là họ đã có lại sở thích gây hấn. Thực ra, củng cố liên minh Mỹ-Nhật Bản là cách tốt nhất để đảm bảo rằng Nhật Bản không bao giờ làm như vậy.
Trong hai thập niên vừa qua, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Richard L. Armitage và tôi đã đưa ra các báo cáo lưỡng đảng về cách củng cố liên minh Mỹ-Nhật. Khi một báo cáo như vậy giải thích, „Với những thay đổi năng động diễn ra trên khắp châu Á-Thái Bình Dương, Nhật Bản có thể sẽ không bao giờ có cơ hội tương tự để giúp định hướng số phận của khu vực. Khi lựa chọn vai trò lãnh đạo, Nhật Bản có thể đảm bảo vị thế của mình như một quốc gia đứng đầu và vai trò cần thiết như một đối tác bình đẳng trong liên minh.
Trong bối cảnh này, những hành động gần đây của Kishida có thể được coi là những bước đi thích hợp đúng hướng. Có tiềm năng to lớn để phát triển quan hệ đối tác bình đẳng hơn và hợp tác với những nước khác trong việc mang lại an ninh chung. Làm như vậy sẽ tốt đẹp cho Mỹ, tốt đẹp cho Nhật Bản và tốt đẹp cho các nơi khác trên thế giới. Các biến chuyển gần đây là cơ sở cho sự lạc quan về tương lai của liên minh Mỹ-Nhật và sự ổn định ở Đông Á.
***
Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư Đại học Harvard và đã từng là Cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ. Cuốn sách mới nhất của ông là Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump(Oxford University Press, 2020).