Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm dịch

Drew Angerer/Getty Images
Một cái nhìn cẩn trọng về các tình hình kinh tế của Mỹ ủng hộ quan điểm cho rằng lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi các sự gián đoạn từ phía cung và các sự thay đổi trong mô hình của nhu cầu. Với các điều kiện này, việc tăng thêm lãi suất nữa sẽ có rất ít hoặc không có tác dụng và sẽ gây ra những vấn đề sâu rộng cho chính lãi suất.
Bất chấp các chỉ số thuận lợi, vẫn còn quá sớm để nói là liệu lạm phát đã được kiểm soát không. Tuy nhiên, có hai bài học rõ nét đã xuất hiện từ đợt tăng giá gần đây.
Thứ nhất, các mô hình tiêu chuẩn của các nhà kinh tế, đặc biệt là mô hình chủ yếu cho rằng nền kinh tế luôn ở trạng thái cân bằng, thực sự là vô dụng. Và, thứ hai, những người khẳng định một cách hết sức tự tin là sẽ mất năm năm đầy khó khăn để loại bỏ lạm phát ra khỏi hệ thống, lập luận này đã bị bác bỏ. Lạm phát đã giảm đáng kể, với Bảng chỉ số giá tiêu dùng được điều chỉnh theo mùa vào tháng 12 năm 2022 chỉ cao hơn 1% so với tháng 6.
Có nhiều bằng chứng hùng hồn cho thấy là nguồn gốc chính của lạm phát là những cú sốc về phía cung liên quan đến đại dịch và sự thay đổi trong mô hình của nhu cầu, không vượt quá tổng số cầu và chắc chắn không phải là bất kỳ nhu cầu bổ sung nào do chi tiêu đại dịch tạo ra. Bất cứ ai có bất kỳ niềm tin nào vào nền kinh tế thị trường đều biết rằng các vấn đề về nguồn cung cuối cùng sẽ được giải quyết; nhưng không ai có thể biết là khi nào.
Rốt cuộc, chúng ta chưa bao giờ phải chịu đựng việc đóng cửa kinh tế do đại dịch gây ra, sau đó bởi sự mở cửa trở lại nhanh chóng. Đó là lý do tại sao các mô hình dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ tỏ ra không liên quan. Tuy nhiên, chúng ta có thể dự đoán rằng việc giải quyết các tắt nghẽn trong nguồn cung sẽ là không lạm phát, ngay cả khi điều này không nhất thiết phải chống lại tiến trình lạm phát trước đó ngay lập tức hoặc tong toàn bộ, vì do thị trường có xu hướng điều chỉnh tăng cao nhanh hơn so với khi điều chỉnh xuống.
Các nhà hoạch định chính sách tiếp tục cân bằng giữa rủi ro của các biện pháp làm quá ít so với làm quá nhiều. Các rủi ro của việc tăng lãi suất là rõ ràng: một nền kinh tế toàn cầu mong manh có thể bị đẩy vào tình trạng suy thoái, thúc đẩy nhiều cuộc khủng hoảng nợ hơn khi nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển mắc nợ nặng nề phải đối mặt với một gánh nặng có ba mặt của một đồng đô la mạnh, doanh thu xuất khẩu thấp hơn và lãi suất cao hơn. Đây sẽ là một trò đùa bắt chước. Sau khi đã để người ta chết một cách không cần thiết bằng cách từ chối chia sẻ quyền về tài sản trí tuệ cho vắc xin COVID-19, Hoa Kỳ đã cố tình áp dụng một chính sách có khả năng sẽ nhấn chìm các nền kinh tế dễ bị tổn thương nhất thế giới. Hầu như đây không phải là một chiến lược thắng thế đối với một quốc gia đã phát động một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc.
Tệ hơn nữa, thậm chí không rõ ràng rằng liệu có bất kỳ thuận lợi nào đối với khảo hướng này không. Thực ra, việc tăng lãi suất có thể gây hại nhiều hơn là lợi, bằng cách khiến các doanh nghiệp tốn kém hơn khi đầu tư vào các giải pháp cho những hạn chế về nguồn cung hiện tại. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã ngăn chận các công trình xây dựng gia cư, mặc dù nguồn cung nhiều hơn chính xác là điều cần thiết để hạ thấp một trong những nguồn gốc lớn nhất của lạm phát: chi phí nhà ở.
Hơn nữa, nhiều người định giá trên thị trường gia cư giờ đây có thể chuyển chi phí kinh doanh cao hơn cho người thuê nhà. Và trong thị trường bán lẻ và các thị trường khác nói chung, lãi suất cao hơn thực sự có thể gây tăng giá khi lãi suất cao hơn khiến cho các doanh nghiệp tính chiết khấu giá trị tương lai của việc mất khách hàng liên quan đến lợi ích hiện nay của giá cao hơn.
Chắc chắn, một tình trạng suy thoái nghiêm trọng sẽ chế ngự lạm phát. Nhưng tại sao chúng ta lại tạo ra điều đó? Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ, và các đồng nghiệp của ông dường như thích thú trong việc cổ vũ chống lại nền kinh tế. Trong khi đó, những người bạn của họ trong lĩnh vực ngân hàng thương mại đang làm giàu quá nhanh như ăn cướp khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đang trả lãi suất 4, 4% cho hơn 3 nghìn tỷ đô la dự trữ ngân hàng – nó mang lại lợi nhuận thuần hơn 130 tỷ đô la mỗi năm.
Để biện minh cho tất cả những điều này, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ chỉ ra những ông kẹ quen thuộc: lạm phát vô hạn, vòng xoáy giữa giá và lương và kỳ vọng lạm phát không còn trong vòng kiểm soát. Nhưng những ông kẹ này ở đâu? Không chỉ lạm phát giảm, mà tiền lương đang tăng chậm hơn giá cả (có nghĩa là không có vòng xoáy), và kỳ vọng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tỷ lệ kỳ vọng về lạm phát trong thời hạn năm năm sắp tới đang dao động chỉ trên 2%, hầu như không định hướng được
Một số người cũng lo ngại rằng chúng ta sẽ không quay trở lại đủ nhanh với mục tiêu cho tỷ lệ lạm phát là 2%. Nhưng hãy nhớ rằng, con số đó đã không đạt được kỳ vọng gì hết. Nó khôngcó ý nghĩa kinh tế, cũng như không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy rằng nó sẽ gây tốn kém cho nền kinh tế nếu lạm phát thay đổi giữa 2% và 4%. Ngược lại, với nhu cầu thay đổi cơ cấu trong nền kinh tế và sự cứng nhắc của việc giảm giá cả, chúng ta khuyến nghị là mục tiêu lạm phát nên cao hơn một chút.
Một số người cũng sẽ nói rằng lạm phát vẫn được chế ngự một cách chính xác, bởi vì các ngân hàng trung ương đã báo hiệu quyết tâm như vậy trong việc chống lạm phát. Con chó Woofie của tôi có thể đã rút ra kết luận tương tự như vậy bất cứ lúc nào nó sủa khi máy bay bay ngang qua nhà chúng tôi. Nó có thể tin rằng nó đã khiến cho máy bay sợ hãi, và việc không sủa sẽ làm tăng nguy cơ máy bay rơi trúng nó.
Người ta sẽ hy vọng rằng phân tích kinh tế hiện đại sẽ mang đết những kết quả sâu xa hơn việc Woofie từng sủa. Một cái nhìn cẩn trọng về những gì đang xảy ra và ở nơi đâu mà giá cả đã giảm, ủng hộ cho quan điểm cấu trúc rằng lạm phát chủ yếu được thúc đẩy bởi sự gián đoạn thuộc về phía cung và sự thay đổi trong mô hình của nhu cầu. Khi những vấn đề này được giải quyết, lạm phát có khả năng tiếp tục giảm.
Đúng vậy, còn quá sớm để nói chính xác là khi nào lạm phát sẽ được kiểm soát hoàn toàn. Và không ai biết những cú sốc mới nào đang chờ đợi chúng ta. Nhưng tôi vẫn đang đặt niềm tin của mình vào „Đội tạm thời“. Những người lập luận rằng lạm phát phần lớn sẽ được tự chữa khỏi (và tiến trình này có thể được đẩy nhanh bằng các chính sách để giảm bớt hạn chế về nguồn cung) vẫn là một trường hợp lập luận mạnh mẽ hơn nhiều so với những biện pháp ủng hộ với chi phí rõ ràng cao và kéo dài nhưng chỉ có những lợi ích đáng ngờ.
***
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel kinh tế, Giáo sư Đại học Columbia, Cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch High-Level Commission on Carbon Prices, Thành viên của Independent Commission for the Reform of International Corporate và là tác giả chính của IPCC Climate Assessment năm 1995.