Một động lực cải thiện trong trật tự quốc tế đang thay đổi
Tháng 11/12 năm 2021
Thái Anh Văn
Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thâu tóm Đài Loan, nhưng chừng nào khởi động là vấn đề khó lường đoán. Trong bóng hậu trường chính trị của Trung Quốc,Tập Cận Bình đã chuẩn bị từ lâu hai việc, một là chiếm Đài Loan và hai là trở thành “Hoàng đế Trung Hoa”.
Trong bản dịch sau đây, Tổng thống Thái Anh Văn đã thấy nguy cơ của quyền vẹn toàn lãnh thổ nên tuyên bố là: “Nếu Đài Loan thất bại, thì đó sẽ là một thảm họa cho hòa bình và dân chủ.“
Mỹ sẽ làm gì để cứu Đài Loan? Sau khi uy tín của Joe Biden trong việc Mỹ tháo chạy khỏi Afghanistan xuống thấp, thì việc hy sinh của Mỹ cho an ninh và dân chủ Đài Loan đến người lính Mỹ cuối cùng là chuyện không thể tin, vì Đảng Cộng hoà và dân chúng Mỹ không cho phép. Cho đến nay, Ely Ratner, chuyên gia phụ trách chiến lược đối phó với Trung Quốc, vẫn không có giải đáp, có nghĩa là, mập mờ trong chiến lược của Joe Biden vẫn còn tiếp tục.
Gần đây, Tập Cận Bình lại dịu giọng đối với ASEAN, nhưng các vấn đề Đài Loan và Biển Đông cũng không được giải quyết trong yêm thấm. Có nhiều suy đoán khác cho là trong tình hình mới hiện nay, bên cạnh Mỹ, vai trò của Ấn Độ, Nhật Bản và Úc cho tương lai của Đài Loan trở nên quan trọng.
Joe Biden đã thành công nhất định trong việc điều chỉnh chiến lược với Trung Quốc của Trump, nhưng không mang lại một sự ổn định trường kỳ cho tình thế, mà thực ra chỉ là khoảnh khắc tĩnh lặng cho một cơn bão mới sắp nổi lên. Mỹ sẽ tham chiến tại Đài Loan trong mức độ nào và có thể dẫn đến chiến tranh Ấn Độ -Thái Bình Dương hay thế giới không, thảm hoạ này là còn quá nhiều yếu tố khác để thảo luận. Dĩ nhiên, lòng kiên cuờng của bà Thái Anh Văn và nhân dân Đài Loan là vô cùng bất khuất mà bản dịch sau đây sẽ giới thiệu.
***
Câu chuyện về Đài Loan là một câu chuyện về sự kiên cường của một quốc gia đang đề cao các giá trị dân chủ, tiến bộ trong khi luôn đối mặt với thách thức thường trực cho sự sinh tồn của mình. Thành công của chúng tôi minh chứng cho những gì mà một người thực hành kiên định cho nền dân chủ có thể đạt được qua các đặc trưng là quản trị tốt và minh bạch
Tuy nhiên, câu chuyện của Đài Loan không chỉ là về việc duy trì lối sống dân chủ của riêng cho chúng tôi. Đó cũng là về sức mạnh và tinh thần trách nhiệm mà Đài Loan mang lại trong nỗ lực bảo vệ sự ổn định của khu vực và thế giới. Qua công việc miệt mài và lòng dũng cảm, 23,5 triệu người Đài Loan đã thành công trong việc tạo dựng chỗ đứng cho mình trong cộng đồng quốc tế.
Nổi lên từ đại dịch COVID-19, các chế độ độc tài tin chắc hơn bao giờ hết rằng mô hình quản trị của họ thích nghi tốt hơn là chế độ dân chủ theo yêu cầu của thế kỷ XXI. Điều này đã thúc đẩy cho một cuộc tranh giành của các ý thức hệ, và Đài Loan nằm ở giao điểm của các hệ thống cạnh tranh. Đài Loan mang tính dân chủ phương Tây đầy sinh động, nhưng vẫn chịu ảnh hưởng của nền văn minh Trung Quốc và được định hình bởi truyền thống châu Á. Nhờ cả sự sinh tồn và thịnh vượng liên tục, cùng một lúc Đài Loan thể hiện là một sự sĩ nhục trong các tự sự và là trở ngại đối với tham vọng trong khu vực của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Việc Đài Loan không chịu đầu hàng, kiên trì chấp nhận nền dân chủ và cam kết hoạt động như một thành phần liên quan có trách nhiệm (ngay cả khi bị loại trừ khỏi các định chế quốc tế gây khó khăn) hiện nay đang thúc đẩy nơi khác của thế giới đánh giá lại giá trị của nó như một nền dân chủ tự do trên tiền tuyến của một cuộc xung đột mới của các ý thức hệ. Khi các nước ngày càng nhận ra mối đe dọa mà Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra, họ nên hiểu giá trị của việc hợp tác với Đài Loan. Và họ nên nhớ rằng nếu Đài Loan sụp đổ, các hậu quả sẽ rất thảm khốc đối với hòa bình khu vực và hệ thống liên minh dân chủ. Điều này sẽ báo hiệu rằng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu về các giá trị ngày nay, chủ nghĩa độc tài có ưu thế hơn dân chủ.
Tương lai của khu vực Ần Độ-Thái Bình Dương
Diễn biến của Ấn Độ-Thái Bình Dương, khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, sẽ định hình theo nhiều cách tiến trình của thế kỷ XXI. Sự trỗi dậy của khu vực mang lại vô số cơ hội (trong mọi thứ, từ thương mại và sản xuất đến nghiên cứu và giáo dục) nhưng cũng mang lại những căng thẳng mới và mâu thuẫn hệ thống, nếu không được xử lý một cách khôn ngoan, có thể có các tác động tàn phá cho nền an ninh quốc tế và kinh tế toàn cầu. Điểm chính yếu trong số các nguyên nhân dẫn đến những căng thẳng này là sự trỗi dậy của chủ nghĩa chuyên chế quyết đoán và tự tin hơn, đang thách thức trật tự dân chủ tự do vốn đã xác định các mối quan hệ quốc tế kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc.
Bắc Kinh chưa bao giờ từ bỏ các tham vọng đối với Đài Loan. Nhưng sau nhiều năm với sự đầu tư hai con số vào quân đội Trung Quốc và hành vi bành trướng trên eo biển Đài Loan và các khu vực hàng hải xung quanh, Bắc Kinh đang thay thế cam kết về một giải pháp hòa bình bằng một tư thế ngày càng hung hăng. Kể từ năm 2020, các máy bay và tàu của Quân đội Giải phóng Nhân dân đã gia tăng đáng kể hoạt động ở eo biển Đài Loan, với các cuộc xâm nhập gần như hàng ngày vào vùng nhận dạng phòng không phía nam của Đài Loan, cũng như đôi khi băng qua đường trung tuyến ngầm giữa hòn đảo và lục địa Trung Quốc (mà chạy dọc giữa eo biển, từ phía đông bắc gần các đảo xa xôi của Nhật Bản đến phía tây nam gần Hồng Kông).
Bất chấp những diễn biến đáng lo ngại này, người dân Đài Loan đã nói rõ với toàn thế giới rằng nền dân chủ là không thể thương lượng. Giữa những cuộc xâm nhập gần như hàng ngày của Quân đội Giải phóng Nhân dân, quan điểm của chúng tôi về quan hệ hai bờ eo biển vẫn không thay đổi: Đài Loan sẽ không cúi đầu trước áp lực, nhưng cũng sẽ không trở thành nhà thám hiểm, ngay cả khi tích lũy được sự ủng hộ từ cộng đồng quốc tế. Nói cách khác, việc duy trì an ninh khu vực sẽ vẫn là một phần quan trọng trong chính sách tổng thể của chính phủ Đài Loan.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục bày tỏ sự cởi mở đối thoại với Bắc Kinh, như chính quyền đương nhiệm đã nhiều lần thực hiện kể từ năm 2016, miễn là cuộc đối thoại này diễn ra trên tinh thần bình đẳng và không có điều kiện tiên quyết về chính trị. Và chúng tôi đang đầu tư các nguồn lực đáng kể để nâng cao tinh thần hiểu biết của chúng tôi về chính quyền Bắc Kinh, điều này sẽ giảm rủi ro hiểu sai và đánh giá sai, đồng thời tạo điều kiện đưa ra quyết định chính xác hơn về các chính sách xuyên eo biển của chúng tôi. Chúng tôi mong muốn duy trì sự hiểu biết rõ ràng về môi trường bên ngoài, cả các mối đe dọa và cơ hội, để đảm bảo rằng Đài Loan sẵn sàng đối mặt với những thách thức.
Đồng thời, Đài Loan hoàn toàn cam kết làm việc với các thành viên khác trong khu vực để đảm bảo sự ổn định. Ví dụ, vào tháng 3, Đài Loan và Hoa Kỳ đã ký một bản giác thư về việc thành lập một nhóm công tác tuần duyên. Nhóm công tác này sẽ cải thiện giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa Lực lượng Hải Cảnh Hoa Kỳ và Đài Loan, trong khi tạo điều kiện hợp tác nhiều hơn trong các mục tiêu chung, chẳng hạn như bảo tồn tài nguyên hàng hải và giảm đánh bắt bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát. Sự hiểu biết như vậy sẽ đóng vai trò là bàn đạp để hợp tác nhiều hơn trong các vấn đề phi quân sự với các đối tác khác ở Ấn Độ- Thái Bình Dương.
Đài Loan cũng đã tung ra một loạt sáng kiến nhằm hiện đại hóa và tổ chức lại quân đội, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho những thách thức cả hiện tại và tương lai. Ngoài đầu tư vào các nền tảng truyền thống như máy bay chiến đấu, Đài Loan đã đầu tư mạnh mẽ vào các khả năng phi đối xứng, bao gồm cả hoà tiển chống chiến hạm di động được điều kiển từ tứ đất liền. Chúng tôi sẽ thành lập Cơ quan Động viên Quốc phòng Toàn diện vào năm 2022, một cuộc cải tổ quân sự nhằm đảm bảo rằng một lực lượng dự bị quân sự được đào tạo và trang bị tốt sẽ trở thành một phương tiện dự phòng đáng tin cậy hơn cho quân lực chính quy. Những sáng kiến như vậy nhằm tối đa hóa khả năng tự lực và, đồng thời báo hiệu rằng chúng tôi sẵn sàng chia sẻ gánh nặng và không coi thường sự hỗ trợ của các đối tác an ninh của chúng tôi.
Những nỗ lực của Đài Loan nhằm đóng góp vào an ninh khu vực không dừng lại ở đó. Chúng tôi hoàn toàn cam kết hợp tác với các nước láng giềng để ngăn chặn xung đột vũ trang ở Hoa Đông và Biển Đông, cũng như ở eo biển Đài Loan. Đài Loan nằm dọc theo chuỗi đảo đầu tiên, chạy từ phía bắc Nhật Bản đến Borneo; nếu ranh giới này bị phá vỡ bằng vũ lực, các hậu quả sẽ làm gián đoạn thương mại quốc tế và gây mất ổn định toàn bộ phía tây Thái Bình Dương. Nói cách khác, thất bại trong việc bảo vệ Đài Loan sẽ không chỉ là thảm họa đối với người Đài Loan; nó sẽ đảo lộn một cấu trúc an ninh đã cho phép hòa bình và phát triển kinh tế phi thường trong khu vực trong bảy thập kỷ.
Đài Loan không tìm kiếm sự đối đầu quân sự. Đài Loan hy vọng về sự chung sống hòa bình, ổn định, có thể dự đoán được và cùng có lợi với các nước láng giềng. Nhưng nếu nền dân chủ và cách sống của họ bị đe dọa, Đài Loan sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để tự vệ.
Mô hình Đài Loan
Lịch sử Đài Loan chứa đầy cả gian nan và thành tựu, và tác giả của lịch sử này là người dân Đài Loan. Trong vài thập kỷ qua, chúng ta đã vượt qua nghịch cảnh và sự cô lập quốc tế để đạt được một trong những cuộc chuyển đổi dân chủ thành công nhất trong lịch sử chính trị hiện đại. Các thành phần quan trọng của thành tựu này là sự kiên nhẫn, tháo vát, tính thực dụng và tính kiên trì không chịu khuất phục. Hiểu được sự cân bằng quyền lực mong manh trong khu vực và nhu cầu hỗ trợ, người Đài Loan biết rằng hợp tác thực tế thường tốt hơn là ồn ào hoặc mạo hiểm và rằng sẵn sàng giúp một tay sẽ tốt hơn là cố gắng kích động hoặc áp đặt một hệ thống lên người khác.
Trong khi người dân Đài Loan không phải lúc nào cũng đạt được sự đồng thuận, theo thời gian, một bản sắc tập thể đã xuất hiện. Thông qua tương tác của chúng tôi với các nơi khác của thế giới, chúng tôi đã tiếp thu các giá trị mà chúng tôi đã tạo ra cho của riêng mình, kết hợp chúng với truyền thống địa phương để tạo ra một trật tự tự do, tiến bộ và một ý thức mới về ý nghĩa của người Đài Loan.
Trung tâm của bản sắc này là sự chấp nhận nền dân chủ của chúng tôi, phản ánh sự lựa chọn mà người Đài Loan đã đưa ra và chiến đấu sau nhiều thập kỷ cai trị độc tài. Một khi người Đài Loan đã lựa chọn như vậy thì sẽ không bao giờ quay lại. Mặc dù có thể không hoàn hảo, dân chủ đã trở thành một phần không thể thương lượng của con người chúng tôi. Quyết tâm này mang lại cho Đài Loan khả năng kiên cường để đối mặt với những thách thức của thế kỷ XXI và tạo ra một bức tường lửa chống lại các thế lực, cả bên trong và bên ngoài, đang tìm cách phá hoại các thể chế dân chủ mà Đài Loan đã gian nan khi giành được.
Một phần cơ bản của việc bám chặt nền dân chủ là niềm tin chắc chắn rằng tương lai của Đài Loan sẽ do người Đài Loan quyết định thông qua các phương tiện dân chủ. Mặc dù người Đài Loan cảm nhận theo một số cách khác nhau về tương lai này sẽ chính xác như thế nào, chúng tôi thống nhất trong cam kết về dân chủ cũng như các giá trị và thể chế cho phép chúng tôi chống lại những nỗ lực bên ngoài làm xói mòn bản sắc của chúng tôi và thay đổi lối sống mà chúng tôi qúy trọng. Phần lớn chúng tôi coi dân chủ là hình thức chính phủ tốt nhất cho Đài Loan và sẵn sàng làm những gì cần thiết để bảo vệ. Những niềm tin đó được thử thách hàng ngày, nhưng chắc chắn rằng người dân sẽ vươn lên nếu chính sự tồn tại của Đài Loan đang bị đe dọa.
Xã hội dân sự luôn đóng một vai trò quan trọng ở Đài Loan. Trong thời kỳ Quốc Dân Đảng cai trị độc tài, phong trào Dangwai đã thúc đẩy dỡ bỏ thiết quân luật và dân chủ hóa cho Đài Loan; ngay cả sau khi là công cụ để chấm dứt tình trạng thiết quân luật, nó vẫn tiếp tục đưa ra một cuộc kiểm tra tích cực và hiệu quả đối với quyền lực của chính phủ. Ngày nay, mức độ vai trò của xã hội dân sự Đài Loan trong quản trị là không thể sánh được ở bất kỳ nơi nào trong khu vực, phản ánh sự tin tưởng giữa các quan chức được bầu và công dân, do đó, họ là những người có thể tác động đến chính sách cả trong và giữa các cuộc bầu cử.
Xã hội dân sự của Đài Loan cũng đã chứng minh thành phần không thể thiếu của hòn đảo này trong vị thế quốc tế. Việc loại Đài Loan ra khỏi Liên Hiệp Quốc và hầu hết các định chế quốc tế khác có thể dẫn đến sự cô lập, nhưng thay vào đó, Đài Loan đã khai thác sức sáng tạo và năng lực to lớn của người dân, cho phép chúng tôi thiết lập các kết nối trong toàn cầu bằng các cách khác, thông qua các doanh nghiệp nhỏ, các tổ chức phi chính phủ và nhiều nhóm bán chính thức. Thay vì là một trở ngại, việc nhiều quốc gia từ chối chính thức công nhận Đài Loan buộc chúng tôi phải suy nghĩ bất đối xứng, chống lại những nỗ lực phủ nhận sự tồn tại của Đài Loan bằng cách tăng cường gắn kết của chúng tôi với thế giới thông qua các kênh phi truyền thống.
Nói tóm lại, mặc dù bị cô lập trong nhiều thập kỷ, người dân Đài Loan đã thành công trong việc tạo dựng một vị trí cho mình trong cộng đồng quốc tế, và biến Đài Loan thành một cường quốc kinh tế và một trong những nền dân chủ sôi động nhất ở Ấn Độ -Thái Bình Dương.
Thay đổi các quy tắc
Bất chấp những thách thức phi thường đối với sự tồn tại của Đài Loan, khả năng của Đài Loan để tồn tại và thậm chí phát triển mạnh mẽ như là một nền dân chủ tự do có ý nghĩa quan trọng đối với các quy tắc hiện hành trong quan hệ quốc tế. Nỗ lực của chúng tôi để đóng một vai trò có ý nghĩa hơn trong cộng đồng quốc tế đang phát triển trong bối cảnh nền chính trị khu vực đang thay đổi, với những thách thức quyết đoán hơn đối với trật tự quốc tế tự do, được hỗ trợ bởi sức mạnh kinh tế và chính trị để biến những tham vọng đó thành hành động. Với nhận thức ngày càng cao về tác động tiềm tàng của những tham vọng độc tài như vậy, ngày càng nhiều quốc gia sẵn sàng xem xét lại các giả định lâu đời của họ và những hạn chế tự đặt ra đối với việc gắn bó với Đài Loan.
Thông qua sự phát triển của mình với tư cách là một cường quốc kinh tế và một nền dân chủ trong tinh thần tham dự, Đài Loan đang tìm cách trở thành, và theo nhiều cách đã là, một phần của giải pháp cho những thách thức đang nổi lên với sự phân chia ảnh hưởng trong quy mô hành tinh, từ biến đổi khí hậu và các dịch bệnh mới, đến gia tăng vũ khí và khủng bố, đối với nạn buôn người và các mối đe dọa đối với chuỗi cung ứng. Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rằng thế giới hiện đang kết nối với nhau đến mức sự bùng phát dịch bệnh ở một góc của hành tinh có thể đạt tỷ lệ đại dịch trong vòng vài tháng. Trong nhiều trường hợp, tốc độ phát sinh và lan rộng các trường hợp khẩn cấp mới vượt quá khả năng ứng phó của các quốc gia và các định chế quốc tế hiện có. Để chuẩn bị cho các tình huống khẩn cấp trong tương lai, cộng đồng quốc tế phải hướng tới tính kết hợp thay vì tuân thủ một cách cứng nhắc các cấu trúc hiện tại.
Ngay cả khi đã trải qua một vụ bùng phát trong vụ COVID-19 vào mùa xuân năm ngoái, Đài Loan đã chứng minh cho thế giới thấy rằng các hệ thống dân chủ có thể ứng phó hiệu quả với đại dịch, khai thác sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và mạng lưới giám sát trong khi đảm bảo rằng thông tin tập hợp được sử dụng một cách có trách nhiệm. Đại dịch cũng đã tạo cơ hội cho Đài Loan chia sẻ kinh nghiệm của mình với thế giới và cung cấp hỗ trợ y tế rất cần thiết cho các quốc gia đang lo chống chọi.
Mặc dù từ lâu đã bị loại ra khỏi các tổ chức toàn cầu như Tổ chức Y tế Thế giới, khiến Đài Loan không còn lựa chọn nào khác ngoài việc phát triển của riêng mình các phương pháp hợp tác và giao tiếp với các đối tác quốc tế. Việc bị loại khỏi Liên Hiệp Quốc và các thể chế đa phương khác đã khuyến khích khả năng phục hồi và thúc đẩy các phương pháp tiếp cận mới để đối phó với các thách thức và khủng hoảng thuộc mọi loại.
Mặc dù bị cộng đồng quên lãng, Đài Loan đã nỗ lực tuân thủ các nghị định thư quốc tế, chẳng hạn như Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu, tu chỉnh luật quốc nội và tìm kiếm công thức riêng để đối phó với những thách thức ngày càng phức tạp. Đài Loan cũng đang tích cực hợp tác với các đối tác về sự phát triển của khu vực. Năm 2016, chúng tôi đã đưa ra Chính sách Hướng Nam Mới, tạo điều kiện cho sự thịnh vượng trong khu vực thông qua quan hệ đối tác thương mại và đầu tư, giao lưu giáo dục và giao lưu nhân sự cũng như hợp tác công nghệ và y tế với các quốc gia ở Nam và Đông Nam Á, cũng như Úc và New Zealand. Đài Loan cũng đang đầu tư vào các đối tác này thông qua cộng đồng doanh nghiệp của mình, đồng thời thúc đẩy chuỗi cung ứng an toàn và phát triển khu vực.
Thật vậy, với sự dẫn đầu về công nghệ cao và lực lượng lao động được giáo dục và toàn cầu hóa, Đài Loan có vị trí tốt để giúp tạo ra chuỗi cung ứng toàn cầu an toàn trong các lĩnh vực như chất bán dẫn, công nghệ sinh học và năng lượng tái tạo – tất cả các lĩnh vực cần hợp tác quốc tế hơn bao giờ hết. Ngành công nghiệp bán dẫn của chúng tôi đặc biệt quan trọng: một “lá chắn silicon” cho phép Đài Loan bảo vệ mình và những người khác khỏi những nỗ lực gây hấn của các chế độ độc tài nhằm phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.
Chúng tôi đang nỗ lực để tăng cường hơn nữa vai trò của mình trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng toàn cầu với sáng kiến trung tâm sản xuất cao cấp mới trong khu vực, sẽ củng cố vị trí của chúng tôi trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Bên cạnh việc sản xuất chip máy tính, Đài Loan còn tích cực trong lĩnh vực sản xuất chính xác cao, trí tuệ nhân tạo, ứng dụng 5G, năng lượng tái tạo, công nghệ sinh học, v.v., giúp tạo ra các chuỗi cung ứng toàn cầu và đa dạng hơn có thể chống lại sự gián đoạn, do con người hay cách khác.
Đài Loan có thêm sức mạnh mềm từ năng lực chuyên môn và trong nhiều lĩnh vực khác, bao gồm giáo dục, y tế công cộng, y tế và phòng chống thiên tai. Và đây là những lĩnh vực mà các chuyên gia và tổ chức của chúng tôi đang đảm nhận vai trò ngày càng tăng trong khu vực. Ví dụ, các trường đại học của chúng tôi đã sẵn sàng làm việc với các trường đại học khác trong khu vực để phát triển việc huấn luyện Hoa ngữ . Các cơ sở y tế của chúng tôi đang chia sẻ chuyên môn về công nghệ và quản lý y tế với các đối tác trên khắp Châu Á.
Và chúng tôi sẵn sàng làm việc với các nước lớn để cung cấp đầu tư cơ sở hạ tầng ở các nước đang phát triển, tận dụng hiệu quả đồng thời thúc đẩy quản trị tốt, minh bạch và bảo vệ môi trường. Những nỗ lực tương tự cũng đang được thực hiện thông qua một thỏa thuận với Hoa Kỳ nhằm tăng cường hợp tác về tài trợ cơ sở hạ tầng, đầu tư và phát triển thị trường ở Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Nói tóm lại, Đài Loan có thể là một lực lượng quan trọng trong sự phát triển hòa bình và thịnh vượng của khu vực chúng ta và trên thế giới.
Các giá trị dân chủ
Nằm trên chiến tuyến của cuộc cạnh tranh toàn cầu giữa trật tự dân chủ tự do và sự thay thế độc tài, Đài Loan cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố nền dân chủ toàn cầu. Năm 2003, chúng tôi đã thành lập tổ chức phi chính phủ đầu tiên của khu vực nhằm hỗ trợ và vận động dân chủ, Quỹ Đài Loan cho Dân chủ (the Taiwan Foundation for Democracy, TFD). theo các mô hình National Endowment for Democracy của Hoa Kỳ và Westminster Foundation for Democracy của Vương quốc Anh, TFD cung cấp tài trợ cho các tổ chức phi chính phủ khác, quốc tế và trong nước, ủng hộ sự phát triển dân chủ và nhân quyền.
Nó cũng hoạt động để thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng vào quản trị thông qua các cơ chế như lập ngân sách có sự tham gia và khuyến khích sự tham gia của thanh niên thông qua các sáng kiến như chương trình Lãnh đạo trẻ Châu Á vì Dân chủ hàng năm. Vào năm 2019, TFD đã tổ chức diễn đàn khu vực đầu tiên về tự do tôn giáo và chính phủ của tôi đã bổ nhiệm đại sứ đầu tiên về tự do tôn giáo.
Thành tích mạnh mẽ của Đài Loan về dân chủ, bình đẳng giới tính, tự do báo chí và tự do tôn giáo cũng đã khiến Đài Loan trở thành ngôi nhà chung của ngày càng nhiều tổ chức phi chính phủ toàn cầu, vốn đang phải đối mặt với một môi trường ngày càng khó khăn ở châu Á. Các tổ chức bao gồm Reporters Without Borders, the National Democratic Institute, the International Republican Institute, the European Values Center for Security Policy, and the Friedrich Naumann Foundation for Freedom Tổ chức đã thành lập các văn phòng khu vực tại Đài Loan.
Từ Đài Loan, họ có thể tiếp tục công việc quan trọng của mình trong khu vực mà không bị chính quyền đe dọa thường xuyên theo dõi, quấy rối và gián đoạn. Chúng tôi cũng tỏ ra hiếu khách với các tổ chức quốc tế quan tâm đến việc thiết lập sự hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương, giúp biến Đài Loan thành một trung tâm thúc đẩy lợi ích của cộng đồng dân chủ.
Trong khi đó, Khuôn khổ Hợp tác và Đào tạo Toàn cầu (Global Cooperation and Training Framework. GCTF), một nền tảng do Đài Loan, Hoa Kỳ và các đối tác khác cùng quản lý cho phép chúng tôi chia sẻ kiến thức chuyên môn của mình với các nước trên thế giới — đã thúc đẩy sự hợp tác sáng tạo về các vấn đề như thực thi pháp luật, y tế công cộng sức , và quản trị tốt. Ví dụ, một vòng hoạt động gần đây của GCTF tập trung vào kiến thức truyền thông và cách các nền dân chủ có thể chống lại thông tin sai lệch, một lĩnh vực mà Đài Loan có rất nhiều kinh nghiệm.
Trong 5 năm qua, hơn 2.300 chuyên gia và quan chức từ hơn 87 quốc gia đã tham dự các hội thảo của GCTF tại Đài Loan, và diễn đàn sẽ tiếp tục được mở rộng, mang đến một con đường hợp tác tốt hơn giữa Đài Loan và các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Hoa Kỳ. Trên thực tế, Đài Loan hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ trong nhiều vấn đề, nhằm phục vụ hòa bình và ổn định khu vực. Hy vọng của chúng tôi là gánh vác nhiều trách nhiệm hơn bằng cách trở thành một đối tác kinh tế và chính trị thân thiết của Hoa Kỳ và các quốc gia cùng chí hướng khác.
Một động lực cải thiện
Mối đe dọa do các chế độ độc tài gây ra đã đóng vai trò như một lời cảnh tỉnh quan trọng đối với các nền dân chủ, thúc đẩy họ thoát khỏi sự tự mãn của mình. Mặc dù vẫn còn những thách thức bất thường, nhưng các nền dân chủ trên thế giới hiện đang nỗ lực để bảo vệ các giá trị của mình và đổi mới các thể chế đã đã sơ cứng của họ. Các liên minh đang được nhen nhóm lại để phục vụ lợi ích của cộng đồng quốc tế.
Đài Loan có thể nhỏ về mặt lãnh thổ, nhưng đã chứng minh rằng có thể có một sự hiện diện lớn trên toàn cầu và sự hiện diện này rất quan trọng đối với thế giới. Đài Loan đã kiên trì đối mặt với các mối đe dọa sinh tồn và biến mình trở thành một tác nhân không thể thiếu ở Ấn Độ – Thái Bình Dương. Và thông qua tất cả, cam kết của người Đài Loan đối với nền dân chủ mạnh mẽ hơn bao giờ hết: người dân Đài Loan biết rằng dân chủ là con đường lâu dài và là một giải pháp duy nhất khả dụng hiện nay.
Trong hai năm qua, việc xử lý của chúng tôi về đại dịch COVID-19 cũng như sự hỗ trợ và hợp tác của chúng tôi với các quốc gia trên thế giới, đã cung cấp thêm một ví dụ về vai trò quan trọng của Đài Loan và lý do tại sao Đài Loan lại quan trọng. Trong tương lai, các ngành công nghệ cao của chúng tôi, và đặc biệt là sản xuất chất bán dẫn tiên tiến của chúng tôi, sẽ tiếp tục thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Và khả năng của Đài Loan trong việc cân bằng mối quan hệ với các quốc gia khác nhau trong khi bảo vệ lối sống dân chủ của mình sẽ tiếp tục truyền cảm hứng cho những người khác trong khu vực.
Chúng tôi chưa bao giờ trốn tránh những thử thách. Mặc dù thế giới phải đối mặt với một hành trình gian nan phía trước, nhưng điều này mang đến cho Đài Loan những cơ hội chưa từng thấy trước đây. Nó ngày càng nên được coi là một phần của giải pháp, đặc biệt là khi các nước dân chủ tìm cách tìm ra sự cân bằng phù hợp giữa nhu cầu giao thương và buôn bán với các nước độc tài và nhu cầu bảo vệ các giá trị và lý tưởng dân chủ xác định xã hội của họ. Bị cô lập từ lâu, Đài Loan đã sẵn sàng trở thành một thế lực toàn cầu vì lợi ích, với vai trò trên trường quốc tế tương xứng với khả năng của mình.
8 Gedanken zu “Đài Loan và cuộc chiến đấu cho nền dân chủ”