Michael Spence
Đỗ Kim Thêm dịch

wenjin chen/Getty Images
Các nhà hoạch định chính sách ở cả Hoa Kỳ và Trung Quốc dường như đã hoàn toàn chấp nhận, và thậm chí còn bao gồm tính cách thuần lý của việc tách rời kinh tế. Nhưng chính xác thì việc tách rời sẽ đòi hỏi điều gì, và hậu quả của nó sẽ là gì?
Trong năm qua, quỹ đạo của các mối quan hệ Trung-Mỹ đã trở nên không thể chối cãi: Hoa Kỳ và Trung Quốc đang hướng tới một sự tách rời nhau đáng kể, mặc dù không là toàn diện. Thay vì chống lại kết quả này, hiện nay cả hai bên dường như đã chấp nhận rằng điều này như một trò chơi mà phần lớn là không hợp tác, đến mức họ đang đưa nó vào trong khuôn khổ chính sách. Nhưng chính xác thì việc tách rời sẽ đòi hỏi điều gì, và hậu quả của nó sẽ là gì?
Về phía Mỹ, những lo ngại về an ninh quốc gia đã dẫn đến việc tạo ra một danh sách dài, và vẫn còn đang kéo dài, các hạn chế đối với xuất khẩu công nghệ và đầu tư vào Trung Quốc, cũng như trên các kênh khác ở các nơi mà công nghệ di chuyển trên toàn thế giới. Để tăng cường tác động của chiến lược, Mỹ đang cố gắng đảm bảo, bao gồm cả thông qua mối đe dọa về trừng phạt, rằng các quốc gia khác tham gia nỗ lực của mình.
Cách phương sách này có thể đã gặp phải sự phản đối, bao gồm cả ở châu Âu, nếu không có vì cuộc chiến ở Ukraine. Cuộc xung đột dường như đã củng cố lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, sau một vài năm rạn nứt. Và về mặt chính thức, trong khi Trung Quốc vẫn còn giử thái độ trung lập trong cuộc chiến, nước này vẫn cam kết với „quan hệ đối tác không giới hạn“ với Nga, điều mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tái khẳng định trong chuyến đi thăm ba ngày gần đây tại Moscow.
Trọng tâm của mối quan hệ đối tác của ông Tập với Tổng thống Nga Vladimir Putin là niềm tin chung rằng phương Tây do Mỹ lãnh đạo quyết tâm kìm hãm đất nước của họ, cản trở sự phát triển, cản trở các tham vọng lãnh thổ và hạn chế ảnh hưởng quốc tế. Niềm tin này, dường như được chứng minh bởi chính sách gần đây của Mỹ, cũng là trọng tâm của việc tái lập mới nhất trong chương trình nghị sự kinh tế trong nước của Trung Quốc.
Sự khởi đầu của nhiệm kỳ cầm quyền lần thứ ba chưa từng có của Tập Cận Bình đã mang lại một loạt các tài liệu làm sáng tỏ các kế hoạch kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt là chiến lược khôi phục sự tăng trưởng nhanh chóng về GDP. Khi kết luận rằng nền kinh tế thế giới sẽ ít cởi mở hơn và nhiều thù địch hơn, và do đó là một động lực tăng trưởng kém tin cậy hơn, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào nhu cầu xuất khẩu. Vì vậy, mặc dù tiếp tục đề cao chủ thuyết đa phương và mở cửa kinh tế, ưu tiên cao nhất của các nhà lãnh đạo Trung Quốc hiện nay là ổn định và tự chủ trong thương mại, đầu tư và công nghệ.
Tính thuần lý về mặt kinh tế là hợp lý. Với một nền kinh tế gần bằng 80% quy mô của Mỹ, Trung Quốc có một thị trường nội địa khổng lồ cho các hàng hóa và dịch vụ, và cho các yếu tố sản xuất. Bằng cách cải thiện sự hội nhập của thị trường nội địa, Trung Quốc có thể tận dụng tối đa tiềm năng cho tình trạng tăng trưởng của mình, do đó, tự bảo vệ ở một mức độ nào đó thoát khỏi các áp lực của nước ngoài, bao gồm cả những thách thức đối với vai trò trung tâm trong các chuỗi cung ứng trong toàn cầu.
Thực ra việc việc đa dạng hóa các chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thông qua cái gọi là thay đổi chuổi cung ứng dành cho các nước thân thiện, đã được tiến hành tốt, và không chỉ vì sự cạnh tranh Mỹ-Trung. Những cú sốc thường xuyên, từ thời tiết khắc nghiệt liên quan đến khí hậu, đại dịch và chiến tranh, việc sử dụng ngày càng nhiều các biện pháp trừng phạt kinh tế như một công cụ trong chính sách đối ngoại cũng đã mang lại cho các doanh nghiệp và chính phủ động lực khích lệ để tăng cường khả năng phục hồi.
Đối với nhiều quốc gia, một cách lý tưởng là khả năng phục hồi to lớn hơn sẽ bao gồm việc ít phụ thuộc hơn vào đồng đô la Mỹ. Mặc dù sự thống trị toàn cầu của đồng đô la xanh không gặp ngay nguy hiểm trước mắt, đứng trước tình trạng là không có một giải pháp thay thế khả thi, một số quốc gia châu Á đang cố gắng tạo ra các cơ chế để giải quyết thương mại tránh phụ thuộc vào đồng đô la. Về mặt chiến thuật, điều này sẽ khiến Mỹ khó theo dõi các giao dịch và xác định các vi phạm lệnh trừng phạt.
Xin đừng nhầm lẫn là hậu quả kinh tế của sự giao động này hướng tới cuộc đối đầu là vừa sâu rộng vừa nghiêm trọng. Khi các chuỗi cung ứng trong toàn cầu trở nên kém mềm dẻo, kém hiệu quả và tốn kém hơn, khả năngcủa chuổi để chống lại các áp lực lạm phát sẽ suy giảm. Do đó, các ngân hàng trung ương sẽ tự mình lo quản lý việc tăng trưởng giá cả, bằng cách kìm hãm nhu cầu dư thừa.
Tất cả những điều này tạo ra những cơn gió ngược thật mạnh cho tình trạng tăng trưởng. Hơn nữa, như chúng ta đã thấy gần đây, thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng, sau nhiều năm với lãi suất cực thấp hoặc âm (về các điều kiện thực tế), tạo ra căng thẳng về tài chính và những biến động bất ổn, đặc biệt là khi mức nợ là đáng kể.
Sự kết hợp giữa lãi suất cao hơn và gánh nặng về nợ công cao sẽ làm tăng thêm các áp lực ngân sách. Mặc dù mức lạm phát thấp hơn có thể giảm bớt những áp lực đó, các lãi suất có thể sẽ vẫn ở mức cao trong một thời gian, đặc biệt nếu xu hướng kinh tế toàn cầu dưới mức tối ưu và các lực lượng thế tục như tình trạng lảo hóa dân số khiến các điều kiện về phía cung xấu đi. Tăng trưởng năng suất có xu hướng giảm sút đã trở nên đặc biệt thể hiện rõ trong thập niên qua, cũng không có khả năng bị đảo ngược trong một nền kinh tế toàn cầu bị phân hoá với các rào cản đối với sự phát triển và phổ biến công nghệ.
Những rào cản này cũng sẽ gây nguy hiểm cho tiến trình nghị sự về tình trạng bền vững, nó đòi hỏi các lưu lượng tự do và không ma sát của các công nghệ hiện đang có và mới nổi. Cũng tương tự như vậy, chuyển đổi sang năng lượng xanh sẽ đòi hỏi vốn phải chảy đến nơi nào mà nó sẽ có tác động nhiều nhất, bao gồm cả các nước thu nhập thấp hơn. Đầu tư vốn gia tăng cần thiết cho tiến trình chuyển đổi năng lượng toàn cầu, ước tính khoảng 3-3,5 nghìn tỷ đô ly Mỹ, đơn giản là sẽ không được huy động nếu không có sự phối hợp quốc tế. Để thu hút đầu tư tư nhân, các tổ chức tài chính quốc tế cần tăng vốn hóa và hỗ trợ từ tất cả các cổ đông lớn, điều này không có khả năng xảy ra trong môi trường hiện tại.
Nhiều người ở cả hai phía của cái có thể được gọi là „phương trình không tin tưởng nhau“ biết rằng việc tách rời là một tiến trình rõ ràng không tối ưu và nguy hiểm. Nhưng ở cả Mỹ và Trung Quốc, những tiếng nói bất đồng hoặc bị phớt lờ hoặc bị bóp nghẹt, cho dù thông qua áp lực chính trị hay đàn áp hoàn toàn.
Nhiều nền kinh tế mới nổi và đang phát triển nhận ra rằng một nền kinh tế toàn cầu bị phân hoá, chưa nói đến một nền kinh tế mà họ phải lựa chọn giữa hai khối cạnh tranh, không có lợi cho họ. Nhưng họ hiện đang thiếu sức mạnh để thay đổi các động lực khích lệ của các nhà nước quan trọng. Ấn Độ có thể đóng một vai trò như vậy vào một ngày nào đó, nhưng bây giời thì chưa. Và trong khi châu Âu đủ lớn để chống lại các áp lực tách rời, nó không được tích hợp đầy đủ và bị cản trở bởi sự phụ thuộc vào năng lượng. Đối với các thể chế đa phương, họ quá phụ thuộc vào các tác nhân chính trong thế giới phát triển để ủng hộ mạnh mẽ cho sự hợp tác, cởi mở và một hệ thống dựa trên luật lệ thích ứng nhằm thúc đẩy hiệu quả, tăng trưởng và kết hợp.
Điều đó không để lại một việc chệch hướng rõ ràng nào từ quỹ đạo hiện tại. Tương lai là tình trạng tách rời một phần và phân hoá.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel Kinh tế, Giáo sư Kinh tế học hồi hưu, Cựu Khoa trưởng Graduate School of Business, Đại học Stanford, tác giả sách The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World (Macmillan Publishers, 2012).