Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm dịch

Anna Moneymaker/Getty Images
Kết quả ngoài dự kiến của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ cho thấy người Mỹ có thể cảm nhận được những thách thức mà họ phải đối mặt và tin rằng có thể giải quyết tốt hơn vấn đề thông qua tranh luận dân sự, có hiểu biết và chính sách công được thiết kế tốt. Thực ra, cho dù có nhận ra hay không, hầu hết họ đều ủng hộ cho các mục tiêu cấp tiến.
Trong tháng này, thế giới đã thở phào nhẹ nhõm khi “làn sóng đỏ” đáng sợ về chiến thắng của Đảng Cộng hòa đã không thành trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ. Trong khi đảng Cộng hòa chiếm Hạ viện với tỷ số sít sao, đảng Dân chủ đã giữ vững Thượng viện. Thành tích của Đảng Cộng hòa giữa nhiệm kỳ không chỉ kém hơn mong đợi; đó là tồi tệ nhất trong nhiều thập niên đối với một đảng không nắm quyền kiểm soát Nhà Trắng.
Các cử tri năm nay dường như bác bỏ tinh thần cực đoan và đạo đức giả của Đảng Cộng hòa, phần lớn họ phủ nhận chiến thắng của nhiều ứng cử viên được cựu Tổng thống Donald Trump tán thành. Để giành được sự hỗ trợ của Trump, họ chấp nhận lời nói dối của ông ta rằng cuộc bầu cử năm 2020 đã bị “đánh cắp” và công khai đặt vấn đề về các nguyên tắc dân chủ cơ bản, chẳng hạn như chuyển giao quyền lực trong yêm thắm và quản lý bầu cử phi đảng phái. Hầu hết họ đã thua, kể cả ở các tiểu bang chiến trường quan trọng như Arizona, Michigan và Pennsylvania. Nhưng chúng ta không nên quá lạc quan. Trong nhiều trường hợp, biên độ chiến thắng là mong manh. Một số lượng lớn người Mỹ đã bỏ phiếu cho những kẻ cực đoan, và một số ứng cử viên đó đã thắng. Điều này sẽ cho chúng ta tạm dừng bước.
Như với chiến thắng của Luiz Inácio Lula da Silva trước Jair Bolsonaro (“một hình ảnh của Trump tại vùng nhiệt đới) ở Brazil, chúng ta không được để một số kết quả bầu cử phấn khởi làm sao nhãng khỏi xu hướng rộng lớn hơn là chủ nghĩa độc tài đang trỗi dậy. Từ các cuộc bầu cử gần đây ở Ý, Thụy Điển và Hungary cho đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản Trung Quốc “tái đắc cử” giả tạo, không có lý do gì để nghĩ rằng thế giới đã đảm bảo an toàn cho nền dân chủ. Điều đó sẽ chỉ xảy ra khi các chính phủ dân chủ cho thấy rằng họ luôn phục vụ lợi ích của các cử tri và giải quyết các vấn đề cơ bản của thế kỷ XXI.
Biden đã làm gì…
Chắc chắn là luôn có nguy cơ đọc sai kết quả bầu cử do sự phức tạp của các yếu tố quyết định cách một cá nhân bỏ phiếu. Điều đó có vẻ đặc biệt đúng với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 của Hoa Kỳ, khi nhiều thế lực hùng mạnh đang giật dây bằng mọi cách. Nhưng theo quan điểm của tôi, những cử tri có lý trí bình thường đã công nhận những thành công lịch sử của Đảng Dân chủ trong hai năm qua. Nhờ dự luật phục hồi của Tổng thống Joe Biden (Kế hoạch Giải cứu Hoa Kỳ), Hoa Kỳ đã có sự phục hồi mạnh mẽ nhất so với bất kỳ nền kinh tế tiên tiến nào trên thế giới, giảm tỷ lệ nghèo ở trẻ em gần một nửa trong vòng một năm.
Biden cũng giám sát việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng chủ yếu đầu tiên trong nhiều thập niên. Phản ứng lập pháp quan trọng đầu tiên của Mỹ đối với biến đổi khí hậu, Đạo luật Giảm lạm phát; và một dự luật về chính sách công nghiệp chủ yếu, Đạo luật CHIPS và Khoa học, công nhận rõ ràng vai trò chính của chính phủ trong việc định hình nền kinh tế. Và những dự luật mang tính bước ngoặt này đều được thông qua bất chấp một Quốc hội gây nhiều trở ngại trong lịch sử.
Nếu có nhiều sự hợp tác và đàm phán thiện chí hơn ở điện Capitol, thì Biden cũng có thể đã thông qua thuế lợi nhuận bất ngờ để chuyển một số doanh thu của ngành nhiên liệu hóa thạch gây ra chiến thô tục sang những mục đích tốt hơn. Lợi nhuận được cho là cung cấp động cơ để đáp ứng cho nhu cầu kinh tế; nhưng những doanh nghiệp tham lam này đã từ chối mở vòi, bởi vì thấy rằng việc giữ lại nguồn cung sẽ dẫn đến giá và lợi nhuận thậm chí còn cao hơn.
Nhưng Biden đã làm những gì có thể. Hơn nữa, những thành tựu của ông không chỉ giới hạn trong lĩnh vực lập pháp. Ông đã bổ nhiệm người phụ nữ da đen đầu tiên vào Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, và ban hành các sắc lệnh hành pháp nhằm giảm nợ vay cho sinh viên, cải thiện việc thực thi chống độc quyền và cập nhật các quy định tài chính cho kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Ông đã đưa nước Mỹ trở lại Hiệp định Khí hậu Paris và đạt được những thành tựu đáng kể trong việc khôi phục vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường thế giới. Mặc dù ông nhận được rất ít tín nhiệm về điều đó, nhưng lịch sử có thể sẽ cho thấy rằng việc ông ấy xử lý trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine là một bậc thầy.
… và những gì Biden phải đối mặt
Cả hai nguồn bất hạnh chính ở Mỹ ngày nay (ngoài nền chính trị gay gắt của chúng ta) đều không thể đổ lỗi cho Biden. Đại dịch COVID-19 đã kéo dài lâu hơn mức cần thiết, nhưng ít nhất Biden – không giống như Trump – đã làm mọi thứ có thể để ngăn chặn. Những người chống vaccin và những người từ chối thực hiện các bước phòng ngừa cơ bản với chi phí thấp (như đeo khẩu trang) là một trở ngại lớn trong việc giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong, đặc biệt là ở các địa phương ủng hộ Trump, nơi tập trung những nhóm này.
Tình trạng lạm phát cũng không thể đổ lỗi cho Biden. Trong khi một số nhà bình luận, ngay cả trong chính đảng của ông, đã khẳng định rằng lạm phát là kết quả của việc chi tiêu quá mức của chính phủ, thì bằng chứng lại cho thấy điều ngược lại. Tổng cầu của Hoa Kỳ phần lớn nằm dưới xu hướng và tỷ lệ lạm phát của Hoa Kỳ không khác nhiều so với các nền kinh tế tiên tiến khác. Lý do rất rõ rànglà đại dịch và sau đó là chiến tranh do Nga, đã gây ra một loạt tắc nghẽn từ phía cung và sự thay đổi nhu cầu của các ngành.
Và một lần nữa, nếu có một Quốc hội “tốt hơn”, Biden có thể đã làm được nhiều hơn thế. Trong chừng mực đã xảy ra tình trạng thiếu lao động, những điều này có thể được giảm bớt bằng cách đưa nhiều phụ nữ hơn vào trong lực lượng lao động. Kế hoạch chăm sóc trẻ em và giáo dục mầm non do Biden đề xuất lẽ ra đã thực hiện được điều đó, nhưng nó đã bị loại bỏ tại Thượng viện. Tương tự như vậy, một số đợt tăng giá không tương xứng với chi phí gia tăng của các doanh nghiệp, phản ánh sự lạm dụng quyền lực thị trường một cách trắng trợn. Trong khi Biden và nhóm của ông đang cố gắng giải quyết vấn đề này, họ đã bị cả Quốc hội và tòa án cản trở.
Chi tiêu cao hơn cho năng lượng tái tạo sẽ khiến Mỹ ít phụ thuộc hơn vào sự gián đoạn năng lượng toàn cầu. Lập luận sai lầm rằng năng lượng tái tạo chỉ đáng tin cậy như thời tiết phải được cân nhắc với thực tế là một số nhà độc tài về dầu mỏ có thể giữ phần còn lại của thế giới làm con tin theo ý thích. Tương tự, sự thiếu hụt chất bán dẫn là nguyên nhân chính gây ra áp lực lạm phát trong những ngày đầu phục hồi sau đại dịch. Nhưng với Đạo luật CHIPS, Biden đã huy động được các khoản đầu tư lớn để đảm bảo nguồn cung nội địa đầy đủ hơn trong tương lai.
… Người Mỹ đứng ở đâu?
Giờ đây, cử tri Mỹ dường như đã bác bỏ chủ nghĩa cực đoan của Đảng Cộng hòa, một số người sẽ lập luận rằng Biden nên hành động đúng đắn để chiếm được trung tâm chính trị. Nhưng đó là cách đọc sai kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, bởi vì cử tri không tìm kiếm một kiểu chia nào đó giải quyết tranh chấp mà cuối cùng là gây bất lợi cho cà hai phía.
Hãy xét sự khác biệt giữa các ứng cử viên ủng hộ quyền sinh sản của phụ nữ và những người ủng hộ việc cấm phá thai tuyệt đối, không có ngoại lệ ngay cả đối với hành vi hiếp dâm, loạn luân, rủi ro đối với người mẹ hoặc bất kỳ trường hợp bắt buộc nào khác để chấm dứt mang thai. Không phải như thể “người Mỹ trung lưu” bước ra và nói, “Hãy vạch ranh giới sau bốn tháng rưỡi, ngoại trừ trường hợp loạn luân nhưng không áp dụng cho bất kỳ trường hợp hiếp dâm nào khác.” Bất kể niềm tin của họ về phá thai là gì – không ai nhiệt tình với nó – người Mỹ đã liên tục báo hiệu một thỏa thuận chung rằng quyết định nên được trao cho người phụ nữ chứ không phải chính phủ.
Chủ thuyết trung tâm cũng là cách tiếp cận sai đối với hầu hết các vấn đề lớn khác. Không phải là chủ nghĩa cực đoan cánh tả khi lưu ý rằng nền kinh tế Mỹ đã không phục vụ cho hầu hết người Mỹ. Tuổi thọ dự liệu của Hoa Kỳ, vốn đã thấp hơn rõ rệt so với các nền kinh tế tiên tiến khác, đã giảm kể từ trước đại dịch. Tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng, cơ hội cho sự dịch chuyển trong xã hội ngày càng cạn kiệt và những vấn đề này càng trở nên trầm trọng hơn do thiếu đầu tư liên tục cho giáo dục. Ngày nay, triển vọng cho cuộc sống của thanh niên Mỹ phụ thuộc vào tình trạng thu nhập và trình độ học vấn của cha mẹ nhiều hơn tại hầu hết các nền kinh tế tiên tiến khác.
Cảm giác bất công được kết hợp bởi thực tế là chúng ta nên giải quyết những vấn đề này. Hoa Kỳ là một quốc gia cực kỳ giàu có và giàu có hơn nhiều quốc gia đang mang lại điều kiện sống tốt hơn – tuổi thọ cao hơn, giáo dục dễ tiếp cận hơn, khả năng di chuyển trong xã hội cao hơn, v.v. – cho dân của họ. Những thất bại của Mỹ là một vấn đề lựa chọn. Hay nói chính xác hơn là kết quả của các quyết định của một hệ thống chính trị không phản ánh lợi ích của đa số công dân, bởi vì nó đã bị bắt để phục vụ các lợi ích đặc biệt.
Do đó, trong khi đại đa số người Mỹ tin rằng, mức lương tối thiểu liên bang nên được tăng mạnh – ít nhất là gấp đôi – thì mức lương này đã không được tăng kể từ năm 2009. Tương tự như vậy, hầu hết người Mỹ tin rằng, mọi người nên nhận được dịch vụ chăm sóc sức khỏe như một nhân quyền cơ bản, ngay cả khi có khác nhau về cách cung cấp tốt nhất. Mọi người cũng đồng ý chung rằng, tất cả những ai có thể hưởng lợi từ giáo dục đại học đều có thể theo học một trường đại học, bất kể thu nhập của cha mẹ họ như thế nào và không phải gánh khoản nợ hàng chục nghìn đô la. Và tất cả người Mỹ muốn nghỉ hưu an toàn và mua nhà ở giá cả phải chăng.
Đó không phải là chủ nghĩa cánh tả cực đoan yêu cầu các giải pháp chính sách cho những vấn đề này hoặc để bảo vệ môi trường của chúng ta, tăng cường an ninh kinh tế, tăng cường cạnh tranh và đảm bảo rằng tiếng nói của mọi người được lắng nghe trong hệ thống chính trị của chúng ta. Trong khi những người cánh hữu cố gắng coi chương trình nghị sự tiến bộ này là quá mức triệt để, thì hầu hết các cử tri lại không tin nó. Nếu bất cứ điều gì, chương trình nghị sự tiến bộ đã trở thành một chương trình trung tâm. Chỉ những người bảo thủ cực đoan, những nhà tư tưởng mù quáng và những nhóm lợi ích đặc biệt cam kết bảo vệ đặc quyền mới chống lại sự tiến bộ trên những mặt trận này.
Thực ra, hầu hết các chương trình nghị sự tiến bộ chỉ nhằm mục đích thúc đẩy các quyền đã được công nhận trên toàn cầu, chẳng hạn như trong Tuyên ngôn Nhân quyền năm 1948. Khác xa với mục tiêu của nó, các mục tiêu của nó được coi là lẽ thường tình ở nhiều nơi khác. Các quốc gia liên tục ghi nhận mức sống và phúc lợi cao hơn (trên nhiều chỉ số khác nhau) đã áp dụng thành công các chính sách phản ánh các nguyên tắc này – và đó không phải là ngẫu nhiên.
Tự do đòi hỏi gì?
Một nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho chương trình nghị sự cấp tiến là hầu hết các vấn đề lớn – đặc biệt là trong thế kỷ 21 – tốt nhất nên được giải quyết tập thể, thay vì riêng lẻ. Một nguyên tắc khác là hành động tập thể thành công phải được huy động một cách dân chủ và toàn diện.
Những người nông dân bị cô lập trong quá khứ có thể là những người theo chủ nghĩa cá nhân thô bạo, nhưng thậm chí họ cần hành động tập thể để bảo vệ mình ra khỏi trộm cắp, bạo lực và các quy định của chính phủ để đảm bảo hoạt động đúng đắn của thị trường mà họ giao dịch. Ngày nay, chúng ta phải đối mặt với thiên tai, đại dịch và biến đổi khí hậu – tất cả các mối đe dọa vượt ra ngoài phạm vi cá nhân và biên giới. May mắn thay, chúng ta cũng có mức sống cao hơn theo cấp số nhân so với xã hội của 250 năm trước, nhờ những tiến bộ của khoa học và công nghệ, được sinh ra do các nghiên cứu cơ bản – các tiện ích công cộng trong toàn cầu sẽ luôn bị thiếu hụt nếu để mặc cho khu vực riêng tư.
Những người theo chủ nghĩa tự do kỹ thuật ngày nay phớt lờ tất cả những điều này. Họ chế giễu mệnh lệnh nổi tiếng của John Donne rằng, “Không ai là một hòn đảo,” bởi vì họ không nhìn thấy – hoặc từ chối chấp nhận – rằng quyền tự do của một người có thể sẽ là sự mất tự do của người khác. Quyền không đeo khẩu trang hoặc không tiêm vắc-xin của một người ảnh hưởng đến quyền được an toàn khỏi vi-rút truyền nhiễm của người khác. Quyền mang AR-15 của một cá nhân thường ảnh hưởng đến quyền sống của nhiều cá nhân khác. Khi được yêu cầu cân nhắc các quyền này, hầu hết những người hợp lý nhất sẽ nghiêng về một bên rõ ràng.
Chính sách công sáng tạo, được thiết kế tốt có thể nâng cao phạm vi hành động của mọi người, mở rộng triệt để lĩnh vực tự do. Có một sự trớ trêu tinh tế ở đây: bằng cách buộc mọi người phải nộp thuế, chúng ta có thể mở rộng các cơ hội dành cho họ. Mọi người đều có thể – và hầu hết đều có lợi – được hưởng lợi. Tất nhiên, tất cả mọi người đều muốn người khác phải chịu gánh nặng thuế – điều mà các nhà kinh tế học gọi là vấn đề kẻ ăn bám – nhưng ngay cả trong xã hội bị chia rẽ của chúng ta, tôi nghĩ rằng có sự đồng thuận rộng rãi rằng những người có khả năng nộp thuế nhiều hơn, bởi của việc có của nhiều hơn, nên chịu một tỷ lệ gánh nặng lớn hơn.
Tương tự, ngay cả trong xã hội bị chia rẽ của chúng ta, phải có sự đồng thuận rộng rãi rằng đàn áp cử tri là sai trái về mặt đạo đức. Điều đáng chú ý về các cuộc bầu cử năm 2020 và 2022 là số lượng quan chức chính phủ – nhiều người trong số họ là đảng viên Đảng Cộng hòa – đã nhận ra rằng chính trị không chỉ là một trò chơi và sâu sắc hơn là một giao dịch. Họ đã đi theo con đường cao tốc và từ chối nhượng bộ những nỗ lực của Trump nhằm phá hoại quá trình bầu cử và lật ngược kết quả.
Trong mức tối thiểu, cuộc bầu cử năm 2022 cho thấy rằng một bộ phận lớn cử tri muốn chuyển từ nền chính trị kiểu Trump. Họ cảm nhận được những thách thức mà chúng ta phải đối mặt và tin rằng chúng ta có thể cùng nhau giải quyết tốt hơn thông qua tranh luận dân sự, có hiểu biết. Người Mỹ đã quá mệt mỏi với những chiến thuật đặt tên để cáo buộc và hù dọa. Cho dù họ có nhận ra hay không, hầu hết đều ủng hộ cho một chương trình nghị sự tiến bộ và lời hứa của nó.
***
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel về kinh tế, Giáo sư Đại học Columbia, Nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch của Hội đồng Cấp cao về Kinh tế, Thành viên của Ủy ban Độc lập về Cải cách Thuế Doanh nghiệp Quốc tế và là tác giả chính của Bản đánh giá môi trường IPCC năm 1995.