Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch

Trong khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có lý khi đặt vấn đề về những giả định cơ bản làm nền tảng cho chiến lược gắn kết của Mỹ với Trung Quốc, những người đã nghĩ ra chiến lược đó hơn hai thập niên trước cũng đúng theo cách riêng của họ. Từ đó cho đến nay, ngay cả những kịch bản xa xôi cũng phải được rộng mở.
Trong chiến lược an ninh quốc gia mới của mình, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhận ra rằng Nga và Trung Quốc mỗi nước đưa ra một loại thách thức khác nhau. Trong khi Nga „đặt ra một mối đe dọa trước mắt đối với hệ thống quốc tế tự do và cởi mở … với cuộc chiến tranh xâm lược tàn khốc của mình,“ Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh duy nhất với Mỹ „với cả ý định định hình lại trật tự quốc tế và ngày càng có nhiều sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ để thúc đẩy mục tiêu đó“. Do đó, Lầu Năm Góc gọi Trung Quốc là „thách thức về nhịp độ“.
Hiện nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã sử dụng Đại hội lần thứ 20 của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) để củng cố quyền lực và thúc đẩy các mục tiêu ý thức hệ và và tinh thần dân tộc, nên cần xem lại sự phát triển của chiến lược Trung Quốc của Mỹ. Một số nhà phê bình coi tình hình ngày nay là bằng chứng cho thấy các Tổng thống Bill Clinton và George W. Bush đã ngây thơ theo đuổi chiến lược tham gia, bao gồm cả bảo đàm quy chế thành viên của Trung Quốc trong Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng trong khi chắc chắn có sự lạc quan quá mức về Trung Quốc hai thập niên trước, nó không nhất thiết là ngây thơ.
Sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc là ba cường quốc ở Đông Á, và chủ thuyết hiện thực cơ bản cho rằng, Mỹ nên khôi phục liên minh với Nhật Bản, thay vì coi đó như một di tích lỗi thời của thời kỳ sau Thế chiến thứ hai. Rất lâu trước khi Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001, chính quyền Clinton đã tái khẳng định liên minh Mỹ-Nhật, vốn vẫn là nền tảng trong chiến lược của Biden.
Clinton và Bush nhận ra rằng, việc ngăn chặn Trung Quốc theo phong cách Chiến tranh Lạnh sẽ là không thể, bởi vì các quốc gia khác, bị thu hút bởi thị trường Trung Quốc khổng lồ, sẽ không đồng hành với chiến lược này. Vì vậy, thay vào đó, Mỹ đã tìm cách tạo ra một môi trường mà trong đó sức mạnh đang lên của Trung Quốc cũng sẽ định hình lại thái độ của mình. Tiếp tục chính sách của Clinton, chính quyền Bush đã cố gắng dỗ dành Trung Quốc đóng góp vào các tiện ích công cộng toàn cầu và thể chế bằng cách đóng vai trò là thứ mà Thứ trưởng Ngoại giao khi đó là Robert B, Zoellick gọi là „một bên liên quan có trách nhiệm“. Chính sách là “tham gia nhưng phỏng ngừa”. Mặc dù tăng cường chính sách cân bằng quyền lực với sự tham gia rõ ràng không đảm bảo cho tình hữu nghị của Trung Quốc, nhưng nó đã giữ cho các kịch bản có thể tồn tại ngoài sự thù địch hoàn toàn.
Sự tham gia là một thất bại? Thái Hà, cựu giáo sư tại Trường Trung ương Đảng của ĐCSTQ ở Bắc Kinh nghĩ như vậy và lập luận rằng:
„… lợi ích cơ bản và tâm lý cơ bản của Đảng là sử dụng Mỹ trong khi vẫn còn mang tâm trạng thù địch với Mỹ đã không thay đổi trong 70 năm qua. Ngược lại, kể từ những năm 1970, hai đảng chính trị ở Hoa Kỳ và chính phủ Hoa Kỳ luôn có những lời chúc tốt đẹp không thực tế đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, háo hức hy vọng rằng Đảng sẽ trở nên tự do hơn, thậm chí dân chủ và là một cường quốc ‚có trách nhiệm‘ và dân chủ trên thế giới.“
Thái Hà có tư thế vững chắc để đánh giá một chính sách đã bắt đầu từ chuyến Hoa du của Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon vào năm 1972. Nhưng một số người đã mô tả sự tham gia là ngây thơ đã bỏ qua thực tế rằng „hàng rào“ hoặc chính sách bảo đảm đến trước, và liên minh Mỹ-Nhật vẫn còn mạnh mẽ cho đến ngày nay.
Tất nhiên, có một số yếu tố ngây thơ, như khi Clinton dự doán một cách nổi tiếng rằng, những nỗ lực kiểm soát mạng internet của Trung Quốc sẽ thất bại. Clinton nghĩ rằng, nhiệm vụ này sẽ giống như „công việc cực kỳ khó khăn và không thể đạt được“, nhưng bây giờ chúng ta biết rằng, “bức tường lửa vĩ đại“ của Trung Quốc hoạt động khá tốt. Khi nhìn lại, rõ ràng là chính quyền Bush và Obama lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa để trừng phạt Trung Quốc, vì đã đã không tuân thủ tinh thần và quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới.
Trong mọi trường hợp, thời đại Tập Cận Bình đã dập tắt những kỳ vọng ban đầu rằng, tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ tạo ra sự tự do hóa rộng lớn hơn, nếu không muốn nói là dân chủ hóa. Trong một thời gian, Trung Quốc cho phép tự do đi lại nhiều hơn, tiếp xúc với nước ngoài nhiều hơn, nhiều ý kiến hơn trong các ấn phẩm và sự phát triển của các tổ chức phi chính phủ, bao gồm một số dành cho nhân quyền. Nhưng tất cả những gì bây giờ đã bị cắt giảm.
Liệu các giả định cơ bản về sự tham gia có sai không? Trước khi nhậm chức, hai trong số các quan chức hàng đầu chịu trách nhiệm về chiến lược mới của chính quyền Biden đã viết rằng „sai lầm cơ bản của sự tham gia là cho rằng nó có thể mang lại những thay đổi cơ bản cho hệ thống chính trị, kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc“. Họ kết luận rằng, một mục tiêu thực tế hơn là tìm kiếm „một tình trạng chung sống trong ổn định và rõ ràng về các điều kiện có lợi và theo giá trị của Hoa Kỳ“.
Về mặt cân bằng, nhóm cộng sự của Biden đã đúng về việc không thể buộc những thay đổi cơ bản ở Trung Quốc. Trong thập niên đầu tiên của thế kỷ này, Trung Quốc vẫn đang hướng tới sự cởi mở, hoà diệu và đa nguyên hóa hơn. Tờ The Economist ghi nhận rằng:
„Khi ông Tập nhậm chức vào năm 2012, Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng, các doanh nghiệp tư nhân bộc phát và dân chúng đang kết nối trên mạng xã hội. Một nhà lãnh đạo khác có thể đã coi đây là những cơ hội. Ông Tập chỉ nhìn thấy những lời đe dọa“.
Ngay cả khi ông Tập là sản phẩm có thể dự đoán được của một hệ thống đảng theo Lênin, vẫn còn có vấn đề về thời gian. Lý thuyết hiện đại hóa và kinh nghiệm về thế giới thực tế của Hàn Quốc và Đài Loan cho thấy rằng, khi thu nhập bình quân tính trên đầu người đạt được 10.000 đô la, một tầng lớp trung lưu sẽ thành hình và chế độ chuyên chế trở nên khó duy trì hơn, nếu so với xã hội nông dân nghèo trước đó. Nhưng tiến trình này mất bao lâu? Trong khi Marx lập luận rằng cần có thời gian, Lenin lại nóng lòng hơn và tin rằng, những sự phát triển lịch sử có thể được tăng tốc bởi một đội ngũ tiên phong thực hiện quyền kiểm soát xã hội. Bất chấp việc ông Tập nói về chủ nghĩa Mác-Lênin, rõ ràng Lenin mới là người đang chiếm ưu thế hơn Marx ở Trung Quốc ngày nay.
Có phải sai lầm của chiến lược tham gia nằm trong việc mong đợi sự thay đổi có ý nghĩa trong vòng hai thập niên, thay vì là nửa thế kỷ hay lâu hơn? Điều đáng ghi nhớ là khi nói đến các thế hệ lãnh đạo của ĐCSTQ, ông Tập chỉ là người thứ năm. Và như chuyên gia về Trung Quốc Orville Schell lập luận, đó là „kiêu ngạo cho rằng người dân Trung Quốc sẽ hài lòng khi đạt được sự giàu có và quyền lực, mà không cần có những khía cạnh của cuộc sống mà các xã hội khác thường coi đó là nền tảng cho con người“.
Thật không may, các nhà hoạch định chính sách luôn chịu áp lực về thời gian và phải xây dựng các mục tiêu chiến lược cho thời kỳ hiện tại. Biden đã làm điều đó một cách đúng đắn. Vấn đề đặt ra cho những năm tới là liệu ông có thể thực hiện các chính sách theo những cách không ngăn chặn khả năng xảy ra các kịch bản lành mạnh hơn trong tương lai hay không, ngay cả khi nhận ra rằng chúng còn ở xa.
Joseph S. Nye là Giáo sư Đại học Havard, Cựu Phụ tá Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ, là tác giả cuốn sách mới nhất ,Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2020).