Francis Fukuyama
Đỗ Kim Thêm dịch

Lấy cảm hứng từ cựu Tổng thống Donald Trump, một đám đông đã tấn công vào Quốc hội trong ngày 6 tháng 1 và đánh dấu một tiền lệ đáng ngại cho nền chính trị Hoa Kỳ. Không phải kể từ cuộc nội chiến, đất nước đã thất bại trong việc gây ảnh hưởng khi chuyển giao quyền lực một cách ôn hoà, và cũng không có ứng cử viên nào trước đây cố tình tranh cãi về kết quả của một cuộc bầu cử khi đối mặt với bằng chứng lan rộng rằng đó là tự do và công bằng.
Sự kiện này tiếp tục gây vang dội trong nền chính trị Mỹ, nhưng tác động của nó không chỉ là ở trong nước. Nó cũng đã có một tác động lớn trên toàn thế giới và báo hiệu tình trạng suy vi trầm trọng về quyền lực và ảnh hưởng của Mỹ trong toàn cầu.
Ngày 6 tháng 1 cần được nhìn trong một bối cảnh của cuộc khủng hoảng rộng lớn của nền dân chủ tự do trong toàn cầu hơn. Theo báo cáo của Tổ chức của Freedom House về Tình hình Tự do của thế giới trong năm 2021, nền dân chủ đã suy giảm trong 15 năm liên tiếp, với một số thất bại lớn nhất đến từ hai nền dân chủ lớn nhất của thế giới là Hoa Kỳ và Ấn Độ. Kể từ khi báo cáo đó được công bố, các cuộc đảo chính đã diễn ra ở Myanmar, Tunisia và Sudan, những quốc gia này trước đây đã thực hiện các biện pháp đầy hứa hẹn để hướng tới dân chủ.
Thế giới đã trải qua một sự mở rộng quy mô về số lượng các nền dân chủ, từ khoảng 35 vào đầu những năm 1970 lên hơn 110 vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Hoa Kỳ rất quan trọng đối với cái được mệnh danh là „Làn sóng thứ ba“ của tiến trình dân chủ hóa. Mỹ đã cung cấp an ninh cho các đồng minh dân chủ ở châu Âu và Đông Á, và chủ trì một nền kinh tế toàn cầu ngày càng hội nhập, tăng gấp bốn lần sản lượng của Mỹ trong cùng thời kỳ đó.
Nhưng nền dân chủ toàn cầu đã được củng cố bởi sự thành công và bền vững của nền dân chủ ở chính Hoa Kỳ, điều mà nhà khoa học chính trị Joseph Nye gọi là “quyền lực mềm” của Mỹ. Mọi người trên khắp thế giới đã nhìn vào Mỹ như một ví dụ mà họ tìm cách mô phỏng, từ các sinh viên ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 cho đến những người biểu tình dẫn đầu trong „cuộc cách mạng màu“ ở châu Âu và Trung Đông trong những thập kỷ tiếp theo.
Sự suy tàn của nền dân chủ trên toàn thế giới được thúc đẩy bởi các động lực phức tạp. Toàn cầu hóa và thay đổi kinh tế đã bỏ lại nhiều người phía sau, và một sự phân chia văn hóa khổng lồ đã xuất hiện giữa các chuyên gia có trình độ học vấn cao, sống ở các thành phố và các cư dân của các thị trấn nhỏ hơn với các giá trị truyền thống hơn. Sự xuất hiện của internet đã làm suy yếu quyền kiểm soát thông tin của giới tinh hoa; chúng ta luôn bất đồng về các giá trị, nhưng hiện nay chúng ta đang sống trong các vũ trụ thực tế riêng biệt. Và mong muốn được hội nhập và có phẩm giá của một người được khẳng định thường là những động lực mạnh mẽ hơn lợi ích kinh tế.
Do đó, thế giới nay trông rất khác xa so với cách đây khoảng 30 năm, khi Liên Xô cũ sụp đổ. Có hai yếu tố chính mà tôi đã đánh giá thấp hồi đó, thứ nhất là khó khăn trong việc tạo ra không chỉ nền dân chủ, mà còn là một nhà nước hiện đại, trung dung, không tham nhũng; và thứ hai, khả năng suy thoái về chính trị trong các nền dân chủ tiên tiến.
Mô hình Mỹ đã bị suy tàn trong một vài thời gian. Kể từ giữa những năm 1990, nền chính trị của đất nước ngày càng trở nên phân hoá và phải chịu sự bế tắc liên tục, điều này đã ngăn cản nó thực hiện các chức năng cơ bản của chính phủ như thông qua ngân sách. Có những vấn đề rõ ràng với các thể chế của Mỹ, ảnh hưởng của tiền bạc trong chính trị, ảnh hưởng của một hệ thống bỏ phiếu ngày càng không liên kết với sự lựa chọn dân chủ, nhưng đất nước dường như không thể tự cải cách. Các giai đoạn khủng hoảng trước đó như Nội chiến và Đại Suy thoái đã tạo ra các nhà lãnh đạo xây dựng thể chế có tầm nhìn xa trông rộng; trong những thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 thì không còn phải như vậy, chứng kiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ chủ xướng hai thảm họa, chiến tranh Iraq và cuộc khủng hoảng tài chính, và sau đó chứng kiến sự xuất hiện của một kẻ mị dân thiển cận qua một phong trào dân túy đầy cuồng nộ.
Cho đến ngày 6 tháng 1, người ta có thể đã nhìn thấy những phát triển này qua lăng kính của nền chính trị Mỹ bình thường, với những bất đồng về các vấn đề như thương mại, nhập cư và phá thai. Nhưng cuộc nổi dậy đánh dấu thời điểm khi một thiểu số đáng kể người Mỹ cho thấy họ sẵn sàng quay lưng lại với nền dân chủ Mỹ và sử dụng bạo lực để đạt được mục đích của họ.
Điều đã làm cho ngày 6 tháng 1 trở thành một vết nhơ đặc biệt đáng báo động (và căng thẳng) đối với nền dân chủ Hoa Kỳ là thực tế Đảng Cộng hòa không từ bỏ những người khởi xướng và tham gia vào cuộc nổi dậy, đã tìm cách bình thường hóa nó và ly khai khỏi hàng ngũ của chính mình, những người sẵn sàng nói lên sự thật về cuộc bầu cử năm 2020 khi hướng nhìn đến năm 2024, lúc ông Trump có thể tìm cách phục hồi.
Tác động của sự kiện này vẫn đang diễn ra trên chính trường quốc tế. Trong những năm qua, các nhà lãnh đạo độc tài như Vladimir Putin của Nga và Aleksandr Lukashenko của Belarus đã tìm cách nguỵ tạo kết quả bầu cử và phủ nhận ý muốn của người dân. Ngược lại, các ứng cử viên thua cuộc trong các cuộc bầu cử ở các nền dân chủ mới thường buộc tội gian lận khi đối mặt với các cuộc bầu cử phần lớn tự do và công bằng. Điều này đã xảy ra vào năm ngoái tại Peru, khi Keiko Fujimori tranh cãi về thất bại trước Pedro Castillo trong vòng hai của cuộc bầu cử tổng thống của đất nước. Tổng thống Brazil, Jair Bolsonaro, đã đặt cơ sở cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay bằng cách tấn công hoạt động của hệ thống bỏ phiếu của Brazil, giống như ông Trump đã dành thời gian trước cuộc bầu cử năm 2020 làm suy yếu niềm tin vào các lá phiếu qua thư.
Trước ngày 6 tháng 1, những trò hề này sẽ được coi là hành vi của các nền dân chủ non dại và không hoàn chỉnh, và Hoa Kỳ sẽ vẫy tay lên án. Nhưng hiện nay nó đã xảy ra ở ngay chính Hoa Kỳ. Uy tín của Mỹ trong việc duy trì một mô hình thực hành dân chủ tốt đã bị xé nát.
Tiền lệ này là đủ tồi tệ, nhưng có khả năng có những hậu quả thậm chí còn nguy hiểm hơn ngày 6 tháng 1. Sự thoái bộ trong toàn cầu của nền dân chủ đã được dẫn dắt bởi hai quốc gia độc tài đang trổi dậy, Nga và Trung Quốc. Cả hai cường quốc đều có yêu sách thuộc về ly khai vể lãnh thổ của người khác. Tổng thống Putin đã tuyên bố công khai rằng ông không tin Ukraine là một quốc gia độc lập hợp pháp mà là một phần của một nước Nga rộng lớn hơn. Ông đã cho tập trung quân đội ở biên giới Ukraine và đang thử nghiệm các phản ứng của phương Tây đối với sự xâm lược tiềm tàng. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã khẳng định rằng Đài Loan cuối cùng phải trở về Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo Trung Quốc không loại trừ việc sử dụng lực lượng quân sự, nếu cần thiết.
Một yếu tố quan trọng trong bất kỳ cuộc xâm lược bằng quân sự nào trong tương lai của một trong hai quốc gia sẽ là vai trò tiềm năng của Hoa Kỳ, nước đã không mở rộng các đảm bảo an ninh rõ ràng cho Ukraine hoặc Đài Loan, nhưng đã hỗ trợ về mặt quân sự và ý thức hệ cho phù hợp với những nỗ lực của các quốc gia đó để trở thành nền dân chủ thực sự.
Nếu động lực đã được xây dựng trong Đảng Cộng hòa để từ bỏ các sự kiện của ngày 6 tháng 1 như cách cuối cùng nó đã bỏ rơi Richard Nixon vào năm 1974, chúng ta có thể hy vọng rằng đất nước có thể tiếp tục chuyển động như từ thời Trump. Nhưng điều này đã không xảy ra, và các đối thủ nước ngoài như Nga và Trung Quốc đang theo dõi tình hình này với niềm hân hoan bất tận.
Nếu các vấn đề như tiêm chủng và đeo khẩu trang đã trở nên chính trị hóa và gây chia rẽ, hãy xem quyết định trong tương lai để mở rộng hỗ trợ quân sự – hoặc từ chối hỗ trợ như vậy – cho Ukraine hoặc Đài Loan sẽ được chào đón như thế nào. Trump đã làm suy yếu sự đồng thuận lưỡng đảng mà nó hình thành từ cuối những năm 1940 về sự ủng hộ mạnh mẽ của Mỹ đối với vai trò quốc tế tự do, và Tổng thống Biden vẫn chưa thể tái thiết nó.
Điểm yếu lớn nhất của Hoa Kỳ ngày nay nằm ở sự chia rẽ nội bộ. Các chuyên gia bảo thủ đã đến Hungary không có tự do để tìm kiếm một mô hình thay thế, và một số đảng viên Cộng hòa mất tinh thần coi đảng Dân chủ là mối đe dọa lớn hơn Nga.
Hoa Kỳ vẫn giữ được một quyền lực quy mô về kinh tế và quân sự, nhưng sức mạnh đó không thể sử dụng được trong trường hợp không có sự đồng thuận chính trị trong nước về vai trò quốc tế của đất nước. Nếu người Mỹ không còn tin vào một xã hội tự do khoan dung và cởi mở, thì khả năng đổi mới và lãnh đạo của chúng ta với tư cách là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng sẽ giảm đi. Ngày 6 tháng 1 đã đánh dấu và đào sâu thêm sự chia rẽ của đất nước, và vì lý do đó, nó sẽ có hậu quả vang vọng trên toàn cầu trong những năm tới.
***
Francis Fukuyama là thành viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của đại học Stanford và là tác giả của sách sắp ra mắt Liberalism and Its Discontents.
*Tựa đề bản dịch là của người dịch
4 Gedanken zu “Ngày 6/1 tại Quốc hội là một vết nhơ cho nền dân chủ Hoa Kỳ*”