Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

Nhật báo NEUE ZÜRCHER ZEITUNG của Thụy Sĩ đã đặt một tiêu đế cho bài bình luận là Biden sẽ làm rất tốt nếu đứng về phía Đài Loan. Bài báo viết:
“Cho đến nay, học thuyết của Mỹ về sự mơ hồ đã thành công, góp phần vào sự ổn định trong khu vực Thái Bình Dương và cho phép Đài Loan phát triển vượt bậc về kinh tế và chính trị để trở thành một quốc gia dân chủ, tự do. Trong nghĩa vụ hỗ trợ rõ ràng, Hoa Kỳ đã từ bỏ các hành động khiêu khích không cần thiết từ Bắc Kinh. Nhưng vì không bao giờ loại trừ can thiệp quân sự, Hoa Kỳ cũng ngăn Trung Quốc chơi trò chơi chiến tranh.
Tuy nhiên, quan trọng hơn cả lập trường này là thực tế rằng trong nhiều thập kỷ, Hoa Kỳ có ưu thế quân sự rõ ràng trong khu vực.“
Tờ LIANHEBAO từ Đài Bắc, thủ đô của Đài Loan, tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố của Biden:
“Biden là tổng thống Mỹ đầu tiên có lập trường rõ ràng về vấn đề Đài Loan. Đối với Đài Loan, quốc gia đã phải hứng chịu quá nhiều mối đe dọa quân sự, đây là một liều thuốc an thần. Nhưng lịch sử của Đài Loan dạy chúng ta rằng, đây cũng có thể là những lời hứa suông. Đó là trường hợp của người Pháp cách đây 126 năm. Tại sao người Mỹ nên đáng tin cậy hơn?“
Tờ báo HUANQIU SHIBAO của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chỉ trích gay gắt Tổng thống Mỹ:
“Ở Mỹ, Biden thiếu sự ủng hộ cả về chính trị và pháp lý đối với phương cách như vậy. Nếu Biden không nói xấu lần này, nó sẽ đáng báo động. Giới ly khai ở Đài Loan có thể cảm thấy được khuyến khích.
Nhưng Trung Quốc không có lý do gì để bị đe dọa. Tình trạng cho thấy là cách Mỹ đánh giá sai tình hình. Thời mà Trung Quốc thua kém Mỹ về mặt quân sự đã qua. Xã hội Mỹ sẽ khó đối phó với hậu quả của sự leo thang có thể xảy ra. Bất cứ ai ủng hộ nền độc lập của Đài Loan đều khiến Trung Quốc trở thành kẻ thù.”
Nhật báo CORRIERE DELLA SERA từ Milan của Ý nhìn nhận Hoa Kỳ đang chịu áp lực:
“Biden phải phản ứng với những tham vọng và kế hoạch của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Tập quyết tâm là Trung Quốc giành lại chủ quyền trên hòn đảo nổi loạn. Chiến lược của Tập đang khiến Mỹ chịu nhiều áp lực. Washington phải quyết định xem họ muốn bảo vệ Đài Loan hay muốn tiến hành một cuộc chiến tranh lạnh nhiều hay ít với Trung Quốc.“
Theo báo EL PAIS của Tây Ban Nha thì Mỹ và các đồng minh đã tập trung quá nhiều vào các cuộc chiến tranh ở Trung Đông trong những năm gần đây. Trong thời gian này, Trung Quốc đã có một bước nhảy vọt về quân sự. Bài báo cho là:
“Tranh chấp về quyền lãnh đạo quân sự toàn cầu đã là hiện thực ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Bắc Kinh chủ yếu hiện diện ở Biển Đông và vùng trời ngoài khơi Đài Loan và có nhiều tàu ngầm ở đây hơn Hoa Kỳ. Điều duy nhất có thể thiếu cho một cuộc xâm lược Đài Loan trên bộ là một hạm đội đổ bộ, mà quân đội Đài Loan tin rằng đã chuẩn bị sẵn sàng. Chủ tịch Tập muốn có một đội quân hạng nhất đại diện cho lợi ích của Trung Quốc trên toàn thế giới, nhưng mục tiêu trước mắt là Đài Loan, nơi hoàn toàn nằm trong tầm tay của Tập – trong khi các lực lượng vũ trang của Mỹ hiện vẫn đang phân tán tại các căn cứ trên khắp thế giới.”
Nhật báo LUXEMBOURG WORD nhận định là:
“Xung đột giữa Trung Quốc và Đài Loan căng thẳng hơn so với hơn một phần tư thế kỷ qua. Các dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh có thể thực hiện các lời đe dọa ‚tái thống nhất‘ với ‚tỉnh ly khai‘ gần đây đã tăng lên. Vấn đề quan trọng vẫn luôn được đặt ra là liệu quốc đảo dân chủ với 23 triệu dân có thể dựa vào quân lực Hoa Kỳ làm bảo hiểm sống còn hay không. Thậm chí, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng tin rằng Quân đội Giải phóng Nhân dân Bắc Kinh cho đến năm 2025 có thể xâm chiếm hòn đảo với tổn thất tối thiểu. Điều đáng ngạc nhiên hơn là xung đột địa chính trị hầu như không được chú ý trong cuộc sống hàng ngày của người Đài Loan.“

Nhật báo HUANQIU SHIBAO từ Trung Quốc có những phản ứng gay gắt về việc Hoa Kỳ một lần nữa đảm bảo ủng hộ cho Đài Loan trong mối tranh chấp với Bắc Kinh. Tờ báo nhấn mạnh:
“Việc đóng quân của quân đội Mỹ trên đảo sẽ là một lằn ranh đỏ. Washington và Đài Bắc nhận thức rõ điều này, ngay cả khi gần đây họ đã mạo hiểm đi sát ranh giới đỏ này lần này đến lần khác. Bắc Kinh sẽ không đứng yên trước chiến thuật salami này mãi mãi. Nếu chính phủ Đài Loan ngoan cố kiên định mục tiêu chủ quyền và không còn khả năng hòa bình thống nhất thì sớm muộn gì đại lục cũng sẽ giải phóng hòn đảo bằng vũ lực. Đây là những gì luật chống ly khai của Trung Quốc quy định. Trung Quốc không chỉ có quyền trong vấn đề này mà còn có phương tiện quân sự.“
Nhật báo YOMIURI SHIMBUN từ Tokyo không tin rằng Đài Loan có thể tự vệ trong trường hợp này:
“Điều chính yếu sẽ là các quốc gia đồng minh phản đối Trung Quốc một cách dứt khoát. Trong khi giới lãnh đạo Bắc Kinh đang cố gắng cô lập Đài Loan trên bình diện quốc tế và dựa vào chính sách đối ngoại hiếu chiến, thì Đài Loan đang tăng cường quan hệ với Mỹ, Châu Âu, Úc và Nhật Bản. Đài Loan cũng dựa vào vũ khí kinh tế được gọi là chất bán dẫn. Đài Loan khôn ngoan khi làm sâu sắc hơn mối quan hệ với các quốc gia dân chủ này.“