Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

(LND) Ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Australia Scott Morrison đã chính thức công bố ký kết một Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh mang tên AUKUS.
Mục tiêu của AUKUS là Mỹ và Anh sẽ cung cấp công nghệ và huấn luyện kỹ thuật để Australia triển khai chương trình chế tạo hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Trong khuôn khổ AUKUS này, Australia sẽ đóng ít nhất 8 tàu ngầm.
Hiện nay, chỉ có 6 nước trên thế giới là Mỹ, Anh, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ và Nga là có các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Với AUKUS, Australia sẽ trở thành quốc gia thứ 7.
Trong lời tuyên bố chung, AUKUS không trực tiếp đề cập đến mục tiêu là chống chính sách bành trướng của Trung Quốc, nhưng rõ ràng là trước nguy cơ mới của khu vực Àn Độ-Thái Bình Dương, Australia cần có thêm phương tiện quốc phòng để ngăn chận các răn đe và đối phó với thách thức ngày càng tăng từ Quân đội Trung Quốc.
Phản ứng đầu tiên và gay gắt nhất là Pháp. Trong một tuyên bố hôm thứ Sáu, Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, theo yêu cầu của Tổng thống Emmanuel Macron, đã cho triệu hồi hai đại sứ từ Mỹ và Australia trở lại Paris để tham vấn trong tranh chấp mới về liên minh AUKUS. Biện minh cho „quyết định bất thường“ này, Pháp nói rằng các thông báo của Washington và Canberra là „cực kỳ nghiêm trọng“.
Nguyên nhân chính cho phản ứng này là khía cạnh hợp tác kinh tế giữa Australia và Pháp. Thỏa thuận mới của AUKUS đánh dấu sự kết thúc của một thỏa thuận mà Paris đã ký với Canberra 5 năm trước về Pháp sẽ đóng ít nhất 12 chiếc tàu ngầm thông thường (vận hành bằng diesel hoặc điện) cho Australia trị giá 56 tỷ euro. Tại châu Á, chỉ có Indonesia lên tiếng bày tò sự quan ngại về các chuyển biến mới này.
Sau đây là phần bình luận mới nhất của báo chí.
***
Tờ SYDNEY MORNING HERALD của Úc viết: “Việc Tổng thống Hoa Kỳ Biden, Thủ tướng Anh Johnson và Thủ tướng Úc Morrison hiện đang đứng cùng chung nhau báo hiệu rằng một số nền dân chủ mạnh nhất trên thế giới đang tiến tới một biện pháp răn đe mạnh mẽ hơn đối với Trung Quốc. Sự phát triển này đã rõ ràng vào tháng 6 tại cuộc họp của các nước G7 ở Cornwall – nhưng bây giờ nó đã tăng cường và tăng tốc trở lại. Đây là tin tức địa chiến lược quy mô đằng sau thông báo này – và ở Bắc Kinh và trên toàn thế giới hiểu được nó, ”SYDNEY MORNING HERALD đoan chắc như vậy.
Điều này được tờ báo Trung Quốc XINJINGBAO xác nhận: “Ngay cả khi ba nước hết sức cẩn thận không đề cập đến Trung Quốc, rõ ràng là họ muốn bao vây Trung Quốc bằng hình thức của ‚Mini-NATO‘ này ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Cốt lõi của thỏa thuận là Australia nên có 8 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân trong tương lai. Do đó, sau Anh, đây chỉ là quốc gia thứ hai được Washington ủng hộ việc chuyển giao công nghệ như vậy.“
Tờ báo Nhật Bản NIHON KEISAI SHIMBUN bày tỏ sự quan ngại đối với tất cả sự hiểu biết của họ đối với liên minh: “Sự leo thang của tình hình phải được tránh bằng mọi giá. Trên hết, không được để xảy ra phản ứng từ Bắc Kinh dẫn đến tình trạng cạnh tranh vũ khí quốc tế gay gắt. Sau cùng, trong cuộc điện đàm gần đây nhất, Joe Biden và Tập Cận Bình đã đồng ý giữ liên lạc để tránh xảy ra một cuộc chiến tranh không có cố ý.“
Tờ DE STANDAARD của Bỉ nhớ lại: “Đây không phải là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ – và do đó cả phương Tây – cố gắng kìm Trung Quốc. Chẳng hạn, vào tháng 3, Tổng thống Mỹ đã ký kết một liên minh đầy tham vọng với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia. Các liên minh xác nhận sự chuyển hướng chú ý của phương Tây sang khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, nơi đang diễn ra cuộc tranh giành quyền lực thế giới. Phản ứng của Trung Quốc sẽ cho thấy liệu ba nước trong liên minh của họ có tự bắn vào chân mỉnh hay không”.
Tờ LA VANGUARDIA của Tây Ban Nha giải thích: “Bắc Kinh đã phản ứng một cách xúc phạm khi tuyên bố rằng liên minh mới đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực. Mặc dù cả Biden, Johnson và Morrison đều không đề cập rõ ràng đến Trung Quốc, nhưng cần phải nói rõ ràng rằng mục đích là để chống lại sức mạnh kinh tế và quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và phản ứng lại trước mối đe dọa đối với Đài Loan. Có một kẻ thua cuộc nặng nề: Pháp. Paris đã ký một hợp đồng với Australia để sản xuất tàu ngầm theo quy ước và giờ đây họ cho rằng điều đó đã vi phạm hợp đồng. Việc EU không được thông báo trước là bằng chứng cho thấy sự tầm quan trọng về địa chiến lược của EU ngày càng suy giảm”, LA VANGUARDIA từ Barcelona nhấn mạnh.
Tại Pháp, tờ báo LE PARISIEN cho thấy mình bị lừa: “Đây là lần thứ hai trong vòng vài ngày, tổng thống Mỹ đối xử với chúng tôi một cách khinh thường. Để tránh bế tắc ở Afghanistan, Biden đã vội vàng quyết định cho Hoa Kỳ rút khỏi vào mùa hè này – mà không tham khảo ý kiến các đồng minh của mình. Lần này, Nhà Trắng đã khiến cho người Úc chịu áp lực phá vỡ cái gọi là ‚Hiệp ước Thế kỷ‘, đã làm suy yếu đất nước chúng ta về mặt thương mại và quân sự. Đối với Joe Biden, các mối quan hệ với châu Âu rõ ràng đang chiếm vị trí thứ yếu, ”LE PARISIEN lưu ý.
Mặt khác, NEUE ZÜRCHER ZEITUNG từ Thụy Sĩ, ngược lại cho là: “Người trong lục địa châu Âu nên cẩn thận không nên hiểu bước này như một cú đánh vào đầu hoặc thậm chí là một nhát dao đâm sau lưng. Đối với Úc, không bao giờ là một lựa chọn thay thế khả thi giữa một bên là Hoa Kỳ và Anh và một bên là EU. Đó là về việc lựa chọn trong một tiến trình thể hiện rõ nhất thái độ của mình đối với một Trung Quốc hiếu chiến và ngày càng kiêu ngạo.“
6 Gedanken zu “Bình luận về Hiệp định Đối tác Tăng cường An ninh của Mỹ, Anh và Úc (AUKUS), I”