Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Trước đây, Joseph S. Nye cũng như nhiều nhà bình luận khác có cùng chung một lập luận là về mặt địa lý, Hoa Kỳ không bị nguy cơ xâm lăng quân sự trực tiếp, vì được thiên nhiên ưu đãi, bao quanh bởi Ấn Độ dương và Thái Bình dương và các nước láng giềng vẫn còn thân thiện, đó là Mễ và Canada. Tình thế đổi thay triệt để, nên chính giới Mỹ cần cập nhật các nguy cơ này. Thế giới không biết Trung Quốc đang nghĩ và làm gì với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ, nhưng chắc một điều là „có tiềm năng lớn lao làm thay đổi hoàn toàn sự ổn định chiến lược trên thế giới.“ Cụ thể là, Trung Quốc đang bí mật xây dựng tại một sa mạc gần Yumen, một thành phố ở vùng tây bắc Trung Quốc 119 hầm chứa hoả tiển liên lục địa, đặc biệt là loại DF-41, với tầm bắn hơn 15.000 km, có nghĩa là cả hai lãnh thổ Hoa Kỳ và Nga đều có nguy cơ bị tổn thương.
***
Trong Chiến tranh Lạnh, chiến lược quy mô của Hoa Kỳ tập trung vào việc ngăn ngừa sức mạnh của Liên Xô. Sự trỗi dậy của Trung Quốc hiện nay đòi hỏi Mỹ và các đồng minh phải phát triển một chiến lược không tìm kiếm một chiến thắng toàn diện trước mối đe dọa sinh tồn, mà là sự cạnh tranh được điều hướng cho phép cả hợp tác và cạnh tranh trong một hệ thống trọng pháp.
Trong bốn thập kỷ của Chiến tranh Lạnh, Hoa Kỳ đã có một chiến lược quy mô tập trung vào việc ngăn ngừa quyền lực của Liên Xô. Tuy nhiên, đến những năm của thập niên 1990, sau sự sụp đổ của Liên Xô, Mỹ đã mất đi ngôi vị là vì sao Bắc đẩu. Sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, chính quyền của Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã cố gắng lấp đầy khoảng trống bằng một chiến lược mà họ gọi là „cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố“. Nhưng phương cách này đã đem lại sự hướng dẫn mơ hồ và dẫn đến các cuộc chiến lâu dài do Hoa Kỳ lãnh đạo ở những địa điểm không quan trọng như Afghanistan và Iraq. Kể từ năm 2017, Mỹ đã trở lại „cuộc cạnh tranh đại cường“, lần này là với Trung Quốc.
Là một chiến lược quy mô của Hoa Kỳ, cạnh tranh đại cường có lợi thế là tập trung vào các mối đe dọa chủ yếu đối với nền an ninh, kinh tế và các giá trị của Mỹ. Mặc dù khủng bố là một vấn đề còn đang tiếp tục mà Mỹ phải đối xử nghiêm túc, nhưng nó đặt ra một mối đe dọa ít hơn so với các đại cường quốc đối thủ. Khủng bố giống như jujitsu, (một tư thế trong võ thuật của Nhật Bản, ND) trong đó một người yếu sức biến sức mạnh của đối thủ mạnh hơn mình tự chống lại chính họ.
Trong khi các cuộc tấn công 11/9 đã giết chết hơn 2.600 người Mỹ, „cuộc chiến tranh bất tận“ mà Mỹ phát động để đáp trả chúng thậm chí còn tốn nhiều mạng sống hơn, cũng như hàng nghìn tỷ đô la. Trong khi chính quyền của Tổng thống Barack Obama cố gắng xoay trục sang châu Á, nơi phát triển nhanh nhất của nền kinh tế thế giới, di sản của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu khiến Mỹ bị sa lầy ở Trung Đông.
Một chiến lược cạnh tranh đại cường có thể giúp nước Mỹ tập trung lại; nhưng Mỹ có hai vấn đề. Đầu tiên, Mỹ kết hợp các loại tình trạng rất khác nhau vào chung nhau. Nga là một cường quốc đang suy yếu và Trung Quốc là đang trỗi dậy. Mỹ phải nhận định về bản chất độc đáo của mối đe dọa mà Nga đặt ra. Như thế giới phát hiện một cách buồn bã vào năm 1914, trước thềm Thế chiến I, một cường quốc đang suy vi (Áo-Hung) đôi khi có thể là kẻ chấp nhận rủi ro nhất trong một cuộc xung đột.
Ngày nay, Nga đang trong tình trạng suy giảm về dân số và kinh tế, nhưng vẫn giữ được nguồn lực khổng lồ mà họ có thể sử dụng như một kẻ phá hoại trong mọi thứ từ kiểm soát vũ khí hạt nhân và xung đột trên không gian mạng cho đến Trung Đông. Do đó, Mỹ cần một chiến lược của Nga không đưa quốc gia đó vào vũ khí của Trung Quốc.
Vấn đề thứ hai là khái niệm cạnh tranh đại cường đem lại một cảnh báo không đủ cho một loại đe dọa mới mà chúng ta phải đương đầu. An ninh quốc gia và chương trình nghị sự chính trị toàn cầu đã thay đổi kể từ năm 1914 và 1945, nhưng chiến lược của Hoa Kỳ hiện đang đánh giá thấp các mối đe dọa mới từ trào lưu toàn cầu hóa các vấn đề sinh thái. Biến đổi khí hậu toàn cầu sẽ gây tiêu tốn hàng nghìn tỷ đô la và có thể gây thiệt hại trên quy mô chiến tranh; đại dịch COVID-19 đã giết chết, nếu cộng lại kể từ năm 1945, nhiều người Mỹ hơn tất cả các cuộc chiến tranh của đất nước.
Tuy nhiên, chiến lược hiện tại của Hoa Kỳ dẫn đến ngân sách của Ngũ Giác Đài nhiều hơn gấp 100 lần so với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (US Centers for Disease Control và Prevention, CDC) nhiều gấp 25 lần so với Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health, NIH).
Cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Lawrence H. Summers và các nhà kinh tế khác gần đây đã kêu gọi thành lập Global Health Threats Fund, hàng năm trị giá 10 tỷ đô la, „nhỏ so với 10 nghìn tỷ đô la mà các chính phủ đã phải chịu trong cuộc khủng hoảng COVID-19.“
Trong khi đó, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tranh luận về cách đối phó với Trung Quốc. Một số chính trị gia và nhà phân tích gọi tình hình hiện tại là một „Chiến tranh Lạnh mới“, nhưng siết chặt Trung Quốc vào khuôn khổ ý thức hệ này giải thích sai lạc về thách thức chiến lược thực sự mà Mỹ phải đối phó.
Hoa Kỳ và Liên Xô có ít tiếp xúc thương mại song phương hoặc xã hội, trong khi Mỹ và các đồng minh giao dịch nhiều hơn với Trung Quốc và tiếp nhận vài trăm nghìn sinh viên Trung Quốc vào các trường đại học của họ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình không phải là Stalin, và hệ thống Trung Quốc không phải là chủ nghĩa Mác-Lênin, mà là „chủ nghĩa Lenin thị trường“, một hình thức chủ nghĩa tư bản nhà nước dựa trên sự kết hợp của các công ty quốc doanh và tư nhân phụ thuộc vào giới tinh hoa đảng độc tài.
Ngoài ra, Trung Quốc hiện nay là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia hơn Mỹ. Mỹ có thể tách rời các nguy cơ bảo mật như Hoa Vi ra khỏi mạng viễn thông 5G của mình, nhưng cố gắng cắt giảm tất cả thương mại với Trung Quốc sẽ quá tốn kém.
Và ngay cả khi phá vỡ sự tương thuộc kinh tế là khả thi, chúng ta không thể tách rời sự tương thuộc về sinh thái mà nó tuân thủ các định luật sinh học và vật lý, không phải chính trị. Vì nước Mỹ không thể tự mình giải quyết biến đổi khí hậu hoặc đại dịch, nên phải nhận ra rằng, một số hình thức quyền lực phải được thực hiện với những quyền lực khác. Giải quyết những vấn đề toàn cầu này sẽ yêu cầu Mỹ hợp tác với Trung Quốc đồng thời cạnh tranh với hải quân của Trung Quốc để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Nếu Trung Quốc liên kết các vấn đề và từ chối hợp tác, nó sẽ tự làm tổn thương chính họ. Một chiến lược cạnh tranh siêu cường đòi hỏi phải đánh giá cẩn thận. Đánh giá thấp phát sinh sự tự mãn, trong khi đánh giá quá cao tạo ra nỗi sợ hãi. Một trong hai có thể dẫn đến tính toán sai.
Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế trên giới và GDP của nước này (theo tỷ giá hối đoái thị trường) có thể vượt qua Mỹ vào những năm của thập niên 2030. Nhưng ngay cả đạt được, thu nhập bình quân tính theo đầu người vẫn chưa bằng một phần tư so với Mỹ và nước này phải đối mặt với một số vấn đề kinh tế, dân số và chính trị. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này đang chậm lại, quy mô lực lượng lao động đạt đỉnh điểm vào năm 2011 và có ít đồng minh chính trị. Nếu Mỹ, Nhật Bản và châu Âu phối hợp các chính sách của họ, họ vẫn sẽ đại diện cho phần lớn nhất của nền kinh tế toàn cầu và sẽ có khả năng tổ chức một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ có khả năng định hình cho hành vi của Trung Quốc. Liên minh đó là trọng tâm của một chiến lược để điều hương sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Như cựu Thủ tướng Úc Kevin Rudd lập luận, mục tiêu cạnh tranh của đại cường với Trung Quốc không phải là chiến thắng toàn diện trước một mối đe dọa sinh tồn, mà là “ cạnh tranh chiến lược có điều hướng.“ Điều đó sẽ đòi hỏi Mỹ và các đồng minh tránh đề ra các ác tính của Trung Quốc.
Thay vào đó, họ nên xem mối quan hệ này như một „sự cạnh tranh hợp tác “ đòi hỏi sự quan tâm bình đẳng đến cả hai mặt của việc mô tả cùng một lúc. Theo những điều kiện đó, chúng ta có thể đối phó thành công, nhưng chỉ khi chúng ta nhận ra rằng đây không phải là cuộc cạnh tranh của các đại cường trong thế kỷ XX
***
Joseph S. Nye, Jr. Giáo sư Đại Học Harvard và là tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump.