Đỗ Kim Thêm
Bối cảnh
Gần đây, Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý gia hạn hiệu lực của Hiệp ước Hữu nghị Trung Quốc và Nga năm 2001. Đây là một quyết định quan trọng để cho hai nước có cơ sở đến gần nhau hơn trong việc thực hiện các chiến lược hợp tác kinh tế và chính trị. Nhưng trong mối quan hệ đối tác mới này không có nghĩa là cả hai nước không còn các vấn đề tranh chấp.
Hiệp ước Hữu nghị Nga-Hoa quy định sự hỗ trợ về các vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của cả hai quốc gia. Tổng thống Putin nhấn mạnh là trong bối cảnh địa chính trị ngày càng gia tăng căng thẳng, tình hữu nghị lân bang Nga-Hoa sẽ đóng một „vai trò làm ổn định cho các vấn đề của thế giới“. Trong mối quan hệ trao đổi thương mại hiện nay, Nga cung cấp cho Trung Quốc nhiều mặt hàng, trong đó có dầu, khí đốt và than đá. Đổi lại, Trung Quốc bán máy móc và hàng tiêu dùng cho Nga
Trong vai trò là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, cả hai nước cũng có nhiều lợi ích chung và nhất là hiện nay trong mối quan hệ khá căng thẳng với Mỹ.
Theo quan điểm của NATO, Trung Quốc và Nga hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh ở khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương.
Quân bình quyền lực
Trước đây, Trung Quốc rất quan tâm đến kỷ thuật sản xuất vũ khí của Nga. Tình hình đã thay đổi đáng kể từ khi Trung Quốc đã gia tăng năng lực quốc phòng. Kinh phí quốc phòng trong năm 2020 lên tới 252 tỷ đô la, đứng thứ hai sau Hoa Kỳ (772 tỷ USD), vượt xa Nga (61,2 tỷ USD), dự kiến cho năm 2021 là sẽ tăng 6,8% . Với số lượng đầu đạn hạt nhân hiện nay 350, Trung Quốc đã vượt qua Pháp (290) lên vị trí thứ ba sau Nga (6.500) và Mỹ (6.185). Về số lượng tàu chiến (777) và tàu ngầm (79), Trung Quốc đã vượt qua Mỹ (490 – 69) và Nga (605 – 64).
Vấn đề chính hiện nay là không phải Nga hay Hoa Kỳ, mà toàn thế giới không biết Bắc Kinh đang nghĩ và làm gì với chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của họ. Nhưng tất cả có một nhận định chung là Trung Quốc đã không còn lệ thuộc Nga về mặt công nghệ quốc phòng và bí mật vũ khí. Lo âu lớn nhất là vũ khí hạt nhân của Trung Quốc „có tiềm năng lớn làm thay đổi hoàn toàn thế ổn định chiến lược thế giới.“ Cụ thể là Trung Quốc đang bí mật xây dựng tại một sa mạc gần Yumen, một thành phố ở vùng tây bắc Trung Quốc 119 hầm chứa tên lửa liên lục địa, đặc biệt là loại tên lửa DF-41, với tầm bắn hơn 15.000 km, có nghĩa là cả hai lãnh thổ Hoa Kỳ và Nga đều có nguy cơ bị tổn thương.
Trong thời gian qua, trao đổi thương mại giữa Nga và Trung Quốc đã tăng lên đáng kể. Trong mối quan hệ kinh tế ngoại thương của Trung Quốc, Nga vẫn có vị trí còn khiêm nhường, không nổi bật như các quốc gia công nghiệp phương Tây. Nhưng đối với Nga, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại song phương quan trọng, đã thay thế vai trò của Đức trong thời gian trước đây. Tuy nhiên, khối Liên minh châu Âu vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Nga.
Hiện nay, đối với Trung Quốc, Nga đang là nhà cung cấp chủ yếu về nguyên nhiên vật liệu, trong đó có năng lượng, nhất là dầu khí. Nga nhập nhiều các mặt hàng từ Trung Quốc, đáng kể nhất là hàng dệt may, hàng tiêu dùng và ngày càng có nhiều mặt hàng công nghệ cao trong các lĩnh vực viễn thông, số hóa và công nghệ máy tính.
Theo quan điểm của Nga, tình trạng này nếu còn kéo dài sẽ dẫn đến mức bất quân bình mậu dịch giống như giữa Nga với các quốc gia công nghiệp phương Tây trước đây.
Lợi ích chung
Hiệp ước Hữu nghị Nga-Hoa đã được áp dụng lần đầu tiên từ tháng 7 năm 2001. Theo quan điểm của cả Bắc Kinh và Moscow, mục tiêu Hiệp ước nhằm tạo ra một tình trạng đối trọng ảnh hưởng so với phương Tây.
Trước sự chuyển biến trong hệ thống chính trị toàn cầu, cả hai nước đều mong muốn là tiếp tục cai trị bằng chính sách độc tài đảng trị, tìm cách hạn chế mọi ảnh hưởng của phương Tây và thay thế bằng một trật tự chính trị tương ưng, có nghĩa là, có một vị thế chung để đối phó với Mỹ và phương Tây.
Thực ra, cho dù có ý thức phối hợp để „chống Mỹ cứu nước“, nhưng tác động của cả hai chưa đúng mức đáng kể. Trong khi không khí đàm phán giữa hai phái đoàn Trung Quốc và Hoa Kỳ tại Alaska cực kỳ căng thằng với ngôn ngữ ngoại giao gay gắt, thì trong lần gặp tại Genève gần đây, Biden và Putin đối thoại hoà dịu hơn, hai phía đồng thuận là sẽ đối thoại lại về vấn đề kiểm soát vũ khí, an ninh mạng và các đại sứ của hai bên sẽ lo xúc tiến công việc. Tuy nhiên, hai bên vẫn còn bất đồng về những vấn đề như nhân quyền, Ukraine và tương lai của nhà đối lập Alexei Navalny hiện đang chịu án tù giam 2,5 năm.
Ảnh hưởng của Hiệp ước
Trên bình diện toàn cầu, hung đồ thống trị về kinh tế, chính trị và quân sự của Trung Quốc ngày càng tăng, điển hình là chính sách “Một vành đai, một con đường” đang được chính giới quốc tế lên án là một mối đe doạ nghiêm trọng. Riêng tại Mỹ, phản ứng gay gắt của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chính sách bài Hoa là một minh chứng. Nhưng những đối sách gần đây của Joe Biden cũng là một bước tiếp nối không thể khác hơn những gì mà vị tiền nhiệm đã thực hiện, vì Joe Biden nhận định là tình hình bang giao không hề cải thiện; ngược lại, hệ thống an ninh quốc tế ngày càng có nhiều nguy cơ: Đài Loan và Biển Đông là hai thí dụ chính cho Đông Á.
Nhìn chung, trong bối cảnh khá sôi động hiện nay, Nga chỉ đóng một vị trí chiến lược thứ yếu hơn Trung Quốc, nhưng tác động của Trung Quốc cho Nga qua việc gia hạn Hiệp ước Hữu nghị lần này, chắc chắn có thể củng cố cho Nga có nhiều hành động ngoạn mục hơn trong tương lai.
Các vấn đề tồn đọng
Có nhiều tiên đoán cho là, về lâu dài, một số xung đột lợi ích cũng có thể xảy ra trong một vài lĩnh vực nhất định, nếu tình trạng bất quân bình giữa Nga và Trung Quốc phát sinh trong một hình thức như sau.
Ví dụ, Bắc Cực, nơi Nga có yêu sách về chủ quyền lãnh thổ. Trong tương lai, Nga cũng sẽ lên tiếng về vấn đề Trung Á, nơi Trung Quốc, một tác nhân kinh tế đóng vai trò ngày càng quan trọng và đang tìm mọi cách để đẩy lui các ảnh hưởng chính trị Nga ra khỏi khu vực. Điều tương tự cũng có thể xảy ra tại một số khu vực khác trên thế giới. Trung Quốc luôn tỏ ra dè dặt trong một số cuộc xung đột mà Nga đã có với phương Tây.
Trong cuộc chiến tranh giữa Nga-Georgia năm 2008, sau đó Nga công nhận hai vùng lãnh thổ ly khai ở Georgia là các quốc gia; Moscow muốn là Trung Quốc hỗ trợ, nhưng không được Trung Quốc đáp ứng. Trong việc sáp nhập Crimea của Nga, Trung Quốc cũng làm tương tự.
Mối quan hệ Hoa-Nga là một liên minh của sự tiện dụng, không phải là một liên minh chiến lược thực sự. Hai phía vẫn có những nghi ngờ tồn động nhưng vẫn có thể thoả hiệp được để có lợi hơn, giống như mối quan hệ của Trung Quốc với Hoa Kỳ. Các quyền lợi kinh tế tại Siberia, nếu Trung Quốc biết khai thác đúng mức, sẽ giúp cho Trung Quốc tăng trưởng kinh tế đáng kể. Siberia là vùng dân cư thưa thớt, nhưng nếu Trung Quốc tăng ảnh hưởng chính trị, chắc chắn là giới lãnh đạo Nga sẽ lo lắng hơn.
Về mặt liên quan đến Trung Á thì Liên minh Kinh tế Á-Âu của Putin và chương trình „Một vành đai, một con đường“ của Trung Quốc có thể gây xung đột tại một số điểm. Châu Âu đang có ý thức vấn đề này khi tiếp tục mở rộng ảnh hưởng Liên minh Kinh tế Á-Âu. Các biện pháp tài trợ kinh tế của Trung Quốc để xây dựng cơ sở hạ tầng sẽ kết nối Trung Quốc với Trung Á, Nga và cuối cùng châu Âu, nhưng trước mắt không đưa đến một cuộc xung đột nguy hiểm đáng kể nào trong mối quan hệ Nga-Hoa.
Qua vai trò của Trung Quốc trong Hiệp ước Hữu nghị với Nga, không chỉ có vấn đề tranh chấp ở Trung Á đang phát sinh mà còn ở phía tây nước Nga. Trong tương lai, đây là những lĩnh vực mà xung đột có thể thành hình.
Tóm lại, cho đến nay, cả hai bên Nga-Hoa vẫn đang đối phó với các vấn đề này trong tinh thần dè dặt và xây dựng, bởi vì cả hai nhận ra là các thành quả thu lượm trong tương lai sẽ vô cùng to lớn khi so với những bất lợi trước mắt.
Phụ chú cập nhật:
Trước bới cảnh mới, Nga quan niệm là quyền lợi của Nga đã hoàn toàn thay đổi và „Tam giác“ Ấn–Nga-Trung là một liên minh cần thiết để bảo đảm ổn định và an ninh cho khu vực“ trong tương lai. Do đó, Ấn Độ và Trung Quốc trở thành các đối tác ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.
Theo quan điểm chính thức của Tổng thống Putin mà tài liệu về Chiến lược An ninh Quốc gia phổ biến gần đây cho thấy lý do cho sự thay đổi này. Theo Putin, các nước Âu–Mỹ đã trở thành mối đe dọa cho Nga khi cố tình muốn „xóa bỏ những giá trị truyền thống của Nga“, và đòi „xét lại vai trò và vị trí của nước Nga trong lịch sử thế giới“.
Dĩ nhiên, Putin còn có những lập luận khác, thí dụ như Nga không chấp nhận chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ vốn đã được là Nhật Bản và Ấn Độ hoan nghênh.
Trước đây, Nga đã đề xuất chiến lược „Quan hệ đối tác lớn Á-Âu“ (Greater Eurasian Partnership – GEP), bao gồm từ Nga đến các quốc gia Đông Á, các đối tác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương, từ Châu Âu sang đến Nam và Trung Á.
Mục tiêu theo dự án GEP là hội nhập kinh tế khu vực trong sự hợp tác đa phương, nhưng không thể phủ nhận tầm vóc chiến lược cho Nga.
Tuy nhiên, xung đột ở biên giới Ấn-Trung là vấn đề mới mà Nga có thể quan tâm nhiều hơn khi so với nguy cơ xung đột vũ trang ở Biển Đông hay Đài Loan.
Nga sẽ tranh thủ được ưu thế chính trị không, còn là vấn đề cần thời gian, nên khó xác định quan điểm của Nga trong bối cảnh mới.
Tình hình còn nhiều chuyển biến. Dù trong tình huống nào thì chủ trương chính của Nga là Trung Quốc không thể áp đặt luật chơi chung với các đối tác trong khối Á-Âu.
Bài liên quan:
Ein Gedanke zu “Triển vọng bang giao Nga-Hoa với Hiệp ước Hữu nghị mới”