Joseph E. Stiglitz
Đỗ Kim Thêm dịch

Nguồn ảnh: Win McNamee/Getty Images
Nếu như thể sự sụp đổ kinh tế do từ dịch bệnh COVID-19 và cuộc chiến của Nga tại Ukraine là không đủ khó khăn, người ta cũng phải lo lắng rằng phản ứng của các nhà hoạch định chính sách sẽ khiến cho tình hình thậm chí còn tệ hơn. Năm 2023 khó khăn ngày càng chồng chất là đoan chắc, và nó sẽ mang lại mảnh đất màu mỡ hơn nữa cho những kẻ mị dân nguy hiểm.
Kinh tế học đã được gọi là khoa học ảm đạm, và năm 2023 sẽ minh chứng cho biệt danh đó. Chúng tôi đang chịu sự thương xót của hai trận đại hồng thủy chỉ đơn giản là nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Đầu tiên là đại dịch COVID-19, tiếp tục đe dọa chúng ta với các biến thể mới với nhiều tử vong hơn, dễ lây hoặc đề kháng với vắc-xin. Đại dịch đã được Trung Quốc xử lý quá kém cỏi, chủ yếu là do nước này không tiêm chủng cho người dân với loại vắc xin mRNA hiệu quả hơn do phương Tây sản xuất.
Trận đại hồng thủy thứ hai là cuộc chiến tranh xâm lược của Nga ở Ukraine. Cuộc xung đột cho thấy là không có hồi kết, và có thể leo thang hoặc tạo ra những hiệu ứng lan tỏa thậm chí còn lan rộng hơn. Dù bằng cách nào, sự xáo trộn nhiều hơn đối với giá năng lượng và thực phẩm đều được đảm bảo. Và, như thể những vấn đề này không đủ khó chịu, có rất nhiều lý do để lo lắng rằng phản ứng từ các nhà hoạch định chính sách sẽ khiến cho tình hình tồi tệ hơn.
Quan trọng nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể tăng lãi suất quá xa và quá nhanh. Tình trạng lạm phát ngày nay chủ yếu được thúc đẩy bởi sự thiếu hụt nguồn cung, một số trong đó đã trong tiến trình được giải quyết. Do đó, việc tăng lãi suất có thể phản tác dụng. Nó sẽ không sản xuất thêm thực phẩm, dầu mỏ hoặc khí đốt, nhưng nó sẽ gây khó khăn hơn cho việc huy động các khoản đầu tư giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Biện pháp thắt chặt tiền tệ cũng có thể dẫn đến tình trạng suy thoái toàn cầu. Thực ra, kết quả đó rất được mong đợi, và một số nhà bình luận, đã tự tin rằng chống lạm phát đòi hỏi nỗi đau về kinh tế, đã cổ vũ hiệu quả cho cuộc suy thoái. Họ lập luận là càng nhanh và càng sâu thì càng tốt,. Họ dường như không xem rằng cách chữa trị có thể tồi tệ hơn căn bệnh.
Những chấn động toàn cầu từ việc thắt chặt của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể đã được cảm nhận khi bước vào mùa đông. Hoa Kỳ đang tham gia vào chính sách gây hại cho lân bang trong thế kỷ XXI. Trong khi đồng đô la mạnh hơn làm giảm lạm phát ở Mỹ, nó làm như vậy bằng cách làm suy yếu các loại tiền tệ khác và tăng lạm phát ở những nơi khác. Để giảm thiểu những tác động ngoại hối này, ngay cả các quốc gia có nền kinh tế yếu kém cũng đang buộc phải tăng lãi suất, điều này đang làm suy yếu cho nền kinh tế của họ hơn nữa.
Lãi suất cao hơn, tiền tệ mất giá và suy thoái toàn cầu đã đẩy hàng chục quốc gia đến bờ vực vỡ nợ. Lãi suất và giá năng lượng cao hơn cũng sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp đi đến tình trạng phá sản. Đã có một số ví dụ ấn tượng về điều này, như với Uniper của Đức hiện đã được quốc hữu hóa. Và ngay cả khi các doanh nghiệp không tìm kiếm sự bảo hộ cho việc phá sản, cả doanh nghiệp và hộ gia đình sẽ cảm thấy căng thẳng của các điều kiện tài chính và tín dụng thắt chặt hơn. Không có gì đáng ngạc nhiên, 14 năm với tìh trạng lãi suất cực thấp đã khiến nhiều quốc gia, doanh nghiệp và hộ gia đình mắc nợ quá mức.
Những thay đổi lớn lao về lãi suất và tỷ giá hối đoái của năm qua ngụ ý nhiều rủi ro tiềm ẩn – thể hiện qua sự sụp đổ gần như sụp đổ của các quỹ hưu bổng của Anh vào cuối tháng chín và đầu tháng mười. Việc không phù hợp của các kỳ hạn và tỷ giá hối đoái là một dấu hiệu của các nền kinh tế được quản lý kém, và chúng thậm chí còn trở nên phổ biến hơn với sự tăng trưởng của các công cụ phái sinh không minh bạch.
Tất nhiên, những khó khăn kinh tế này sẽ rơi mạnh nhất vào các quốc gia dễ bị tổn thương nhất, mang lại mảnh đất màu mỡ hơn nữa cho những kẻ mị dân theo tinh thần dân túy gieo mầm oán giận và bất mãn. Có một tiếng thở phào nhẹ nhõm toàn cầu khi Luiz Inácio Lula da Silva đánh bại Jair Bolsonaro trong cuộc bầu cử tổng thống Brazil. Nhưng chúng ta đừng quên rằng Bolsonaro đã nhận được gần 50% số phiếu bầu và vẫn kiểm soát Quốc hội Brazil.
Trên mọi khía cạnh, bao gồm cả nền kinh tế, mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với tình trạng an lạc ngày nay là về mặt chính trị. Hơn một nửa dân số thế giới sống dưới các chế độ độc tài. Ngay cả ở Mỹ, một trong hai đảng lớn đã trở thành một chuyện sùng bái cá nhân mà tình trạng này ngày càng bác bỏ nền dân chủ và tiếp tục lừa dối về kết quả của cuộc bầu cử năm 2020. Phương thức hoạt động của việc này là tấn công báo chí, khoa học và các thể chế giáo dục đại học, đồng thời bơm càng nhiều thông tin sai lệch vào nền văn hóa càng nhiều càng tốt.
Rõ ràng, mục đích là để thoái bước các tiến bộ của 250 năm qua. Tinh thần lạc quan đã qua mà nó chiếm ưu thế vào cuối Chiến tranh Lạnh, khi Francis Fukuyama có thể báo trước „Sự kết thúc của lịch sử“, theo đó, ông muốn nói đến sự biến mất của bất kỳ kẻ thách thức nghiêm trọng nào đối với mô hình dân chủ tự do.
Để chắc chắn, vẫn còn một chương trình nghị sự tích cực có thể ngăn chặn nguy cơ lui về nguyên trạng và tuyệt vọng. Nhưng ở nhiều quốc gia, sự phân hoá chính trị và bế tắc đã đẩy một chương trình nghị sự như vậy ra khỏi tầm tay. Với các hệ thống chính trị vận hành tốt hơn, chúng ta có thể đã tiến nhanh hơn nhiều để tăng sản lượng và nguồn cung, giảm thiểu áp lực lạm phát mà nền kinh tế của chúng ta hiện đang phải đối mặt. Sau nửa thế kỷ nói với nông dân rằng đừng sản xuất nhiều nhất có thể, cả châu Âu và Mỹ đều có thể bảo họ sản xuất nhiều hơn. Hoa Kỳ có thể đã cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em – để nhiều phụ nữ hơn có thể tham gia lực lượng lao động, giảm bớt tình trạng thiếu lao động bị cáo buộc – và châu Âu có thể đã nhanh chóng hơn để cải cách thị trường năng lượng và ngăn chặn giá điện tăng đột biến.
Các quốc gia trên thế giới có thể đã đánh thuế lợi nhuận theo những cách thực sự có thể khuyến khích đầu tư và giảm giá, sử dụng số tiền thu được để bảo vệ những người dễ bị tổn thương và tạo đầu tư công vào khả năng phục hồi kinh tế. Là một cộng đồng quốc tế, chúng ta có thể đã áp dụng luật tác quyền sở hữu trí tuệ cho đại dịch COVID-19, do đó làm giảm mức độ phân biệt chủng tộc cho vắc xin và sự phẫn nộ mà nó gây ra, cũng như giảm thiểu nguy cơ đột biến mới nguy hiểm.
Tất cả đã điều đã trình bày, một người lạc quan sẽ nói rằng ly của chúng ta đầy khoảng một phần tám. Một số quốc gia được chọn đã đạt được một số tiến bộ trong chương trình nghị sự này, và vì điều đó chúng ta nên biết ơn. Nhưng gần 80 năm sau khi Friedrich von Hayek viết Con đường dẫn tới chế độ nô lệ (The Road to Serfdom), chúng ta vẫn đang sống với di sản của các chính sách cực đoan mà ông và Milton Friedman đã đưa vào trào lưu chính. Những ý tưởng đó đã đem chúng ta tới một tiến trình thực sự nguy hiểm: con đường dẫn đến một phiên bản của chủ nghĩa phát xít trong thế kỷ XXI.
***
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel kinh tế, Giáo sư Đại học Columbia, Cựu Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế cho Tổng thống Hoa Kỳ, Đồng Chủ tịch High-Level Commission on Carbon Prices, Thành viên của Independent Commission for the Reform of International Corporate và là tác giả chính của IPCC Climate Assessment năm 1995.