Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Trong báo cáo định kỳ mới nhất, hai doanh nghiệp ExxonMobil và Chevron cho biết là doanh thu tăng cực mạnh nhờ giá dầu tăng, một hậu quả của cuộc chiến tranh Ukraine. Cụ thể là lợi nhuận của Exxon đã tăng lên gấp ba lần với doanh thu là 19,7 tỷ đô la và Chevron tăng lên 84% với doanh thu 11,2 tỷ đô la.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng nhận chân ra hiểm hoạ bất công xã hội ngày càng đè nặng và đang tìm ra hai đối sách mới. Trước tình hình vật giá leo thang, Joe Biden tìm cách gây áp lực lên ngành công nghiệp dầu mỏ và cho biết là sẽ đánh thuế các lợi nhuận đặc biệt liên quan đến chiến tranh.
Theo Joe Biden, các doanh nghiêp khổng lồ này phải thay đổi các biện pháp triệt để, cụ thể là tăng gia đầu tư trở lại thị trường Mỹ, tăng khả nẳng sản xuất của các nhà máy lọc dẩu nội địa và giảm giá cho người tiêu dùng. Nhưng thực tế cho thấy việc doanh nghiệp thay đổi chính sách kinh doanh không thể giải quyết trong một sớm một chiều trong khi hai đảng đang chạy đua ráo riết trước ngày bầu cử.
Các đề xuất của Jeseph S. Stiglitz trong bài này cũng không thể là liều thuốc cấp thời sử dụng mà là một lý tưởng phát triên kinh tế trong dài hạn.
***
Kể từ khi phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mô tả dự án man rợ của mình là một cuộc đối đầu với toàn thể phương Tây. Nhưng trong khi các chính phủ phương Tây đã phản ứng về mặt chính trị và ngoại giao, họ vẫn chưa làm những gì cần thiết về mặt kinh tế.
Về mặt chính trị, khối các nước thuộc G7 và các quốc gia tương tự trên khắp thế giới đã chấp nhận một thái độ về chiến tranh để ngăn chặn sự xâm lược của Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của luật quốc tế khi phát động một cuộc tấn công vô cớ vào một thành viên khác của Liên Hiệp Quốc – một định chế được tạo ra một cách rõ ràng để ngăn chặn sự gây hấn như vậy. Các mối nguy hiểm của sự tương nhượng phải là rõ ràng. Ngay cả một chút đồng cảm cũng sẽ khiến chúng ta rùng mình vì kinh hoàng trước viễn cảnh phải sống dưới sự cai trị của Putin.
Đó là một cuộc chiến đặc biệt. Trong khi Putin đã mô tả dự án của mình là một cuộc đối đầu với toàn bộ phương Tây, chỉ riêng những người dân Ukraine đang chiến đấu và chịu toàn bộ gánh nặng trong các cuộc tấn công của Nga nơi các thường dân và cơ sở hạ tầng dân sự. Trong khi đó, châu Âu và châu Mỹ đã cung cấp viện trợ kinh tế và quân sự, và các nơi khác trên thế giới đã và đang giải quyết các hậu quả của cuộc chiến, bao gồm giá năng lượng và thực phẩm cao hơn.
Nhưng thật là sai lầm khi nghĩ rằng cuộc chiến có thể giành chiến thắng với nền kinh tế dành cho thời bình. Không có quốc gia nào từng thắng thế trong một cuộc chiến nghiêm trọng bằng cách để cho các thị trường hoạt động một mình. Các thị trường chỉ đơn giản là chuyển động quá chậm đối với loại thay đổi lớn lao về cấu trúc mà nó là thiết yếu. Đó là lý do tại sao Hoa Kỳ có Đạo luật Sản xuất Quốc phòng (the Defense Production Act), được ban hành vào năm 1950 và được viện dẫn gần đây trong „cuộc chiến“ chống lại COVID-19, và một lần nữa, để giải quyết tình trạng nghiêm trọng trong việc thiếu sữa bột dành cho trẻ em.
Một điều không thể tránh khỏi là các cuộc chiến gây ra các tình trạng thiếu hụt và tạo ra việc thu lợi bất ngờ dành cho một số người mà những người khác phải gánh chịu chi phí. Trong lịch sử, những kẻ trục lợi chiến tranh thường bị xử tử. Nhưng ngày nay, giới này còn bao gồm cả nhiều nhà sản xuất và thương nhân ngành năng lượng, những người này thay vì bị treo cổ, phải chịu nộp thuế lợi nhuận bất thường. Liên minh châu Âu đã đề nghị một biện pháp như vậy, nhưng nó sẽ đến quá muộn, quá yếu và quá hẹp đối vối thách thức trước mắt. Cũng tương tự như vậy, trong khi một số thành viên của Quốc hội đã đệ trình các dự luật đánh thuế siêu lợi nhuận của các đại doanh nghiệp dầu hoả, chính quyền Biden cho đến nay vẫn chưa thể giải quyết cho vấn đề này.
Đó là điều dễ hiểu, vì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bận rộn tranh thủ dành sự ủng hộ cho những thành tựu quan trọng như Đạo luật Giảm lạm phát và Đạo luật CHIPS (Inflation Reduction Act and the CHIPS Act). Hơn nữa, khi tìm kiếm sự hợp tác của khu vực tư nhân trong việc hạn chế việc tăng giá, ông đã rất khó khăn khi không tỏ ra mình là “chống giới kinh doanh“. Nhưng đánh thuế lợi nhuận bất thường và sử dụng số tiền thu được để tài trợ cần thiết cho chi phí chiến tranh và hỗ trợ cho những người bị tổn thương bởi giá cả mắc mỏ không phải là chống kinh doanh; nó là cách quản trị có trách nhiệm trong thời chiến, mà nó cần thiết để duy trì sự ủng hộ của quần chúng cho nỗ lực chiến tranh. Các loại thuế tạm thời như vậy không ảnh hưởng đến đầu tư cũng như việc làm, và không có gì bất công khi đánh thuế lợi nhuận đặc biệt mà các doanh nghiệp không làm gì để gọi là xứng đáng. (Bên cạnh đó, nói chung hơn, đánh thuế đối với lợi nhuận doanh nghiệp không phải là bóp méo, bởi vì chi phí, bao gồm cả vốn, được khấu trừ.)
Các biện pháp thậm chí còn toàn diện hơn là cần thiết ở châu Âu, nơi thị trường điện ngày nay không được thiết kế để đối phó với các điều kiện trong thời chiến. Thay vào đó, nó tuân theo nguyên tắc định giá chi phí biên tế. Điều đó có nghĩa là giá điện phản ánh nguồn sản xuất có chi phí cao nhất cần thiết để đáp ứng nhu cầu hiện tại. Khi giá khí đốt tăng vọt, chi phí biên tế đã tăng cao hơn nhiều so với chi phí trung bình. Ví dụ như chi phí năng lương tái tạo đã thay đổi rất ít.
Do đó, nhiều người bán điện với giá rẻ đang làm chuyện giết người, khi các doanh nhân đã mua năng lượng với giá thấp hơn trước khi có chiến tranh. Trong khi những tác nhân trên thị trường này thu về hàng tỷ euro lợi nhuận, hóa đơn tiền điện của người tiêu dùng đang tăng vọt. Giá điện ở một nước giàu năng lượng như Na Uy, với trữ lượng khí đốt và dầu mỏ khổng lồ và công suất thủy điện, đã đã tăng lên gấp mười lần.
Trong khi đó, các hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ đang bị đẩy đến bên bờ vực thẩm, và thậm chí một số doanh nghiệp lớn đã phá sản. Tháng trước, Uniper, một đại doanh nghiệp cung cấp một phần ba lượng khí đốt của Đức, đã được “quốc hữu hoá“, những khoản lỗ to lớn của mình đang xã hội hóa một cách có hiệu quả. Nguyên tắc châu Âu là „nhà nước không cấp viện” đã bị gạt sang một bên, chủ yếu là do các nhà lãnh đạo châu Âu phản ứng quá chậm trong việc thay đổi cấu trúc thị trường không được thiết kế dành cho chiến tranh.
Các nhà kinh tế yêu thích định giá chi phí biên tế vì nó mang đến các động lực khích lệ phù hợp và vì hậu quả trong việc phân phối của nó có xu hướng nhỏ và dễ xử lý trong các thời gian bình thường. Nhưng hiện nay, hiệu ứng khuyến khích của hệ thống là nhỏ và hiệu ứng trong việc phân phối của nó là rất lớn. Trong ngắn hạn, người tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ sẽ phải không dùng máy điều nhiệt vào mùa đông và bật nó lên vào mùa hè, nhưng các khoản đầu tư cho việc tiết kiệm năng lượng toàn diện cần có thời gian để lập kế hoạch và thực hiện.
May mắn thay, có một hệ thống đơn giản hơn (đã được thảo luận ở một số quốc gia và đã được triển khai một phần ở những quốc gia khác) sẽ giữ lại hầu hết các hiệu ứng khuyến khích của việc định giá chi phí biên tế mà không có tác động cho việc phân phối. Trong khuôn khổ định giá theo cách phi tuyến tính, các hộ gia đình và doanh nghiệp có thể được phép mua 90% nguồn cung của năm trước theo giá của năm trước và 91-110% nguồn cung ở mức cho đến 150% giá của năm trước, trước khi giá chi phí biên tế bắt đầu có hiệu lực.
Mặc dù việc định giá theo cách phi tuyến tính không thể áp dụng được ở nhiều thị trường – do khả năng „chênh lệch giá“ (mua hàng hóa với giá thấp và bán lại ngay lập tức với giá cao hơn nhiều) – nhưng điện không phải là một trong số đó. Đó là lý do tại sao một số nhà kinh tế (như tôi) từ lâu đả cổ vũ cho việc sử dụng nó trong trường hợp thất bại của các thị trường lớn đang có tác động quan trọng trong việc phân phối. Nó là một công cụ có hiệu lực mà các chính phủ có thể và nên sử dụng, đặc biệt là khi đối mặt với các tình trạng trong thời chiến.
Một cái gì đó cũng phải được thực hiện để chống lại việc giá thực phẩm tăng vọt. Sau nửa thế kỷ chúng ta trả tiền cho nông dân Mỹ không phải canh tác (một phương pháp xưa cũ để hỗ trợ giá nông nghiệp), bây giờ chúng ta nên trả tiền cho họ để họ sản xuất nhiều hơn.
Những thay đổi như vậy đã trở nên bắt buộc. Như người Việt Nam hiểu rằng giành được nhiều chiến thắng trên mặt trận chính trị cũng như trên chiến trường. Mục đích của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968 không phải để giành lãnh thổ mà là để thay đổi tính toán chính trị của cuộc chiến, và nó đã kích hoạt được. Rõ ràng là đánh bại Nga sẽ cần nhiều sự giúp đỡ hơn dành cho Ukraine. Nhưng nó cũng sẽ đòi hỏi một phản ứng kinh tế tốt hơn từ phía phương Tây một cách rộng rãi hơn. Điều đó bắt đầu bằng việc chia sẻ nhiều gánh nặng hơn thông qua việc đánh thuế vào các khoản lợi nhuận bất thường, kiểm soát các mức giá chính – chẳng hạn như giá điện và thực phẩm – và khuyến khích các biện pháp can thiệp của chính phủ khi cần thiết để giảm bớt tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng.
Chủ thuyết tự do mới, dựa trên những ý tưởng đơn giản về cách thị trường nên hoạt động như thế nào mà không hiểu được cách chúng thực sự hoạt động ra sao, đã không vận hành ngay cả trong thời bình. Chúng ta không cho phép nó ngăn cản chúng ta chiến thắng trong cuộc chiến này.
***
Joseph E. Stiglitz đoạt giải Nobel kinh tế và là Giáo sư Đại học Columbia, cựu Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới (1997-2000), Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Hoa Kỳ, và Đồng Chủ tịch Cao Ủy về Giá Carbon. Ông là thành viên của Ủy ban độc lập về cải cách thuế doanh nghiệp quốc tế và là tác giả chính của Đánh giá khí hậu IPCC năm 1995.