Đỗ Kim Thêm dịch

Điểm sách:
Gary Gerstle, The Rise and Fall of the Neoliberal Order: America and the World in the Free Market Era, Oxford University Press, 2022; Helen Thompson, Disorder: Hard Times in the 21st Century, Oxford University Press, 2022.
Việc quốc tế hóa các mối quan hệ kinh tế và tài chính đã làm suy yếu quyền lực của quốc gia và tạo ra các điều kiện cộng hưởng cho các cuộc khủng hoảng trong toàn cầu ngày nay. Tệ hại hơn, việc làm sáng tỏ chủ thuyết tân tự do (Neoliberalism) đã không dẫn đến một sự hồi sinh tiến bộ, mà là một cái gì đó về mặt chính trị phụ thuộc và bất trắc nhiều hơn.
Gary Gerstle và Helen Thompson là các đồng nghiệp của tôi, họ cùng làm việc chung một lĩnh vực học thuật tại Đại học Cambridge và những cuốn sách mới của họ cùng chia sẻ một mục đích chung là làm thế nào để hiểu được sự rối loạn chức năng đã đe doạ các nền dân chủ phương Tây.
Họ nghiên cứu vấn đề theo những phương cách rất dị biệt nhưng bổ sung nhau, đang mang lại những hiểu biết sâu xa về những động lực bất quân bình của chủ nghĩa tư bản dân chủ. Khi đọc gộp lại, người ta thấy rõ sự tan rã của mệnh lệnh thuộc về chủ thuyết tân tự do (Neoliberal Order) của Gerstle đã gây ra tình trạng rối loạn mà Thompson phân tích.
Sự tương phản giữa hai cuốn sách phụ thuộc nhiều vào sự hiểu biết của các tác giả. Gerstle là một nhà sử học về các tư tưởng chính trị, ý thức hệ và văn hóa và viết theo quan điểm của người Mỹ.
Trong tác phẩm The Rise and Fall of the Neoliberal Order: America and the World in the Free Market Era, Gerstle theo dõi cách thế nào mà các chương trình chính trị cấp tiến ban đầu trở thành thể chế hóa như „các mệnh lệnh“ toàn diện khi phe đối lập chấp nhận các điều kiện của họ.
Do đó, mệnh lệnh trong thời New Deal (New Deal Order) được thiết lập khi chính quyền Eisenhower của đảng Cộng hòa quyết định không cố bãi bỏ các cải cách chủ yếu về thể chế của chính quyền Roosevelt thuộc đảng Dân chủ.
Cũng tương tự như vậy, sau nỗ lực tái canh tân mệnh lệnh trong thời New Deal thông qua biện pháp cải cách về chăm sóc sức khỏe thất bại, chính quyền Clinton đã chấp nhận giải toả các thị trường trong cuộc cách mạng của Reagan và do đó đã mở rộng mệnh lệnh thuộc về chủ thuyết tân tự do cho đến khi nó sụp đổ trong „cuộc chiến trường cữu“ sau năm 2001 và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Gerstle trình bày lời kêu gọi mang màu sắc dân túy và sắc tộc của Donald Trump như báo hiệu sự cạn kiệt của mệnh lệnh thuộc về chủ thuyết tân tự do, sự tan rã của nó đã để lại cho Hoa Kỳ tình trạng phân hoá và tê liệt khi đối mặt với các vấn đề lâu đời về chủng tộc và thách thức không thể tránh khỏi của việc biến đổi khí hậu.
Ngược lại, quan điểm của Thompson là của người Âu-Á, và qua lời mô tả trong tác phẩm Disorder: Hard Times in the 21st Century, nó được thúc đẩy bởi một phân tích chi tiết về địa chính trị của vấn đề năng lượng. Một khi dầu bắt đầu thay thế than đá vào đầu thế kỷ XX, nền kinh tế chính trị năng lượng trở thành quốc tế và đảm bảo khả năng thâm nhập vào dầu mỏ trở thành ưu tiên hàng đầu của hầu hết các quốc gia. Thompson quan tâm trước tiên là Đức, nước đã chọn trở nên lệ thuộc sống còn vào dầu khí của Liên Xô và sau đó là Nga. Đáng chú ý, cuốn sách của Thompson đã được hoàn thành ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine.
Dựa trên phân tích về sự tương tác của các dòng năng lượng xuyên quốc gia và biện pháp tài trợ chúng, Thompson lập luận rằng, việc quốc tế hóa các mối quan hệ kinh tế và tài chính đã làm suy yếu quyền lực của quốc gia. Bằng cách xem lại cách mà nền dân chủ (cả về khái niệm và về hệ thống được thể chế hóa) thành hình trong khuôn khổ quốc gia, Thompson lập ra một mối liên kết đầy thu phục từ việc quyền lực quốc gia bị đánh mất cho đến tính hợp pháp dân chủ đang lung lay mà chúng ta thấy ngày nay.
The Rise and Fall of the New Deal Order
Trong lời tường thuật ngắn gọn nhưng sâu xa của Gerstle, chương trình New Deal của Franklin D. Roosevelt đã lấp đầy khoảng trống mà nó để lại sau cuộc Đại suy thoái, nó loại trừ khả năng tồn tại cuả nền kinh tế học chủ trương theo lối laissez-faire..
Roosevelt không chỉ duy trì các thể chế dân chủ mà còn huy động quyền lực nhà nước để bảo chứng cho các thị trường kinh tế và tài chính không ổn định. Do đó, Roosevelt đã khôi phục khả năng tạo ra lợi nhuận của khu vực tư đồng thời cũng mở rộng khu vực công để đảm bảo mức độ tối thiểu về an ninh kinh tế và tài chính cho tất cả người Mỹ.
Gerstle nói chính xác rằng, Roosevelt đã áp dụng chủ thuyết Keynes vào môi trường bản địa khi tung ra việc dùng nợ công để tài trợ cho các công trình công cộng nhằm đối phó với tình trạng thất nghiệp của quần chúng. Nhưng Gerstle có thể đã ghi nhận rằng, cam kết công khai của chương trình New Deal đã không giải quyết đối với chi tiêu thâm hụt cho đến khi có cuộc suy thoái của Roosevelt năm 1937-38, khi sự trở lại quá sớm của việc nghiêm minh về tài chính và hạn chế về tiền tệ đã giết chết sự phục hồi và tạo ra sự gia tăng đột biến về tình trạng thất nghiệp. Như Gerstle nói, đến lúc đó, New Deal vốn dĩ đã xử lý để „du nhập các nguyên tắc chính về ý thức hệ trong bối cảnh chính trị“,
Mặc dù Gerstle không đề cập đến nó khi chương trình New Deal đành nhượng bộ cho giải pháp dành chiến thắng trong cuộc chiến, mối quan hệ đối tác của hai khu vực công tư mà Roosevelt đã bảo trợ cho việc huy động các nguồn lực trong một quy mô chưa từng có trước đây, nó tạo điều kiện cho chiến thắng của Đồng minh. Sau đó là đến thời Chiến tranh Lạnh, nó tạo điều kiện cho sự đồng ý của đảng Cộng hòa đối với chương trình New Deal. Gerstle lập luận rằng, mối đe dọa của chủ nghĩa cộng sản đã hợp pháp hóa sự chống đối của Eisenhower đối với các đảng viên Cộng hòa cứng rắn như Thượng nghị sĩ Robert Taft của Ohio.
Gerstle cũng nhấn mạnh đến sự chế ngự về kinh tế và tài chính của Hoa Kỳ sau nhiệm kỳ tổng thống kéo dài 12 năm của Roosevelt và chiến thắng trong cuộc chiến.
Như Eisenhower đánh giá, những thập niên hậu chiến với mức sống gia tăng trên diện rộng đã khiến bất kỳ nỗ lực nào nhằm bãi bỏ chương trình New Deal trở nên cực kỳ khó khăn. Trong diễn biến này, các yếu tố chủ yếu duy nhất của chương trình New Deal được đẩy lùi là các cải cách về thị trường lao động, nó bị suy yếu bởi Đạo luật Taft Harley năm 1947 và mở ra cánh cửa cho các đạo luật cấp nhà nước về „quyền làm việc“, chống công đoàn.
Như Gerstle ghi nhận, khi Lyndon B. Johnson kế nhiệm John F. Kennedy, Johnson dự định là „đảm bảo vị trí của mình trong lịch sử Hoa Kỳ với tư cách là người thừa kế hàng đầu của Roosevelt“ bằng cách là lấp đầy những lỗ hổng rõ ràng nhất trong di sản của Roosevelt. Johnson đã làm điều này với Luật về Dân Quyền năm 1964 và Đạo luật Quyền Bầu cử năm 1965.
Song song với việc đó, Johnson mở rộng nguyên tắc an sinh xã hội thông qua biện pháp Medicare. Đúng như Johnson dự đoán, “Việc tái thiết lần thứ hai“ này đã mang lại cho miền Nam thuộc đảng Dân chủ vững chắc chạy theo đảng Cộng hòa. Nó cũng làm chia rẽ cơ sở của giai cấp công nhân trong đảng của Johnson.
Johnson cũng tìm cách tiếp nối cho Roosevelt trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Giữa quyết tâm của Roosevelt khi đối đầu với Hitler và phản ứng của chính Johnson trong việc đe dọa của Cộng sản chiếm đóng miền Nam Việt Nam đã kết thúc trong bi kịch, nhận định của Johnson cho đây là tương đồng là sai lầm. Sau việc leo thang kéo dài trong một thập niên ở Việt Nam, các cuộc bạo loạn ở các thành phố Mỹ, sự sụp đổ của trật tự tài chính quốc tế do đồng đô la chế ngự vào năm 1971, cú sốc dầu mỏ của OPEC năm 1973 và sự khởi đầu của tình trạng vừa lạm phát vừa trì trệ gây nhiều đau thương, mệnh lệnh trong thời New Deal nằm trong hoang tàn.
Để chắc chắn, Gerstle nhắc chúng ta rằng một số thể chế quan trọng của New Deal đã tồn tại và tiếp tục làm giảm thiểu các kết quả của tình trạng bất bình đẳng cùng cực mà chủ nghĩa tư bản tạo ra. Nhưng như Hyman Minsky, nhà kinh tế học trong thế kỷ XX quan sát, di sản ổn định nhất của chương trình New Deal là thể chế của một chính phủ khổng lồ. Do sự kết hợp giữa nhà nước phúc lợi và nhà nước chiến tranh được sinh ra với Thế chiến thứ hai và được duy trì bởi Chiến tranh Lạnh, chính phủ liên bang đã bắt đầu thể hiện được khoảng 20% cho nền kinh tế quốc gia – tăng từ 2% vào năm 1929. Điều đó đủ lớn mạnh để làm quân bình mọi sự giao động trong đầu tư tư nhân dù ít hay nhiều một cách tự động. Ngay cả khi mệnh lệnh thuộc chủ thuyết tân tự do phát sinh, chương trình huỷ bỏ quy định và tư nhân hóa của nó đã hỗ trợ một cách đáng kể bởi các yếu tố ổn định kinh tế tổng hợp của một Chính phủ khổng lồ mà nó không thể dỡ bỏ.
Chủ thuyết tự do cũ và mới
Theo tường thuật của Gerstle về sự trỗi dậy của chủ thuyết tân tự do, nó bắt đầu bằng các cuộc tranh luận giữa những người hâm mộ chủ thuyết tự do cổ điển theo cách laissez-faire, về lối đối phó với việc Roosevelt tướt đoạt thành công thuật ngữ này, mà nó mô tả các sáng kiến can thiệp của ông.
Chử „Tân“ trong chủ thuyết tân tự do là cần thiết để phân biệt nó với chủ thuyết tự do trong thời kỳ New Deal, nhưng mục tiêu của nó được tuyên bố cũng giống như chủ thuyết tự do cổ điển, đó là thực hiện „lời hứa không tưởng về tự do cá nhân“.
Do đó, chủ thuyết tân tự do bắt đầu bằng một cuộc tấn công vào nhà nước có cơ cấu hành chính quá nặng nề; tuy nhiên, như Gerstle ghi nhận, cuộc tấn công này thực sự được khởi xướng bởi Jimmy Carter, một tổng thống thuộc đảng Dân chủ.
Chương trình nghị sự ở trong nước của chủ thuyết tân tự do là tất cả về việc giảm bớt các thể chế công cộng thay vì xây dựng. Việc bãi bỏ các quy định thuộc về thị trường tài chính đã dẫn đến việc huỷ bỏ các bổn phận đối với dòng chảy bằng tiền mặt làm cơ sở cho sinh hoạt kinh tế mà nó chưa từng có trước đây. Việc cắt giảm các biện pháp hỗ trợ của liên bang cho các công đoàn lao động đã góp phần quyết định vào việc làm giảm thu nhập thực tế (sau khi điều chỉnh mức lạm phát) cho hầu hết các công nhân lao động. Cả hai thay đổi đều thúc đẩy cho sự gia tăng cực đoan, liên tục về tình trạng bất bình đẳng tài sản và thu nhập, làm nó trở lại mức độ trước thời suy thoái.
Chủ thuyết tân tự do cũng hỗ trợ cho tinh thần phủ nhận trong việc biến đổi khí hậu, một bệnh lý đặc biệt của Mỹ vẫn lây nhiễm sang đảng Cộng hòa. Và về mặt chính sách đối ngoại, nó có thể tuyên bố xem chiến thắng vĩ đại như là sự hủy diệt bức tường Berlin và sự sụp đổ của Liên Xô.
Gerstle đưa ra một bài tường thuật đầy thuyết phục về chủ thuyết tân tự do khi nó trở thành một „mệnh lệnh“ với việc Bill Clinton chấp nhận nó như là các đề tài chính yếu. Chính Clinton đã người kết thúc chương trình „phúc lợi như chúng ta biết về nó“ và làm thâm nhập kỷ cương về ngân sách ở Washington, DC – thậm chí còn đi xa hơn Ronald Reagan, mà các thâm hụt tài chính của ông có thể được biện minh qua việc tăng cường kinh phí quân sự để nhằm vượt qua Liên Xô.
Sự thay đổi của đảng Dân chủ được nhân cách hóa bởi Robert Rubin, Bộ trưởng Tài chính của Clinton, cựu Đồng Chủ tịch Goldman Sachs. Qua sự theo dõi của Rubin, Hoa Kỳ đã bải bỏ quy định của ngành tài chính và Phố Wall đã ăn mừng đúng mức với bong bóng dot-com vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000. Việc kỷ thuật số hóa sinh hoạt kinh tế và xã hội tăng tốc, cũng như sự gia tăng bất bình đẳng, do sự phân phối lệch lạc của các thành quả từ tình trạng tăng trưởng kinh tế và sự dồi dào tài chính.
Chính quyền Clinton cũng đã giúp quốc tế hóa cho mệnh lệnh theo chủ thuyết tân tự do, đặc biệt là thông qua Hiệp định Thương Mại Tự do Bắc Mỹ (North American Free Trade Agreement, NAFTA) năm 1994 và ủng hộ việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Hơn nữa, chính trong những năm 1990, Đồng thuận Washington (không kiểm soát các thị trường và các quốc gia bị hạn chế về mặt tài chính) đã trở thành học thuyết được thiết lập mà tất cả các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi dự kiến sẽ tuân thủ.
Cuộc toàn cầu hoá vĩ đại lần thứ hai của những năm 1990 và 2000 đã vượt qua quy mô của cuộc toàn cầu hóa vĩ đại đầu tiên đã đạt đến đỉnh điểm vào đầu thế kỷ XX, trước khi bị phá hủy bởi Thế chiến thứ nhất và cuộc Đại suy thoái. Tuy nhiên, trong nước Mỹ, thị trường lao động toàn cầu hóa đang khiến người lao động Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt – cả trực tiếp và gián tiếp – và các mệnh lệnh của chủ thuyết tân tự do đang cắt giảm khả năng của chính phủ trong việc bảo vệ các địa hạt tranh cử ra khỏi các lực lượng mà họ đã giải toả.
Gerstle tìm thấy sự ủng hộ về mặt ý thức hệ quan trọng đối với dự án thuộc về chủ thuyết tân tự do trong công việc của các nhà lý thuyết luật học theo trường phái „nguyên thủy“, những người lập luận rằng việc đọc cặn kẻ văn bản của Hiến pháp Hoa Kỳ sẽ hé lộ nhiều sáng kiến của liên bang kể từ thời New Deal là vi hiến, bằng cách họ dựa trên việc đọc mở rộng Điều khoản Thương mại. Tinh thần dựa theo nguyên thuỷ kể từ đó đã trở thành một lực lượng chính trị mạnh mẽ thông qua tổ chức Federalist Society, hội này được Trump yểm trợ để thiết lập khối đa số theo cánh hữu, họ cam kết tuân thủ các nguyên tắc của mình với Tối cao Pháp viện.
Một yếu tố còn thiếu sót trong công trình quan trọng của Gerstle là việc xem xét ý thức hệ kinh tế đã được sử dụng, thậm chí còn hơn cả theo trường phái nguyên thuỷ, để hợp lý hóa chương trình của chủ thuyết tân tự do. Đến năm 1980, các nhà kinh tế của hầu hết các trường phái chính trị đã được dạy rằng, nếu kết quả kinh tế gần đạt được để thể hiện cho tình trạng cạnh tranh hoàn hảo, các nhà hoạch định chính sách nên tôn trọng „thị trường“ như một nhà phân bổ có hiệu quả về các nguồn lực và phân phối các thành quả. Mặc dù đây luôn là một chử „nếu“ cực kỳ to lớn và phản tác dụng, các nhà kinh tế liên kết với đại học Chicago đã không ngần ngại thúc đẩy các đề xuất chính sách mà nó cho rằng những điều kiện tưởng tượng như vậy là có thật.
Nhưng phạm vi tiếp cận thực sự của mệnh lệnh theo chủ thuyết tân tự do đã được xác nhận bởi Rubin và các nhà kinh tế dân chủ cùng chí hướng, những người đã hoàn thành công việc giải toả các thị trường tài chính ra khỏi các quy định. Những nỗ lực của họ đã tạo tiền đề cho sự bùng nổ của chứng khoán phát sinh (derivative securities) mà đỉnh điểm là cuộc khủng hoảng năm 2008. May mắn thay, một chính phủ khổng lồ (và một Cục Dự trữ Liên bang hoạt động tích cực trong vai trò là nhà cung cấp thanh khoản toàn cầu của phương sách cuối cùng) vẫn đủ lớn mạnh để ngăn chặn các thất thoát và đảm bảo rằng chúng ta sẽ chỉ phải chịu một cuộc Đại suy trầm, thay vì một cuộc Đại suy thoái khác.
Việc thất thoát tính chính danh
Mệnh lệnh theo chủ thuyết tân tự do đã bị coi là bất hợp pháp, nó không chỉ bởi sự thất bại nghiêm trọng của thị trường, mà còn bởi quyết tâm của chính quyền Obama mới được bầu trong việc làm ổn định hệ thống bằng cách tạo ưu tiên cho các ngân hàng và các hộ gia đình. Điều này dẫn đến những khiêu khích cực đoan như quyết định tôn trọng các khoàn tiền thưởng cho các giám đốc điều hành của doanh nghiệp AIG, những người phát hành bảo lãnh liều lĩnh các công cụ phát sinh tài chính (financial derivatives) đã yêu cầu một gói cứu trợ trị giá 85 tỷ đô la của chính phủ.

Hơn nữa, đến thời điểm này, sứ mệnh chính trị tích cực của chủ thuyết tân tự do là đưa nền dân chủ đến với Trung Đông, vì không được hoan nghênh, nên đã thất bại trong mọi trường hợp cụ thể. Tổng thống George W. Bush đã quyết tâm sử dụng nỗi kinh hoàng của ngày 11 tháng 9 năm 2001 như một chất xúc tác để loại bỏ những ràng buộc về thể chế ra khỏi nhiệm kỳ tổng thống. Nhưng thành công của Bush đã hé lộ Mỹ là “người khổng lồ đáng thương, bất lực“ mà Tổng thống Richard Nixon đã cảnh báo để biện minh cho việc ông mở rộng chiến tranh Việt Nam sang Campuchia vào năm 1970.
Theo lời kể của Gerstle, „sự vụn vỡ“ của mệnh lệnh theo chủ thuyết tân tự do mang tính văn hóa cũng như chính trị hoặc kinh tế – và bài tường thuật càng thu hút hơn vì lý do đó. Một sự đổ vỡ về mặt văn hoá đến mức cùng tột là điều duy nhất có thể tạo điều kiện cho cuộc bầu cử của Trump và nắm giử hoàn toàn một trong hai chính đảng của Mỹ.
Gerstle mô tả chính xác việc Trump vừa chống chủ thuyết tan tự do (đóng cửa các biên giới cho con người và hàng hóa) vừa ủng hộ chủ thuyết tân tự do (uỷ nhiệm việc bổ nhiệm tư pháp cho tổ chức Federalist Society, cắt giảm thuế lũy tiến). Từ việc không nhất quán này, di sản lâu dài nhất về thể chế của Trump gần như chắc chắn sẽ là sự thúc đẩy của ông trong chương trình theo tinh thần nguyên thủy nhằm phá bỏ quyền lực liên bang thông qua Tối cao Pháp Viện.
Gerstle nhấn mạnh vào mối dây của chủ thuyết tân tự do là điều thú vị một cách đặc biệt, khi hiện nay dự án theo tinh thần nguyên thủy dường như đã tạo ra một cuộc khủng hoảng về tính chính thống cho chính mình thông qua quyết định lật ngược trong vụ kiện Roe v. Wade. Với danh nghĩa hạn chế quyền lực của chính phủ liên bang, Tối cao Pháp viện đã mở lại cánh cửa cho chính quyền các tiểu bang can thiệp vào các vấn đề bí mật nhất thuộc về quyền tự chủ cá nhân.
Với sự quan sát nhiều đau xót, Gerstle kết luận rằng „bất ổn chính trị và rối loạn chức năng đang chế ngự.“ Mặc dù Tổng thống Joe Biden đã giành được một loạt các chiến thắng lập pháp từ một Quốc hội đang bị phân hoá cùng cực, cả Trump và cuộc tấn công đa chiều của Trump vào các thể chế dân chủ đều không biến mất. Lòng tự ái cực độ và sự thiếu nhất quán về trí thức của Trump có thể là trường hợp độc đáo nhất đối với ông; nhưng thương hiệu về tinh thần dân tộc- sắc tộc của ông đã gây được tiếng vang trên toàn cầu, từ Brazil đến Hungary. Hãy nhớ lại rằng cuộc bầu cử của ông vào năm 2016 được bắt đầu trước ngay trước cuộc trưng cầu dân ý về Brexit của Vương quốc Anh.
Lịch sử trong ba phân cảnh
Bằng cách chứng minh rằng Hoa Kỳ hầu như không đơn độc, Thompson mang đến cho độc giả sách của Gerstle sự thoải mái lạnh lùng. Cuốn sách Disorder đưa ra ba câu chuyện liên kết nhau rất chi tiết: địa chính trị của năng lượng kể từ trước Thế chiến thứ nhất; hệ thống tài chính quốc tế kể từ khi sụp đổ hệ thống Bretton Woods do Hoa Kỳ thiết lập vào năm 1971; và sự xói mòn gần đây hơn của các thể chế dân chủ trên khắp phương Tây theo chủ nghĩa tư bản.
Quan điểm chính về năng lượng trong bài tường thuật của Thompson không chỉ xuất phát từ vai trò kinh tế trực tiếp của nó trong việc tạo ra quyền lực cho việc tăng trưởng kinh tế và nâng cao mức sống, mà còn từ một thực tế phủ phàng là dầu khí thường được tìm thấy ở xa các trung tâm công nghiệp mà nó cần chúng nhất. Từ sự phụ thuộc của Anh vào dầu mỏ Trung Đông sau khi chuyển đổi từ than đá của Hải quân Hoàng gia Anh vào những năm 1910, sang đến tình trạng lệ thuộc của Đức vào khí đốt của Liên Xô bắt đầu từ những năm 1970, châu Âu từ lâu đã sử dụng nhiên liệu nhập khẩu.
Trong khi nguồn năng lượng trong nước đặc biệt của Mỹ chắc chắn đã giúp cho nước này vươn lên vị trí tối cao về kinh tế trong nửa đầu thế kỷ XX, nhưng Mỹ vẫn chưa hoàn toàn tránh khỏi nền chính trị năng lượng toàn cầu. Như Thompson chỉ ra, quyền lực của Hoa Kỳ thường bị thử thách và tìm ra là còn thiếu sót. Sau khi Mỹ đảm bảo việc thâm nhập của châu Âu nơi các kho tồn trử ở Trung Đông, nơi ban đầu Mỹ không triển khai bất kỳ cơ sở quân sự nào, Mỹ phát hiện ra rằng họ phụ thuộc rất nhiều vào việc thâm nhập cùng một khu vực dự trử. Do đó, trong phần tường thuật của Thompson, cuộc khủng hoảng dầu hoả năm 1973 trở thành điểm chuyển tiếp giữa chương trình New Deal và Neoliberal Order, đó là trọng đề nghiên cứu của Gerstle.
Khi Thompson chuyển sang lịch sử tài chính quốc tế trong hai thế hệ qua, Thompson bắt đầu với sự trỗi dậy của các thị trường sử dụng đồng đô la tại châu Âu ở London vào những năm 1960. Khối lượng tiền ký thác bằng đồng đô la được giữ trong các ngân hàng không bị lệ thuộc vào các quy định của Mỹ, nó đã tăng lên cùng với tình trạng thâm hụt trong cán cân thanh toán của Mỹ, do đó mà ngược lại, nó lại tăng lên do sự tài trợ của Mỹ cho sự phục hồi công nghiệp của các cường quốc phe Trục bị đánh bại và tài trợ bí mật của Johnson cho chiến tranh Việt Nam.
Thompson khẳng định chính xác rằng, ngay từ đầu, hệ thống Bretton Woods đã phải chịu số phận, do phái đoàn Mỹ phủ nhận lời kêu gọi của John Maynard Keynes về sự đối xứng trong việc đối xử với các chủ nợ và con nợ. Thay vào đó, người Mỹ do dự khi nhấn mạnh rằng gánh nặng điều chỉnh sự mất quân bình trong việc thanh toán giữa các quốc gia nên chỉ thuộc về phía các con nợ. Sau đó, vị thế chủ nợ của Mỹ là áp đảo kéo dài chưa đầy 25 năm. Sự mất giá của đồng đô la vào năm 1971 được theo sau bởi sự đánh giá lại triệt để của OPEC đối với dầu mỏ hai năm sau đó.
Khi nước Mỹ ra đi . . .
Một điểm mạnh chủ yếu trong cuốn sách của Thompson là trình bày tài liệu về tiến trình phức tạp mà qua đó châu Âu tự xác định mình về mặt thể chế. Thompson mô tả một cách tỉ mỉ về sự thành hình và thay đổi của Thị trường chung châu Âu thành Liên minh châu Âu, việc xây dựng khu vực đồng euro sau khi thống nhất của nước Đức, và tất cả các căng thẳng và xung đột thuộc về địa phương của các tiến trình phức tạp như vậy. Từ lịch sử này, rõ ràng là các mệnh lệnh thuộc về chủ thuyết tân tự do đã hạn chế việc mua một cách tương đối trên lục địa châu Âu, ngoài những cải cách trong thị trường lao động của Đức vào đầu những năm 2000.
Thompson liên tục liên kết sự phát triển về tài chính và chính trị của nền kinh tế thế giới với vai trò chủ yếu của năng lượng. Ví dụ như Thompson trích dẫn nhu cầu phải „dễ dàng nhận dùng đồng đô la để thanh toán cho các hóa đơn quan trọng của việc nhập khẩu dầu“ như một động lực mạnh mẽ, trực tiếp để bãi bỏ quy định về thị trường tư bản quốc tế. Do đó, khi mô tả về cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, Thompson tập trung vào vai trò về sự gia tăng đột biến của giá dầu năm 2006 mà nó thường bị lãng quên, khi nhu cầu của Trung Quốc tăng vọt, nó đã thúc đẩy gia tăng việc đi vay đô la ngắn hạn trong các ngân hàng ở Bắc Âu, nơi có vẻ như là an toàn.
Nhưng sau khi Ngân hàng Trung ương Mỹ đã đặt một mức giới hạn tối thiểu trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 bằng cách thiết lập các đường hoán đổi tiền tệ cho các ngân hàng trung ương khác, sự phục hồi bị đình đốn của châu Âu đã thoả hiệp bởi cả về kinh tế năng lượng và sự áp đặt quyền lực theo chủ thuyết tân tự do. Năm 2011, Ngân hàng Trung ương châu Âu, dưới thời Jean-Claude Trichet, đã tăng lãi suất khi nhu cầu của Trung Quốc một lần nữa đẩy giá dầu lên trên 100 đồng đô la một thùng. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, bộ ba – các Bộ trưởng Tài chính trong khu vực sử dụng đồng euro, Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu – đã được thành lập để cung cấp tín dụng cho các quốc gia thành viên yếu kém ở phía Nam, và nó đã đãm nhận nhiệm vụ của mình bằng cách đưa Đồng thuận Washington đến châu Âu. Hỗ trợ tài chính hợp lệ đã trở thành điều kiện về kỷ luật tài khóa (chính sách tiết kiệm) và tự do hóa thị trường.
Ngay khi Mario Draghi, người kế nhiệm Trichet, tuyên bố rằng Ngân hàng Trung ương châu Âu sẽ „làm bất cứ điều gì cần thiết“ để cứu đồng euro, đó là sự khẳng định theo chủ thuyết tân tự do về quyền lực siêu quốc gia. Và mặc dù nó không có tính hợp pháp dân chủ (ngoài phản ánh việc phủ nhận trách nhiệm về tài chính trực tiếp của các địa hạt ở phía bắc đối với các khu vực láng giềng phía nam của họ), khi các ngân hàng phía Bắc trưng bày toàn diện các khoản công nợ giả tạo của khu vực láng giềng yếu hơn để cuối cùng đã buộc phải thỏa hiệp.
Những lo lắng về nền dân chủ
Phân tích kỷ lưỡng của Thompson về nền chính trị năng lượng và các tài trợ tạo tiền đề để giải quyết những lo lắng về nền dân chủ ngày nay ở Mỹ và châu Âu. Khởi điểm của Thompson là sự mở rộng dần dần qua nhiều thế hệ của việc nhượng quyền thương mại trong các quốc gia cùng chuẩn bị tạo nên „thế giới phương Tây“ tư bản. Thompson cho thấy rằng, căng thẳng giữa các thể chế và việc đặc quyền „một người, một phiếu bầu“ và những thể chế có đặc quyền „một đô la [hoặc bảng Anh / euro], một phiếu bầu“ là không thể tránh khỏi.
Do đó, trong phạm vi quốc gia, luôn có tiềm năng hoặc là „dư thừa dân chủ“, như khi một cử tri có tinh thần dân túy loại bỏ những người giàu có, hoặc „dư thừa quý tộc“, hoặc là khi sự giàu có tập trung chế ngự sự phân phối phiếu bầu dân chủ. Do đó, theo cách đặc biệt của mình, Thompson lặp lại sự tương phản của Gerstle giữa New Deal Order và Neoliberal Order.
Thopmson lưu ý một cách chính xác rằng, trong thời theo kim bản vị và chế độ tân tự do của phong trào luân chuyển tự do tư bản, việc dân chủ quá mức luôn bị hạn chế bởi mối đe dọa và thực tế đôi khi là sự tháo chạy vốn. Tuy nhiên, „vào giữa những năm 1980,“ đó là nguy cơ quý tộc quá mức … điều đó đe dọa tương lai của các nền dân chủ cá nhân.“
Chủ nghĩa tân tự do đã thành công trong việc nâng cao các thị trường rộng mở lên trên các khuôn khổ quốc gia. Nhưng hiện nay, chúng ta đang chứng kiến một phản ứng dữ dội dưới hình thức chủ nghĩa dân túy theo bản địa. Cuộc bầu cử của Trump và Brexit là những phát súng mở đầu, nhưng kể từ đó, tinh thần dân tộc-sắc tộc đã xuất hiện ở khắp mọi nơi.
(Mặc dù những người theo tinh thần dân tộc-sắc tộc vẫn chưa giành quyền ở châu Âu, ngoài Ba Lan và Hungary ra, họ có thể sớm đạt được ở Ý). Vì vậy, giống như Gerstle, Thompson phải bỏ trống vấn đề liệu là nền dân chủ có thể tồn tại không.
Điều đó đưa chúng ta đến một vấn đề cuối cùng cần được đề cập. Cả Gerstle và Thompson đều xác định biến đổi khí hậu là một thách thức sống còn đối với các chế độ chính trị mà họ nghiên cứu.
Trong khi Gerstle cho rằng „New Deal chưa bao giờ phải đối mặt với một vấn đề sống chết kiểu này“, cũng tương tự như vậy, Thompson, hoài nghi về khả năng của chúng ta trong việc thay đổi nhanh chóng vượt ra khỏi nhiên liệu hóa thạch đến một tương lai xanh. Thompson tiên đoán về những „xung đột trong khía cạnh phân phối“ trầm trọng qua việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ được tài trợ và khuyến khích như thế nào.
Hiện nay, Thompson lưu ý rằng, thế giới vẫn phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch có giá cao và „đặt cược vào công nghệ chưa được phát minh“ vẫn chưa mang lại chiến thắng.
Tuy nhiên, Roosevelt đã coi cuộc chiến của châu Âu là một thách thức sống còn đối với Hoa Kỳ, ngay cả trước cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng vào tháng 12 năm 1941. Sau cuộc tái bầu cử trước đây chưa từng có vào năm 1940, Roosevelt đã soạn một dự thảo cho thời bình và phê duyệt việc hỗ trợ trong việc vay thuê cho Anh và Liên Xô.
Thompson nhắc nhở chúng ta rằng, trong các nền dân chủ phương Tây, đánh thuế cao đối với người giàu và nhà nước tài trợ cho một phần lớn hơn giới lao động chỉ được duy trì trong bối cảnh chiến tranh. Do đó, vấn đề đặt ra là liệu các nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta có thể đóng khung cuộc khủng hoảng khí hậu đang gia tăng như cái mà William James gọi là „tương đương về mặt đạo đức của chiến tranh“.
Hiện nay, cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã gây ra giá nhiên liệu hóa thạch gia tăng nghiêm trọng và tình trạng thiếu năng lượng – và điều này khác với bối cảnh các thảm họa gây ra do khí hậu – điều hợp lý là các điều kiện xấu đi ngày nay có thể dẫn đến việc đổi mới các chính sách và chương trình cấp tiến. Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act) được đặt tên sai một cách lố bịch của Mỹ thể hiện cho một biện pháp nhỏ theo chiều hướng đó. Liệu những người khác sẽ làm theo? Nghĩ được như vậy thật là tốt đẹp.
***
William H. Janeway, Đối tác của doanh nghiệp Warburg Pincus, Giảng viên Kinh tế Đại học Cambridge và là tác giả của Doing Capitalism in the Innovation Economy (Cambridge University Press, 2018).
7 Gedanken zu “Cái gì đang phá vở nền dân chủ?”