Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Trong bài viết sau đây, tác giả Michael Spence không đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp của Việt Nam mà là của các nước phương Tây, tuy nhiên những lý giải cũng đem lại những giá trị hữu ích về sự đóng góp của doanh nghiệp trong sự phát triển chung của đất nước.
Trong thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam không có trách nhiệm giải trình những trách nhiệm liên hệ đến các vấn đề suy thoái môi sinh, bất công xã hội và không hiệu năng trong cấu trúc quản lý . Ngay cả chính quyền cũng không bị áp lực hay bị kiểm soát của báo chí và công luận, nên không cần phải báo cáo thường xuyên các vấn đề này.
Nhìn chung, lãnh đạo nhà nước lo củng cố quyền lực độc tài tối đa và tạo ra một sân chơi kinh tế thu hẹp tối thiểu để lo phục vụ cho thân tộc. Những bất công và nghịch lý làm phí phạm đến tài nguyên và hiệu năng kinh tế, do đó, không thoả mãn nhu cầu cho mọi tầng lớp dân chúng trong đời sống hàng ngày và sinh hoạt xã hội.
Với điều kiện hiện nay, các thành phần có liên quan của doanh nghiệp không có những động lực khích lệ để theo đuổi các mục tiêu công bình xã hội, bảo vệ môi trường và hiệu năng cho cấu trúc quản lý, một vấn đề mới mà công luận tại phương Tây quan tâm.
***
Nhiều doanh nghiệp đang hứa hẹn sẽ sắp xếp các mục tiêu của họ – bao gồm cả cách mà họ đo lường về thành quả của mình – với các biện pháp cưỡng chế rộng hơn liên quan đến tính bền vững, phát triển và an lạc xã hội. Nhưng tiến bộ sẽ đòi hỏi những khích lệ có hiệu quả và việc tạo ra chúng không phải là một vấn đề đơn giản.
Các cân nhắc về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang đóng một vai trò ngày càng nổi bật trong kinh doanh. Các doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực, bao gồm quản lý tài chính và tài sản, hiện xem ESG là trọng tâm để xác định mục đích, sứ mệnh và chiến lược của họ, đồng thời đang định hình trong các hoạt động tuyển dụng và quản lý. Nhưng liệu sự chấp nhận rõ ràng của ESG có mang lại tiến bộ thực sự không, vấn đề vẫn còn phải chờ xem.
Lời hứa hẹn của ESG bắt nguồn từ một đề xuất quan trọng. Những thách thức chính mà chúng ta phải đối mặt ngày nay – từ việc đạt được mức độ công bằng hợp lý và bình đẳng về cơ hội cho đến đảm bảo tính bền vững của môi trường – không thể vượt qua bởi bất kỳ một tác nhân đơn lẻ nào, kể cả chính phủ. Ngược lại, các giải pháp có hiệu quả sẽ đòi hỏi tất cả cùng nhau chung hội chung thuyền, bao gồm các giới kinh doanh, chính phủ, tài chính, giáo dục, tòa án và lĩnh vực phi lợi nhuận.
Bằng cách áp dụng ESG, các doanh nghiệp đang đồng ý thực hiện phần việc của mình một cách có hiệu quả. Họ đang hứa hẹn sẽ sắp xếp các mục tiêu của mình – bao gồm cả cách mà họ đo lường thành quả của mình – với các biẹn pháp cưỡng chế rộng hơn liên quan đến tính bền vững, phát triển và an lạc xã hội. Nhưng để đạt được điều này sẽ đòi hỏi những khích lệ có hiệu quả, và việc tạo ra chúng không phải là một vấn đề đơn giản.
Nhiều sự chú ý đã tập trung vào việc chuyển từ mô hình mang tính ưu thế của cổ đông sang mô hình với nhiều thành phần có liên quan. Định nghĩa về „các bên liên quan“ rất mơ hồ, nhưng thường được hiểu là bao gồm, ngoài các cổ đông của doanh nghiệp, còn có các khách hàng, nhà cung cấp, nhân viên (thực tế và tiềm năng), cộng đồng nơi doanh nghiệp hoạt động và xã hội nói chung.
Các thành phần có mối quan tâm rõ ràng trong việc làm hài lòng ít nhất một số bên có liên quan khác. Nếu mô hình kinh doanh và cách thực hành của một doanh nghiệp được coi là đi ngược lại với các giá trị được đa số tôn trọng, nó có khả năng phải tranh đấu để thu hút và giữ chân các khách hàng và nhân viên. Ngược lại, nếu các hoạt động của một doanh nghiệp được xem là có trách nhiệm hoặc có lợi, nó sẽ có thời gian dễ dàng hơn nhiều để thu hút và giữ chân cả hai. Những điều này có thể dẫn đến những ưu đãi mạnh mẽ.
Nhưng đâu là ranh giới giữa trách nhiệm và vô trách nhiệm, có lợi và có hại? Đôi khi, câu trả lời rất rõ ràng: các doanh nghiệp đã phải đối mặt với áp lực của công chúng để giải quyết các điều kiện làm việc không an toàn và dùng lao động trẻ em trong chuỗi cung ứng của họ. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, có sự đánh đổi; bạn không thể đồng thời tối đa hóa hai hoặc nhiều biến số khi chúng có liên quan đến chức năng một chiều (chúng luôn lên xuống cùng nhau).
Hãy xét việc thuê các hoạt động sản xuất ngoài doanh nghiệp tại các nước đang phát triển. Điều này làm giảm giá cho người tiêu dùng tại thị trường nội địa của doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển và việc làm ở quốc gia mà sản xuất được thuê. Nhưng nó cũng làm tổn thương đến các cộng đồng đã từng sản xuất hàng hóa có liên quan và phụ thuộc nhiều vào việc làm đó. Ngay cả khi lợi ích tổng thể lớn hơn chi phí – giả sử tất cả chúng đều có thể được định lượng chính xác – cộng đồng vẫn gặp vấn đề.
Vấn đề phức tạp hơn nữa là sự khác biệt lớn lao giữa các loại hình kinh doanh. Một số doanh nghiệp có lượng lớn về khí thải carbon, và một số khác thì không. Một số sử dụng hàng nghìn người có thể dễ bị tổn thương do thay đổi công việc vì tự động hóa, nhưng số khác thì không. Với điều này, không thể có công thức duy nhất để điều chỉnh mô hình kinh doanh và thực tiễn của doanh nghiệp với cách thực hành cho phù hợp với các mục tiêu thuộc về môi trường và xã hội.
Điều này không phải để làm giảm giá trị của khuôn khổ với nhiều thành phần có liên quan. Ngược lại, một vấn đề đáng được quan tâm hơn là liệu các bên có liên quan nên có đại diện nhiều hơn trong cơ cấu quản trị không. Việc kiểm tra hệ thống quản trị doanh nghiệp giữa các quốc gia có thể giúp làm rõ các vấn đề và sự so sánh. Các luật gia có một vai trò quan trọng ở đây.
Trong mọi trường hợp, có vẻ như rõ ràng rằng vấn đề ESG cuối cùng là một bài học ứng dụng đầy sáng tạo. Đây không nhất thiết là một điều xấu; những thách thức đòi hỏi sự đổi mới và sáng tạo thúc đẩy mọi người. Nhưng, trong bối cảnh bất trắc như vậy, các động lực khích lệ rõ ràng và có hiệu quả càng trở nên quan trọng hơn.
Ở Hoa Kỳ và các nơi khác, các quy định mới, đặc biệt là các yêu cầu báo cáo, được cho là sẽ giúp đáp ứng cho nhu cầu này. Tính thuần lý là nếu một doanh nghiệp được yêu cầu báo cáo thường xuyên về thành quả của ESG, doanh nghiệp sẽ muốn có lợi nhuận để báo cáo. Nhưng các quy tắc báo cáo vẫn là một công việc đang được tiến hành và khả năng thúc đẩy hành động của doanh nghiệp không được đảm bảo.
Ví dụ như nếu các quy tắc báo cáo về ESG để lại không gian cho việc „làm sạch môi trường“ – khi một doanh nghiệp thể hiện cam kết của mình đối với các mục tiêu về môi trường, nhưng tránh hành động thực sự – tác động trực tiếp của chúng sẽ bị suy yếu đáng kể. Hơn nữa, độ tin cậy của các tuyên bố về ESG, dù đúng hay không, sẽ bị giảm sút, làm giảm lợi ích cho các doanh nghiệp thực hiện các hành động có hiệu quả. Do đó, việc kiểm toán được cải thiện – được thực hiện bởi các cơ quan hiện có hoặc các định chế mới – là điều cần thiết cho bất kỳ quy định báo cáo về ESG nào.
Có một thách thức khác khi nói đến chữ môi trường (E trong ESG) là đánh giá rủi ro. Một số quy định báo cáo mới yêu cầu đánh giá rủi ro, nhưng có sự bất đồng về mức độ nghiêm trọng và khẩn thiết của các rủi ro gây ra do biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường. Để chắc chắn, với việc mọi lục địa hiện đang phải đối mặt với điều kiện hạn hán nghiêm trọng và một phần ba của Pakistan bị lụt lội, bức tranh đang trở nên rõ ràng hơn. Nhưng cuộc tranh luận hầu như không được giải quyết.
Điều này đưa chúng ta đến một vấn đề khác đáng được quan tâm hơn. Khi đề cập đến các mục tiêu thuộc về ESG, chúng ta ngầm giả định rằng thỏa thuận được chia sẻ rộng rãi về những mục tiêu này là gì. Nhưng thường không phải là trường hợp ở đây. Mặc dù hầu hết mọi người có thể sẽ đồng ý rằng tình trạng bất bình đẳng cùng cực là sai về mặt đạo đức và không ai mong muốn nó về mặt xã hội và chính trị, nhưng cũng không có một sự đồng thuận nào về ngưỡng mà tình trạng bất bình đẳng trở nên không thể chịu đựng được hoặc thậm chí độc hại. Cũng tương tự như vậy, mặc dù rõ ràng là một sự chuyển đổi hợp lý thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch là cần thiết, nhưng quan điểm về những gì sẽ đòi hỏi rất khác nhau. Các thái cực – không hành động hoặc cấm đầu tư nhiên liệu hóa thạch – là không hữu ích.
Trong hệ thống chỉ đạo từ trên xuống của Trung Quốc, Đảng Cộng sản cầm quyền đặt ra các ưu tiên về ESG, mà trong đó họ quyết định theo cách đánh đổi nào và cố gắng đảm bảo thực hiện hiệu quả thông qua sự tham gia trực tiếp vào quản trị doanh nghiệp. Ngược lại, Mỹ duy trì cách tiếp cận từ dưới lên trên, không có một cơ chế rõ ràng nào để tổng hợp các quan điểm đa dạng. Đây không phải là một sai lầm chết người, mà chỉ là một yếu tố của tình trạng phức tạp.
Nhưng nếu chúng ta không nhận ra và giải thích cho sự phức tạp đó – bao gồm các triển vọng dị biệt về những gì tạo nên việc an lạc thuộc về kinh tế, xã hội và môi trường – những nỗ lực thúc đẩy các mục tiêu về ESG có thể giống như một nỗ lực để áp đặt một chương trình nghị sự cụ thể thông qua cửa hậu. Điều đó sẽ tạo ra sự đối kháng và gần như chắc chắn là sẽ cản trở – hoặc thậm chí còn đảo ngược – tiến trình.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel kinh tế, là Giáo sư kinh tế hồi hưu và Cựu Trưởng khoa Kinh doanh Đại học Stanford và là tác giả của The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World (Macmillan Publishers, 2012).
Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch,