Mariana Mazzucato
Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Nhiệm vụ của hội nghị thượng đỉnh G7 là đưa ra chính sách chung cho các cường quốc công nghiệp thay vì các cam kết có tính ràng buộc trong vấn đề chi tiết.
Thông cáo chung quyết của G7 Cornwall không có sự đồng thuận đối với vấn đề Trung Quốc, mà là một lộ trình để loại bỏ khí thải, nhưng không có quy định thời gian sớm nhất, cung cấp thêm 1 tỷ vắc-xin coronavirus cho người nghèo trên thế giới trong 12 tháng tới và không đề cập đến vi phạm nhân quyền của Trung Quốc, việc bảo vệ Đài Loan, tình trạng mất dân chủ ở Hồng Kông.
Thay vào đó, Mỹ đã đưa ra một tuyên bố riêng về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương. Angela Merkel của Đức đã cảnh báo là không nên xa lánh Trung Quốc vào thời điểm cần sự giúp đỡ của Bắc Kinh để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Chuyển biến mới nhất xảy ra tại thượng đỉnh khí hậu COP26 tại Glasgow là Hoa Kỳ và Trung Quốc đã đồng ý thúc đẩy hợp tác về khí hậu được đề ra trong Thỏa Thuận Paris vào năm 2015. Hai nước đã cam kết đạt mục tiêu nhiệt độ 1.5 độ C trong vòng một thập niên tới.
***
Hiện nay, trận đại dịch COVID-19 đã làm nổi bật những khiếm khuyết của việc bãi bỏ quy định kinh tế và tự do hóa thị trường, một mô hình hoạch định chính sách mới đang xuất hiện. Nhưng sự thành công của nó phụ thuộc vào những cải cách cụ thể và việc tạo ra các thể chế được thúc đẩy bởi các sứ mệnh mới.
Mô hình kinh tế theo nguyên tắc Đồng thuận Washington đang dần biến mất. Trong một báo cáo được công bố trong tuần này, Ủy ban về khả năng phục hồi của nền kinh tế G7 (nơi tôi làm đại diện cho Ý) yêu cầu có một mối quan hệ hoàn toàn khác biệt giữa khu vực công và tư để tạo ra một nền kinh tế bền vững, công bằng và có khả năng phục hồi. Khi các nhà lãnh đạo G20 nhóm họp vào ngày 30-31 tháng 10 để thảo luận về cách “vượt qua những thách thức lớn hiện nay”, bao gồm đại dịch, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng gia tăng và yếu kém kinh tế, họ phải tránh rơi trở lại vào trong những giả định lỗi thời đã đưa chúng ta vào tình trạng bất ổn hiện thởi.
Nguyên tắc Đồng thuận Washington đã xác định các quy tắc của trò chơi cho nền kinh tế toàn cầu trong gần nửa thế kỷ. Thuật ngữ này bắt đầu thịnh hành vào năm 1989, năm mà chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây củng cố phạm vi toàn cầu của nó, để mô tả loạt chính sách tài khóa, thuế và thương mại được Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới thúc đẩy. Nó đã trở thành một ý niệm thông dụng cho trào lưu toàn cầu hóa tân tự do, và do đó đã bị tấn công,ngay cả từ ánh sáng soi đường của các thể chế quan trọng, vì làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng và duy trì sự phụ thuộc của toàn thế giới nghèo đối với thế giới giàu.
Sự sụp đổ kinh tế toàn cầu đã suý tránh được hai lần, lần đầu tiên vào năm 2008 và sau đó là năm 2020, khi cuộc khủng hoảng dịch bịnh Corona gần như làm sụp đổ hệ thống tài chính, thế giới hiện nay đang đối mặt với một tương lai đầy rủi ro, bất trắc, bất ổn và suy thoái khí hậu chưa từng có. Các nhà lãnh đạo thế giới có một lựa chọn đơn giản: tiếp tục ủng hộ một hệ thống kinh tế thất bại, hoặc từ bỏ Nguyên tắc Đồng thuận Washington để có một hợp đồng mới cho xã hội quốc tế.
Giải pháp thay thế là “Đồng thuận Cornwall” được đề xuất gần đây. Trong khi Đồng thuận Washington giảm thiểu vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và thúc đẩy một chương trình nghị sự cho thị trường tự do tích cực về bãi bỏ quy định, tư nhân hóa và tự do hóa thương mại, thì Đồng thuận Cornwall (phản ánh các cam kết được nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Cornwall vào tháng 6 năm ngoái) sẽ đảo ngược các mệnh lệnh này. Bằng cách phục hồi vai trò kinh tế của nhà nước, nó sẽ cho phép chúng tôi theo đuổi các mục tiêu xã hội, xây dựng đoàn kết quốc tế và cải cách quản trị toàn cầu vì lợi ích chung.
Điều này có nghĩa là các khoản tài trợ và đầu tư từ các tổ chức nhà nước và định chế đa phương sẽ yêu cầu người nhận phải theo đuổi quá trình khử cacbon nhanh chóng (thay vì tự do hóa thị trường nhanh chóng, như yêu cầu của IMF cho các chương trình điều chỉnh cơ cấu). Điều đó có nghĩa là các chính phủ sẽ xoay chuyển từ việc sửa chữa, chỉ can thiệp sau khi thiệt hại đã xảy ra, sang việc chuẩn bị: thực hiện các bước trước để bảo vệ chúng ta khỏi những rủi ro và các cú sốc trong tương lai.
Đồng thuận Cornwall cũng sẽ yêu cầu chúng ta chuyển từ việc khắc phục những thất bại của thị trường một cách chủ động sang chủ động định hình và tạo ra các loại thị trường mà chúng ta cần nuôi dưỡng trong một nền kinh tế bảo vệ môi trường. Nó sẽ yêu cầu chúng ta thay thế việc tái phân phối bằng cách phân phối trước. Nhà nước sẽ điều phối các mối quan hệ đối tác công tư định hướng theo sứ mệnh là nhằm tạo ra một nền kinh tế kiên cường, bền vững và bình đẳng.
Tại sao cần có sự đồng thuận mới? Câu trả lời rõ ràng nhất là mô hình cũ không còn tạo ra các lợi ích được phân phối rộng rãi, nếu nó đã từng được thực hiện. Nó đã được chứng minh là không có khả năng phản ứng một cách có hiệu quả trước những cú sốc lớn về kinh tế, sinh thái và dịch bịnh.
Việc thành đạt trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, được thông qua vào năm 2015, luôn luôn đang gặp khó khăn trong các thỏa thuận hiện hành về việc quản trị toàn cầu. Nhưng hiện nay, trong bối cảnh đại dịch đã đẩy năng lực của nhà nước và thị trường vượt quá điểm bùng phát, nhiệm vụ này đã trở nên bất khả thi. Điều kiện khủng hoảng ngày nay tạo nên sự đồng thuận mới trong toàn cầu, điều cần thiết cho sự tồn tại của nhân loại trên hành tinh này.
Chúng ta đang ở trên đỉnh của một sự thay đổi mô hình giá trị đã quá hạn từ lâu. Nhưng tiến tiến bộ này có thể dễ dàng bị đảo ngược. Hầu hết các định chế kinh tế vẫn bị chi phối bởi các quy tắc lỗi thời khiến chúng không thể đưa ra các phản ứng cần thiết để chấm dứt trận đại dịch, chứ chưa nói đến việc đạt được mục tiêu của Hiệp định về Khí hậu tại Paris là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 ° C, so với các mức công nghiệp trước đây.
Báo cáo của chúng tôi nêu bật nhu cầu cấp thiết là phải tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trước những rủi ro và cú sốc trong tương lai, dù là cấp tính (chẳng hạn như đại dịch) hay trường kỳ (như tình trạng phân biệt cực kỳ giàu có và thu nhập). Chúng tôi lập luận cho sự tái định hướng triệt để trong cách chúng ta nghĩ như thế nào về phát triển kinh tế, chuyển từ việc đo lường tăng trưởng theo GDP, GVA (tổng giá trị gia tăng) hoặc lợi nhuận tài chính sang đánh giá sự thành công trên cơ sở liệu chúng ta có đạt được các mục tiêu chung đầy tham vọng không.
Ba trong số các khuyến nghị nổi bật nhất của báo cáo liên quan đến COVID-19, sự phục hồi kinh tế sau đại dịch và sự cố khí hậu. Đầu tiên, chúng tôi kêu gọi G7 đảm bảo công bằng vắc xin trên toàn cầu và đầu tư đáng kể vào việc chuẩn bị cho đại dịch và tài trợ cho ngành y tế theo định hướng như là sứ mệnh. Chúng ta phải tạo cách tiếp cận cho công bằng, đặc biệt là đối với những đổi mới được hưởng lợi từ các khoản đầu tư công lớn và các thức đẩy các cam kết mua xem như là ưu tiên hàng đầu.
Chúng tôi công nhận rằng điều này sẽ đòi hỏi một phương cách mới để quản lý các quyền sở hữu trí tuệ. Cũng tương tự như vậy, Hội đồng Kinh tế cho Sức khỏe Mọi người của Tổ chức Y tế Thế giới (do tôi làm chủ tịch) nhấn mạnh rằng quản trị quyền sở hữu trí tuệ cần được cải cách để công nhận rằng tri thức là kết quả của một quá trình tạo ra giá trị tập thể.
Thứ hai, chúng tôi lập luận về việc tăng cường đầu tư của nhà nước vào tiến trình phục hồi kinh tế sau đại dịch, và chúng tôi tán thành khuyến nghị của nhà kinh tế Nicholas Stern rằng, mức chi tiêu này nên tăng lên đến 2% GDP mỗi năm, do đó tăng 1 nghìn tỷ đô la mỗi năm từ nay đến năm 2030. Nhưng gom nhiều tiền hơn vẫn chưa đủ; số tiền đó được sử dụng cũng quan trọng không kém. Đầu tư công phải được chuyển thông qua các cơ chế hợp đồng và thể chế mới nhằm đo lường và khuyến khích việc tạo ra giá trị công trong dài hạn hơn là lợi nhuận tư nhân trong ngắn hạn.
Và để đối phó với thách thức quan trọng nhất, cuộc khủng hoảng khí hậu, chúng tôi kêu gọi một “CERN cho công nghệ khí hậu”. Lấy cảm hứng từ Tổ chức Nghiên cứu Hạt nhân Châu Âu, một trung tâm nghiên cứu theo định hướng sứ mệnh tập trung vào việc khử cacbon trong nền kinh tế sẽ tập hợp đầu tư công và tư vào các dự án đầy tham vọng, bao gồm loại bỏ carbon dioxide khỏi khí quyển và tạo ra các giải pháp áp dụng trong các ngành công nghiệp không carbon cho “khó giảm” như các ngành như vận tải hàng hải, hàng không, thép và xi măng. Thể chế đa phương và liên ngành mới này sẽ hoạt động như một chất xúc tác để hình thành và định hình các thị trường mới trong năng lượng tái tạo và sản xuất theo chu kỳ.
Đây chỉ là ba trong số bảy khuyến nghị mà chúng tôi đã đưa ra trong những năm tới. Tóm lại, các khuyến nghị này cung cấp một nền tảng để xây dựng một sự đồng thuận mới trong toàn cầu, một chương trình nghị sự chính sách để điều chỉnh mô hình giá trị kinh tế mới đã bắt đầu hình thành.
Liệu sự Đồng thuận Cornwall còn được duy trì không, còn phải chờ xem. Nhưng một cái gì đó phải thay thế cho Đồng thuận Washington, nếu chúng ta muốn phát triển, thay vì chỉ đơn giản là tồn tại trên hành tinh này. COVID-19 mang lại một cái nhìn sơ lược về các vấn đề hành động tập thể quan trọng mà chúng ta đang phải đối mặt. Chỉ có sự hợp tác quốc tế được đổi mới và phối hợp nâng cao năng lực của nhà nước, một hợp đồng xã hội mới được ký kết bởi một sự đồng thuận toàn cầu mới, có thể chuẩn bị cho chúng ta đối phó với các cuộc khủng hoảng đang đan xen và leo thang trong tương lai.
***
Mariana Mazzucato, Giáo sư Kinh tế Đại học College London, Giám đốc Sáng lập UCL Institute for Innovation and Public Purpose, tác giả của The Value of Everything: Making and Taking in the Global Economy, The Entrepreneurial State: Debunking Public vs. Private Sector Myths, gần đây nhất là, Mission Economy: A Moonshot Guide to Changing Capitalism.