Michael Spence
Đỗ Kim Thêm dịch

Lời người dịch: Các mặt hàng gia dụng cho mùa Giáng sinh năm nay tại các nuớc phương Tây sẽ khan hiếm, nhất là hàng giải trí, điện tử, quần áo, giày sản xuất từ Trung Quốc. Các nhà kinh tế nhận định chung là các nền kinh tề sẽ chậm hồi phục và không tiên đoán được việc cung ứng đang bị tắc nghẽn.
Thực tế cho thấy Trung Quốc cũng không thể sản xuất và giao hàng đúng hẹn vì chuổi cung ứng từ các nước khác cũng đang gặp trở ngại trong khi dịch bịnh còn hoành hành. Các hải cảng Los Angeles, Portland, Vancover không thể bốc dỡ hàng hàng nhập từ Trung Quốc đúng theo lịch trình quy định mà nguyên nhân chính theo ước lưọng chung là tình trạng khan hiếm các tài xế xe vận tải, tại Mỹ thiếu khoảng 30.000, Anh 100.000 và Đức 80.000. Việc tuyển dụng càng thêm khó khăn. vì lương bổng thấp và dịch bệnh nên các tài xế gốc Đông Âu bỏ việc về quê. Tại Đức, trung bình 30.000 tài xế lành nghề phải về hưu, khoảng 15.000 đang còn trong thời kỳ học nghề. Do nguyên nhân Brexit, Anh phải huy động binh sĩ cho việc giao hàng và bán xăng.
Các công đoàn vận chuyển hàng hải, hải cảng đã báo động cho Joe Biden về tình trạng này, nhưng chưa tạo được chuyển biến. Mỹ tìm cách gây thu hút cho việc tuyển dụng bằng cách tăng lương lên khoảng 100.000 đô la một năm, nhưng chưa chắc sẽ thành công. Joe Biden muốn hiện đại hóa cơ sở hạ tầng cho toàn nước Mỹ với kế hoạch trị giá 1,2 nghìn tỷ, nhưng không phải tất cả các chi tiết trong kế hoạch đều thuyết phục được đảng Cộng hoà và dân chúng.
***
Khi các dự báo không đủ cụ thể để có thể hành động, thì phản ứng cung cấp không thể điều chỉnh kịp thời hoặc hiệu quả. Và bởi vì tương đối có ít nhiều sự chậm trễ trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nên độ chệnh lệch lớn so với mô hình bình thường tạo ra phản ứng chậm trễ, thiếu hụt, tồn đọng và tắc nghẽn, giống như tình trạng hiện nay.
Các gián đoạn trong chuỗi cung ứng đang cản trở nghiêm trọng cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đó là một tình huống kỳ lạ trong nhiều cách. Các loại sản phẩm và dịch vụ bị ảnh hưởng bởi sự chậm trễ và thiếu hụt, bao gồm nhiều loại hàng hóa trung gian, từ hàng hóa đến chất bán dẫn và các sản phẩm hoàn chế phụ thuộc vào chúng, giống như những gì người ta sẽ thấy trong nền kinh tế thời chiến. Và các sự gián đoạn đã khiến chúng ta phần lớn ngạc nhiên.
Trên thực tế, trong quý đầu tiên của năm nay, tăng trưởng được dự báo sẽ tăng tốc và các chuyên gia không đưa ra cảnh báo chính xác rằng nguồn cung sẽ không theo kịp. Đúng vậy, các nhà kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng đã cảnh báo rằng sự kết hợp của chính sách tiền tệ có tính thích ứng cao, tình trạng quân bình trong số dư tiết kiệm theo hộ gia đình tăng cao, nhu cầu bị dồn nén và công chi theo ngân sách ào ạt làm cho gia tăng đáng kể nguy cơ lạm phát. Và đúng như vậy, những dự báo đó, ngày càng có vẻ chính xác, ngụ ý rằng sự gia tăng tổng cầu được thúc đẩy bởi bức tường thanh khoản và giá tài sản cao ngất ngưởng, có thể vượt xa nguồn cung. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa biết được tình trạng mất cân bằng khi nào sẽ xảy ra và nhiều người lập luận rằng lạm phát – và nói chung là gián đoạn nguồn cung – sẽ chỉ là „nhất thời“.
Nhiều nhà quan sát vẫn tin rằng đây là vấn đề. Nhưng những người tham gia vào các chuỗi cung ứng trong toàn cầu ngày càng dự đoán rằng tình trạng thiếu hụt, tồn đọng và mất cân bằng giữa cung và cầu sẽ vẫn tồn tại vào năm 2022 và có thể lâu hơn nữa.
Rõ ràng rằng, trong một số giai đoạn quan trọng, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ bị hạn chế bởi nguồn cung – một sự tương phản rõ rệt so với những năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Mặc dù nhu cầu tăng vọt có thể lớn hơn so với dự báo giữa đại dịch đã chỉ ra, nhưng đó là cơ sở cho dự báo tăng trưởng cao trong giai đoạn phục hồi đại dịch.
Điều đó làm cho việc giải quyết hai vấn đề cơ bản về phía cung ứng càng trở nên quan trọng hơn. Đầu tiên, liệu có những hạn chế cơ bản nào về nguồn cung ứng sẽ vẫn tồn tại ngay cả sau khi các tắc nghẽn liên quan đến đại dịch được giải tỏa không? Và, thứ hai, có điều gì đó về việc cấu hình và vận hành của chuỗi cung ứng trong toàn cầu có gây ảnh hưởng đến phản ứng của các cung ứng không?
Người ta có thể đưa ra một cách hợp lý rằng đại dịch đã tạo ra những thay đổi tạm thời, không hoàn toàn vĩnh viễn, trong một số yếu tố cung cấp. Trước hết, có nhiều công nhân đã rời bỏ thị trường lao động hoặc trì hoãn việc tái gia nhập thị trường lao động, bất chấp sự khôi phục do các cơ chế hỗ trợ cho đại dịch. Điều này có thể liên quan nhiều đến điều kiện căng thẳng hoặc nguy hiểm mà một số người, chẳng hạn như nhân viên ngành y tế, đã làm việc trong thời gian xảy ra đại dịch. Nhiều công nhân ngành vận chuyển hàng hóa đã bị mắc kẹt trên tàu trong nhiều tháng.
Nếu các công nhân chấp nhận những vị thế như vậy trong hiện nay, họ có thể sẽ yêu cầu được bồi thường tốt hơn và thay đổi điều kiện làm việc. Cũng tương tự như vậy, nhiều người trong số những người chuyển sang làm việc từ xa trong thời kỳ đại dịch đang chống lại việc quay lại làm việc văn phòng trong toàn thời gian.
Những nhu cầu và sở thích thay đổi như vậy bao hàm những thay đổi từ phía cung trong nhiều ngành của thị trường lao động, với những ảnh hưởng lâu dài chưa được biết đến.
Nhưng các hiệu ứng của việc cung lao động chỉ là một phần của câu chuyện. Chúng ta biết rằng nhu cầu đang tăng lên. Vậy, tại sao các chuỗi cung ứng toàn cầu lại không ổn định?
Một lý do là nhu cầu bị dồn nén đã được giải toả trước khi đại dịch thực sự kết thúc. Vì vậy, khi nhu cầu tăng lên, sự gián đoạn liên quan đến đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến các hải cảng và cơ sở sản xuất lớn, làm giảm khả năng đáp ứng nguồn cung ứng.
Một yếu tố khác là nhu cầu dường như đã tăng vượt quá khả năng tải tối đa của hệ thống. Việc mở rộng khả năng đó sẽ đòi hỏi đầu tư và quan trọng hơn là thời gian. Tuy nhiên, trong khi khả năng chịu tải lên tới cao điểm là rất quan trọng đối với các dịch vụ như điện (khó lưu trữ), thì đối với hàng hóa lại ít quan trọng hơn, nhu cầu cần phải được quản lý bằng một hệ thống hoạt động tốt, có thể dự đoán sự gia tăng và dàn trải lưu lượng đặt hàng.
Trong đó có vấn đề. các mạng lưới cung ứng trong toàn cầu, như chúng đang được cấu thành hiện nay, rất phức tạp, được phân cấp và có mối liên hệ chặt chẽ với nhau, nhằm tối đa hóa hiệu quả và giảm thiểu phí phạm. Tuy nhiên, trong khi phương pháp này hoạt động trong thời gian bình thường, nó không thể xử lý các cú sốc hoặc hỗn loạn trầm trọng. Đặc biệt, việc phân tán dẫn đến tình trạng thiếu đầu tư vào khả năng phục hồi, bởi vì doanh lợi tư nhân từ các khoản đầu tư đó nhỏ hơn nhiều so với lợi nhuận hoặc lợi ích của toàn hệ thống.
Một hệ quả khác của việc phân tán là tinh vi hơn, và có lẽ dễ giải thích nhất với sự tương tự như dự báo thời tiết. Mặc dù thời tiết là kết quả của một hệ thống vô cùng phức tạp và liên kết nhau, nhưng dự báo ngày càng trở nên chính xác và chính xác theo thời gian, nhờ các mô hình rất phức tạp cao độ, nó nắm bắt cách các yếu tố liên quan, chẳng hạn như gió, nhiệt độ khí quyển và đại dương, và sự hình thành mây, tất cả tương tác nhau.
Các mạng lưới cung ứng trong toàn cầu cũng phức tạp tương tự. Tuy nhiên, trong khi chúng ta có thể dự đoán các xu hướng rộng, chẳng hạn như nhu cầu sẽ tăng lên, thì không có mô hình hoặc tập hợp các mô hình nào cho phép chúng ta dự đoán chính xác cách các xu hướng đó có thể ảnh hưởng đến các yếu tố cụ thể trong các chuỗi cung ứng. Ví dụ, chúng ta không có cách nào để biết được nơi nào sẽ xảy ra tắc nghẽn mới, chứ chưa nói đến cách thế nào mà những người tham gia thị trường nên điều chỉnh hành vi của họ.
Khi các dự báo không đủ cụ thể để có thể hành động, hệ thống không thể điều chỉnh kịp thời hoặc hiệu quả. Về cơ bản, hệ thống này mang tính chất thiển cận: nó phát hiện ra các tắc nghẽn khi chúng xảy ra. Và bởi vì tương đối có ít nhiệu độ chậm trễ được tổng hợp trong đó, mức độ chênh lệch lớn lao so với các mẫu bình thường tạo ra phản ứng chậm trễ, thiếu hụt, tồn đọng và tắc nghẽn, giống như những gì chúng ta đang thấy ngày nay.
Kết luận rất rõ ràng: Chúng ta cần các mô hình tốt hơn để dự đoán các chuỗi cung ứng sẽ phát triển như thế nào, bao gồm các phản ứng có khả năng xảy ra đối với các cú sốc. Những dự báo này cần được công bố rộng rãi để tất cả những người tham gia có thể nhìn thấy chúng và điều chỉnh. Trí tuệ nhân tạo có thể sẽ là chìa khóa thành công; thực sự, đây là một ứng dụng tự nhiên của công nghệ. Nhưng hợp tác quốc tế, với các quốc gia chia sẻ dữ liệu thời gian thực được tạo ra bởi các mạng chuỗi cung ứng, cũng sẽ cần thiết.
Chi phí của một cơn bão hoặc sóng thần được giảm đáng kể khi có dự báo chính xác cho phép mọi người lập kế hoạch trước. Các sự gián đoạn chuỗi cung ứng cũng không khác gì.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel kinh tế, Giáo sư Kinh tế hồi hưu, cựu Khoa trưởng của Phân Khoa Kinh doanh Ban Cao học Đại học Stanford và là tác giả The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World.