Đỗ Kim Thêm dịch

Một sự đồng thuận phổ biến giữa những người Israel là tinh thần dân tộc Palestine đã bị đánh bại, và do đó một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột không còn cần thiết, nó nằm trong những mảnh vụn. Và ngay cả khi bạo lực leo thang, chuyện đã trở nên rõ ràng cho cả hai bên là kỷ nguyên của các cuộc chiến tranh và chiến thắng vinh quang đã kết thúc.
Chiến tranh bộc phát bất ngờ bên ngoài và bên trong biên giới Israel đã gây sốc cho một quốc gia tự mãn. Trong suốt 12 năm làm thủ tướng của Binyamin Netanyahu, vấn đề Palestine đã bị chôn vùi trong lãng quên. Hiệp định Abraham gần đây nhằm thiết lập quan hệ ngoại giao với bốn quốc gia Ả Rập dường như làm suy yếu chính nghĩa của Palestine hơn. Hiện nay vấn đề đã tái hiện với một sự trả thù.
Các cuộc chiến có thể được gây ra bởi một biến cố biệt lập, nhưng nguyên nhân của nó luôn nằm sâu xa hơn. Trong trường hợp này, cò súng, việc trục xuất những người Palestine tạo ủng hộ cho những người láng giềng Israel theo tinh thần dân tộc ở khu phố Sheikh Jarrah của phía Đông Jerusalem đã chạm vào tất cả điểm nhạy cảm chính của cuộc xung đột Israel-Palestine. Việc Israel chiếm đóng phía Đông Jerusalem, quyền kiểm soát thô bỉ của họ đối với việc chiêm bái nhà thờ Hồi giáo Al-Aqsa, ký ức còn luôn sống động của Nakba năm 1948 (sự dịch chuyển của 700.000 người Palestine khi Israel được thành lập), và sự bất bình của thiểu số người Ả Rập trong Israel đều đang chăm thêm sự bùng phát trong hiện tại.
Điểu có thể đúng là chuyện tranh chấp đất đai ở vùng Sheikh Jarrah đã thuộc về gia đình Do Thái trước năm 1948. Nhưng người Palestine coi vụ việc là một phần trong nỗ lực liên tục của Israel đối với việc „Do Thái hoá“ thành phố Jerusalem, và là một sự bất công rõ rệt, bởi vì nhà nước Israel được xây dựng một phần trên các tài sản bị bỏ hoang của người tị nạn Palestine. Trong khi người Do Thái có quyền đòi lại tài sản mà họ sở hữu trước khi Israel thành lập, còn người Palestine thì không thể. Những người phải đối mặt với việc bị trục xuất ở Sheikh Jarrah không thể đòi thu hồi nhà cửa ở Jaffa và Haifa mà họ từng sở hữu.
Trên bề mặt của vấn đề, sự leo thang bạo lực mới nhất đang đi theo khuôn mẫu của tất cả các cuộc chiến giữa các sắc tộc. Người Hồi giáo đang trong mùa chay Ramadan đã hô vang các khẩu hiệu mang tinh thần dân tộc và đụng độ với các nhóm cực hữu của Israel „Tàn sát người Ả Rập“. Người Israel đã diễu hành với quốc kỳ của họ vào Ngày Jerusalem, đánh dấu việc Israel chiếm đóng vùng phía Đông Jerusalem năm 1967 và Núi Đền thờ, địa điểm của Đền thờ thứ hai trong Kinh Thánh, và Al-Aqsa, hoàn thành vào năm 705. Các trận chiến trong và xung quanh khu Al-Aqsa nổ ra, những người cầu nguyện bên trong khu vực ném đá vào cảnh sát Israel, những người này đã phản ứng lại bằng cách bắn đạn cao su và các viên đạn khác, làm bị thương hàng trăm người.
Nhưng những người biểu tình Ả Rập trẻ tuổi có thể tuyên bố chiến thắng, vì họ buộc Tòa án Tối cao Israel phải đình hoãn việc phán quyết về các vụ trục xuất ở Sheikh Jarrah. Họ cũng buộc cảnh sát phải thay đổi lộ trình cuộc diễu hành trong ngày Jerusalem xa ra khỏi khu phố Hồi giáo ở Thành phố cổ.
Vụ bùng phát lan tràn vào Israel trước năm 1967, nơi các nhóm Hồi giáo kích động những người Ả Rập trẻ tuổi của Israel. Các thành phố hỗn hợp của Do Thái-Ả Rập được xem như là những tấm gương cho việc chung sống, chẳng hạn như Acre, Ramla, Jaffa và Lod, đã nổ ra trong một cuộc thác loạn bạo lực và phá hoại. Trong thực tế, Lob đã bị các băng đảng Ả Rập trẻ chiếm dụng. Một cư dân Do Thái nói, đây là một đêm tàn sát. Một cụ bà Do Thái đã nói về những ký ức trong Đêm kinh hoàng trong lịch sử gọi là Kristallnacht. Thị trưởng của Lod đã đưa ra so sánh tương tự.
Nhưng Jeusalem đã nổi lên như trọng tâm các xung đột. Nó cung cấp cho Hamas một cơ hội bằng vàng để khẳng định ưu thế của mình đối với các người của chính quyền Palestine ở Bờ Tây ngạn cộng tác với Israel và quét sạch sự lãnh đạo tàn lụn của Tổng thống Chính quyền Palestine Mahmoud Abbas. Dưới áp lực của Israel, Abbas vừa hủy bỏ các cuộc bầu cử Quốc hội vì sợ rằng Hamas, đã cai trị Dải Gaza từ năm 2006, sẽ giành chiến thắng và mở rộng quyền kiểm soát của mình sang Bờ Tây ngạn.
Abbas đóng khung quyết định của mình như một sự phản đối việc Israel từ chối cho phép người Palestine ở phía Đông của Jerusalem tham gia vào cuộc bầu cử. Nhưng sự thật là sự hiện diện của Chính quyền Palestine ở phía Đông Jerusalem thực tế đã biến mất, với khoảng trống được lấp đầy bởi một thế hệ trẻ của Palestine, mà chủ yếu là họ mang tinh thần thế tục đã biến Núi Đền thờ (Haram Al-Sharif cho người Hồi giáo) thành biểu tượng của sự kháng cự đối với sự chiếm đóng của Israel.
Trong sự bùng nổ hiện nay của bạo lực, Hamas đã kết nối tất cả các gút thắt cần thiết để đạt được ưu thế trong phong trào quốc gia Palestine. Hamas tự xác định vị thế của mình là người bảo vệ cho Jerusalem và Al-Aqsa, là mũi nhọn của cuộc đấu tranh quốc gia và tôn giáo của người Palestine chống lại Israel, người Do Thái chiếm đóng, và cũng là tiếng nói của thiểu số Ả Rập ở Israel.
Người Israel và chính phủ tự mãn của họ đã mất cảnh giác. Hamas đã tiến hành một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn lớn chưa từng có vào các thành phố của Israel. Thậm chí họ còn tung ra các loạt đạn pháo tại Jerusalem và Tel Aviv, đưa phân nửa dân chúng đến nơi trú ần. Người Israel đã tự hỏi làm thế nào mặt trận ở hậu phương dễ bị tổn thương của họ có thể chịu được một cuộc chiến với Hezbollah, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn qua biên giới ở miền nam Liban. Hezbollah có kho vũ khí với 150.000 hỏa tiễn gây chết người nhiều lần so với vũ khí sát thương của Hamas.
Để đưa ra trường hợp này của mình, Hamas sẵn sàng trả một cái giá đắt. Các cuộc không kích trừng phạt của Israel nhắm vào Dãi Gaza đã tàn phá, các vị chỉ huy quân sự của Hamas với hiệu quả tàn bạo. Nhưng Hamas biết rằng trong các cuộc chiến bất đối xứng của thời đại này, đem một lực lượng dân quân ẩn náu giữa hai triệu thường dân ở một trong những khu vực đông dân nhất thế giới thực ra không tránh khỏi thất bại. Hamas cũng biết rằng sự vang dội của cuộc chiến trên toàn khu vực sẽ buộc các nước láng giềng như Ai Cập và Qatar, người bảo trợ của Hamas, phải làm trung gian cho một lệnh ngừng bắn.
Từ các mảnh vỡ của Dãi Gaza, Hamas sau đó sẽ tuyên bố chiến thắng, không nhất thiết phải là trên bải chiến trường, mà trong tâm trí của người dân. Về điểm đó, Hamas sẽ đạt được các mục tiêu chính: một chính quyền Palestine hoàn toàn mất uy tín và nâng cao uy tín với tư cách là người bảo vệ cuối cùng của các đền thờ của Hồi giáo ở Jerusalem.
Nghịch lý thay, Netanyahu không quan tâm đến việc tiêu diệt Hamas. Hoàn toàn ngược lại: Netanyahu đã đạt được một thỏa thuận bất thành văn với việc chống lại chính quyền Palestine của Abbas, mà chính phủ của ông ta đã liên tục làm tất cả những gì có thể làm cho suy yếu và biếm nhục. Một nhà nước Hồi giáo của Hamas ở Dải Gaza cung cấp cho Netanyahu một cái cớ đầy lý tưởng để từ chối hoà đàm và một giải pháp về hai nhà nước. Netanyahu thậm chí còn cho phép Qatar giữ cho Dải Gaza hoạt động bằng cách trả lương cho các viên chức của Hamas.
Israel chắc chắn không thể tuyên bố chiến thắng. Sự chung sống mong manh giữa người Do Thái và người Ả Rập trong biên giới đã bị lung lay. Có một sự đồng thuận phổ biến giữa những người Israel là tinh thần dân tộc Palestine đã bị đánh bại, và do đó, một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột không còn cần thiết, nó nằm trong những mảnh vụn. Và ngay cả khi bạo lực leo thang, điểu đã trở nên rõ ràng cho cả hai bên là kỷ nguyên của các cuộc chiến tranh và chiến thắng vinh quang đã kết thúc.
***
Shlomo Ben-Ami, Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Israel, Phó Chủ tịch Trung tâm Hòa bình Quốc tế Toledo, tác giả của Scars of War, Wounds of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.