Các khái niệm chính về Luật Hiến pháp
Đỗ Kim Thêm

Người dân không phải là một cá nhân sống biệt lập trong mọi sinh hoạt của xã hội và nhà nước, mà nguợc lại phải chấp nhận các mối ràng buộc. Chính tương quan này tạo ra pháp luật. Hình ảnh và vị trí của con người trong mối quan hệ với nhà nước là một vấn đề pháp luật.
Một quốc gia hiến định là một quốc gia có nền tảng dựa trên Hiến pháp. Luật Hiến pháp sẽ quy định những giá trị cơ bản trong mối quan hệ giữa người dân và chính quyền, cách tổ chức bộ mày nhà nước và quan hệ quốc tế.
Thực ra, các khái niệm này phát sinh trong thời kỳ khai sáng tại châu Âu. Các triết gia về luật học đã thảo luận sâu rộng và các nhà lập hiến tìm cách quy định khi soạn thảo luật hiến pháp. Luật Hiến pháp được xem là làm cụ thể hoá các triết lý pháp luật.
Do đó, các khái niệm quyền lợi và nghĩa vụ của con người trong Luật Hiến pháp phải có những giá trị mang tính cách cơ bản và phổ quát. Trong trào lưu hiện nay, Hiến pháp quy định chung các khái niệm bảo vệ nhân quyền, dân quyền, tự do, dân chủ đa nguyên, kinh tế thị trường, bảo vệ môi sinh và tạo công bình giữa các thế hệ.
Bài viết ngắn này sẽ không đi sâu vào các tranh luận về sự hình thành, phát triển và ảnh hưởng của các học thuyết trong Luật Hiến pháp, mà nêu lên các định nghĩa cơ bản giúp cho độc giả nắm bắt được các nội dung chủ yếu của các khái niệm. Hy vọng công việc này là một khởi điểm giúp cho độc giả có dịp tìm hiểu thêm trong các sách chuyên đề liên quan.
Trong việc định hình cho Hiến pháp Việt Nam trong tương lai, các khái niệm chính về Luật Hiến pháp rất cần đuợc tham khảo và thảo luận rộng rải hơn.
Trong chiều hướng này, các khái niệm như công lý, tự do, bình đẳng, tài sản, nhà nước pháp quyền, luật quốc tế, quyền dân tộc tự quyết và nhân quyền sẽ được lần lượt giới thiệu trên trang nhà này
Công lý
Công lý là một tình trạng lý tưởng của một hệ thống pháp luật nhằm hoàn thiện việc thực hiện pháp luật. Trong thực tế, mục tiêu của việc lập ra và thi hành pháp luật là mang lại công bình. Công bình là mẫu mực về giá trị của luật pháp, một hình thức bình đẳng trong việc đo lường sòng phẳng các quyền lợi, nghĩa vụ và nhu cầu. Công lý sẽ phải được đề ra là mục tiêu cao cả trong hiến pháp và sẽ được thực thi trong toàn hệ thống luật pháp.
Về mặt hình thức, cho dù toàn hệ thống là phức tạp, nhưng công lý là một thể thống nhất và phải phù hợp chung, một hình thức đáp ứng được mọi nhu cầu của môi trường xã hội càng ngày càng tăng lên qua việc hình thành các loại luật quá chuyên môn. Công lý là một khái niệm tổng hợp và có cân nhắc đến các giá trị khác của luật pháp, đó là Tự Do, Bình Đẳng, Hòa Bình, Nhân Quyền vv…
Hệ thống luật pháp có thể thay đổi qua không gian và thời gian do thay đổi chính quyền hay chính sách; luật pháp có thể áp dụng trong một phạm vi giới hạn hay rông lớn, địa phương hay quốc gia; hệ thống tư pháp có thể bị lũng đoạn do chuyên quyền và tham nhũng; quyền tư hữu có thể bị hủy bỏ, đó là các chuyển biến trong thực tế, nhưng khái niệm về công lý luôn có một giá trị tự tại và phổ quát dùng làm thước đo cho mọi nhận định trong mọi tình huống. Do đó, khi có tình trạng mới nảy sinh, khái niệm này cũng là một cơ sở nền tảng để luận bàn.
Theo Aristoteles, có hai loại công lý. Thứ nhất là tính cách công bình trong trao đổi, khái niệm này dựa trên tình toán đo đếm của hai người, toán học là phương tiện để sử dụng. Thứ hai là công bình trong phân phối mà các tiêu chuẩn đặc ra dựa trên các tầm quan trọng khác nhau, do sự đóng góp, tài sản, gia thế hay khả năng. Hai quan điểm này còn phù hợp trong các trào lưu hiện đại, nhất là khi bàn về vai trò của công lý trong một nhà nước xã hội tự do.
Nhìn chung, nhà nước hiện đại phải là một nhà nước dân chủ và pháp quyền, có nghĩa là cần phần biệt hai phạm vi nhà nước và xã hội, tôn trọng quyền tư hữu và tự do cá nhân. Nhà nước có bổn phận mang lại công bình trong mọi lĩnh vực, mà cụ thể là tạo ra một tình trạng an ninh xã hội và cơ hội đồng đều cho mọi người dân. Để đạt mục tiêu này, nhà nước phải cải cách các sai lầm trong các chính sách giáo dục, kinh tế và y tế.
Thực ra, khái niệm về công bình không chỉ giới hạn trong hai hình thức kể trên mà còn lan rộng trong nhiều khía cạnh của đời sống cá nhân và xã hôi, thì dụ như quyền đòi hỏi công bình trong chế độ lương bổng, cách áp dụng về luật thủ tục tố tụng, trưng dẫn bằng chứng, sinh hoạt chính trị hay mới nhất là công bình trong các thế hệ. Trong nền dân chủ hiện đại, đảng cầm quyền chiếm ưu thế trong việc cai trị, nhưng chiếm đa số tuyệt đối là trường hợp khan hiếm. Do đó, khái niệm về công bình mang một sự thoả hiệp về khái niệm của các đảng cầm quyền.
Dựa quan điểm triết học, Plato phân loại công lý theo hai hình thức: công lý thuần lý và siêu hình. Công lỳ thuần lý được hiểu theo suy luận thường tình và quen thuộc, thí dụ như những gì mình không muốn có, thì không nên làm cho người, hoặc là nguyên tắc báo thù khi giết người thì phải đền mạng, lấy mắt đổi mắt, lấy răng đổi răng, đó là lẻ sòng phẳng trong thực tế, không gây tranh cãi.
Phức tạp hơn là khái niệm công bình siêu hình. Luận điểm này mang nội dung vươt qua những kinh nghiệm sống của cá nhân. Siêu hình theo Plato đề xướng là lý tưởng cho những giá trị cao đẹp tuyệt đối, có nghĩa là vượt ra khỏi phạm vi các kiến thức thuần lý, mọi suy tường bình thường khi hình dung về những điều tốt đẹp. Do đó, không thể có một câu trả lời thỏa đáng cho vấn đề công bình.
Cuối cùng, công bình chỉ là một điều bí ẩn mang màu sắc tôn giáo mà Đức Chúa đã chọn lọc một vài sắc dân để trao truyền. Do nguồn gốc đến từ tôn giáo, nên việc thực hành công lý trong hệ thống luật pháp trên thế gian này chỉ là một điều tương đối. Do đó, các vấn đề bảo đảm an ninh, hoà bình hay công bình chỉ đạt mức độ giới hạn. Niềm hạnh phúc trong sự công bình tuyệt đối là ảo ảnh.
Hơn nửa, các triết gia còn thảo luận công lý theo các luận điểm dựa trên nhân chủng học, đạo đức học và chính trị học.
Theo quan điểm nhân chủng học, không thể nào đạt được tình trạng công bình tuyệt đối, qua thời gian và nhiều nổ lực cải cách, tình trạng có thể cải thiện hơn phần nào. Lập luận chung cho là kiến thức và hoàn cảnh sống của con người luôn bị giới hạn trong điều kiện. Sự hữu hạn là lý do biện minh cho mọi hạn chế, trong đó có nỗ lực đạt tới công bình.
Quan điểm đạo đức học cho rằng khái niệm công bình có một sự quan hệ giữa đạo đức và luật pháp. Khái niệm công bình hàm chừa cả hai. Một khái niệm đối nghịch cần đặt ra để hiểu tỏ hơn là tình trạng bất công hay công lý của cá nhân. Triết gia Immanuel Kant cổ vũ cho việc phân biệt hai phạm trù đạo đức và pháp luật. Trong một quốc gia dân chủ hiến định, theo Kant, tinh thần trọng pháp của người dân phải được xem là nhu cầu ưu tiên
Quan điểm chính trị học cho rằng công lý phải đặt ra trong mối quan hệ của cá nhân với mục tiêu của cộng đồng chính trị. Công lý không phải chỉ là một phạm trù lý thuyết thuần lý mà phải tìm hiểu trong thực tại chính trị. Do đó, công lý là một sự thoả hiệp chung trong xã hội. Một xã hội dân chủ vận hành khi khái niệm công lý phải từ bỏ các nền tảng triết lý siêu hình và quay về thực tại xã hội, lấy chủ trương nhân bản, tôn trọng cuộc sống và thiên nhiên làm nền tảng. Cuối cùng, trong một xã hội dân chủ, công lý là một vấn đề cá nhân cần đặt ra để thảo luận trong một hoàn cảnh sống cụ thể hơn là đi tìm một căn nguyên triết lý.
4 Gedanken zu “Công lý là gì?”