Đỗ Kim Thêm dịch

Việc xâm lược của Nga và cách cố đe doạ tấn công bằng hạt nhân đã nhắc nhở chúng ta rằng khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân là vấn đề của cả hai xác suất độc lập và tương thuộc. Nghịch lý thay, việc giảm xác suất xảy ra thảm họa toàn diện đòi hỏi là chúng ta phải học cách chấp nhận một mức độ nào đó về tình trạng rủi ro và bất trắc.
Cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine và cách cố đe doạ dùng hạt nhân để chống lại phương Tây đã làm sống lại một cuộc tranh luận về các vũ khí hạt nhân. Năm ngoái, khi một hiệp ước của Liên Hiệp Quốc cấm hoàn toàn những vũ khí như vậy bắt đầu có hiệu lực, không có quốc gia nào trong số chín quốc gia có vũ khí hạt nhân trên thế giới nằm trong số 86 quốc gia ký kết. Làm thế nào những quốc gia này có thể biện minh cho việc sở hữu các vũ khí mà nó khiến cho toàn nhân loại gặp nguy cơ?
Đó là một câu hỏi thích hợp, nhưng nó phải được xem xét cùng với một câu hỏi khác: Nếu Hoa Kỳ ký hiệp ước và phá hủy kho vũ khí của chính mình, liệu họ có còn có thể răn đe được sự xâm lược hơn nữa của Nga ở châu Âu không? Nếu câu trả lời là không, người ta cũng phải xem xét liệu chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi không.
Đó không phải là một vấn đề mới. Năm 1960, khoa học gia và tiểu thuyết gia người Anh C.P. Snow kết luận rằng, chiến tranh hạt nhân trong vòng một thập niên là „một sự chắc chắn về mặt toán học“. Đó có thể là một cường điệu, nhưng nhiều người tin rằng dự đoán của Snow sẽ được biện minh, nếu một cuộc chiến xảy ra trong vòng một thế kỷ. Vào những năm 1980, các nhà vận động cho việc đóng băng hạt nhân như Helen Caldicott đã lặp lại ý kiến của Snow khi cảnh báo rằng, việc tích tụ các vũ khí hạt nhân „sẽ khiến cho chiến tranh hạt nhân trở thành một điều chính xác về mặt toán học“.
Những người cổ vũ cho việc bãi bỏ vũ khí hạt nhân thường ghi nhận rằng, nếu bạn lật một đồng xu một lần, cơ hội nhận được mặt đầu là 50%; nhưng nếu bạn lật nó trong mười lần, cơ hội nhận được mặt đầu ít nhất một lần tăng lên 99,9%. 1% cơ hội chiến tranh hạt nhân trong 40 năm tới trở thành 99% sau 8.000 năm. Sớm hay muộn, tỷ lệ này sẽ quay lại chống chúng ta. Ngay cả khi chúng ta cắt giảm một nửa các rủi ro mỗi năm, chúng ta không bao giờ có thể đạt được tình trạng không có rủi ro.
Nhưng phép ẩn dụ qua việc lật đồng xu đang gây hiểu lầm khi có liên quan đến các vũ khí hạt nhân, bởi vì nó giả định xác suất độc lập, trong khi tương tác của con người giống nhiều hơn là con xúc xắc đang quay. Điều gì xảy ra trong một lần lật đồng xu có thể thay đổi các lợi thế trong lần lật tiếp theo. Có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân thấp hơn vào năm 1963, ngay sau cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba, chính xác là vì đã có xác suất cao hơn vào năm 1962. Hình thức đơn giản của định luật trung bình không nhất thiết áp dụng cho các tương tác phức tạp của con người. Về nguyên tắc, sự lựa chọn đúng đắn của con người có thể làm giảm các xác suất.
Khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân phụ thuộc vào cả hai xác suất độc lập và tương thuộc. Một cuộc chiến hoàn toàn do tình cờ có thể phù hợp với mô hình của việc lật đồng xu, nhưng những các cuộc chiến như vậy rất hiếm khi xảy ra và bất kỳ tai nạn nào cũng có thể trở thành bị hạn chế. Hơn nữa, nếu một cuộc xung đột ngẫu nhiên vẫn còn hạn chế, nó có thể kích hoạt các hành động trong tương lai mà nó sẽ hạn chế hơn nữa xác suất của một cuộc chiến lan rộng hơn. Và khoảng thời gian càng kéo dài, thì cơ hội mà mọi thứ có thể thay đổi càng lớn hơn. Trong 8.000 năm nữa, con người có thể có những mối quan tâm cấp bách hơn là chiến tranh hạt nhân
Chúng ta đơn thuần không biết các xác suất tương thuộc là gì. Nhưng nếu dựa trên phân tích về lịch sử sau Đệ Nhị Thế chiến, chúng ta có thể giả định rằng xác suất hàng năm không nằm trong phạm vi cao hơn của việc phân phối.
Trong cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba, theo tin tường thuật, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy đã ước tính xác suất xảy ra chiến tranh hạt nhân là trong khoảng từ 33% đến 50%. Nhưng điều này không nhất thiết có nghĩa là chiến tranh hạt nhân không giới hạn. Trong các cuộc phỏng vấn với những người tham gia trong giai đoạn nhân kỷ niệm 25 năm ngày biến cố, chúng tôi đã học được rằng, bất chấp ưu thế áp đảo của kho vũ khí hạt nhân Hoa Kỳ, Kennedy đã bị ngăn cản bởi ngay cả triển vọng thấp nhất của chiến tranh hạt nhân. Và kết quả hầu như không phải là một chiến thắng đích thực của Mỹ; nó liên quan đến một thỏa hiệp bao gồm việc di chuyển lặng lẽ tên lửa Mỹ ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Một số người đã sử dụng lập luận là không thể nào tránh khỏi đúng theo toán học để thúc đẩy việc giải trừ vũ khí hạt nhân đơn phương. Nếu đảo ngược khẩu hiệu thời Chiến tranh Lạnh, thì các thế hệ tương lai sẽ đánh đổi việc thà đỏ tốn hơn là chết. Nhưng kiến thức hạt nhân không thể bị hủy bỏ, và phối hợp việc bãi bỏ giữa chín hoặc nhiều quốc gia có vũ khí hạt nhân đa dạng về mặt ý thức hệ sẽ là vô cùng khó khăn, ít nhất phải nói như vậy. Các bước đơn phương không hỗ tương có thể khuyến khích những kẻ xâm lược làm tăng các lợi thế của một trò chơi kết thúc đầy bất hạnh.
Chúng ta không biết gì về sự chấp nhận các rủi ro và tiện ích sẽ có ý nghĩa nào đối với các thế hệ xa xôi trong tương lai, hoặc những gì mọi người sẽ đánh giá trong 8.000 năm nữa. Mặc dù nghĩa vụ đạo đức của chúng ta đối với các thế hệ tương lai buộc chúng ta phải đối xử với sự sống còn rất cẩn thận, nhưng nhiệm vụ đó không đòi hỏi phải hoàn toàn không có tình trạng rủi ro. Chúng ta mắc nợ các thế hệ tương lai gần giống như về quyền truy cập bình đẳng nơi các giá trị quan trọng và điều đó bao gồm có các cơ hội sống còn như nhau. Điều đó khác với việc cố gắng tổng hợp các lợi ích của nhiều thế kỷ của những người vô danh thành một tổng số không thể biết được trong hiện tại. Rủi ro sẽ luôn là một thành phần không thể tránh khỏi của cuộc sống của con người.
Răn đe bằng hạt nhân dựa trên tình trạng nghịch lý về khả năng sử dụng. Nếu các vũ khí hoàn toàn không thể sử dụng được, chúng không răn đe. Nhưng nếu chúng cũng có thể được sử dụng, chiến tranh hạt nhân với tất cả sự tàn phá của nó có thể xảy ra. Đứng trước tình trạng nghịch lý về khả năng sử dụng và các xác suất tương thuộc liên quan đến các tương tác của con người, chúng ta không thể tìm kiếm một câu trả lời tuyệt đối cho những gì cấu thành cho „sự răn đe chính đáng“. Răn đe bằng hạt nhân không phải là tất cả đúng hay tất cả sai. Việc chấp nhận của chúng ta về răn đe phải có điều kiện.
Truyền thống chiến tranh có chính nghĩa mà chúng ta đã kế thừa qua nhiều thế kỷ cho thấy ba điều kiện liên quan phải được đáp ứng: một nguyên nhân công bằng và tương xứng, các giới hạn về phương tiện và xem xét thận trọng tất cả các hậu quả. Từ những điều kiện này, tôi rút ra năm cách hành sử về hạt nhân.
Về mặt các động cơ, chúng ta phải hiểu rằng tự vệ là một nguyên nhân chính đáng nhưng hạn chế.
Về phương tiện, chúng ta không bao giờ coi các vũ khí hạt nhân là vũ khí bình thường, và chúng ta phải giảm thiểu thiệt hại cho những người dân vô tội.
Và về mặt hậu quả, chúng ta nên giảm thiểu các tình trạng rủi ro của chiến tranh hạt nhân trong thời gian tới và cố gắng giảm sự phụ thuộc vào các vũ khí hạt nhân qua thời gian. Một quả bom trong tầng hầm liên quan đến một số rủi ro, nhưng không nhiều rủi ro như các quả bom nơi tiền tuyến.
Cuộc chiến ở Ukraine đã nhắc nhở chúng ta rằng không có cách nào để tránh tình trạng bất trắc và rủi ro. Mục tiêu của việc giảm bớt (không bãi bỏ) vai trò của các vũ khí hạt nhân theo thời gian vẫn còn quan trọng hơn bao giờ hết. Richard Garwin, nhà thiết kế quả bom khinh khí đầu tiên, đã tính toán rằng, „Nếu xác suất xảy ra cho chiến tranh hạt nhân năm nay là 1%, và nếu mỗi năm chúng ta làm cho nó giảm xuống chỉ còn 80% so với năm trước, thì xác suất tích lũy của chiến tranh hạt nhân trong mọi thời đại sẽ là 5%.“ Chúng ta có thể sống cuộc đời đạo đức với xác suất đó.
***
Joseph S. Nye, Jr. là giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2019).
Bài liên quan:
Liệu cuộc chiến tranh Ukraine có thúc đẩy việc phổ biến hạt nhân?
10 Gedanken zu “Chiến tranh hạt nhân không thể tránh khỏi?”