Michael Spence
Đỗ Kim Thêm dịch

Bất kể các hàm ý thuộc về bầu cử là gì, những thành tựu lập pháp gần đây của Hoa Kỳ, từ Đạo luật CHIPS and Science Act cho đến Đạo luật Giảm Lạm phát, báo hiệu sự gia tăng quy mô trong đầu tư dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng và cân bằng các tầm vóc khác nhau của mô hình tăng trưởng của Mỹ. Đó là một sự thay đổi không thể đến trong một sớm một chiều
Từ dự luật về cơ sở hạ tầng trị giá 1. 2 nghìn tỷ đô la vào tháng mười một năm ngoái, mà nó hứa hẹn sẽ nâng cấp các cầu đường và băng thông rộng của Mỹ, cho đến Đạo luật CHIPS và Khoa học được ban hành gần đây, sẽ phân bổ hơn 52 tỷ đô la để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của Mỹ, pháp chế kinh tế quan trọng là chương trình nghị sự hằng ngày ở Mỹ. Và chúng ta có thể sớm có thêm Đạo luật Giảm Lạm Pháp (Inflation Reduction Act, IRA) – hiện đang trình cho Hạ viện, sau khi được Thượng viện thông qua vào danh sách.
Trong môi trường chính trị phân hoá hiện nay, được định hình bởi lối suy nghĩ hoặc ăn cả hoặc về không, những đột phá như vậy gần như có thể được coi là kỳ diệu. Sự đảo ngược của một thời gian kéo dài của tình trạng thiếu đầu tư trong quá khứ là điều đáng chú ý. (Mặc dù không liên quan trực tiếp đến nền kinh tế, luật kiểm soát súng đầu tiên được Quốc hội thông qua trong gần 30 năm cũng đáng được đề cập ở đây.) Các nhà bình luận chắc chắn đã nhanh chóng quảng cáo chúng là chiến thắng của Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ, với nhiều nhà quan sát ngạc nhiên liệu họ có giúp thay đổi tình thế trong các cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng mười một không.
Bất kể ý tác động về chính trị của chúng là gì, thì dự luật về cơ sở hạ tầng, Đạo luật CHIPS và IRA là sự gia tăng đáng kinh ngạc trong đầu tư trong dài hạn vào tiềm năng tăng trưởng của Mỹ và cân bằng các tầm vóc khác nhau của mô hình tăng trưởng, nổi bật là giảm phát thải carbon dioxide và tính bền vững.
Trên thực tế, Đạo luật IRA sẽ cho phép đầu tư rộng lớn nhất vào chương trình hành động về khí hậu trong lịch sử của nước Mỹ, mang lại cho Hoa Kỳ cơ hội chiến đấu để đạt được mục tiêu giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2030. Vì Mỹ là nước phát thải khí CO2 lớn thứ hai của thế giới (sau Trung Quốc), nên việc đầu tư như vậy là rất cần thiết, không chỉ để giảm lượng khí thải trong toàn cầu một cách trực tiếp, mà còn thúc đẩy những nước khác làm phần việc của họ. Đạo luật IRA cũng có các điều khoản không liên quan gì đến khí hậu, như cho phép bảo hiểm sức khỏe theo Medicare, trả giá giá thuốc theo toa, gia hạn trợ cấp theo Đạo luật chăm sóc sức hoẻ theo giá cả phải chăng (Affordable Care Act) cho đến năm 2025 và du nhập một số phiên bản của thuế doanh nghiệp tối thiểu 15%.
Cũng tương tự như vậy, Đạo luật CHIPS tiếp thêm sinh lực cho việc đầu tư của Mỹ trong khoa học và công nghệ, bao gồm cả nguồn nhân lực mà nó thúc đẩy việc mở rộng cơ sở công nghệ của nền kinh tế. Luật pháp đặc biệt chú ý đến công nghệ về chất bán dẫn và kỹ thuật số, với một phần đầu tư nhằm giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các tác nhân nước ngoài có tiềm năng không đáng tin cậy.
Tuy nhiên, quan trọng nhất là việc Đạo luật CHIPS làm tăng một cách đáng kể về khả năng tăng năng suất trong trung hoặc dài hạn. Với tỷ lệ phụ thuộc vào tuổi già tăng lên và điều kiện thị trường lao động thắt chặt, tăng trưởng năng suất cao hơn, được hỗ trợ kỹ thuật số sẽ cần thiết để đạt được các mô hình tăng trưởng công bằng về mặt dân số trong thập kỷ tới và hơn thế nữa.
Mở rộng đầu tư trong trong khu vực công và các động lực khích lệ mà nó tạo ra, sẽ làm gia tăng đầu tư tư nhân trong các lĩnh vực quan trọng. Đây không chỉ là suy đoán. Đầu tư công được nhắm mục tiêu cẩn thật trong khoa học, công nghệ, con người và cơ sở hạ tầng tạo ra các cơ hội mà một khu vực tư nhân năng động và hệ thống tài chính sẽ nắm bắt, thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng và việc làm.
Chắc chắn vẫn còn sự chia rẽ lan rộng ở Hoa Kỳ về các vấn đề liên quan đến phân phối thu nhập, của cải và cơ hội. Nhưng ngay cả ở đây, pháp chế gần đây ngụ ý việc thừa nhận rằng việc đảo ngược các xu hướng gây tổn hại đòi hỏi đầu tư công, đặc biệt là trong giáo dục và một chương trình nghị sự cho phía cung ứng mà nó tạo ra cơ hội. Tái phân phối lại không phải là để bị loại bỏ, nhưng nó chưa là một giải pháp hoàn chỉnh.
Người ta có thể lo lắng rằng sự đồng thuận mới về tầm quan trọng của việc đầu tư vào tài sản hữu hình và vô hình được tìm thấy là phân bộ và vẫn còn mong manh và cơ sở hạ tầng hỗ trợ được củng cố chủ yếu bởi các cân nhắc thuộc về địa chính trị, đặc biệt là việc cạnh tranh với Trung Quốc. Rốt cuộc, Chiến tranh Lạnh đã mang lại sự gia tăng đầu tư công trong việc canh tân công nghệ và khoa học cơ bản. Do đó, giới hoạch định chính sách có thể không nắm bắt được toàn diện về tầm quan trọng của một chương trình nghị sự kinh tế dài hạn cân bằng để hỗ trợ cuộc cách mạng kỹ thuật số, quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và tiến tới một tình trạng tăng trưởng bền vững, công bằng.
Trước nguy cơ nghe có vẻ như xáo trộn, tôi khuyên bất cứ ai bày tỏ mối quan tâm như vậy, không nên nhìn vào các thuận lợi mà không nhận xét cẩn thận. Điều này không có nghĩa là một chương trình nghị sự trong thời Chiến tranh Lạnh mới hoàn toàn phù hợp với một chương trình nghị sự cho tăng trưởng bền vững. Nhưng chúng được liên kết đủ chặt chẽ để các chính sách dựa trên lợi ích chung trong việc „giành chiến thắng“ trong cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc có thể mang lại lợi ích kinh tế trong lâu dài, bù đắp cho việc không có sự đồng thuận của lưỡng đảng trong một chương trình nghị sự về tăng trưởng vững mạnh.
Những chiến thắng về lập pháp gần đây của đảng Dân chủ cũng cho thấy một chương trình nghị sự trung dung và sẵn sàng thỏa hiệp vẫn có thể tạo ra kết quả. Mặc dù Thượng viện đã thông qua Đạo luật IRA trong một cuộc bỏ phiếu theo đường lối của đảng, các điều khoản phải được điều chỉnh hoặc loại bỏ để đảm bảo sự ủng hộ cần thiết, đặc biệt là từ Joe Manchin của tiểu bang West Virginia và Kyrsten Sinema của tiểu bang Arizona. Tuy nhiên, bất mãn về kết quả đối với một số người ủng hộ dự luật, đó là bản chất của sự thỏa hiệp, đó là điểm chính cho sự tiến bộ chung.
Pháp chế gần đây cũng cho thấy sự sẵn sàng thúc đẩy lợi ích rộng rãi của công chúng trong các tầm vóc kinh tế, khoa học, công nghệ và môi trường, bất chấp những khác biệt sâu xa về các vấn đề xã hội. Việc tách biệt các vấn đề và mục tiêu cũng là tín hiệu tốt cho việc hoạch định chính sách của Hoa Kỳ, vì nó ngăn toàn bộ chương trình nghị sự bị bắt làm điều kiện cho những vấn đề gây tranh cãi nhất.
Trong khi không có gì đảm bảo rằng sự hồi sinh của tình trạng đầu tư công của Mỹ sẽ kéo dài, nhưng có lý do để hy vọng. Kinh nghiệm của nhiều quốc gia, bao gồm cả các nước đang phát triển thành công, cho thấy phần khó khăn nhất của tiến trình chuyển đổi kinh tế quan trọng là sự khởi đầu. Một khi các lợi ích của các chương trình đầu tư bắt đầu trở nên nhận diện được, sự ủng hộ quần quần chúng cho một chương trình nghị sự kinh tế trung dung, hướng tới tương lai sẽ tăng lên, làm giảm cơ hội cho sự đảo ngược.
Không có gì cho biết liệu lòng kiên quyết của giới hoạch định chính sách Mỹ có kéo dài không. Hiện nay, chúng ta nên ca ngợi những người đã thể hiện rằng, mặc dù có sự phân hoá đảng phái sâu xa, tinh thần lãnh đạo thực dụng, hướng đến kết quả có thể mang lại tiến bộ thực sự.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel Kinh tế và Giáo sư Kinh tế học hồi hưu, cựu Trưởng khoa của Graduate School of Business at Stanford University và là tác giả sách The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World (Macmillan Publishers, 2012).
2 Gedanken zu “Làm cho nước Mỹ đầu tư trở lại”