Henry Kissinger, Eric Schmidt, Daniel Huttenlocher
Đỗ Kim Thêm dịch

(LND: Nguyên tác của bản dịch là Chương V Security and Word Order trong tác phẩm The Age of A.I. And Our Human Future của Henry Kissinger, Eric Schmidt, Daniel Huttenlocher, John Murray Publisher, 2021, UK. Bài liên quan: Hành trình mạo hiểm của chúng ta về hướng trí tuệ nhân tạo, Joseph S. Nye, Jr)
***
Cho đến chừng nào mà lịch sử còn thu thập được tài liệu, nền an ninh đã là mục tiêu tối thiểu của một xã hội có tổ chức. Các nền văn hóa đã phân biệt về các giá trị của xã hội, và các đơn vị chính trị đã phân biệt về các lợi ích và nguyện vọng của xã hội, nhưng không có một xã hội nào đã tồn tại mà không tự bảo vệ, hoặc tự mình hoặc kết hợp với các xã hội khác.
Trong mọi thời đại, qua việc tìm kiếm an ninh, các xã hội đã tìm cách biến đổi những tiến bộ công nghệ thành các phương pháp ngày càng hiệu quả để theo dõi các mối đe dọa, đạt được ứng chiến trong ưu thế, gây ảnh hưởng vượt ra ngoài biên giới của họ và – trong trường hợp có chiến tranh – cho phép vũ lực chiếm ưu thế. Đối với các xã hội có tổ chức xa xưa nhất, những tiến bộ trong việc luyện kim, kiến trúc trong công sự, mã lực và đóng tàu thường mang tính quyết định. Thuở đầu của thời hiện đại, những đổi mới về súng và đạn pháo, các tàu chiến, công cụ, phương tiện và kỷ thuật hải hành đóng một vai trò tương đương. Suy ngẫm về động lực vĩnh cửu này trong tác phẩm kinh điển năm 1832, Carl von Clausewitz, nhà lý luận quân sự người Phổ, đã nhận xét: „Để chống lại đối phương, lực lượng tự trang bị cho mình những phát minh của nghệ thuật và khoa học.“
Một số đổi mới, chẳng hạn như xây dựng thành lũy và chiến hào, đã tạo thuận lợi cho việc phòng thủ. Tuy nhiên, với mỗi một thế kỳ, một phí khoản đã được đặt ra cho việc mua các phương tiện nhằm dự phóng về sức mạnh vượt qua các khoảng cách dần càng xa hơn với tốc độ và sức mạnh ngày càng lớn hơn.
Vào thời nội chiến Hoa Kỳ (1861-1865) và chiến tranh Pháp-Phổ (1870-1871), các cuộc xung đột quân sự đã bước vào thời đại của máy móc, ngày càng giả định cho các đặc điểm của cuộc chiến toàn diện – chẳng hạn như sản xuất vũ khí được công nghiệp hóa, đơn đặt hàng được chuyển tiếp bằng điện tín, và các binh đội và vật liệu được vận chuyển bằng đường sắt xuyên qua khoảng cách lục địa.
Với mỗi một sự gia tăng quyền lực, các cường quốc đã xem biện pháp của đối phương – đánh giá xem bên nào sẽ chiếm ưu thế trong cuộc xung đột, những rủi ro và tổn thất nào mà sẽ đòi hỏi cho một chiến thắng như vậy, điều gì sẽ biện minh cho họ, và sự tham gia của một cường quốc khác và kho vũ khí của nó sẽ ảnh hưởng đến kết quả như thế nào. Các năng lực, mục tiêu và chiến lược của các quốc gia khác nhau đã được lập ra, ít nhất là về mặt lý thuyết, trong một trạng thái cân bằng hoặc cân bằng về quyền lực.
Trong thế kỷ qua, việc định mức các phương tiện để đạt mục tiêu chiến lược đã vượt ra khỏi tầm tổng hợp. Các công nghệ được sử dụng để theo đuổi việc an ninh đã tăng lên và phát triển càng phá hoại nhiều hơn, ngay cả khi các chiến lược để sử dụng chúng để đạt được các mục tiêu được đề ra đã trở nên khó nắm bắt hơn. Trong thời đại của chúng ta, sự ra đời của các khả năng về không gian mạng và thông minh nhân tạo đang tạo thêm các cấp độ phức tạp và trừu tượng mới một cách phi thường cho các tính toán này.
Trong tiến trình này, Đệ nhất Thế chiến (1914-1918) là một sự phân chia tín hiệu. Vào đầu những năm 1900, các cường quốc của châu Âu, với các nền kinh tế tiên tiến, cộng đồng khoa học và trí thức đi tiên phong, và niềm tin vô biên vào các sứ mệnh trong toàn cầu của họ, đã khai thác những tiến bộ công nghệ của Cách mạng Công nghiệp để xây dựng các quân đội hiện đại. Họ tích lũy được khối lượng binh sĩ bằng cách cưỡng bách tùng quân và vật liệu có thể vận chuyển bằng tàu hỏa cũng như súng máy và các loại vũ khí phát hoả nhanh khác. Họ đã phát triển các phương pháp sản xuất tiên tiến để bổ sung cho các công xưởng vũ khí ở „tốc độ máy móc“, vũ khí hóa học (mà việc sử dụng đã bị cấm, một lệnh cấm mà hầu hết, nhưng không phải tất cả, các chính phủ đã chấp nhận), và các chiến hạm bọc thép và xe thiết giáp thô sơ. Họ đã đưa ra các chiến lược phức tạp dựa trên việc đạt được lợi thế thông qua việc huy động nhanh chóng và các liên minh dựa trên các cam kết sắt đá giữa các đồng minh để huy động phối hợp, nhanh chóng và toàn diện, khi có sự khiêu khích.
Khi một cuộc khủng hoảng phát sinh mà không có ý nghĩa cố hữu nào cho toàn cầu, vụ ám sát người kế vị ngai vàng ở Habsburg bởi một người theo chủ nghĩa dân tộc Serbia, các cường quốc châu Âu áp dụng những kế hoạch này cho một cuộc xung đột chung. Kết quả là một thảm họa đã hủy diệt một thế hệ trong việc theo đuổi các kết quả không liên quan gì đến bất kỳ mục tiêu chiến tranh nguyên thủy nào của các phe phái.
Ba đế chế đã chứng kiến sự sụp đổ của các định chế của họ. Ngay cả những người chiến thắng cũng đã cạn kiệt trong nhiều thập kỷ và chịu cảnh suy yếu thường trực về vai trò quốc tế của họ. Việc thiếu linh hoạt về ngoại giao, công nghệ quân sự tiên tiến và kế hoạch huy động kích hoạt chi li đã kết hợp nhau để tạo ra một vòng luẩn quẩn, tất cả làm cho chiến tranh toàn cầu có thể xảy ra nhưng cũng không thể tránh khỏi. Các thương vong trầm trọng đến nỗi là nhu cầu biện minh cho việc này khiến cho thỏa hiệp trở nên bất khả thi.
Kể từ khi có biến động, các nước đã dành tất cả sự quan tâm, kỷ luật và nguồn lực cho các công xưởng vũ khí của họ, các cường quốc đã phóng đại những bí ẩn của chiến lược hiện đại. Vào lúc cuối Đệ nhị Thế chiến và trong những thập kỷ mở đầu của Chiến tranh Lạnh, hai siêu cường đã cạnh tranh để chế tạo vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối liên lục địa – những khả năng của họ có sức hủy diệt to lớn tỏ ra chỉ có thể liên quan đến các mục tiêu chiến lược nghiêm trọng và toàn diện nhất.
Quan sát vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên trên sa mạc New Mexico, nhà vật lý J. Robert Oppenheimer, một trong những vị cha đẻ của bom nguyên tử, đã chuyển việc viện dẫn, không phải là câu châm ngôn chiến lược của Clausewitz mà là sang một câu trong Bhagavad Git, kinh thánh của Ấn độ giáo: „Bây giờ tôi trở thành tử thần, kẻ hủy diệt thế giới.“
Cái nhìn sâu sắc này đã báo trước nghịch lý chính yếu của chiến lược trong Chiến tranh Lạnh: công nghệ vũ khí thống trị của thời đại này không bao giờ được sử dụng. Sức hủy diệt của các vũ khí không còn tương xứng với các mục tiêu nào có thể đạt được khác hơn là ngoài sự sống còn đơn thuần.
Mối liên hệ giữa các khả năng và mục tiêu vẫn bị phá vỡ trong suốt Chiến tranh Lạnh, hoặc ít nhất là không được kết nối theo cách có lợi cho sự phát triển rõ ràng của chiến lược. Các cường quốc đã xây dựng các quân đội tiên tiến về mặt công nghệ và cả các hệ thống liên minh trong khu vực và toàn cầu, nhưng họ không sử dụng chúng để chống lại nhau hoặc trong các cuộc xung đột với các nước nhỏ hơn hoặc các phong trào vũ trang với công xưởng vũ khí thô sơ hơn, một sự thật cay đắng mà Pháp đã trải qua ở Algeria, Hoa Kỳ ở Hàn Quốc và Hoa Kỳ và Liên Xô ở Afghanistan.
Thời đại của binh pháp chiến tranh mạng và thông minh nhân tạo
Ngày nay, sau thời Chiến tranh Lạnh, các cường quốc và các quốc gia khác đã mở rộng các công xưởng vũ khí của họ với các khả năng về không gian mạng mà việc sử dụng chủ yếu tạo ra được sự không minh bạch và phủ nhận của họ và, trong một số trường hợp, hoạt động của họ, trong phạm vi mơ hồ của thông tin sai lệch, thu thập thông tin tình báo, phá hoại và xung đột theo truyền thống, tạo ra các chiến lược mà không có các học thuyết thừa nhận. Trong khi đó, mỗi một sự tiến bộ đã được kết hợp với các khả năng tổn thương mới.
Kỷ nguyên về thông minh nhân tạo có nguy cơ làm phức tạp các bí ẩn của chiến lược hiện đại vượt xa ý định của con người – hoặc có lẽ về sự hiểu biết con người toàn diện. Ngay cả khi các quốc gia kiềm chế việc triển khai rộng rãi cái gọi là vũ khí sát thương tự động – vũ khí thông minh nhân tạo tự động hoặc bán tự động được trang bị và cho phép chọn mục tiêu và tấn công mà không có sự can thiệp của con người – thông minh nhân tạo có triển vọng mở rộng khả năng thông thường, hạt nhân và không gian mạng theo những cách làm cho mối quan hệ an ninh giữa các đối thủ trở nên khó dự đoán và duy trì hơn và các xung đột càng khó hạn chế hơn.
Các chức năng phòng thủ tiềm tàng của thông minh nhân tạo hoạt động ở nhiều cấp độ và có thể sớm chứng minh là cần thiết. Các chiến đấu cơ do thông minh nhân tạo điều khiển đã cho thấy một khả năng đáng kể để thống trị các phi công trong các trận không chiến được con người mô phỏng. Sử dụng một số nguyên tắc chung tương tự cho phép các chiến thắng của AlphaZero và phát hiện ra hộp chất halicin, thông minh nhân tạo có thể xác định các mô hình hành vi mà ngay cả đối thủ cũng không đề ra kế hoạch hoặc chú ý, sau đó đề xuất các phương pháp để chống lại chúng. Thông minh nhân tạo có thể cho phép chuyển ngữ đồng thời hoặc chuyển tiếp ngay các thông tin quan trọng khác cho nhân viên trong các khu vực khủng hoảng, những ngưới có khả năng hiểu môi trường xung quanh hoặc giải thích được là cần thiết cho một nhiệm vụ hoặc an toàn cá nhân.
Không một quốc gia quan trọng nào có thể bỏ qua các khía cạnh an ninh của thông minh nhân tạo. Một cuộc chạy đua giành lợi thế chiến lược của thông minh nhân tạo đã diễn ra, đặc biệt là giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc và ở một mức độ nào đó là có Nga. Khi kiến thức – hoặc nghi ngờ – rằng những người khác đang có được một số khả năng về thông minh nhân tạo nhất định lan rộng, nhiều quốc gia sẽ tìm kiếm chúng. Một khi được du nhập, những khả năng này có thể lan truyền nhanh chóng. Mặc dù việc tạo ra thông minh nhân tạo tinh vi đòi hỏi khả năng tính toán đáng kể, nhưng nói chung, việc mở rộng hoặc vận hành của thông minh nhân tạo không phải là trường hợp đặt ra.
Giải pháp cho những phức tạp này không phải là tuyệt vọng hay giải giáp. Các công nghệ hạt nhân, không gian mạng và thông minh nhân tạo đang tồn tại. Mỗi một loại chắc chắn sẽ đóng một vai trò trong chiến lược không thể tránh khỏi. Không có loại nào sẽ „không được phát minh“. Nếu Hoa Kỳ và các đồng minh rút lui trước những tác động của những khả năng này và ngăn chặn các tiến bộ của chúng, kết quả sẽ không phải là một thế giới hòa bình hơn. Thay vào đó, thế giới sẽ ít quân bình hơn, trong đó việc phát triển và sử dụng các khả năng chiến lược ghê gớm nhất diễn ra mà người ta ít quan tâm đến các khái niệm về trách nhiệm giải trình dân chủ và cân bằng quốc tế. Cả lợi ích quốc gia và tư vấn bắt buộc về đạo đức rằng Hoa Kỳ không nhường bước các lĩnh vực này, thực sự ra, Hoa Kỳ nên cố gắng định hình chúng.
Tiến bộ và cạnh tranh trong các lĩnh vực này sẽ liên quan đến các biến đổi mà nó sẽ thử thách các khái niệm truyền thống về an ninh. Trước khi những biến đổi này đạt đến điểm không thể lay chuyển, một số nỗ lực phải được thực hiện để xác định các học thuyết chiến lược liên quan đến thông minh nhân tạo và so sánh chúng với thông minh nhân tạo của các cường quốc khác (các quốc gia và các tác nhân không phải là nhà nước). Trong những thập kỷ tới, chúng ta sẽ cần phải đạt được sự cân bằng quyền lực mà nó quan tâm đến tình trạng vô hình của các cuộc xung đột trên không gian mạng và thông tin sai lệch trong quy mô lớn cũng như những đặc điểm của chuôc chiến do thông minh nhân tạo điều kiện. Chủ thuyết hiện thực buộc phải công nhận rằng các đối thủ của thông minh nhân tạo, ngay cả khi họ cạnh tranh, phải cố gắng khám phá việc thiết lập các giới hạn đối với sự phát triển và sử dụng các khả năng thông minh nhân tạo đặc biệt gây hại, bất ổn và không thể đoán trước. Một nỗ lực nghiêm túc trong việc kiểm soát vũ khí thông minh nhân tạo không mâu thuẫn với vấn đề an ninh quốc gia; đó là một nỗ lực để đảm bảo rằng an ninh được theo đuổi và đạt được trong bối cảnh tương lai của con người.
Các vũ khí hạt nhân và sự răn đe
Trong các thời đại trước, khi một vũ khí mới xuất hiện, các quân đội đã cho nhập nó vào công xương vũ khí và các chiến lược gia đã đưa ra các học thuyết cho phép sử dụng nó để theo đuổi các mục đích chính trị. Sự ra đời của vũ khí hạt nhân đã phá vỡ mối liên hệ này. Việc sử dụng vũ khí hạt nhân đầu tiên và duy nhất cho đến ngày nay trong chiến tranh – của Hoa Kỳ chống lại Hiroshima và Nagasaki vào năm 1945, buộc phải nhanh chóng chấm dứt Thế chiến thứ hai ở Thái Bình Dương – đã được công nhận ngay lập tức như một bước ngoặt. Ngay cả khi các cường quốc trên thế giới tăng gấp đôi nỗ lực của họ để làm chủ công nghệ vũ khí mới và kết hợp nó vào công xưởng vũ khí, họ đã tham gia vào cuộc tranh luận cởi mở và tìm kiếm bất thường về ảnh hưởng chiến lược và đạo đức của việc sử dụng nó.
Với sức mạnh trên quy mô vượt xa bất kỳ hình thức trang bị vũ khí nào khác vào thời điểm đó, vũ khí hạt nhân đặt ra những vấn đề nền tảng: Liệu sức hủy diệt kinh hoàng này có thể liên quan với các yếu tố truyền thống của chiến lược bằng cách của một số nguyên tắc hoặc học thuyết hướng dẫn? Việc sử dụng vũ khí hạt nhân có thể hòa giải được với các mục tiêu chính trị không có chiến tranh toàn diện và hủy diệt lẫn nhau? Liệu quả bom có thừa nhận sử dụng theo tầm cở, tỷ lệ hoặc chiến thuật không?
Cho đến nay, câu trả lời đã dao động từ trạng thái mơ hồ đến tiêu cực. Ngay cả trong thời gian ngắn, khi Hoa Kỳ nắm giữ độc quyền hạt nhân (1945 đến 1949), và trong khoảng thời gian dài hơn một chút, Mỹ sở hữu một cách đáng kể các hệ thống phân phối hạt nhân hiệu quả hơn, họ không bao giờ phát triển một học thuyết chiến lược hoặc xác định một nguyên tắc đạo đức thuyết phục được việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột thực sự sau Thế chiến thứ hai. Sau đó, không có các đường lối theo học thuyết rõ ràng nào đã được các cường quốc hạt nhân hiện tại đồng ý, và thậm chí có thể không phải lúc đó, không có nhà hoạch định chính sách nào có thể biết điều gì sẽ xảy ra sau khi sử dụng „hạn chế“ và liệu nó có còn bị hạn chế hay không. Cho đến nay, một nỗ lực như vậy vẫn chưa được thực hiện. Trong một cuộc khủng hoảng năm 1955 về việc pháo kích qua eo biển Đài Loan, Tổng thống Eisenhower đe dọa Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, khi đó không có vũ khí hạt nhân, nếu không xuống thang – nhận xét rằng, ông không thấy lý do tại sao các vũ khí hạt nhân chiến thuật không thể được sử dụng „chính xác như bạn sẽ sử dụng một viên đạn hoặc bất cứ thứ gì khác“. Gần bảy thập kỷ sau, chưa có nhà lãnh đạo nào thử nghiệm đề xuất này.
Thay vào đó, trong Chiến tranh Lạnh, mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược hạt nhân đã trở thành sự răn đe– việc sử dụng các vũ khí, chủ yếu thông qua việc tuyên bố sẵn sàng triển khai chúng, để ngăn chặn đối thủ hành động, bằng cách khởi động xung đột hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân trong khi hành động. Về cốt lõi, việc răn đe hạt nhân là một chiến lược tâm lý của các mục tiêu tiêu cực. Nó nhằm mục đích thuyết phục đối thủ không hành động bằng các cách đe dọa. Động lực này phụ thuộc vào cả năng lực vật chất của một quốc gia và phẩm chất vô hình: tâm trạng của kẻ xâm lược tiềm tàng và khả năng định hình vấn đề của đối thủ. Nhìn qua lăng kính răn đe, dường như sự yếu đuối có thể có hậu quả tương tự như sự khiếm khuyết thực sự; Một trò lừa bịp được thực hiện nghiêm túc có thể chứng minh một sự răn đe hữu ích hơn một mối đe dọa thực sự đã bị bỏ qua. Duy nhất trong số các chiến lược an ninh (ít nhất là cho đến nay), răn đe hạt nhân dựa trên một loạt các trừu tượng không thể kiểm chứng: sức mạnh răn đe không thể chứng minh làm thế nào hoặc bằng biên độ nào mà một cái gì đó đã được ngăn chặn.
Bất chấp những nghịch lý này, công xưởng về vũ khí hạt nhân đã được đưa vào các khái niệm cơ bản về trật tự quốc tế. Khi Hoa Kỳ sở hữu độc quyền hạt nhân, kho vũ khí của họ đã được sử dụng để răn đe các cuộc tấn công thông thường và mở rộng thành một „chiếc ô hạt nhân“ cho các nước tự do hoặc đồng minh. Một bước tiến của Liên Xô trên khắp Tây Âu đã bị kiểm soát bởi viễn cảnh, dù xa xôi hay trừu tượng, rằng Hoa Kỳ sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân để ngăn chặn cuộc tấn công. Một khi Liên Xô vượt qua ngưỡng hạt nhân, mục đích chính của vũ khí hạt nhân của cả hai siêu cường ngày càng trở nên răn đe việc sử dụng của đối phương. Sự tồn tại của khả năng hạt nhân „có thể sống sót“, nghĩa là, các vũ khí hạt nhân có thể được khởi động trong một cuộc phản công sau cuộc tấn công giả định đầu tiên của đối thủ – được dựa vào để ngăn chặn chính chiến tranh hạt nhân. Và nó đã đạt được mục tiêu đó liên quan đến xung đột giữa các siêu cường.
Các bá chủ thời Chiến tranh Lạnh đã dành nguồn lực to lớn để mở rộng khả năng hạt nhân của họ cùng lúc khi các kho vũ khí ngày càng xa vời với việc tiến hành thường nhật của chiến lược. Việc sở hữu các kho vũ khí này không ngăn cản các quốc gia không có hạt nhân – Trung Quốc, Việt Nam, Afghanistan – từ thách thức của các siêu cường, cũng như không ngăn cản người Trung và Đông Âu đòi quyền tự trị từ Moscow.
Trong chiến tranh Triều Tiên, Liên Xô là cường quốc hạt nhân duy nhất qua mặt Hoa Kỳ, và Hoa Kỳ có lợi thế quyết định về số lượng vũ khí và phương tiện tiếp tế. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã kiềm chế không sử dụng chúng, chọn cách phải chịu cho hàng chục ngàn thương vong trong các trận chiến kiểu Thế chiến thứ nhất chống lại các lực lượng Trung Quốc và Bắc Triều Tiên liên kết với Liên Xô (khi nhìn lại thì là yếu kém) mà họ không có vũ khí hạt nhân, thay vì chấp nhận tình trạng bất trắc hoặc xấu hổ về đạo đức trong việc leo thang hạt nhân. Kể từ đó, mỗi cường quốc hạt nhân đối đầu với đối thủ phi hạt nhân đều có kết luận tương tự, ngay cả khi phải đối mặt với thất bại qua kẻ thù phi hạt nhân.
Trong thời đại này, các nhà hoạch định chính sách không muốn có các chiến lược. Theo học thuyết trả đũa quy mô của những năm 1950, Hoa Kỳ đe dọa sẽ đáp trả bất cứ cuộc tấn công nào, hạt nhân hoặc thông thường, với sự leo thang toàn diện của hạt nhân. Tuy nhiên, một học thuyết được đề ra để biến bất kỳ cuộc xung đột nào, dù nhỏ, thành một cuộc tận thế giữa thiện và ác đã chứng minh về mặt tâm lý và ngoại giao là không thể chịu đựng được – cũng như một phần nào là không hiệu quả. Để ứng phó, một số chiến lược gia đề xuất các học thuyết cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật trong chiến tranh hạt nhân hạn chế. Tuy nhiên, những đề xuất này được đưa ra dựa trên những lo ngại liên quan đến tình trạng leo thang và các giới hạn. Các nhà hoạch định chính sách lo ngại rằng các đường lối thuộc về học thuyết mà các nhà chiến lược đề xuất là quá ảo tưởng để ngăn chặn leo thang thành một cuộc chiến tranh hạt nhân toàn cầu. Do đó, chiến lược hạt nhân vẫn tập trung vào việc răn đe và đảm bảo mức độ khả tín của các mối đe dọa, ngay cả trong tình trạng tận thế vượt ra ngoài những điều kiện mà bất kỳ người nào đã từng trải trong chiến tranh. Hoa Kỳ đã phân phối vũ khí về mặt địa lý và xây dựng khả năng phát động tấn công trên ba diện (đất liền, trên biển và trên không), đảm bảo rằng ngay cả một cuộc đột kích bất ngờ của kẻ thù cũng không ngăn cản Hoa Kỳ khởi động một phản ứng tàn khốc. Theo thông tin cho biết, Liên Xô đã khám phá việc sử dụng một hệ thống được thiết kế để có khả năng, một khi do con người kích hoạt, phát hiện một cuộc tấn công hạt nhân sắp tới và phổ biến các mệnh lệnh phóng cho một cuộc phản công mà không cần sự can thiệp của con người – một cuộc nghiên cứu tiên khời về khái niệm binh pháp bán tự động liên quan đến việc ủy thác một số chức năng chỉ huy nhất định cho một cỗ máy.
Các nhà chiến lược trong chính phủ và học viện nhận thấy có sự phụ thuộc vào các cuộc tấn công hạt nhân mà không có một đối trọng phòng thủ phải lo lắng. Họ đã khám phá các hệ thống phòng thủ, ít nhất là về mặt lý thuyết, sẽ mở rộng phạm vi nhỏ của việc quyết định của các nhà hoạch định chính sách trong một cuộc đối đầu hạt nhân, cho phép một cơ hội để tiến hành ngoại giao, hoặc ở mức tối thiểu, để thu thập thêm thông tin và cải thiện các giải thích sai lệch. Tuy nhiên, trớ trêu thay, việc theo đuổi các hệ thống phòng thủ chỉ thúc đẩy nhanh hơn nữa nhu cầu vũ khí tấn công để thâm nhập hệ các phòng thủ của cả hai bên.
Khi các công xưởng vũ khí của cả hai siêu cường phát triển, khả năng của vũ khí hạt nhân đang triển khai thực sự để phục vụ việc ngăn chặn hoặc trừng phạt hành động của đối phương dường như ngày càng vượt qua thực tế và khó tin – đe dọa một cách tiềm tàng về tính thuần lý của việc răn đe. Việc công nhận về tình trạng bế tắc hạt nhân này đã tạo ra một học thuyết mới với tên gọi mối đe dọa bằng nhau và sự công nhận đầy châm biếm: sự hủy diệt hổ tương được đảm bảo (Mutual Assured Destruction, MAD). Bởi vì số lượng nạn nhân lý thuyết này giả định, làm giảm các mục tiêu trong khi sức công phá là rất lớn và ngày càng nhiều, vũ khí hạt nhân bị giới hạn trong lĩnh vực báo tín hiệu và làm tăng tình trạng ứng chiến của các hệ thống và đơn vị quan trọng, tiến dần đến việc chuẩn bị cho một vụ khởi động hạt nhân, theo những cách mà cần được chú ý và quan tâm. Nhưng ngay cả việc gửi tín hiệu như vậy cũng được thực hiện một cách dè dặt, kẻo kẻ thù hiểu sai chúng và gây ra thảm họa toàn cầu. Để tìm kiếm an ninh, nhân loại đã tạo ra một vũ khí tối thượng và các học thuyết chiến lược để song hành. Kết quả là một sự lo lắng đang lan rộng rằng vũ khí như vậy liệu có thể được sử dụng không. Kiểm soát vũ khí là một khái niệm nhằm giảm đi tình trạng tiến thoái lưỡng nan này.
(còn tiếp)
4 Gedanken zu “An ninh và trật tự thế giới (Phần 1)”