Project-Syndicate
Đỗ Kim Thêm dịch

Nếu Mỹ và Trung Quốc chống nhau trong một cuộc chiến có tổng bằng không để được thống trị về công nghệ trong lâu dài, cả hai sẽ thất bại, cản trở tiến bộ công nghệ và tăng trưởng kinh tế ở khắp mọi nơi. Họ tốt hơn nhiều khi cố gắng đạt được hoặc duy trì mức độ canh tân, mà không ngăn cản đối phương thách thức họ.
Hiện nay, người ta chấp nhận một cách rộng rãi rằng mối quan hệ kinh tế và công nghệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ được đặc trưng hoá bởi một số kết hợp trong hợp tác chiến lược và cạnh tranh chiến lược. Hợp tác chiến lược phần lớn được hoan nghênh, bởi vì việc giải quyết các thách thức chung, từ việc biến đổi khí hậu và đại dịch cho đến quy định về các công nghệ tiên tiến, các đòi hỏi sự kết ước của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng cạnh tranh chiến lược có xu hướng được xem là một viễn cảnh đáng lo ngại, thậm chí còn gây đe dọa. Nó không cần phải là như vậy.
Lo lắng về tình trạng cạnh tranh giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, phản ánh một niềm tin từ cả hai phía rằng một khảo hướng dựa trên an ninh quốc gia, phần lớn là tổng bằng không là vấn đề không thể tránh khỏi. Giả định này đưa tới việc ra quyết định theo hướng không xây dựng, đối đầu và làm tăng khả năng của các sai lầm trong chính sách.
Trong thực tế, có những hình thức tốt và xấu trong cạnh tranh chiến lược. Để hiểu được các lợi ích của cạnh tranh tốt đẹp – và làm thế nào để gặt hái chúng – người ta chỉ cần xem xét cách cạnh tranh thúc đẩy sự đổi mới trong các nền kinh tế.
Ở các nền kinh tế tiên tiến và có thu nhập trung bình cao, sự canh tân các sản phẩm và tiến trình thúc đẩy việc gia tăng năng suất – một động lực quan trọng của tăng trưởng GDP trong dài hạn.
Khu vực công đóng một vai trò quan trọng trong việc khởi động sự đổi mới đó, thông qua đầu tư vốn con người và nghiên cứu khoa học và công nghệ trong thượng nguồn. Sau đó, khu vực tư nhân đảm nhận một tiến trình cạnh tranh năng động – điều mà Joseph Schumpeter gọi một cách nổi tiếng là „sự hủy diệt sáng tạo“.
Theo các động lực của thuyết Schumpeter, các doanh nghiệp tạo ra những đổi mới thành công có được một số sức mạnh thị trường tạm thời mang lại doanh thu do đầu tư. Nhưng, khi những doanh nghiệp khác tiếp tục đổi mới, họ làm xói mòn các lợi thế của nhà đổi mới trong vòng đầu. Và chu kỳ cạnh tranh và tiến bộ công nghệ tiếp tục.
Nhưng tiến trình này không phải là tự điều chỉnh, và có nguy cơ mà các nhà đổi mới trong vòng đầu có thể sử dụng sức mạnh thị trường của họ để ngăn chặn đối phương thách thức họ. Ví dụ, họ có thể từ chối hoặc cản trở việc thâm nhập thị trường hoặc có được các đối thủ cạnh tranh tiềm năng trước khi họ trở nên quá lớn. Đôi khi, các chính phủ hỗ trợ những doanh nghiệp đương nhiệm chống cạnh tranh bằng cách trợ cấp cho họ.
Để duy trì cạnh tranh – và tất cả những lợi ích sâu rộng của nó đối với canh tân và tăng trưởng – các chính phủ phải đưa ra một bộ quy tắc cấm hoặc ngăn cản hành vi chống cạnh tranh. Các quy tắc này được đưa vào trong khuôn khổ của chính sách chống độc quyền hoặc cạnh tranh, và trong các hệ thống để xác định các giới hạn của quyền sở hữu trí tuệ.
Hoa Kỳ và Trung Quốc là những nước lãnh đạo trong việc thăng tiến nhiều công nghệ có thể thúc đẩy tình trạng tăng trưởng toàn cầu. Nhưng trên hết, mức độ mà họ làm như vậy phụ thuộc vào các mục tiêu chủ yếu của họ.
Giống như các doanh nghiệp sáng tạo đúng hàng đầu trong một nền kinh tế, mục tiêu chính có thể là sự thống trị về công nghệ – nghĩa là thiết lập và duy trì một vị trí dẫn đầu rõ ràng và bền bỉ cho công nghệ. Để đạt được mục tiêu này, một quốc gia sẽ cố gắng đẩy nhanh sự đổi mới trong nội bộ và cản trở đối thủ cạnh tranh lớn nhất của mình, chẳng hạn như bằng cách từ chối tiếp cận thông tin, nguồn nhân lực, các nhập lượng quan trọng khác hoặc thị trường bên ngoài.
Kịch bản này là một trong những cạnh tranh chiến lược tệ hại. Nó làm suy yếu tiến bộ công nghệ ở cả hai quốc gia – và thực sự ra là cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu – không chỉ bằng cách hạn chế mức quy mô cho toàn thể thị trường có liên quan. Làm cho vấn đề tồi tệ hơn, nó phục vụ một mục tiêu có lẽ không thể đạt được trong thời gian dài. Như trong các nghiên cứu gần đây chỉ rõ, Trung Quốc đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ trong nhiều lĩnh vực.
Với việc khó có thể xảy ra sự thống trị công nghệ trong lâu dài, các quốc gia có thể theo đuổi một mục tiêu thực tế và có khả năng sinh lợi hơn. Đối với Mỹ, mục tiêu đó không phải là tụt lại phía sau; đối với Trung Quốc, đó là kết thúc tiến trình bắt kịp ở những khu vực mà họ hiện đang tụt hậu. Trong kịch bản này, cả Trung Quốc và Mỹ đều cạnh tranh bằng cách đầu tư quy mô vào trong nền tảng khoa học và công nghệ của nền kinh tế của họ.
Điều này không loại trừ các chính sách nhằm tăng khả năng tự cung ứng và khả năng phục hồi. Ngược lại, với niềm tin giữa các quốc gia giảm mạnh và các cú sốc hệ thống đang tăng lên, một nền kinh tế toàn cầu hoàn toàn mở rộng, trong đó hiệu quả và lợi thế so sánh là những cân nhắc xác định, không còn là một lựa chọn. Các chuỗi cung ứng, đầu tư và dòng tài chính toàn cầu đang được định hình lại và sắp xếp lại, với sự chuyển hướng đối với các đối tác thương mại đáng tin cậy, và cả Trung Quốc và Mỹ đã đưa ra các chiến lược định hướng khả năng phục hồi.
Việc đa dạng hóa, tự nó không phải là một lập trường chính sách chống cạnh tranh. Các chiến lược Made in China 2025 và các chiến lược lưu thông song hành của Trung Quốc bao gồm các điều khoản để tăng cường sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, đồng thời giảm sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài, đầu vào và thậm chí cả nhu cầu.
Cũng tương tự như vậy, Đạo luật của hai đảng Mỹ tạo cơ hội cho sản xuất, ưu thế trong công nghệ và sức mạnh kinh tế năm 2022 (America COMPETESS Act) tìm cách tăng cường khả năng khoa học và công nghệ của đất nước và củng cố chuỗi cung ứng của mình, nhất là bằng cách giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu từ Trung Quốc. Mặc dù dự luật vẫn chưa định hình chung quyết, các điều khoản của nó có thể được thực hiện phần lớn phù hợp với cạnh tranh chiến lược tốt đẹp.
Một lĩnh vực mà cạnh tranh tốt đẹp là không thể thực hiện là trong các vấn đề an ninh quốc gia, quốc phòng và khả năng quân sự. Trong khi có xung đột, nhiều công nghệ có thể được đem ra sử dụng, những công nghệ quan trọng chủ yếu phải được sử dụng cho mục đích quân sự và an ninh, nếu không, cạnh tranh công nghệ toàn cầu tương đối mở rộng sẽ cần phải được phong tỏa.
Mối nguy hiểm hiện tại là quá nhiều công nghệ sẽ được coi là có liên quan đến an ninh quốc gia và do đó phải tuân theo các quy tắc có tổng bằng không. Khảo hướng này sẽ có tác dụng tương tự khi việc tìm kiếm để đạt được và duy trì sự thống trị công nghệ bị hướng dẫn sai lệ, nó làm hao mòn lợi ích kinh tế của cạnh tranh.
Lý tưởng nhất, các quốc gia nên cố gắng đạt được hoặc dừng lại ở giới hạn của sự canh tân, mà không cố gắng ngăn chặn những đối phương thách thức họ. Các quy tắc được quốc tế đồng ý là điều cần thiết để duy trì một hệ thống như vậy, sẽ tạo ra nhiều tiến bộ công nghệ và tăng trưởng toàn cầu hơn nhiều so với một hệ thống bị chi phối bởi một tác nhân công nghệ duy nhất như Mỹ, hoặc một hệ thống có phiên bản cạnh tranh chiến lược không bị cấm.
Đứng trước những cơn gió ngược về kinh tế trong toàn cầu – bao gồm tình tạng lão hóa về dân số, nợ công lớn, các căng thẳng và xung đột về địa chính trị ngày càng gia tăng và gián đoạn từ phía cung – và đầu tư ngày càng tăng để đáp ứng các thách thức về môi trường và đoàn kết, thế giới cần một hình thức lành mạnh của cạnh tranh chiến lược hơn bao giờ hết.
Michael Spence đoạt giải Nobel kinh tế, Giáo sư Kinh tế Đại học Stanford hồi hưu và là tác giả của The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World (Nhà xuất bản Macmillan, 2012).
6 Gedanken zu “Cạnh tranh tốt đẹp về chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc”