Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch

Trong một thế giới của các quốc gia có chủ quyền, các quyết định về chính sách đối ngoại đương nhiên phải tính đến các lợi ích quốc gia và cán cân quyền lực rộng lớn hơn. Nhưng không giống như trong thời kỳ Đệ nhị Thế chiến, khi quan điểm hiện thực này thu lượm được nhiều thành quả hơn, thì nền chính trị quốc tế ngày nay kêu gọi một phương cách tạo ra quyền lực mang nhiều sắc thái hơn.
Cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine có phải gây ra do việc thiếu sót một chủ thuyết hiện thực trong chính sách đối ngoại của Mỹ? Theo một số nhà phân tích, mong muốn tự do để truyền bá nền dân chủ là điều thúc đẩy sự mở rộng của khối NATO đến tận biên giới Nga, khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin cảm thấy ngày càng bị đe dọa. Nhìn từ quan điểm này, không có gì đáng ngạc nhiên khi ông sẽ phản ứng bằng cách yêu cầu một phạm vi ảnh hưởng tương tự như những gì Hoa Kỳ từng tuyên bố ở Mỹ Latinh với học thuyết Monroe.
Nhưng ở đây có một vấn đề với lập luận theo thuyết hiện thực này: quyết định năm 2008 của khối NATO (được thúc đẩy mạnh mẽ bởi chính quyền George W. Bush) để mời Georgia và Ukraine cuối cùng tham gia vào Liên minh khó có thể được gọi là tự do, cũng không được thúc đẩy bởi những người yêu chuộng tự do. Khi đưa ra những lập luận như vậy, những người theo chủ thuyết hiện thực chỉ ra hậu quả của Đệ nhất Thế chiến, khi chủ thuyết tự do của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson góp phần vào một chính sách đối ngoại hợp pháp và lý tưởng mà cuối cùng đã thất bại trong việc ngăn chặn Đệ nhị Thế chiến.
Theo đó, vào những năm 1940, các học giả như Hans Morgenthau và các nhà ngoại giao như George Kennan đã cảnh báo người Mỹ rằng từ nay trở đi họ phải căn cứ vào chính sách đối ngoại của họ về chủ thuyết hiện thực. Như Morgenthau đã giải thích vào năm 1948, một „nhà nước không có quyền để cho việc không đồng thuận về đạo đức của mình đối với việc vi phạm của tự do làm cản trở cho hành động chính trị thành công“. Hoặc theo những lời lẽ gần đây của nhà khoa học chính trị John Mearsheimer của Đại học Chicago: „Các quốc gia hoạt động trong một thế giới tự lực, trong đó cách tốt nhất để tồn tại là phải mạnh mẽ nhất có thể, ngay cả khi điều đó đòi hỏi phải theo đuổi các chính sách tàn nhẫn. Đó không phải là một câu chuyện hay, nhưng không có lựa chọn nào tốt hơn nếu sự sống còn là mục tiêu tối quan trọng của một quốc gia“.
Trong một ví dụ lịch sử nổi tiếng về phương cách này, Winston Churchill, vào năm 1940, đã ra lệnh tấn công các tàu hải quân Pháp, giết chết khoảng 1.300 đồng minh của Anh thay vì để hạm đội rơi vào tay Hitler. Churchill cũng cho phép ném bom các mục tiêu dân sự của Đức.
Nhưng trong khi nhiều nhà quan sát biện minh cho những quyết định này khi sự sống còn của Anh đang bị đe dọa, họ lên án vụ ném bom ở Dresden tháng 2 năm 1945, bởi vì chiến thắng ở châu Âu đã được đảm bảo vào thời điểm đó. Churchill có thể viện dẫn sự cần thiết của sự sống còn để biện minh cho việc vượt qua các quy tắc đạo đức trong những ngày đầu của cuộc chiến, nhưng ông đã sai lầm khi tiếp tục làm như vậy sau đó, khi không còn nghi ngờ gì nữa về sự sự sống còn.
Nói chung, những tình trạng cực kỳ khó khăn như vậy là rất hiếm, và hầu hết các nhà lãnh đạo đều không theo đuổi một khuôn mẩu nào trong việc lựa chọn các thái độ tinh thần mà họ điều hướng thế giới. Do đó, khi Donald Trump được yêu cầu giải thích phản ứng nhẹ nhàng của mình đối với vụ sát hại nhà báo Ả Rập Saudi Jamal Khashoggi, ông nói: „Nước Mỹ trước tiên! Thế giới là một nơi rất nguy hiểm!“
Khi những người theo chủ thuyết hiện thực mô tả thế giới như là không có các lựa chọn đạo đức, họ chỉ đơn thuần ngụy trang sự lựa chọn của chính họ. Sự sống còn có thể đến trước tiên, nhưng nó không phải là giá trị duy nhất đáng để duy trì. Hầu hết các nền chính trị quốc tế ngày nay không phải là liên quan đến sự sống còn. Những người theo chủ thuyết hiện thực thông minh có thể không thúc giục khối NATO mở rộng tư cách thành viên cho Ukraine, nhưng họ cũng không ủng hộ việc từ bỏ đất nước đó hoàn toàn.
Rốt cuộc, một người theo chủ thuyết thực tế thông minh biết về các loại quyền lực khác nhau. Không tổng thống nào có thể lãnh đạo trong hoặc ngoài nước mà không có quyền lực; nhưng quyền lực không chỉ là bom, đạn hay tài nguyên. Có ba cách để khiến người khác làm những gì bạn muốn: ép buộc (gậy), thanh toán (cà rốt) và thu hút (quyền lực mềm). Một sự hiểu biết đầy đủ về quyền lực bao gồm cả ba khía cạnh.
Nếu những quốc gia khác trên khắp thế giới liên kết với một quốc gia có quan điểm đạo đức nhất định, sự công nhận đó sẽ mang lại quyền lực mềm. Nhưng bởi vì quyền lực mềm là hành động chậm và hiếm khi đủ của chính nó, các nhà lãnh đạo sẽ luôn luôn bị cám dỗ để triển khai sức mạnh cứng của cưỡng chế hoặc dùng tiền chi trả. Họ phải nhớ rằng, khi được sử dụng một mình, quyền lực cứng có thể liên quan đến các phí tổn cao hơn so với khi nó được kết hợp với sức mạnh mềm của sự thu hút. Đế chế La Mã không chỉ dựa vào các binh đoàn mà còn trên sự thu hút của nền văn hóa La Mã.
Trong những ngày đầu của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã được hưởng rất nhiều quyền lực mềm ở châu Âu, bởi vì nó đã đứng lên chống lại Hitler. Nhưng nó đã phí phạm thiện chí này khi sử dụng sức mạnh quân sự cứng rắn để đàn áp các phong trào tự do ở Hungary vào năm 1956 và ở Tiệp Khắc vào năm 1968. Ngược lại, Hoa Kỳ đã kết hợp sự hiện diện quân sự ở châu Âu sau Đệ nhị Thế chiến với viện trợ để hỗ trợ cho sự phục hồi của châu Âu theo Kế hoạch Marshall.
Quyền lực mềm của một quốc gia dựa trên văn hóa, các giá trị và các chính sách của mình (khi chúng được người khác coi là hợp pháp). Trong trường hợp của Mỹ, quyền lực mềm thường được củng cố bởi những câu chuyện mà các tổng thống Mỹ sử dụng để giải thích các chính sách đối ngoại của họ. Ví dụ, John F. Kennedy, Ronald Reagan và Barack Obama đã đóng khung các chính sách của họ theo những cách thu hút sự ủng hộ cả trong và ngoài nước, trong khi Richard Nixon và Trump ít thành công hơn trong việc giành thiện cảm trước đối với những người ở bên ngoài nước Mỹ.
Trong một thế giới của các quốc gia có chủ quyền, chủ thuyết hiện thực trong việc xây dựng chính sách đối ngoại là không thể tránh khỏi. Nhưng có quá nhiều người theo chủ thuyết hiện thực dừng lại ở đó, thay vì thừa nhận rằng chủ thuyết quốc tế và chủ thuyết tự do thường có một cái gì đó quan trọng để đóng góp. Do đó, chủ thuyết hiện thực là một cơ sở cần thiết nhưng không đủ cho chính sách đối ngoại.
Vấn đề là một mức độ nào. Vì không bao giờ có một nền an ninh hoàn hảo, một chính quyền phải quyết định mức độ an ninh sẽ được đảm bảo như thế nào trước khi kết hợp với các giá trị khác như tự do, bản sắc hoặc các quyền vào trong chính sách đối ngoại của mình. Các lựa chọn chính sách đối ngoại thường đặt các giá trị chống lại lợi ích thực tế hoặc thương mại, chẳng hạn như khi Mỹ quyết định bán vũ khí cho các đồng minh độc tài, hoặc lên án Trung Quốc vì hồ sơ về nhân quyền. Khi những người theo chủ thuyết hiện thực đối xử với sự đánh đổi như vậy tương tự như quyết định tấn công hạm đội Pháp của Churchill, họ chỉ đơn giản là né tránh những vấn đề đạo đức khó khăn.
Tuy nhiên, Tổng thống Joe Biden không thể xem nhẹ vấn đề này. Thách thức ngoại giao của ông ngày nay là tìm cách tránh chiến tranh mà không từ bỏ Ukraine hoặc các giá trị duy trì quyền lực mềm và mạng lưới liên minh của Mỹ.
***
Joseph S. Nye, Jr. giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2020)
Ein Gedanke zu “Áp dụng thuyết hiện thực trong chính sách đối ngoại”