Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

Lời người dịch: Theo thông lệ hàng năm, Vladimir Putin tổ chức một cuộc họp báo vào thứ Năm 23/12 tuần này, kéo dài ba giờ 56 phút và 55 câu hỏi đã được 507 nhà báo đặt ra.
Tuy nhiên, chỉ có 4 câu hỏi liên quan đến tình hình Ukraine. Việc Nga triển khai 100.000 binh sĩ ở biên giới gây bất ổn chung ở phương Tây và Nga trong nhiều tuần qua. Những căng thẳng với NATO và Mỹ gia tăng.
Putin cho rằng có phản ứng tích cực từ phương Tây đối với hai đề xuất về an ninh châu Âu mà Moscow đã đưa ra và hy vọng rằng tình hình sẽ tiếp tục phát triển theo cách này. “Quả bóng ở trong sân của họ.“
Thực ra, trong tạm thời, Putin đang tự tạo ra một khoảng thời gian đầy đe dọa. Trong mọi trường hợp, vấn đề chính là Nga có thực tâm đàm phán hay sẽ đe dọa phương Tây ngày càng hung hăng.
Tình trạng này sẽ kéo dài trong bao lâu, lời nói của Putin không kèm theo hành động sẽ gây ảnh hưởng gì cho tình hình sắp tới. Đó là một lo âu chung trên chính trường. Sau đây là các nhận định của các báo chí quốc tế được tuyển dịch
***
Nhật báo ISVESTIJA của Nga viết:
“Tại cuộc họp báo này, không có nhà báo nào có mặt gây chú ý cho mình bằng quà tặng. Trước đây, các biểu tượng và những thứ khác đã được mang theo để dâng lên cho Tổng thống. Vì vậy, lần này họ có nhiều thời gian hơn để nói về những vấn đề thực sự quan trọng vẫn chưa được giải quyết ở Nga và những khó khăn trên trường quốc tế. Cơ hội để các phương tiện truyền thông khu vực đặt câu hỏi là rất lớn, bởi vì sự kiện này đã được điền khiển không chỉ bởi Peskow, người phát ngôn của Tổng thống, mà còn bởi chính Putin. Người đứng đầu chính phủ liên tục yêu cầu các nhà báo phát biểu.”
Tờ báo KOMMERSANT cũng xuất bản ở Mátxcơva, có ý kiến như sau:
“Các nhà báo đã không hỏi và không nghe tin tức gì mới từ tổng thống. Cuộc họp báo thường niên không phải là một thành tích xuất sắc của Putin và phần lớn là những cuộc độc thoại dài. Ngoài ra, các phóng viên chỉ có thể đoán ít nhiều những gì tổng thống đưa ra, vì khoảng cách giữa họ là 50 mét.“
Tờ EL MUNDO của Tây Ban Nha giải thích:
“Putin lại mặc chiếc áo choàng của nạn nhân vào cuộc họp báo vào cuối năm. Tổng thống Nga bị phương Tây bao vây. Hay nói cho đúng hơn, Putin đang sử dụng thủ thuật tương tự mà ông đã thành công trong quá khứ: trước dân chúng Putin tự thể hiện mình như một người bảo đảm cho quốc phòng và toàn vẹn của quê hương mà điện Kremlin miêu tả là thường xuyên bị đe dọa bởi các loại kẻ thù, đặc biệt là của Hoa Kỳ và Liên Âu. Vai trò nạn nhân này là một trong những dấu ấn rõ ràng của chủ nghĩa Putinism
Một hình thức thực thi quyền lực rất độc đoán, trong đó Tổng thống hứa hẹn về tình hình an ninh và ổn định kinh tế của dân Nga, khơi dậy tinh thần dân tộc và lòng yêu nước, phải đánh đổi bằng cách giới hạn các quyền tự do và chính trị.“
Tờ báo Nhật Bản NIHON KEISAI SHIMBUN từ Tokyo ghi nhận:
“Thông qua Putin, nước Nga đã chuyển hướng sang nền chính trị độc tài. Khi nhậm chức vào năm 2000, Tổng thống đã tuyên bố kiên quyết rằng, ông muốn phát triển và bảo tồn nền dân chủ. Tuy nhiên, những gì đã xảy ra sau đó là sự đàn áp gắt gao đối với quyền tự do ngôn luận và phe đối lập. Khi làm như vậy, Putin đã phản bội chính người dân của mình. Lịch sử sẽ chứng minh là chế độ độc tài lâu dài của Putin kết thúc ở đâu và như thế nào.“
Tờ báo Trung Quốc XINMIN WANBAO nhận định là:
“Mặc dù phản ứng rất nhanh trí, nhưng Tổng thống Nga đã không thể xóa tan những nghi ngờ về sự phục hồi kinh tế bền vững ở đất nước. Đối với giá khí đốt tự nhiên cao, ông từ chối trách nhiệm của Nga và thay vào đó đổ lỗi cho Liên Âu, nơi mà người tiêu dùng châu Âu nên hướng tới. Ông cũng nói cho phương Tây biết rằng không được động đến các lợi ích an ninh của khu vực hậu Xô Viết. Để duy trì chủ quyền và an ninh của riêng mình, do đó, Moscow cũng đang hợp tác chặt chẽ với Bắc Kinh, đặc biệt là trong việc phát triển các dự án vũ khí công nghệ cao và các loại vũ khí khác.”
NESAVISIMAYA GASETA từ Moscow viết:
“Rõ ràng là Putin có một bản năng đặc biệt đối với người dân của mình, và điều này ở một mức độ đặc biệt, phi chính trị, gần như phi lý. Bao lâu mà cảm giác này còn tồn tại, Putin là bất khả chiến bại. Do đó, chúng ta không nên mang ảo tưởng về việc Putin duy trì quyền lực.“
NEUE ZÜRCHER ZEITUNG từ Thụy Sĩ nhìn về chính sách đối ngoại của Đức dưới thời Annalena Baerbock trong bối cảnh căng thẳng giữa Nga và phương Tây.
“Trong chính sách đối ngoại, hòa bình, ổn định và một trật tự được mọi người chấp nhận được ưu tiên hơn các yếu tố khác. Do đó, nhiệm vụ là răn đe Nga, đồng thời tránh leo thang. Nhưng điều này chỉ có thể đạt được với chủ thuyết hiện thực thật tỉnh táo. Bây giờ Annanlena Baerbock phải cho thấy những gì bà ta có thể làm. Thủ tướng đã nói rõ rằng ông không nghĩ đến các biện pháp trừng phạt đối với Nord Stream 2. Vì vậy, Bộ trưởng Ngoại giao có rất ít điều kiện để điều động. Ngoài ra, các đối tác liên minh có khả năng chặn lẫn nhau. Đảng SPD thân Nga và không muốn giảm cơ hội kinh doanh cho nền kinh tế. Ngay từ đầu, Đảng Xanh đã coi thường những bước đi âm thầm của các nhà Dân chủ Xã hội. Thay vì mong đợi sự lãnh đạo mạnh mẽ ở châu Âu thì đúng hơn là sự trì trệ. Không có gì mới ở Berlin, bởi vì trong quá khứ Thủ tướng và Bộ Ngoại giao cũng đã tránh đặt điểm nhấn mạnh. Đổi lại, đó thực sự là điều khiến cho chính sách đối ngoại của Đức gây nản lòng.“