Joseph S. Nye
Đỗ Kim Thêm dịch

Mặc dù Hoa Kỳ từ lâu đã chỉ huy công nghệ tiên tiến, Trung Quốc đang đặt ra một thách thức đáng tin cậy trong các lĩnh vực chủ yếu. Nhưng cuối cùng, cán cân quân bình quyền lực sẽ được quyết định không phải bởi sự phát triển công nghệ mà bởi ngoại giao và các lựa chọn chiến lược, cả trong và ngoài nước.
Hoa Kỳ và Trung Quốc đang cạnh tranh để thống trị công nghệ. Mỹ từ lâu đã đi đầu trong việc phát triển các công nghệ (sinh học, nano, thông tin) mà nó là trung tâm của tăng trưởng kinh tế trong thế kỷ XXI. Hơn nữa, các trường đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ đứng đầu về giáo dục đại học trên toàn cầu. Trong Bảng xếp hạng của Đại học Thanh Hoa về mặt học thuật hàng năm của các trường đại học khắp thế giới,16 trong số 20 tổ chức hàng đầu là ở Mỹ; không có định chế nào ở Trung Quốc.
Nhưng Trung Quốc đang đầu tư mạnh bạo trong lĩnh vực nghiên cứu và phát triển, và họ đang cạnh tranh với Mỹ trong các lĩnh vực quan trọng, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), nơi họ đặt mục tiêu trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu vào năm 2030. Một số chuyên gia tin rằng Trung Quốc có vị thế tốt để đạt được mục tiêu đó, nhờ họ có nguồn lực về dữ liệu khổng lồ, thiếu các hạn chế về quyền riêng tư về cách sử dụng dữ liệu đó và thực tế là những tiến bộ trong việc máy tự học sẽ đòi hỏi các kỹ sư được đào tạo nhiều hơn các nhà khoa học tiên tiến. Với tầm quan trọng của máy tự học như một công nghệ đa năng ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực khác, lợi ích của Trung Quốc trong trí tuệ nhân tạo có ý nghĩa đặc biệt.
Hơn nữa, tiến bộ công nghệ của Trung Quốc không còn chỉ dựa trên sự bắt chước. Chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trừng phạt Trung Quốc vì đánh cắp tài sản trí tuệ, cưởng chế việc chuyển giao và các hoạt động thương mại không công bằng. Nhấn mạnh đến tinh thần hỗ tương, Mỹ lập luận rằng nếu Trung Quốc có thể cấm Google và Facebook ra khỏi thị trường của Trung Quốc vì lý do an ninh, Mỹ có thể thực hiện các biện pháp tương tự để chống lại những gã khổng lồ Trung Quốc như Hoa Vi và ZTE. Nhưng Trung Quốc vẫn đang đổi mới.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và cuộc Đại suy thoái sau đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc ngày càng tin rằng Mỹ đang thoái trào. Từ bỏ chính sách ôn hòa của Đặng Tiểu Bình là ẩn mình và chờ thời, Trung Quốc đã áp dụng một phong cách quyết đoán hơn bao gồm xây dựng (và quân sự hoá) các đảo nhân tạo ở Biển Đông, cưởng ép kinh tế chống lại Úc và bãi bỏ các đảm bảo của mình đối với Hồng Kông. Để đáp lại, một số người ở Mỹ bắt đầu nói về sự cần thiết phải „tách rời“ tổng quát. Nhưng cũng quan trọng như việc nới lỏng chuỗi cung ứng công nghệ là liên quan trực tiếp đến nền an ninh quốc gia, thật sai lầm khi nghĩ rằng Mỹ có thể tách rời hoàn toàn nền kinh tế ra khỏi Trung Quốc mà không phải chịu các chi phí khổng lồ.
Sự tương thuộc kinh tế sâu đậm làm cho mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc khác với mối quan hệ với Liên Xô trong thời Chiến tranh Lạnh. Đối với Liên Xô, Mỹ đang chơi một trò chơi cờ theo một chiều, trong đó hai bên lệ thuộc nhau cao độ trong lĩnh vực quân sự, nhưng không phải trong mối quan hệ kinh tế hoặc xuyên quốc gia.
Ngược lại, đối với Trung Quốc, Mỹ đang chơi ván cờ theo ba chiều với sự phân phối quyền lực rất khác nhau ở cấp độ quân sự, kinh tế và xuyên quốc gia. Nếu chúng ta bỏ qua các mối quan hệ quyền lực trên các lĩnh vực kinh tế hoặc xuyên quốc gia, chưa kể đến các tương tác theo chiều dọc giữa các hội đồng, chúng ta sẽ phải chịu khó khăn. Do đó, một chiến lược tốt của Trung Quốc phải tránh tinh thần chuyên quyết bằng quân sự và bao gồm cả ba khía cạnh trong tình trạng tương thuộc.
Các quy tắc quản lý các mối quan hệ kinh tế sẽ cần phải được tái duyệt xét. Ngay trước đại dịch, chủ nghĩa tư bản nhà nước hỗn tạp của Trung Quốc đã đi theo một mô hình trọng thương làm sai lệch hoạt động của Tổ chức Thương mại Thế giới và góp phần vào sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy gây rối trong các nền dân chủ phương Tây.
Ngày nay, các đồng minh của Mỹ nhận thức rõ hơn về các rủi ro an ninh và chính trị kéo theo trong hoạt động gián điệp của Trung Quốc, chuyển giao công nghệ bị ép buộc, tương tác thương mại chiến lược và các thỏa thuận bất đối xứng. Kết quả sẽ là sự tách rời nhiều hơn của chuỗi cung ứng công nghệ, đặc biệt là khi an ninh quốc gia đang bị đe dọa. Đàm phán các quy tắc thương mại mới có thể giúp ngăn chặn sự tách rời đó đang leo thang. Trong bối cảnh này, các cường quốc trung bình có thể cùng nhau tạo ra một thỏa thuận thương mại về công nghệ thông tin và truyền thông mà nó sẽ mở rộng cho các quốc gia đáp ứng các tiêu chuẩn dân chủ cơ bản.
Một kích thước sẽ không phù hợp cho tất cả. Trong các lĩnh vực như không phổ biến vũ khí hạt nhân, gìn giữ hòa bình, y tế công cộng và biến đổi khí hậu, Mỹ có thể tìm thấy nền tảng thể chế chung với Trung Quốc. Nhưng trong các lĩnh vực khác, nó có ý nghĩa hơn để thiết lập các tiêu chuẩn dân chủ cho riêng chúng ta. Cánh cửa có thể vẫn mở cho Trung Quốc về lâu dài; nhưng chúng ta nên chấp nhận rằng cuộc chạy đua thực sự có thể rất dài.
Bất chấp sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc, làm việc với các đối tác cùng quan điểm sẽ cải thiện các vấn đề không phù hợp mà các chuẩn mực tự do chiếm ưu thế trong lĩnh vực thương mại và công nghệ. Thiết lập một tinh thần đồng thuận xuyên Đại Tây Dương mạnh hơn về việc quản trị toàn cầu là quan trọng. Nhưng chỉ bằng cách hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc và các nền kinh tế châu Á khác, phương Tây mới có thể định hình các quy tắc và tiêu chuẩn thương mại và đầu tư toàn cầu về công nghệ, từ đó đảm bảo một sân chơi bình đẳng hơn cho các doanh nghiệp hoạt động ở nước ngoài.
Khi kết hợp nhau, các nền kinh tế của các nước dân chủ sẽ chắc chắn vượt qua Trung Quốc vào thế kỷ này; nhưng chỉ khi họ lôi kéo nhau. Yếu tố ngoại giao đó sẽ quan trọng hơn vấn đề về sự phát triển công nghệ của Trung Quốc. Khi đánh giá tương lai của việc quân bình cán cân quyền lực Mỹ-Trung, công nghệ là quan trọng, nhưng các liên minh thậm chí còn quan trọng hơn.
Cuối cùng, một phản ứng thành công của Mỹ đối với thách thức công nghệ của Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào những cải tiến trong nước cũng như các hành động bên ngoài. Tăng cường hỗ trợ cho các công trình nghiên cứu và phát triển là quan trọng. Sự tự mãn luôn là một mối nguy hiểm, nhưng thiếu tự tin hoặc phản ứng thái quá được thúc đẩy bởi những nỗi sợ hãi phóng đại cũng vậy. Như John Deutsch, cựu Viện trưởng Viện MIT, cho rằng, nếu Mỹ đạt được những cải tiến về tiềm năng canh tân, „bước nhảy vọt vĩ đại của Trung Quốc có thể sẽ là một vài bước để hướng về thu hẹp khoảng cách trong sự lãnh đạo đổi mới mà Hoa Kỳ hiện đang được hưởng.“
Vấn đề nhập cư cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì vị trí dẫn đầu về công nghệ của Mỹ. Năm 2015, khi tôi hỏi cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu tại sao ông không nghĩ Trung Quốc sẽ vượt qua Mỹ, ông đã chỉ ra khả năng của Mỹ trong việc thu hút tài năng của toàn thế giới, một khả năng mà tinh thần dân tộc Hán của Trung Quốc làm ngăn trở. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều doanh nghiệp ở thung lũng Silicon có những người sáng lập hoặc lãnh đạo ở châu Á.
Với đủ thời gian và du lịch, công nghệ chắc chắn sẽ lan rộng. Nếu Mỹ để nỗi sợ hãi về rò rỉ công nghệ khiến họ không thể du nhập các thành phần nhân lực có giá trị như vậy, họ sẽ từ bỏ một trong những lợi thế lớn nhất của mình. Một chính sách nhập cư quá hạn chế có thể hạn chế ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự đổi mới trong công nghệ – một thực tế không được để lạc mất một nền chính trị sôi bỏng của tình trạng cạnh tranh chiến lược.
***
Joseph S. Nye Jr, Giáo sư Đại học Harvard, là tác giả sách Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump (Oxford University Press, 2020).