Đỗ Kim Thêm dịch

@ ADEL HANA/AP
“Sau mười một ngày giao chiến giữa Israel và Hamas, mọi người hân hoan khi vũ khí im tiếng. Nhưng lệnh ngừng bắn có vẻ như là rất mong manh và nhận được rất nhiều sự bi quan. Sự bùng nổ bạo lực diễn ra trong khoảng trống chính trị của cuộc đối đầu Israel-Palestine, và lệnh đình chiến không thể giải quyết được cuộc xung đột. Cả hai bên muốn thể hiện cho mình là người chiến thắng, nhưng sự kết thúc của cuộc chiến không đưa họ đến gần hơn với việc nối lại đối thoại. Trong khu vực tranh chấp triền miên này, mỗi một cuộc xung đột đều gieo một hạt giống cho lần tiếp theo, và một nền hòa bình do đàm phán mang lại dường như xa hơn bao giờ hết.“
DER STANDARD từ Vienna nhận xét:
“ Sau khi chiến tranh kết thúc là có cuộc chiến khác tiếp diễn. Về mặt quân sự, Hamas có thể đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc không kích của Israel. Tuy nhiên, việc răn đe không có tác dụng trong lâu dài. Hoả tiễn của Hamas cũng gây ra nỗi sợ hãi xung quanh Tel Aviv ở trung tâm Israel có thể được Hamas ghi nhận là cả một sự thành công hàng đầu trong tác động tuyên truyền. Các cán bộ của tổ chức khủng bố bị giết sẽ được họ sớm thay thế bằng các chiến binh thậm chí còn sắt máu hơn. Điều còn lại là sự thương tiếc cho người nằm xuống và sự căm ghét mới dành cho Israel – và sự thất vọng ở cả hai bên.
NEUE ZÜRCHER ZEITUNG đề cập đến các nỗ lực hòa giải quốc tế. Báo này viết:
„Mọi người đều kêu gọi chấm dứt đổ máu: Washington, Brussels, Liên Hiệp Quốc và Ngoại trưởng Đức Maas trình bày ngay một kế hoạch hòa bình toàn diện cho Israel và Palestine. Tất cả những yêu cầu này có điểm chung là đánh giá sai. Hamas đã không bắt đầu cuộc chiến vì muốn sát nhân, Israel đã không bắn trả để trả thù. Ở đây, không có trường hợp như trong Cựu Ước đề cập: ‚mắt đổi mắt, răng đổi răng‘. Đó là một trò chơi đẫm máu. Cả hai bên đều có mục tiêu chiến tranh và chiến đấu cho đến khi nào đạt được mục tiêu.“
Tờ MAINICHI SHIMBUN của Tokyo viết:
“Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thất bại“, vì sự dè dặt của chính phủ Hoa Kỳ, các quốc gia đã không thể công bố một lời tuyên bố chung cả sau bốn cuộc họp khẩn cấp. Đã từ lâu, Hội đồng Bảo an đã không còn làm việc có hiệu quả. Nếu Liên Hiệp Quốc muốn gây ảnh hưởng trong việc giải quyết xung đột, thì các quốc gia – đặc biệt là các thành viên Hội đồng Thường trực – phải đến xích lại gần nhau hơn. Trong bài diễn văn về chính sách đối ngoại đầu tiên, khi đề cập đến vấn đề hợp tác quốc tế, Tổng thống Mỹ Biden nhấn mạnh rằng ‚Nước Mỹ đã trở lại‘. Người ta tự hỏi ý ông ấy muốn nói gì“
Theo quan điểm của tờ báo Trung Quốc HUANQIU SHIBAO, Israel đã trở nên rõ ràng khi báo này viết rằng:
„… ngay cả dưới thời chính quyền Biden, Israel gần như có thể làm những gì mà Israel muốn. Đối với người bạn Hoa Kỳ chỉ có thể hạn chế Israel có mức độ. Thủ tướng Netanyahu cũng có thể xoa dịu những phản ứng thận trọng của Ả Rập Xê Út và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Từ quan điểm này, Tel Aviv không có lý do gì để điều chỉnh lập trường cứng rắn của mình đối với Palestine“,
RZECZPOSPOLITA từ Warsaw trình bày quan điểm như sau:
“ Cho đến nay, cuộc xung đột đã trở thành một thử thách quan trọng nhất trong căng thẳng quốc tế cho vị tân tổng thống Mỹ. Cuộc khủng hoảng đã làm thoát ra các cảm xúc từ lâu không được thấy trên phương tiện truyền thông xã hội trên toàn thế giới và dẫn đến vô số tranh chấp trên mạng. Một số người đã chiến đấu chống lại những kẻ khủng bố, những người khác chống lại những người chiếm đóng. Một số treo cờ Palestine, một số khác dựng cờ Israel. Những lời tuyên bố ủng hộ cho mỗi bên đến từ nhiều chính trị gia ở các quốc gia cách Jerusalem và Gaza rất xa.“
Nhật báo LA VANGUARDIA của Tây Ban Nha tin rằng sau lệnh ngừng bắn, cả hai bên có thể cảm thấy bên mình là người chiến thắng trong cuộc xung đột.
„Netanyahu đã ngăn chặn được một liên minh hình thành mà không có ông ta, điều này sẽ làm suy yếu vị thế của ông trong nền Tư pháp. Hamas đã nhân cơ hội này để thể hiện mình là đại diện duy nhất của người dân Palestine, những người có khả năng và can đảm để chống lại kẻ thù theo chủ thuyết Zionist. Dường như cả hai Netanyahu và Hamas đều cần nhau để đạt được mục tiêu của riêng họ,“
Tờ POLITIKEN của Đan Mạch viết:
”Ở Israel, người chiến thắng là Netanyahu, vì ông có thể kéo dài sinh hoạt chính trị và bất chấp đến những tố giác về tham nhũng“
“ Điều không rõ là liệu ông sẽ có thể duy trì quyền lực hay buộc phải có cuộc bầu cử mới. Trong mọi trường hợp, thông qua chiến tranh, ông đã thể hiện quyền lực quân sự của Israel. Những người thua cuộc là dân chúng ở cả hai bên, mà đối với ho, tình trạng bình thường hoặc ít nhất là khởi động lại các cuộc hoà đàm đã không tiến gần hơn được 1 Millimeter. Họ chỉ có thể dọn sạch những đổ nát, chôn người quá cố và chờ đợi cuộc đổ máu tiếp theo. “
Ở Israel, không có tờ báo nào phát hành ngày hôm nay vì ngày lể Shabbat. Tình hình ở Bờ phía Tây của Jordan là khác hẳn. Ví dụ, tờ báo AL HAYAT AL-JADIDA từ Ramallah viết rằng:
“Trong cuộc khủng hoảng gần đây, Israel đã cố tình tấn công vào các phương tiện truyền thông và các kênh phân phối của họ
„Các hành động chống lại các nhà báo không chỉ giới hạn ở Dải Gaza, mà còn được thực hiện trên khắp các lãnh thổ của Palestine. Tất cả điều này là làm có chủ ý, bởi vì giới lãnh đạo Israel nhận thức được tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông trong một cuộc chiến. Truyền thông hầu như không hề kém quan trọng hơn vũ khí chiến tranh.“
Bài xã luận trên NEW YORK TIMES cho biết:
”Những vấn đề khó khăn nhất đối với Israel và Palestine không thể chỉ đơn giản là bị ném bom.”
„Khi bụi lắng xuống, khốn khổ và oán giận vẫn còn dẫn đến vòng chiến đấu tiếp theo. Nó không phải vì lợi ích của Israel, Hoa Kỳ hay các nơi khác trên thế giới, mà cuộc sống ở Gaza trở nên bất khả thi. Ở đó, có một thế hệ khác đang trưởng thành, không biết chính phủ nào khác ngoài trừ Hamas, không có nền kinh tế nào khác ngoài việc phong tỏa và không có sự chắc chắn nào khác cho tương lai ngoài việc ném bom thường xuyên định kỳ.“
TIMES OF INDIA. TIMES OF INDIA nhấn mạnh đến: “Lối thoát duy nhất là giải pháp hai nhà nước“
“ Chính xác đây là quan điểm mà Ấn Độ đã đưa ra tại Liên Hiệp Quốc và kêu gọi nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp. Chắc chắn đây là một thách thức, vì có một khoảng trống chính trị ở Israel với Thủ tướng Netanyahu, người đang còn nắm quyền. Đồng thời, chính trị Palestine bị chia rẽ giữa hai phe Fatah và Hamas. Hamas được Mỹ và Liên Âu xếp loại là một tổ chức khủng bố. Mặt khác, nhiều quốc gia Ả Rập hiện sẵn sàng hợp tác với Israel. Tất nhiên, hòa bình ở Israel là không thể đạt được, nếu như quyền của người Palestine bị loại trừ.”
GULF NEWS từ Dubai cũng dành bài xã luận cho cuộc xung đột Trung Đông.
„Cuộc chiến ở Gaza nên nhắc nhở tất cả mọi người, và đặc biệt là Liên minh Ả Rập và các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, về một điều: không có giải pháp cơ bản cho vấn đề, khi còn có sự chiếm đóng của Israel đối với các lãnh thổ Palestine và các hoạt động định cư, bao gồm cả việc tịch thu tài sản của người Palestine, khu vực sẽ tiếp tục trải nghiệm những cuộc xung đột như vậy, cùng với sự mất mát bi thảm về nhân mạng.“