Dani Rodrik
Đỗ Kim Thêm dịch

Một gói viện trợ cho cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ đô la do chính quyền Mỹ đề xuất có thể làm biến đổi nước Mỹ và trở thành một tấm gương quan trọng cho các nước phát triển khác noi theo. Nhưng để đạt được tiềm năng, kế hoạch này phải tránh tình trạng lưỡng phân giữa nhà nước và thị trường gây lầm lạc và những trò trong Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời.
Kế hoạch cho cơ sở hạ tầng trị giá 2 nghìn tỷ đô la của Tổng thống Joe Biden có thể sẽ là một bước ngoặt đối với nền kinh tế Mỹ, nó báo hiệu rõ ràng rằng đối với chúng ta kỷ nguyên tân tự đã lổi thời khi tin rằng các hoạt động thị trường là tốt nhất và tốt nhất là để cho thị trường yên một mình. Nhưng trong khi chủ thuyết kinh tế tân tự do có thể đã chết, cái gì sẽ thay thế cho nó vẫn là điều chưa rõ.
Về cơ bản, những thách thức mà Hoa Kỳ và các nền kinh tế tiên tiến khác phải đối mặt ngày nay khác với những thách thức mà họ phải đối mặt trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX. Những thách thức ban sơ đã làm nảy sinh giải pháp theo mô hình New Deal và nhà nước phúc lợi. Các vấn đề ngày nay – biến đổi khí hậu, sự biến động trong các thị trường lao động do công nghệ mới và trào lưu siêu toàn cầu hóa – đòi hỏi các giải pháp mới. Chúng ta cần một tầm nhìn kinh tế mới, không phải là hoài niệm về một thời đại huyền thoại về sự thịnh vượng chia sẻ rộng rãi cho trong nước và chiếm ưu thế toàn cầu ở nước ngoài.
Về vấn đề biến đổi khí hậu, kế hoạch của Biden không phù hợp với Kế hoạch mới để bảo vệ môi sinh (Green New Deal) được các đảng viên Đảng Dân chủ tiến bộ như Dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez ủng hộ. Nhưng nó bao gồm các khoản đầu tư đáng kể cho nền kinh tế xanh, chẳng hạn như hỗ trợ thị trường cho xe điện và các chương trình khác để cắt giảm lượng khí carbon dioxide, khiến nó trở thành nỗ lực liên bang lớn nhất từ trước đến nay để hạn chế khí thải theo hiệu ứng nhà kính. Về việc làm, kế hoạch này nhằm mục đích mở rộng chương trình nhân dụng cung cấp mức lương hậu hỉ và phúc lợi cao, bên cạnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, nó còn tập trung vào nền kinh tế chế biến và y tế điều duỡng quan trọng đang phát triển.
Những cách suy nghĩ mới về vai trò của chính phủ cũng quan trọng như những ưu tiên mới. Nhiều nhà bình luận đã đóng khung kế hoạch cho cơ sở hạ tầng của Biden như một sự trở lại cho chính phủ vững mạnh. Nhưng biện pháp hỗ trợ này được trải dài trong 8 năm, sẽ chỉ làm tăng công chi thêm một phần trăm điểm của GDP và cuối cùng dự kiến là sẽ tự khấu hao. Việc tăng cường đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, chuyển tiếp trong việc bảo vệ môi sinh và tạo việc làm đã quá hạn từ lâu. Ngay cả khi kế hoạch không hơn gì là một sự thúc đẩy đầu tư công quy mô được tài trợ bởi thuế đánh vào các đại doanh nghiệp, nó sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Mỹ.
Nhưng kế hoạch của Biden có thể làm nhiều hơn thế. Về cơ bản, kế hoạch có thể định hình lại vai trò của chính phủ trong nền kinh tế và vai trò đó được quan niệm như thế nào. Sự hoài nghi theo truyền thống về vai trò kinh tế của chính phủ bắt nguồn từ niềm tin rằng các thị trường tư nhân được thúc đẩy bởi động cơ lợi nhuận là hiệu quả, trong khi các chính phủ lãng phí. Nhưng sự thái quá của thị trường tư nhân trong những thập kỷ gần đây – sự trỗi dậy của các doanh nghiệp độc quyền, sự hỗn loạn của tài chính tư nhân, sự tập trung cao độ của thu nhập và sự bất an kinh tế gia tăng – đã khiến cho hào quang của khu vực tư nhân bị lu mờ.
Đồng thời, ngày nay cần hiểu rõ hơn rằng trong một nền kinh tế phức tạp, mà các đặc điểm là có quá nhiều bất ổn, việc lập quy định từ trên xuống khó có thể vận hành. Bất kể lĩnh vực cụ thể nào – thúc đẩy công nghệ xanh, phát triển các thỏa thuận thể chế mới cho nhân viên điều dưởng tư gia, đào sâu chuỗi cung ứng trong nước cho sản xuất công nghệ cao hoặc xây dựng các chương trình phát triển lực lượng lao động thành công – sự hợp tác của chính phủ với các tác nhân phi chính phủ sẽ là điều cần thiết.
Trong tất cả các lĩnh vực này, chính phủ sẽ phải làm việc với thị trường và các doanh nghiệp tư nhân, cũng như các thành phần có liên quan khác như công đoàn và các nhóm cộng đồng. Các mô hình quản trị mới sẽ được yêu cầu để đảm bảo cho các mục tiêu công được theo đuổi với sự tham gia đầy đủ của những tác nhân có kiến thức và năng lực để đạt được. Chính phủ sẽ phải trở thành một đối tác đáng tin cậy; và ngược lại, chính phủ sẽ phải tin tưởng nơi các tác nhân xã hội khác.
Trong quá khứ, mỗi khi tình trang quân bình giũa thị trường và nhà nước dao động quá mức, cuối cùng, đã tạo ra một sự dao động quá mức theo một chiều hướng đối nghịch. Kế hoạch Biden có thể phá vỡ chu kỳ này. Ví dụ như nếu thành công, nó sẽ đặt ra hoạt động về các thị trường và chính phủ đóng vai trò bổ sung cho nhau, không phải là thay thế – việc này chứng tỏ rằng mỗi bên hoạt động tốt hơn khi phía bên kia kéo theo trọng lượng của nó – có thể là di sản lâu dài và quan trọng nhất.
Về mặt này, nếu coi kế hoạch Biden là một cách để khôi phục vị thế cạnh tranh của Mỹ trên thế giới, đặc biệt là đối với Trung Quốc, sẽ là việc không hữu ích. Thật không may, chính Biden đã sai lầm trong việc ấn định khuôn khổ này. Gần đây, Biden lập luận rằng gói tài trợ này sẽ “đưa chúng ta vào vị trí để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh toàn cầu với Trung Quốc trong những năm tới”.
Về mặt chính trị, nó có thể hấp dẫn để mang kế hoạch cho cơ sở hạ tầng theo kiểu này vào thị trường. Trong thời đại trước đó, nỗi sợ hãi phổ biến rằng Mỹ đang mất lợi thế trước Liên Xô về tên lửa đạn đạo và trong cuộc chạy đua không gian đã giúp thúc đẩy một sự tăng tốc trong quá trình huy động công nghệ quốc gia.
Nhưng ngày nay, có ít lý do hơn cho việc sợ hãi. Trước tình trạng phân hoá đảng phái lên cao độ, nên không có khả năng hút được nhiều sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa cho kế hoạch. Và việc này làm chuyển hướng cho sự quan tâm ra khỏi hành động thực tế: nếu kế hoạch tăng thu nhập và cơ hội cho những người Mỹ bình thường, như đúng theo mục tiêu, kế hoạch sẽ đáng được thực hiện, bất kể đến những ảnh hưởng đến vị thế địa chính trị của Mỹ là gì đi nửa.
Hơn nữa, kinh tế học khác với một cuộc chạy đua vũ trang. Nền kinh tế Mỹ vũng mạnh không nên là mối đe dọa đối với Trung Quốc, cũng như tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không cần phải đe dọa Mỹ. Việc định khung của Biden đang gây tổn hại vì nó biến kinh tế học tốt đep ở trong nước thành một công cụ của các chính sách gây hấn tổng bằng 0 ở nước ngoài. Liệu chúng ta có thể đổ lỗi cho Trung Quốc nếu nước này thắt chặt các hạn chế đối với các doanh nghiệp Mỹ như là một biện pháp phòng thủ trước kế hoạch Biden?
Kế hoạch này có thể làm biến đổi nước Mỹ và là một tấm gương quan trọng cho các nước phát triển khác noi theo. Nhưng để đạt được tiềm năng, nó phải tránh tình trạng lưỡng phân giữa nhà nước và thị trường gây lầm lạc và những trò trong thời Chiến tranh Lạnh đã lỗi thời. Chỉ bằng cách bỏ lại những mô hình của quá khứ, Mỹ mới có thể vạch ra một tầm nhìn mới cho tương lai.
***
Dani Rodrik, Giáo sư Kinh tế Chính trị Quốc tế, Trường Công Quyền John F. Kennedy thuộc Đại học Harvard, là tác giả của Straight Talk on Trade: Ideas for a Sane World Economy.