Joseph S. Nye, Jr.
Đỗ Kim Thêm dịch

Các mục tiêu mà các tổng thống Mỹ đã tìm kiếm trong nhiều năm qua không phản ánh việc theo đuổi công lý ở mức độ quốc tế tương tự như những gì mà họ mong muốn ở trong nước. Đồng thời, các xã hội tự do có nhiệm vụ duy trì các giá trị vượt ra ngoài biên giới của mình, và làm như vậy đó là vì một phần lợi ích quốc gia.
Trong suốt thời gian dài làm việc của Joe Biden tại Thượng viện Hoa Kỳ, ông đã lập kỷ lục hỗ trợ cho nhân quyền như là một mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Hiện nay, với tư cách là tổng thống, cam kết của Biden trong lĩnh vực này đang được thử thách.
Chính sách đối ngoại liên quan đến sự đánh đổi giữa nhiều vấn đề, bao gồm an ninh, lợi ích kinh tế và các giá trị khác. Nhưng khi nói đến quyền con người, sự đánh đổi thường làm phát sinh các cáo buộc thuộc về đạo đức giả hoặc giễu cợt.
Hãy nghiên cứu đến vụ giết Jamal Khashoggi, nhà báo bất đồng chính kiến của Ả Rập Xê Út, trong năm 2018 tại toà lãnh sự Ả Rập Xê Út ở Istanbul. Cựu Tổng thống Donald Trump bị chỉ trích vì bỏ qua bằng chứng rõ ràng về tội ác tàn bạo nhằm duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Hoàng thái tử Ả Rập Xê Út Mohammed bin Salman, được biết đến nhiều hơn khi gọi là tắt là MBS.
Những người theo tinh thần tự do chỉ trích Trump phản ứng nhẹ nhàng đối với vụ sát hại Khashoggi, đó là theo một hình thức giao dịch không hối tiếc và không quan tâm đến sự thật. Ngay cả Wall Street Journal, tờ báo bảo thủ, cũng bình luận rằng “chúng tôi không biết có Tổng thống nào, thậm chí những tổng thống theo tinh thần thực dụng tàn nhẫn như Richard Nixon hay Lyndon Johnson, sẽ soạn thảo lời tuyên bố công khai như thế mà không tuân thủ về các giá trị và nguyên tắc của Hoa Kỳ.“
Trump coi việc khai thác mỏ dầu, các thương vụ về thiết bị quân sự và ổn định khu vực là tối quan trọng, nhưng bỏ qua việc duy trì các giá trị và nguyên tắc gây thu hút người khác cũng là lợi ích quốc gia quan trọng. Bảo vệ nhân quyền cho thế giới biết người Mỹ là ai và nâng cao quyền lực mềm của Mỹ hoặc khả năng đạt được những gì người ta muốn thông qua sự thu hút thay vì ép buộc hoặc mua chuộc bằng tiền thanh toán.
Việc kết hợp các loại lợi ích khác nhau này trong chính sách đối ngoại đòi hỏi thỏa hiệp, điều này sinh ra nhiều chỉ trích về cách thực hiện các thỏa hiệp. Trong chiến dịch tranh cử năm 2020, Biden chỉ trích Trump nhắm mắt làm ngơ trước vai trò của MBS trong vụ sát hại Khashoggi. Khi trở thành tổng thống, Biden đã ủy quyền cho Giám đốc Tình báo Quốc gia công bố một báo cáo đã giải mật quy trách nhiệm cho MBS, cấm 76 cá nhân Ả Rập Xê út đến Mỹ và hạn chế sử dụng vũ khí Mỹ trong cuộc chiến của Ả Rập Xê út ở Yemen.
Nhưng các giới phê bình theo tinh thần lập luận rằng Biden lẽ ra nên đi xa hơn và tuyên bố rằng Mỹ sẽ không giao dịch với MBS, từ đó gây áp lực buộc Quốc vương Salman phải lập một Hoàng thái tử khác kế vị. Nhiều chuyên gia về Vương quốc cho rằng kiểu thay đổi chế độ này nằm ngoài khả năng của Mỹ. Không giống như Trump, Biden viện dẫn các giá trị của Mỹ, nhưng đặt ra vấn đề về việc liệu Biden có đạt được sự cân bằng phù hợp không
Các vấn đề tương tự đã nảy sinh trong chính sách của Biden đối với Trung Quốc. Biden chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vì không có “cái xương dân chủ trong cơ thể của ông ta”, và khi Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan gặp những người đồng cấp Trung Quốc ở Anchorage, họ đã chỉ trích những vi phạm nhân quyền của Trung Quốc ở Tân Cương và sự đàn áp của nền dân chủ và những người bảo vệ dân chủ ở Hồng Kông. Về vấn đề Nga, Biden đồng ý với lời tuyên bố rằng Tổng thống Vladimir Putin là “kẻ giết người”.
Tuy nhiên, khi đến thời điểm mời các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Hoa Kỳ, ông Tập và ông Putin đã có tên trong danh sách (mặc dù lời mời của Ả Rập Xê-út gởi đến cho Quốc vương Salman, không phải con trai ông). Đây có phải là đạo đức giả hay nó phản ánh một đánh giá thực tế rằng biến đổi khí hậu là một mối đe dọa trầm trọng không thể giải quyết được nếu không có sự hợp tác của chính phủ các nước này?
Ví dụ, hiện nay, Trung Quốc là quốc gia phát ra khí thải với hiệu ứng nhà kính lớn nhất thế giới và Ả Rập Xê-út nằm trong nhóm tập trung hydrocacbon lớn nhất. Không thể có giải pháp cho vấn đề khí hậu của chúng ta nếu hai nước này không có mặt. Chúng ta sẽ phải học tầm quan trọng của việc thực thi quyền lực cùng với người khác cũng như đối với người khác, nếu chúng ta muốn đối phó với sự tương thuộc về mặt sinh thái. Điều đó có nghĩa là làm việc với Trung Quốc về các vấn đề khí hậu và đại dịch ngay cả khi chúng ta chỉ trích hồ sơ của họ về nhân quyền.
Sau đó, làm thế nào chúng ta có thể quyết định xem liệu các nhà lãnh đạo của chúng ta có đưa ra “những lựa chọn thuộc về đạo đức tốt nhất” trong hoàn cảnh nào hay không? Như tôi lập luận trong cuốn sách của tôi là Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump. chúng ta có thể bắt đầu bằng cách đảm bảo là đánh giá chúng trong điều kiện theo ba chiều của đạo đức, đó là xem xét các ý định, phương tiện và hậu quả, và bằng cách rút ra từ ba trường phái về chính sách đối ngoại: hiện thực, tự do và hoàn vũ, theo thứ tự đó.
Quyền con người không nên được đóng khung như những giá trị chống lại lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ, bởi vì các giá trị là một phần trong lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ. Chúng ta nên bắt đầu với chủ thuyết hiện thực, nhưng không dừng lại ở đó. Trong phạm vi có thể, chúng ta nên khẳng định các giá trị của chúng ta theo cách mà chúng có nhiều khả năng nhất tạo ra sự khác biệt. Đồng thời, nếu chúng ta không bắt đầu với chủ thuyết hiện thực, chúng ta sẽ sớm khám phá ra rằng con đường dẫn đến địa ngục được lát bằng những thiện ý.
Các mục tiêu mà các tổng thống Mỹ tìm kiếm trong nhiều năm qua không phản ánh việc theo đuổi công lý ở mức độ quốc tế tương tự như những gì mà họ mong muốn ở trong nước. Trong Hiến chương Đại Tây Dương năm 1941 (một trong những văn kiện sáng lập của trật tự quốc tế tự do), Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt và Thủ tướng Anh Winston Churchill đã tuyên bố tôn sùng cho tự do ra khỏi sự ham muốn và sợ hãi. Nhưng Roosevelt đã không cố gắng nâng Chuơng trình tái thiết New Deal trong nước của mình lên thành tầm vóc quốc tế. Ngay cả John Rawls, nhà triết học tự do nổi tiếng, tin rằng các điều kiện để lý thuyết công lý của ông chỉ áp dụng cho xã hội trong nước.
Đồng thời, Rawls lập luận rằng các xã hội tự do có những nhiệm vụ vượt ra ngoài biên giới của mình, bao gồm hỗ trợ và tôn trọng các thể chế đảm bảo các quyền cơ bản của con người trong khi cho phép mọi người trong một thế giới đa dạng tự quyết định công việc của họ càng nhiều càng tốt. Do đó, chúng ta nên đặt câu hỏi liệu các mục tiêu của nhà lãnh đạo có bao gồm tầm nhìn mà nó thể hiện các giá trị thu hút rộng rãi ở trong và ngoài nước hay không, nhưng cân bằng một cách thận trọng các giá trị đó và đánh giá rủi ro để có một triển vọng hợp lý về sự thành công.
Điều này có nghĩa là chúng ta đánh giá một nhà lãnh đạo không chỉ dựa trên nhân cách và ý định mà còn trên sự thông minh tùy theo hoàn cảnh khi đề cập đến việc thúc đẩy các giá trị. Cho đến nay, Biden đang vượt qua việc thử thách đó.
***
Joseph S. Nye, Jr. là Giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của Do Morals Matter? Presidents and Foreign Policy from FDR to Trump.