Đỗ Kim Thêm
Hợp tác chống Pháp tại miền Bắc
Tinh hình tại miền Bắc phức tạp hơn. Lực lượng của Quốc Dân Đảng cướp bóc công khai của cải của dân chúng. Trước thảm hoạ lan rộng, khi đạo quân này đang còn sách nhiễu và quân đội sẽ Pháp trở lại, ông Hồ kêu gọi Hoa Kỳ can thiệp, nhưng vô vọng, ông Hồ quay sang kêu gọi các đảng phái quốc gia hợp tác, nhưng nan giải, vì có những quan điểm đấu tranh dị biệt.
Trước tiên, ngày 30 tháng 9 năm 1945 Nguyễn Hải Thần thuộc Việt Nam Cách Mệnh Đồng minh Hội (Việt Cách) gặp Tiêu Văn thuộc quân đội Trung Hoa Dân quốc để thảo luận về việc loại bỏ chính phủ của Việt Minh và Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhưng Tiêu Văn không ủng hộ ý định này.
Sau đó, vài đảng viên Việt Cách muốn hợp tác với Việt Minh để chống Pháp, tuy nhiên, Nguyễn Hải Thần bác bỏ. Hàng loạt vụ đụng độ giữa Việt Minh và Việt Cách xảy ra tại miền Bắc làm cho công chúng và quân đội Trung Hoa Dân Quốc phẩn nộ. Tiêu Văn áp lực các bên phải thành lập Chính phủ Liên hiệp.
Một vài thành viên của Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng (Việt Quốc) đạt thỏa thuận là chấm dứt xung đột, thả tù nhân và ngừng lên án nhau công khai. Ngày 19 tháng 11 năm 1945, ba nhà lãnh đạo là Hồ Chí Minh, Vũ Hồng Khanh và Nguyễn Hải Thần thỏa thuận thành lập Chính phủ Liên hiệp để chống Pháp và hỗ trợ Nam Bộ kháng chiến.
Ngày 23 tháng 12 năm 1945, Tướng Tiêu Văn tổ chức một cuộc họp cho các đảng phái tham gia để thành lập Chính phủ Liên hiệp. Theo thoả thuận, Nguyễn Hải Thần sẽ đảm nhận chức Chủ tịch và Hồ Chí Minh làm Phó Chủ tịch. Giải pháp này tạo thuận lợi chung là Trung Hoa Dân quốc sẽ ủng hộ cho tất cả để lo chống Pháp, trong đó có Việt Minh. Thực tế cho thấy là Quốc dân Đảng của Trung Hoa luôn nghi ngờ thiện chí của ông Hồ và khuynh hướng Cộng sản của Việt Minh.
Trước đó, Pháp cũng cho biết là sẽ thực hiện Bản Tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 và công nhận chính phủ Việt Nam nằm trong Liên bang Đông Dương, nhưng với điều kiện là chính phủ thuộc trong Liên hiệp Pháp và không do Cộng sản lãnh đạo. Cuối cùng, các bên đạt được thỏa thuận, thực ra, tuyên bố là mang tính biểu tượng pháp lý. Điểm quan trọng là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không là quốc hiệu chính thức.
Tình trạng hỗn loạn tại một số nơi miền Bắc gíống như ờ miền Nam. vì Việt Minh và Việt Quốc không chịu hoạt động chung sau khi đạt được thỏa thuận. Cả hai phải nhờ đến Trung Hoa đứng ra hoà giải. Trầm trọng nhất là tại Phú Thọ, hai bên sử dụng vũ trang, bắt cóc con tin của nhau khiến cho Trung Hoa phải áp lục ngừng bắn. Cuộc ngừng bắn kéo dài được bốn tháng, sau đó xung đột tiếp diễn.
Chính phủ Liên hiệp Lâm thời

Sau nhiều tranh cải về việc chọn lựa nhân sự, cuối cùng, ngày 1 tháng 1 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Lâm thời được thành lập thay thế Chính phủ Cách mạng Lâm thời với sự tham gia của hai đảng Việt Cách và Việt Quốc.
Ngày 6 tháng 1 năm 1946, Chính phủ mới do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu đã tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trên toàn quốc. Lần đầu tiên, dân chúng bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp. Nhiều đảng phái không có quyền tham gia và có nhiều nơi cử tri bị cưỡng bách bầu cho Việt Minh, đó là hai điểm bị phê bình nhiều nhất trong cuộc tổng tuyển cử.
Ngày 28 tháng 2 năm 1946, một biến chuyển ngoại giao song phương khác có ảnh hưởng đến nội tình của Việt Nam: Tướng Tưởng Giới Thạch đã ký với Pháp một thoả ước từ bỏ việc giải giới bằng cách nhận các ưu thế kinh tế.
Các điều khoản chính là Pháp trả lại các tô giới cho Trung Hoa, cho độc quyền sở hữu và khai thác tuyến đường sắt Hải Phòng-Côn Minh. Tại cảng Hải Phòng, Trung Hoa được quyền khai thác và miễn thuế xuất nhập khẩu. Pháp cũng từ bỏ quyền lãnh sự tài phán đối với cư dân Pháp tại Trung Hoa. Điểm lợi mà Pháp nhận được là sẽ giải giáp quân Nhật tại Bắc Việt, hạn chót là ngày 31 tháng 3 năm 1946. Tuy nhiên, thực tế ngày 15 tháng 6 năm 1946 người lính cuối cùng của Trung Hoa mới rời khỏi Bắc Việt, ảnh hưởng trầm trọng nhất cho Đảng Việt Quốc và Việt Cách là từ nay về sau mất hậu thuẫn.
Sau khi Quốc hội được thành hình, ngày 2 tháng 3 năm 1946, Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến ra đời để thay thế Chính phủ Liên hiệp.
Thương thuyết với Pháp
Trong một tình huống mới, dù là có chính phủ, ông Hồ cố tìm cách chống cả Pháp và Tàu, liên hệ với Quốc Dân Đảng, nhưng nan giải. Mục tiêu chính của ông Hồ là cố tìm cách không cho thoả ước tháng 2 năm 1946 về các ưu thế kinh tế thực thi. Một cơ hội khác mở ra khi ông quyết định chuyển sang thương thuyết với Jean Sainteny, Đặc sứ của Tướng De Gaulles.
Ngày 6 tháng 3 năm 1946, trong một thoả ước Pháp-Việt tạm thời, Pháp công nhận Việt Nam là một quốc gia tự do trong Liên hiệp Pháp, một tên mới của Việt Nam trong chế độ của thực dân Pháp. Việt Nam có chính phủ độc lập về nghị viện, quân đội và tài chính.
Ngược lại, Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật thay thế cho 200.000 quân Trung Hoa Quốc dân đảng. Pháp sẽ rút quân trong thời hạn 5 năm, mỗi năm 3.000. Về việc tái thống nhất Việt Nam, Pháp đồng ý cho thực hiện trưng cầu dân ý tại Nam Kỳ.
Việc khẩn thiết trước mắt mà hai bên đồng ý là ngưng bắn, giữ nguyên quân đội tại vị trí hiện thời để đàm phán về tương lai của Đông Dương, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và nước ngoài và Pháp. Quân đội Pháp hỗ trợ và huấn luyện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam
Điểm lợi cho Việt Minh trong thoả ước là quân Trung Hoa, yếu tố nguy cơ lớn nhất, đã bị loại trừ. Vấn đề còn lại là phải đối phó với Pháp, ít nguy hiểm hơn. Đồng thời, Việt Minh tranh thủ được thời gian hòa hoãn để bảo toàn thực lực và củng cố vị trí mới. Một số thành viên trong Việt Quốc và Việt Cách phản đối khi cho rằng Việt Minh thân Pháp và nghi ngờ thiện chí của Pháp.
Về thoả thuận này, ông Hồ bị các đồng chí phê bình kịch liệt. Để thuyết phục, ông Hồ lập luận là trong hoàn cảnh hiện nay, Việt Nam chưa có thanh danh trong chính trường quốc tế, nên nếu có hiệp ước hay không, thì quân đội Pháp cũng sẽ tìm mọi cách khác để vào Bắc Việt.
Lập luận chính mà ông thuyết phục được tất cả là Việt Nam thà chịu năm năm để cho Pháp kiểm soát còn hơn là cả đời dân tộc phải sống trong nô lệ của Tàu.
Điểm yếu là dù tạo ra một khung pháp lý, nhưng chưa có hiệu lực ràng buộc, khi Bộ Ngoại giao Pháp chưa phê chuẩn. Sau đó, hai bên tiếp tục hội đàm tại Đà Lạt và Fontainebleau để triển khai.
Để tiếp tục thương thuyết về phương thức thực hiện tạm ước ngày 6 tháng 3, ông Hồ sang Pháp ngày 1 tháng 6, nhưng phải chờ cho chính phủ mới ra đời. Trong khi hội thảo chưa chung quyết, mùa hè năm 1946, d´Argenlieu đơn phương tuyên bố thành lập chính phủ Nam Kỳ tự trị, giải pháp này do chính phủ Pháp hỗ trợ. Tại Paris, ông Hồ phải đuơng đầu những đòi hỏi của Pháp về kinh tế, mà nội dung vuợt qua khuôn khổ thoả ước với Sainteny. Sau đó, ông Hồ phải tỏ ra nhân nhượng.
Thực ra, Việt Minh không quan tâm ký kết thỏa ước với Pháp, vì thấy là Pháp không có thiện chí dành cho Việt Nam hưởng một quy chế tự trị, một điều kiện khởi đầu thuận lợi cho tình trạng độc lập trong tương lai.
Ngày 10 tháng 9 năm 1946, Hội nghị Fontainebleau kết thúc nhưng không đem lại kết quả, làm cho Việt Minh thất vọng. Điểm bất đồng then chốt là thống nhất Nam Kỳ vào chung trong nước Việt Nam độc lập chính trị. Có nhiều ý kiến cho là thực tâm của Pháp trong giai đoạn này là kèo dài thời gian chuẩn bị để tái chiếm Đông Dương.
Việt Minh thất vọng những gì đạt được với Sainteny, lại bị d’Argenlieu phá tan. Để cứu vãn tình thế, ông Hồ đề xuất một bản nghị ước khác vào chiều ngày 11 tháng 9 năm 1945 và đạt được đồng thuận với Marius Moutet. Cả hai ký văn bản này, về sau được gọi gọi là Tạm ước Việt-Pháp ngày 14 tháng 9 năm 1946.

Điểm chung quyết quan trọng nhất là hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để ký kết hiệp ước. Trong khi chờ đợi, hai bên đồng ý chấm dứt mọi xung đột vũ lực, phóng thích tù nhân chính trị, bảo đảm không truy bức đối phương, bảo đảm về quyền tự do của kiều dân, chế độ tài sản, hoạt động của các trường học Pháp, tiền tệ, thuế quan, tái lập giao thông trong Đông Dương và ngoại giao của Việt Nam.
Việt Quốc và Việt Cách chỉ trích Tạm ước vì cho là Việt Minh phản bội khi hợp tác với Pháp, đồng thời yêu cầu ông Hồ từ chức. Tại kỳ họp thứ 2 khóa I, Quốc hội phê chuẩn Tạm ước, biểu quyết tín nhiệm ông Hồ và yêu cầu thành lập nội các mới. Tại miền Nam, ngày 28 tháng 10 năm 1946, Ủy ban Hành chính Lâm thời Nam Bộ tuyên bố thực thi Tạm ước Việt Pháp và kêu gọi dân chúng tuân thủ trật tự và an ninh công cộng.
Qua thời gian, các lãnh tụ như Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam và Vũ Hồng Khanh nhận định là không thể hợp tác với Việt Minh, nên quyết định lưu vong sang Trung Quốc. Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, biểu tượng hợp tác của tất cả các đảng phái, đã chấm dứt.
Trấn áp phe quốc gia
Để củng cố quyền lực nội chính, ông Hồ bắt đầu dùng các biện pháp trấn áp đẫm máu các phong trào quốc gia, điển hình là Đại Việt Quốc Dân Đảng. Từ tháng 9 năm 1946, Đảng xây dựng các căn cứ và lực lượng quân sự chống Pháp và Việt Minh, cơ sở phát triển mạnh nhất tại các tinh Bắc Giang, Yên Bái, Thanh Hóa Gia Định, Vĩnh Long và Mỹ Tho. Riêng ở Lạc Triệu và Yên Bái, Đảng còn có trường huấn luyện sĩ quan. Nhờ có tiềm lực quân sự đánh bại Việt MInh và thu tóm Hà nội và Bắc Bộ Phủ, Đảng tạo nên một áp lực mạnh mẽ đối với Việt Minh,
Đỉnh điểm chống đối cao nhất là ngày 5 tháng 9 năm 1945, Võ Nguyên Giáp ký Sắc lệnh giải thể Đảng với lý do gây tác hại cho độc lập và kinh tế quốc gia. Bằng biện pháp này, Việt Minh thủ tiêu hoặc bắt giữ hàng trăm đảng viên tại các tỉnh Ninh Bình, Tuyên Quang, Thái Bình, Phú Thọ, Hưng Yên. Truớc sự truy nã ráo riết của Việt Minh, Trương Tử Anh, nhà lãnh đạo Đảng, lẩn trốn. Đến ngày 19 tháng 12 năm 1946, ông đột ngột mất tích, ông có bị Việt Minh thủ tiêu không, vẫn còn là một nghi án.
Trấn áp nhóm Trotskyist xảy ra tại Liên Xô là một trường hợp điển hình; tại Việt Nam, Việt Minh cũng áp dụng kinh nghiệm tương tự. Tại miền Bắc, nhóm Trotskyist không phát triển mạnh, nên không là một vấn đề. Tại miền Nam, Việt Minh và những người Trotskyist bất đồng về quan điểm cách mạng. Cả hai tố cáo nhau là phá hoại và tay sai cho đế quốc. Không đạt được giải pháp trong từng bước đấu tranh giải phóng và cách mạng xã hội, cả hai, cuối cùng, chỉ còn đấu tranh vũ trang.
Ngày 7 và 8 tháng 9 năm 1945 tại Cần Thơ, trong cuộc biểu tình của khoảng 20.000 tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và một số thành viên Trotskyist tham gia nhằm chống Pháp và Ủy ban Hành chánh Nam bộ, nhưng nhằm vào Việt Minh và Thanh niên Tiền phong. Kết quả là xảy ra một cuộc tấn công đẫm máu khiến nhiều người chết và bị thương.
Sau đó, những người Trotskyist bị Anh bắt tại Sài Gòn. Khi được thả, họ tấn công quân Anh và Pháp. Giữa tháng 10 năm 1945, trong khi Việt Minh rút quân đã xử bắn khoảng 20 người lãnh đạo của phe Trotskyist. Công luận cũng cho là các nhóm vũ trang tự phát địa phương cũng là thủ phạm các việc ám sát này. Các nhân vật nổi tiếng như Trần Văn Thạch, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh, Nguyễn Văn Sổ, Hồ Vĩnh Ký, Huỳnh Văn Phương chết. Đồng bằng sông Cửu Long trở thành nơi ẩn trú cho những thành viên Trotskyist còn sống sót.
Xung đột giữa Việt Minh và Việt Cách đã có trước khi chính quyền mới được thành lập. Hoạt động chính của Việt Cách nằm từ biên giới Hoa-Việt đến đồng bằng sông Hồng. Khi bất đồng trong việc phân chia chức vụ khiến cho Nguyễn Hải Thần chống Việt Minh quyết liệt hơn. Ông Hồ ký một thỏa hiệp hợp tác vào ngày 23 tháng 10 năm 1945.
Trong khi Việt Minh, Việt Quốc, Việt Cách tranh cãi nhau về cách tổ chức chính phủ, thánh phần nội các và nội dung tuyên bố thành lập, công luận và truyền thông nghi ngờ về các mục tiêu đấu tranh của cả ba. Việt Minh tuyên truyền mạnh nhất trong giai đoạn này, nhất là chỉ trích Nguyễn Hải Thần thỏa hiệp với Pháp và Việt Cách và Việt Quốc tống tiền dân chúng. đặc biệt là đối với Hoa kiều.
Nội bộ chia rẽ là yếu tố chính làm cho Việt Cách suy yếu. Một số tham gia Việt Quốc và Việt Minh để tiếp tục hoạt động, một số đào thoát sang Trung Quốc. Khi Pháp khai quật được 12 thi hài tại tầng hầm trụ sở cũ của Việt Cách tại Hà Nội trong đó có hai công dân Pháp mất tích làm cho một số bị bắt. Một nhân vật quan trong của Việt Cách là Bồ Xuân Luật hợp tác với Việt MInh và được giữ chức Quốc vụ khanh trong chính phủ mới
Hợp tác của Việt Quốc và Việt Minh cũng không may mắn hơn. Sau khi Việt Minh giành chính quyền, xung đột đẩm máu giữa Việt Quốc và Việt Minh xảy ra thường xuyên, điển hình nhất là tại Vĩnh Yên trong ngày 29 tháng 8 năm 1945 làm cho một số người chết. Việt Minh bắt giữ khoảng 150 người tham gia biểu tình. Sau khi phóng thích, Việt Minh và Việt Quốc đàm phán việc thành lập chính quyền liên hiệp ở địa phương. Việt Minh tạo áp lực khi cắt đứt nguồn cung cấp lương thực cho Vĩnh Yên. Sau nhiều cuộc thương lượng không thành công, Việt Minh tấn công Vĩnh Yên nhưng không giành được thị xã này. Hai bên ngừng bắn và tranh giành ảnh hưởng vùng nông thôn. Cuối cùng, tháng 12 năm 1945, Việt Minh tấn công nhưng bị đẩy lùi. Không nản lòng dừng lại trước thảm bại này, Việt Minh tiếp tục theo đuổi mục tiêu trấn áp và phân hoà của mình và nổi danh với thành tích trong vụ phô Ôn Như Hầu.
Còn tiếp: Vụ án phố Ôn Như Hầu