Đỗ Kim Thêm dịch
Tuyên bố chung ngày 3 tháng 2 năm 2021 của Emmanuel Macron, Angela Merkel, Macky Sall, António Guterres, Charles Michel, Ursula von der Leyen

Chúng ta không nên sợ hãi về một thế giới hậu đại dịch sẽ không giống như hiện trạng trước đây. Chúng ta nên nắm lấy nó và sử dụng tất cả các diễn đàn thích hợp và các cơ hội sẵn có để biến nó thành một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách thúc đẩy sự nghiệp hợp tác quốc tế.
Vào tháng 9 năm 2000, 189 quốc gia đã ký “Tuyên bố Thiên niên kỷ”, định hình các nguyên tắc hợp tác quốc tế cho một kỷ nguyên mới tiến tới các mục tiêu chung. Nổi lên từ thời Chiến tranh Lạnh, chúng ta tự tin về năng lực của chúng ta trong việc xây dựng một trật tự đa phương có khả năng giải quyết những thách thức to lớn của thời đại: nạn đói nghèo cùng cực, suy thoái môi trường, các dịch bệnh, các cú sốc kinh tế và ngăn ngừa các xung đột. Vào tháng 9 năm 2015, một lần nữa, tất cả các quốc gia cam kết thực hiện một chương trình nghị sự đầy tham vọng để cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu: Chương trình Nghị sự 2030 của Liên Hiệp Quốc về Phát triển Bền vững.
Thế giới của chúng ta đã trải qua các xu hướng dị biệt, dẫn đến sự thịnh vượng gia tăng trên toàn cầu, trong khi tình trạng bất bình đẳng vẫn duy trì hoặc gia tăng. Các nền dân chủ đã mở rộng cùng lúc với chủ nghĩa dân tộc và bảo hộ đang trỗi dậy. Trong những thập kỷ qua, hai cuộc khủng hoảng lớn đã phá vỡ xã hội của chúng ta và làm suy yếu các khuôn khổ chính sách chung của chúng ta, gây nghi ngờ về khả năng của chúng ta để vượt qua các cú sốc, giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của chúng và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ tương lai. Các vấn đề khủng hoảng này cũng nhắc nhở cho chúng ta về sự phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta.
Những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất đòi hỏi những quyết định đầy tham vọng nhất để định hình cho tương lai. Chúng tôi tin rằng đây có thể là cơ hội để xây dựng lại sự đồng thuận vì một trật tự quốc tế dựa trên chủ nghĩa đa phương và tinh thần trọng pháp thông qua hợp tác, đoàn kết và phối hợp hiệu quả. Với tinh thần này, chúng tôi quyết tâm làm việc cùng nhau, với và trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc, các tổ chức khu vực, diễn đàn quốc tế như G7 và G20, và các liên minh đặc biệt để giải quyết những thách thức toàn cầu mà chúng ta phải đối mặt trong hiện tại và tương lai.
Y tế là vấn đề cấp cứu đầu tiên. Cuộc khủng hoảng COVID-19 là thử thách to lớn nhất cho sự đoàn kết trong toàn cầu qua nhiều thế hệ. Nó đã nhắc nhở chúng ta về một sự thật hiển nhiên: đối mặt với đại dịch, chuỗi an toàn về y tế của chúng ta chỉ mạnh bằng hệ thống y tế yếu nhất. COVID-19 ở bất cứ đâu cũng là mối đe dọa đối với con người và nền kinh tế ở khắp mọi nơi.
Đại dịch kêu gọi một phản ứng quốc tế được phối hợp mạnh mẽ nhằm mở rộng nhanh chóng việc tiếp cận với các xét nghiệm, điều trị và thuốc chủng ngừa, công nhận tiêm chủng mở rộng là mặt hàng tiện ích công cộng trong toàn cầu phải được khả dụng và giá cả phải chăng cho đại chúng. Về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ nền tảng toàn cầu duy nhất như Truy cập các dụng cụ tăng tốc COVID-19 (ACT), do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các đối tác G20 cho ra mắt vào tháng Tư.
Để thực hiện sứ mệnh của mình, ACT -Accelerator khẩn cấp cần được hỗ trợ rộng rãi hơn về chính trị và tài chính. Chúng tôi cũng thúc đẩy luồng dữ liệu tự do giữa các đối tác và việc tự nguyện cấp phép về sở hữu trí tuệ. Về lâu dài, chúng ta cũng cần sự đánh giá độc lập và toàn diện về phản ứng của chúng ta để rút ra tất cả các bài học về đại dịch này và chuẩn bị tốt hơn cho đại dịch tiếp theo. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có vai trò chính trong tiến trình này.
Trường hợp khẩn cấp cũng thuộc về môi trường. Trước thềm Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) tại Glasgow vào tháng 11, chúng ta phải tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và làm cho nền kinh tế của chúng ta có khả năng bền vững hơn. Đầu năm 2021, các quốc gia chiếm hơn 65% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính cho toàn cầu có khả năng đã đưa ra các cam kết đầy tham vọng về tính trung dung của các-bon. Tất cả các chính phủ quốc gia, doanh nghiệp, thành phố và định chế tài chính hiện nay nên tham gia liên minh toàn cầu để giảm lượng khí thải CO2 xuống mức là số không tính theo Thỏa thuận về Khí hậu tại Paris – và bắt đầu thực hiện các kế hoạch và chính sách cụ thể.
Đại dịch đã gây ra cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất thế giới kể từ Thế chiến Thứ hai. Phục hồi nền kinh tế thế giới mạnh mẽ và ổn định là một ưu tiên cơ bản. Thật vậy, cuộc khủng hoảng hiện nay đang đe dọa làm mất đi những tiến bộ mà chúng ta đã đạt được trong hơn hai thập kỷ qua trong việc chống lại đói nghèo và bất bình đẳng về giới tính Sự bất bình đẳng đang đe dọa các nền dân chủ của chúng ta bằng cách làm suy yếu sự gắn kết trong xã hội.
Không nghi ngờ gì khi toàn cầu hóa và hợp tác quốc tế đã giúp hàng tỷ người thoát ra cảnh nghèo; nhưng gần một nửa dân số thế giới vẫn phải tranh đấû để đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Và ở trong nhiều quốc gia, khoảng cách biệt giàu nghèo đã trở nên không bền vững, phụ nữ vẫn không được hưởng cơ hội bình đẳng và nhiều người cần được bảo đảm về lợi ích của toàn cầu hóa.
Khi chúng ta giúp cho các nền kinh tế vượt qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ năm 1945, ưu tiên chính của chúng ta vẫn là đảm bảo thương mại tự do dựa trên các luật lệ như một động cơ quan trọng của tăng trưởng bền vững và toàn diện. Do đó, chúng ta phải củng cố Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và sử dụng đầy đủ tiềm năng của thương mại quốc tế để phục hồi kinh tế. Đồng thời, bảo vệ môi trường và sức khỏe cũng như các tiêu chuẩn xã hội phải được đặt vào trọng tâm của các mô hình kinh tế của chúng ta, cùng lúc đảm bảo các điều kiện cần thiết cho sự đổi mới.
Chúng tôi cần đảm bảo rằng sự phục hồi toàn cầu đến được với mọi người. Điều đó có nghĩa là tăng cường hỗ trợ của chúng ta đối với các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Châu Phi, bằng cách xây dựng và vượt ra ngoài các quan hệ đối tác hiện có như Hiệp định G20 với Châu Phi và nỗ lực chung với Câu lạc bộ Paris trong phạm vi của Sáng kiến Đình chỉ các trái khoản. Điều quan trọng là phải hỗ trợ hơn nữa các quốc gia đó trong việc giảm gánh nặng nợ và đảm bảo nguồn tài trợ bền vững cho nền kinh tế của họ, sử dụng phạm vi đầy đủ của các công cụ tài chính quốc tế như tài sản dự trữ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Quyền rút vốn đặc biệt (SDRs)
Sự gia tăng của các công nghệ mới là một tài sản to lớn cho sự tiến bộ và hòa nhập, góp phần vào sự mở rộng và khả năng phục hồi của các xã hội, nền kinh tế và các quốc gia, đồng thời chứng minh việc cứu vớt sinh mạng trong trận đại dịch. Tuy nhiên, gần một nửa dân số thế giới – và hơn một nửa phụ nữ và thiếu nử trên thế giới – vẫn chưa có nối kết mạng internet và không thể tiếp cận các lợi ích của họ.
Hơn nữa, sức mạnh đáng kể của công nghệ mới có thể bị lạm dụng để hạn chế các quyền và tự do của công dân, gieo rắc hận thù hoặc phạm tội nghiêm trọng. Chúng ta cần xây dựng dựa trên các sáng kiến hiện có và thu hút sự tham gia của các bên liên quan nhằm điều chỉnh Internet một cách hiệu quả để tạo ra một môi trường kỹ thuật số an toàn, miễn phí và mở rộng, nơi mà các luồng dữ liệu trong một môi trường đáng tin cậy được đảm bảo. Lợi ích phải được tích lũy đặc biệt cho những người bị thiệt thòi nhất, bao gồm cách giải quyết những thách thức về thuế của quá trình số hóa nền kinh tế và chống lại cạnh tranh thuế có hại.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng y tế đã làm gián đoạn việc học của hàng triệu trẻ em và sinh viên. Chúng ta phải giữ lời hứa cung cấp giáo dục cho tất cả mọi người và trang bị cho thế hệ tương sự hiểu biết về các kỹ năng cơ bản và khoa học, cũng như hiểu biết về các nền văn hóa khác nhau, lòng khoan dung và chấp nhận đa nguyên, và tôn trọng tự do lương tâm. Thiếu nhi và thanh niên là tương lai của chúng ta, và giáo dục cho con em là chìa khóa.
Để đáp ứng những thách thức này, chủ nghĩa đa phương không chỉ là một kỹ thuật ngoại giao khác. Nó định hình trật tự thế giới và là một cách thức tổ chức quan hệ quốc tế rất cụ thể dựa trên sự hợp tác, thượng tôn pháp luật, hành động tập thể và các nguyên tắc chung. Thay vì phân chia các nền văn minh và giá trị chống lại nhau, chúng ta phải xây dựng một chủ nghĩa đa phương bao trùm hơn, tôn trọng sự khác biệt cũng như các giá trị chung của chúng ta được ghi nhận trong Bảng Tuyên ngôn Thế giới về Nhân quyền.
Thế giới sau COVID-19 sẽ không như xưa nữa. Hãy để chúng tôi tận dụng các diễn đàn và cơ hội khác nhau như Diễn đàn Hòa bình Paris để giải quyết những thách thức này với một tầm nhìn rõ ràng. Chúng tôi mời các nhà lãnh đạo chính trị, kinh tế, tôn giáo và tư tưởng đóng góp vào cuộc thảo lụận trong toàn cầu này.
Emmanuel Macron, Tổng thống Pháp.
Angela Merkel, Thủ tướng Đức.
Macky Sall, Tổng thống Senegal.
António Guterres, Cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha, Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc
Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu.
Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.