nhưng không tạo ý nghĩa kinh tế và có lòng từ ái
Libération phỏng vấn Joseph E. Stiglitz
Christian Losson
Đỗ Kim Thêm dịch
Có mặt tại Hội nghị thượng đỉnh về tài trợ phát triển Addis Ababa, Joseph E. Stiglitz, người Mỹ đã đạt giải Nobel, tranh luận khá gay gắt về chiến lược của Berlin trong cuộc khủng hoảng Hy Lạp và ông kêu gọi một cuộc cải tổ hệ thống tài chính quốc tế.
Là một người tranh đấu miệt mài cho một nền kinh tế khác, Joseph E. Stiglitz, người Mỹ đã đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2001, đang có mặt tại Hội nghị quốc tế lần thứ ba về tài trợ phát triển tại Addis Ababa, để vận động cho một cuộc cải tổ triệt để về kiến trúc tài chính toàn cầu. Tại thủ đô Ethiopia, người ta cũng cũng nói nhiều đến “kế hoạch giải cứu Hy Lạp”. Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền dành cho Libération, cựu kinh tế trưởng của Bill Clinton và Ngân hàng Thế giới, thảo luận về cuộc khủng hoảng lịch sử này của khu vực đồng Euro, mà theo ông, làm suy yếu cho nền tảng của châu Âu.
***
Quan điểm của ông về thỏa thuận và kế hoạch viện trợ mới dành cho Hy Lạp như thế nào?
Những gì nước Đức đã áp đặt những cú đánh bằng gậy là chuyện hoàn toàn không thể nghĩ ra được. Đây cũng là chính sách kinh tế rất xấu. Đức sẽ tiếp tục áp đặt những mô hình phản tác dụng, không hiệu quả và gây các bất công và bất bình đẳng. Tiếp tục đòi hỏi Hy Lạp đạt thặng dư ngân sách chính [không bao gồm các khoản thanh toán lãi vay] là 3,5% TSLNĐ trong năm 2018 không chỉ là có tính trừng phạt mà còn là một sự ngu ngốc mù quáng. Lịch sử gần đây của Hy Lạp đã chứng tỏ việc này. Và tình trạng này sẽ tiếp tục khuyếch đại mức suy trầm ở một đất nước đã trải qua một sự suy sụp 25% về TSLNĐ từ năm năm qua. Ngoài ra, tôi không biết là có một ví dụ nào khác của một tình trạng suy trầm mà người ta cố ý đã tạo ra và cũng có hậu quả thảm khốc cho con người. Và người ta sẽ tạo ra một tầng lớp chịu xấu hổ hơn.
Chúng ta phải làm gì?
Chúng ta biết rằng, ngay cả QTTQT, một cơ quan tỏ ra thù nghịch nhất cho một quá trình như vậy trong lịch sử, kể từ nay chấp nhận là phải tái cơ cấu nợ của Hy Lạp; đúng hơn là đem lại một sự giảm nhẹ. Nhưng nước Đức không muốn nghe ai khác nói về chuyện này. Đức cho biết, theo lời tuyên bố của Đức, Đức đặt cho Hy Lạp trong tình trạng kiểm soát của mình, nhưng tranh đấu cho một chính sách và áp đặt một chương trình theo như kịch bản của mình, để còn buộc Hy Lạp sẽ càng quỳ phục hơn. Xâm nhập chủ quyền của một quốc gia như Hy Lạp, buộc phải nghe theo lời của Đức rất là nguy hiểm. Công dân Hy Lạp bầu một chính phủ cam kết sẽ kết thúc chính sách thắt lưng buộc bụng. Họ đã bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu chống lại một kế hoạch gọi là “viện trợ” nhằm thúc đẩy biện pháp khắc khổ hơn. Và bây giờ, qua sự mù quáng, Đức còn bó tay chính phủ Hy Lạp và vẫn áp đặt một biện pháp trị liệu mới … Nhưng liều thuốc này sẽ không hiệu nghiệm hơn đối với Hy Lạp như nó đã chưa trị trong quá khứ, nơi mà các chính sách tự sát như vậy đã được áp đặt và thực thi.
Đức không học những bài học trong lịch sử sao?
Đây là điều tồi tệ nhất, chính xác hơn, nó nằm trong lời phê bình không hợp lý hoặc hợp lý quá mức thành vô cảm; chuyện tệ hơn là với thói đạo đức giả và thiếu lòng trắc ẩn: những bài học không học được từ lịch sử. Nước Đức chỉ đạt được phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhờ được hủy bỏ nợ lớn nhất chưa từng thấy vào năm 1953. Và chúng ta nên hiểu là, kể từ khi có Hiệp ước Versailles được ký kết vào năm 1919, những hậu quả của các món nợ chồng chất không kham nổi. Đức vừa không học được lòng từ tâm cũng như các thảm họa của hai giai đoạn lịch sử.
Trong khu vực đồng Euro sẽ có những hậu qủa nào?
Đây là một thảm họa. Nếu tôi là một trong những quốc gia thuộc khu vực đồng Euro, tôi sẽ đặt những câu hỏi mà tất cả các nhà kinh tế sáng suốt sẽ đặt ra trong lúc tạo ra đồng Euro: những gì sẽ xảy ra trong trường hợp có những cú sốc bất đối xứng [có ảnh hưởng khác nhau đến hai khu vực đã quyết định làm cho đồng tiền chung]? Vấn đề chính là sự đoàn kết. Với tinh thần này, người ta có thể sẽ vượt qua một cú sốc như vậy. Nhưng nước Đức cho biết: “Không có cách nào, anh đã trải qua cú sốc này, anh phải chấp nhận các hiệu ứng.”
Tôi sẽ không là một thành viên của một câu lạc bộ mà lãnh đạo không thể hiện bất cứ một phản ánh nào về ý nghĩa tốt đẹp cho kinh tế, không có sự đoàn kết, và, một lần nữa, không có một lòng từ tâm nào. Và Đức nói:”Nếu anh chịu một cú sốc bất đối xứng, anh sẽ chết”. Chúng ta nên hỗ trợ một phong trào chính trị mạnh mẽ nhằm lên án việc này với sức lực, không nhất thiết phải bằng lời nói, nhưng ít nhất với triết lý này, nếu không thì sẽ không nghi ngờ gì nữa là một sự kiện chưa từng có này sẽ đánh dấu việc kết liễu của khu vực đồng Euro đang khởi đầu.
Đây là một đột biến quan trọng, liệu nó sẽ có trước và sau “Kế hoạch Hy Lạp” trong lịch sử của châu Âu và khu vực đồng Euro chăng?
Tuyệt đối là như vậy. Cho cả hai, không chỉ là cho khu vực đồng Euro. Đồng Euro đã được tạo ra để cho các quốc gia xích lại gần nhau. Từ đó, đồng Euro đưa tới việc tự phân hoá và thấy các thành phần mạnh nhất cấu xé các thành phần yếu nhất. Đây là sự tác hại của ngay cả khi người ta nhận ra được là khu vực đồng Euro hoạt động tốt. Câu hỏi đặt ra là với thiệt hại lớn lao như vậy liệu khu vực đồng Euro còn chửa trị được không? Chúng ta không thể điều khiển một khu vực tiền tệ như đồng Euro mà không có một tầm nhìn tối thiểu, với sự sáng suốt và và tinh thần đoàn kết.
Nếu Ngân hàng Trung Ương châu Âu cho phép các Ngân hàng Hy Lạp mở lại và một thỏa thuận được đàm phán lại, vết thương có thể chửa lành một phần. Nhưng nếu Đức thành công trong việc sử dụng cách này để loại trừ Hy Lạp, cuối cùng thiệt hại sẽ rất nặng nề đến độ họ sẽ không thể khắc phục. Chắc chắn các chính sách của khu vực đồng Euro đã không bao giờ là một dự án dân chủ. Hầu hết các quốc gia thành viên đã không tìm kiếm sự chấp thuận của các công dân của họ để trả lại chủ quyền tiền tệ của khu vực này đang nằm trong tay của Ngân hàng Trung Ương châu Âu. Nhưng ít nhất, đã có một tầm nhìn chung, dưới hình thức hỗ trợ và đoàn kết. Tầm nhìn đó nay đã biến mất. Đó là vì lợi ích của châu Âu để chuyển hướng nhanh hơn về Hy Lạp.
Phải công nhận rằng cần thêm trợ giúp nhiều hơn và trong điều kiện ít khắc nghiệt hơn. Nếu không, chúng ta sẽ hướng tới việc ra đi của Hy Lạp khỏi khu vực đồng Euro. Thất bại này là nghiêm trọng hơn khi châu Âu phải quan tâm tới các nước đông nam của Liên minh quá yếu và dễ bị tổn thương. Phong trào di dân, các ảnh hưởng của Trung Đông, Nga, hay Trung Quốc sẽ làm cho châu Âu thậm chí mỏng manh hơn. Và nếu tôi ở châu Âu, tôi sẽ làm tất cả để tăng cường cho châu Âu.
Nhưng khu vực đồng Euro, đó cũng là vấn đề về quyền lực, dân chủ, không là vấn đề tiền tệ và kinh tế?
Tất nhiên. Đó là một vấn đề thuộc về điều hành chính trị. Nhưng giải pháp không có sẳn, hay nói cho đúng hơn, bây giờ nó chỉ phục vụ cho một ý thức hệ và cho loại lý luận thuần đem lợi ích thuộc về tài chính, một liên minh mà không bao giờ được kết hợp được tốt. Tuy nhiên, thế giới tài chính và các nhà ngân hàng, các người ủng hộ nhất cho nền kinh tế tự do, họ đã yêu cầu các nước đến cứu hộ bằng cách bơm hàng trăm tỷ đô la để cứu vụ suy sụp này.
Và ngay cả có nhiều người trong nhóm này đã gia tăng vận động áp lực hành lang để gây cho kế hoạch viện trợ cho Hy Lạp trở nên khó khăn nhất. Đạo đức giả, một lần nữa, còn phổ biến. Bên cạnh đó, chúng ta hãy nhớ rằng, một phần nhỏ của những khoản tiền lớn dự định cho Hy Lạp vay, đầu tiên trước hết và chủ yếu, là để trả nợ các chủ nợ tư nhân, bao gồm cả ngân hàng tại Đức và Pháp. Ít nhất 90% số tiền vay được quy định để trả về tổ chức tài chính trong nước cho vay. Đó không phải là một gói cứu trợ Hy Lạp, nhưng, một lần nữa, đó là một cuộc giải cứu các ngân hàng.
Các nhà lãnh đạo của châu Âu và Hoa Kỳ đã gia tăng chỉ trích Hy Lạp về việc không có khả năng thu thuế và giải quyết vấn đề trốn thuế …
Các nước giàu đã tạo ra các kiến trúc toàn cầu tốt nhất để thúc đẩy việc tránh thuế và trốn thuế, đặc biệt là làm mờ ranh giới giữa cả hai vấn đề. Kể từ khi có cuộc khủng hoảng năm 2007, đến mức độ như vậy, họ phát hiện ra mức độ để giải quyết sự thiếu hụt này và chỉ cần thúc đẩy Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển (OECD) để hành động và đề xuất cải cách.
Nhưng khi các nơi còn lại của thế giới đòi hỏi, cũng như ở Addis Ababa, để tạo ra một Ủy ban quốc tế về thuế dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc, họ chùng lại hơn bao giờ hết. Tại sao? Bởi vì các nước giàu và các tổ chức của họ, OECD, tin rằng người ta có thể cải cách hệ thống tài chính hiện hành.
Nhưng chúng ta không thể cải cách một hệ thống không thể cải cách. Nó phải thay đổi. Và làm như vậy sẽ gây tranh cải cho tất cả những ai thủ lợi trong các nước giàu. Đây không phải một bằng chứng của một loại lập luận nước đôi làm nổi bật tinh thần đạo đức giả của các nước giàu về Hy Lạp cũng như các nơi khác còn lại của thế giới hay sao?
Người phỏng vấn Christian Losson, Đặc phái viên Libération, Addis-Abeba (Ethiopie)
***
Nhận xét của người dịch:
Thái độ gay gắt của Joseph E. Stiglitz chống Đức bênh Hy lạp không thuyết phục được vì nhiều lý do.
Chính giới Hy Lạp bất tài khi quân bình ngân sách trong một thời gian dài. Vì duy ý chí chính trị mà chính giới châu Âu dễ dãi thu nhận Hy Lạp vào thị trường chung châu Âu.
Khả năng kiểm soát của Liên Âu giới hạn nên không phát hiện tình huống lừa đảo. Dù được cảnh báo, nhưng Liên Âu cũng không thể ngăn chận hiệu ứng tác hại cho khu vực đồng Euro. Chuyện không muốn sẽ phải đến đó là khủng hoảng ngân sách Hy Lạp bùng nổ.
Chính giới Hy Lạp vô trách nhiệm đã ra đi. Đại tư bản Hy Lạp đã tháo chạy hoặc ở lại thì cũng tiếp tục được hưởng miễn thuế. Cho nên còn lại là dân nghèo và chính giới thiếu kinh nghiệm nhận lãnh trách nhiệm hồi sinh Hy Lạp. Triển vọng này lu mờ vì tiềm năng phát triển du lịch, nông nghiệp và vận chuyển hàng hải tương đối nhỏ, cạn kiệt và không thể cạnh tranh.
95 % dân châu Âu không tin là Hy Lạp có khả năng trả nợ. Do đó mà có nhiều áp lực gia tăng buộc Đức và Liên Âu phải kiểm soát ngân sách Hy Lạp chặt chẻ hơn. Đây là một biện pháp áp đặt chính trị không dân chủ nhưng cần thiết mà QTTQT đã áp dụng cho Liên Xô khi thời chuyển tiếp và Thái Lan khi bị khủng hoảng 1998.
Nhu cầu giải cứu không là biện pháp điều chỉnh ngân sách cho Hy Lạp mà là kiểm hãm hiệu ứng lan toả của đồng Euro, nợ công, sinh mệnh chính trị và niềm tin hội nhập cho toàn khu vực.
Joseph E. Stiglitz phê bình Đức và Liên Âu thiếu đoàn kết và lòng từ tâm là sai lầm. Ngược lại, các biện pháp cứu trợ cho Hy Lạp đến nay là chưa từng có trong lịch sử viện trợ của châu Âu, tạo nhiều bất công hơn khi so với các nước khác lâm cùng cảnh ngộ như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý
Ít gay gắt hơn Stiglitz nhưng lại thuyết phục được nhiều hơn là lập luận của dân chúng các nước Đông Âu. Tại sao họ lại phải trực tiếp gánh chịu hậu quả lừa đảo của Hy Lạp một cách bất công này, trong khi họ phải kinh qua một thời kỳ cải cách khó khăn, làm việc liêm chính, tiết kiệm tối đa và tuân thủ pháp luật.
Các nước sử dụng đồng Euro còn tiếp tục chịu nghịch lý. Cùng trong một hệ thông tiền tệ, nhưng các nước thành viên hoàn toàn tự trị về ngân sách, một lĩnh vực thuộc chủ quyền quốc gia, đứng đầu trong chủ đề bất khả xâm phạm này là Pháp.
Chừng nào mà các vấn đề kiểm soát ngân sách và hệ thống thuế khoá trong toàn Liên Âu đuợc thống nhất, thì việc kiểm soát ngân sách và trốn thuế sẽ hữu hiệu hơn, nhưng đó là một mục tiêu khó đạt về quan điểm chính trị trong các nước thành viên.