Đỗ Kim Thêm

Trước đây, trong trào lưu toàn cầu hoá thì luận thuyết của Neoliberalism cho là chính quyền phải ít can thiệp nhất và nên để thị trường tự do tuyệt đối để tự giải quyết. Thị trường tư bản tài chính theo quan điểm này trở nên một thị trường độc lập với thị trường hàng hoá. Tự do giao lưu tư bản tài chính toàn cầu sẽ giúp cho thị trường phát triển. Đây là một phương sách tốt nhất.
Thời khủng hoảng đem lại nhiều lập luận đối nghịch vì thị trường châu Âu hoạt động trong những tình huống nghịch lý. Cạnh tranh trên thị trường tư bản tài chính trở nên giới hạn, trong khi cạnh tranh trên thị trường hàng hoá ráo riết hơn và các biện pháp bảo hộ mậu dịch nhiều hơn. Khi chính quyền dồn mọi tài trợ cho hệ thống ngân hàng tiếp tục sống, nhưng lại không có một hệ thống kiểm soát hữu hiệu. Nổ lực này lại không nhằm tạo ra một bối cảnh thu hút tạo ra đầu tư mới cho doanh nghiệp mà làm giảm đi mọi công chi về phúc lợi xã hội và hậu quả là bất công lan rộng, cách biệt lợi tức làm người nghèo trở thành đa số trong xã hội. Họ chịu thua thiệt nhiều nhất nên bị các phong trào bài ngoại và cực đoan gây ảnh hưởng. Tinh thần trục lợi vô đạo đức của giới tư bản tài chính ngay trong thời suy trầm tạo ra công phẩn trong công luận mà các cuộc biểu tình liên tục tại châu Âu là thí dụ. Giới trung lưu, một tầng lớp chủ yếu tạo sự ổn định xã hội, cũng chịu ảnh hưởng và làm đảo lộn các kết quả bầu cử. Khi đồng Euro khó có thể duy trì tại một số nước thì nguy cơ sụp đổ cơ chế Liên Âu có thể xãy ra. Tương lai bất trắc làm bất ổn xã hội ngày càng tăng và phản ứng chung của công luận là mất tin tưởng về cơ chế tự vận hành của thị trường, khả năng của học giới trong vai trò cảnh báo và khả năng của chính quyền trong vai trò kiểm soát.
Nhưng tại sao công luận không tin chính quyền? Câu hỏi này có nhiều lý giải mà tựu chung là thị trường không phải kinh tế mà là chính trị và xã hội với các điểm chính như sau.
Thứ nhất, nguyên nhân sâu xa có từ khi bức tường Bá linh sụp đổ. Trước đó, chính quyền không nhận ra những gì sẽ chuyển biến nên còn tiếp tục viện trợ cho các nước Đông Âu để duy trì chế độ. Sự cáo chung bất ngờ của hệ thống chuyên chính vô sản làm chính quyền cảm nhận sai lầm về một chiến thắng huy hoàng của nền dân chủ phương Tây, một lối lập luận bất chiến tự nhiên thành vì đánh giá không đúng mức về nổ lực đấu tranh của người dân đã can đảm vùng lên để xoá tan chế độ. Phương Tây lại sai lầm hơn khi say men chiến thắng về một thành tích mà mình không tạo ra rồi tiên đoán là lịch sử sẽ cáo chung, chính trị sẽ quy về một mô hình nền kinh tế thị trường, chỉ còn các vấn đề phát triển xã hội là quan tâm chung.
Thứ hai, những trào lưu tự do giao lưu tư bản trên thị trường tài chính toàn cầu cùng với đầu tư tư nhân tại ngoại quốc vào thập niên 1980 và những canh tân kỷ thuật qua cách mạng thông tin trong thập niên 1990 là những thách thức nghiêm trọng. Châu Âu đã không tiếp tục hoàn thiện cơ chế cho phù hợp với trào lưu toàn cầu hoá và không gia tăng kiểm soát ngân sách trong tiến trình thống nhất tiền tệ vào năm 1999, nên tình trạng vỡ nợ Hy lạp và Tây ban nha mới xãy ra.
Thứ ba, sự thành công của Liên Âu là nguyên nhân của vấn đề. Thay đổi quyền lực về kinh tế và chính trị qua tiến trình hợp nhất châu Âu gây hậu quả làm cho tinh hình suy thoái trầm trọng hơn. Trước đây, dân chúng tin tưởng vào nguyên tắc tam quyền phân lập và vai trò can thiệp của chính quyền vào lĩnh vực kinh tế.
Ngày nay, chính quyền không thể trực tiếp giải quyết vấn đề khi cơ chế quyết định lại giao cho cơ quan Liên Âu, một cơ chế phức tạp, tốn kém, thiếu dân chủ và không thể kiểm soát đưọc. Chính quyền cũng không thể giải quyết những vấn đề về kinh tế trong nước vì các công ty đa quốc một phần đã áp lực mạnh hơn lên chính quyền, một phần khác họ đã từ lâu tìm cách thoát khỏi vòng ảnh hưởng của chính quyền khi đầu tư nhiều hơn vào các nước chậm tiến và trốn thuế qua các hệ thống tinh vi.
Vì dân chủ thiếu cơ sở địa phương nên mối liên hệ giửa người dân và chính quyền không còn. Những tư tưởng đối lập với chính quyền trở thành một mạng lưới xã hội mà phương tiện truyền thông hiện đại góp phần chuyển hoá rộng khắp mạnh và nhanh hơn. Mất niềm tin về sự vận hành của nền kinh tế thị trường là hậu quả đương nhiên.
Trước bối cảnh này thì cơ quan Liên Âu đã có nhiều phản biện khác nhằm thuyết phục công luận về chính sách của mình.
Thứ nhất, Liên Âu lập luận rất thực tế: tình hình chuyển biến quá nhanh, nhưng thể chế dân chủ tự do đang thắng thế, nên không có lý do dùng những biện pháp táo bạo như các nước toàn trị, vỉ sẽ đi ngược với trào lưu.
Dân chủ, nhân quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật có giá trị phổ quát, nên châu Âu phải tuân thủ. Các biện pháp viện trợ phát triển của Liên Âu sẽ đem lại những cơ hội thăng tiến cho người dân các nước nghèo và Liên Âu.
Thứ hai là ý chí chính trị chung. Cùng theo đuổi mục tiêu thống nhất Liên Âu nên với thời gian và thử nghiệm cơ chế sẽ hữu hiệu hơn. Những tác hại về kinh tế và xã hội sẽ tự điều chỉnh theo phương thức chọn lọc tối ưu và sẽ được dần dần khắc phục trên toàn Liên Âu, mà ý thức văn hoá chung là một khời điểm thuận lợi.
Thứ ba là vấn đề giá trị lý thuyết. Chủ nghĩa tư bản sẽ không sụp đổ toàn diện mà chỉ suy thoái trong từng thời kỳ do thiếu kiểm soát. Nguy cơ khủng hoảng đe doạ thường trực làm cho cơ chế cần phải năng động hơn để sinh tồn. Kinh tế thị trường không hoàn toàn là một giải pháp lý tưởng, nhưng là một lối thoát duy nhất, vì thế giới sẽ không có những chọn lưạ nào khác tốt đẹp hơn. Lập luận như Winston Churchill, nếu mô hình dân chủ, dù không hoàn chỉnh, nhưng lại ít tác hại hơn chế độ độc tài, thì mô hình kinh tế thị trường cũng thuận lợi hơn nền kinh tế kế hoạch. Luận điểm này sẽ là khởi điểm cho những nổ lực cải cách chung.
Nhưng làm sao đem những phản biện này tạo thành một niềm tin chung làm đoàn kết tất cả mọi người, mọi giới và mọi quốc gia trong Liên Âu?
Tinh thần đoàn kết để xây dựng không thể đạt được vì lẻ cơ chế Liên Âu là đa văn hoá, đa ngôn ngử và quá rộng lớn. Châu Âu đã và sẽ không có một công luận đồng thuận cho bất cứ vấn đề gì, cho dù tư tưởng thiên về công bình xã hội chiếm ưu thế hơn tư bản. Hiện nay, những người đóng thuế tại Đức, Pháp và Hoà Lan là giới bị thiệt thòi nhất trong thời kỳ này, họ sẽ không có tinh thần hy sinh để trả nợ cho người Hy Lạp, Tây Ban Nha hay nuôi người già tại Ba lan, vì họ không tin là Hy lạp và các nước tổn thương khác sẽ có khả năng hồi phục nhanh. Đây chính là vấn đề mà châu Âu còn thảo luận để tìm ra lối thoát.