Đỗ Kim Thêm
Vấn đề
Do kinh tế suy đồi mà Liên Xô quyết định cải cách. Những thành tựu của Perestroika gây nhiều ấn tượng sâu xa và là mô hình cho Việt Nam tiến hành Đổi Mới. Một trong những thay đổi của Perestroika là du nhập khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaatsbegriff), một học thuyết thuộc luật Hiến pháp của Đức nhằm đề cao tính cách tối thượng của luật pháp để nhà nước phải tuân thủ. Liên Xô vận dụng khái niệm này và dịch thành Pravovoe gosudarstvo nhưng không cải biên.
Vì nhiều lý do khác nhau Việt Nam không trực tiếp học kinh nghiệm của Đức, mà lại từ Liên Xô. Việt Nam hiện nay vẫn kiên định tiếp tục theo đuổi con đường Xã Hội Chù Nghiã (XHCN), mà trên lý thuyết là xây dựng nhà nước chuyên chính vô sản do giai cấp công nhân lảnh đạo. Để đạt mục tiêu này Việt Nam sẽ phát huy nền dân chủ nhân dân nhằm tổ chức, quản lý và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Do đó, pháp chế XHCN vẫn còn là một công cụ để Đảng xây dựng nhà nước.
Trong chiều hướng vận dụng khái niệm nhà nước pháp quyền, Việt Nam lại cải biên thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghiã (NNPQXHCN) điều mà Đức và Liên xô đều không có trong tư duy của họ. Đáng chú ý hơn, khi giới thiệu khái niệm NNPQXHCN, Việt Nam đã mượn thuật ngữ Rule of Law của Anh để diễn đạt, một khái niệm được hình thành trong một bối cành văn hoá, lich sử và truyền thống luật pháp khác hẳn với Việt Nam. Tìm hiểu khái niệm Rule of Law của Anh là chủ đề của bài viết này.
Thuật ngữ
Khó khăn đầu tiên là việc dịch Rule of Law trong tiếng Việt. Thật ra, các học giả ngoại quốc đều không chú trọng vấn đề dịch thuật ngữ. Bằng chứng là các sách giáo khoa Anh và Pháp ngữ đều giử khái niệm Rechtsstaat của Đức mà không dịch, cũng như sách của Đức không tìm khái niệm tương đương cho Rule of Law của Anh hay État legal của Pháp mà chỉ diễn giải để giúp người đọc nắm bắt vấn đề. Vì thấm nhuần văn hoá Á Đông, người Việt rất quen với khái niệm nhân trị, pháp trị và đức trị trong xã hội quân chủ, mà lối diển đạt này lại còn không thích hợp trong một xã hội dân chủ, vì chử ‘trị’ phải được hiểu hoàn toàn khác biệt trong hoàn cảnh hiện nay.
Về nguồn gốc thì Rule of Law là một học thuyết trong luật học (legal doctrine) không phải là một quy định pháp luật (legal rule). Do đó, chúng ta có thể tạm dịch Rule of Law là tinh thần thượng tôn pháp luật hay uy lực pháp quyền vì luật pháp phải được tất cả tôn trọng, dù là Đảng, nhà nuớc hay dân chúng. Bài viết này, theo kinh nghiệm học giới phương Tây, đề nghị giử nguyên.
Truyền thống tôn trọng luật pháp
Albert Venn Dicey, nhà luật học Anh là người đầu tiên giới thiệu và triển khai khái niệm Rule of Law trong tác phẩm Introduction to the Study of the Law of Constitution of 1885. Trong tác phẩm này ông đã mô tả hệ thống Hiến pháp nước Anh và đề ra những nguyên tắc chung của luật Hiến pháp.
Đến nay, học giới xem đây là tác phẩm kinh điển cho việc nghiên cứu luật Hiến pháp nói chung và học thuyết Rule of Law nói riêng. Nói như thế không có nghĩa là Rule of Law được hình thành vào thế kỷ XIX mà thật ra đã có một lịch sử lâu đời. Do đó cần phải tìm xem khái niệm này hình thành từ lúc nào.
Ý kiến thứ nhất của nhiều học giả đều đồng ý rằng lịch sử về học thuyết hiến định tại Anh (English constitutionalism) là khởi điểm cho khái niệm Rule of Law. Dù là một khái niệm bất thành văn nhưng đã thể hiện qua các văn kiện luật pháp làm nền tảng cho luật Hiến pháp tại Anh. Các văn kiện này là Magna Charta, Petition of Rights, Bill of Rights và Habeas Corpus mà ở đây không thể đi vào chi tiết.
Nhìn lại lịch sử Anh ai cũng công nhận Anh một xã hội phân chia và xung đột giai cấp là chuyện hiển nhiên mà hoàng gia, qúy tộc, tu sỉ và địa chủ là những tầng lớp có nhiều ưu quyển. Đặc điểm chính này đã có ngay từ thế kỷ XIII. Dù sống trong thể chế quân chủ, các học giả nhận ra đưọc vai trò của pháp luật làm nền tảng: tự do và bình đẳng của nguời dân trước pháp luật và toà án, tất cả đều bị ràng buộc bởi luật pháp, kể cả nhà vua.
Câu nói của Henry de Bracton là một bằng chứng luôn được trưng dẫn: ‘Nhà vua không bị ràng buộc bởi dân chúng nhưng bởi thượng đế và luật pháp, chính vì luật pháp tạo ra nhà vua’.
Một ý tuởng khác của William Edward Hearn cũng có nội dung tương tự. Ông nói ‘Gió mưa có thể vào được mái tranh của nguời dân nghẻo, nhưng không hề vào đuợc thâm cung của hoàng gia, nhưng bất kỳ ngưòi dân Anh nào, dù thường dân hay qúy tộc vẫn bị ràng buộc bởi pháp luật và bình đẳng trưóc toà án’. Niềm tin vào luật pháp cũng được Sir Edward Coke minh chứng. Ông nói ‘Luật pháp là một thâm cung kín đáo nhất và cũng là một phong thủ mạnh nhất để bảo vệ nguời cô thế’. Đây là những ý niệm chính mà sau này Ducey triển khai.
Nhưng sự biến đổi xã hội từ thế kỷ XVII đã làm thay đổi nhiều mối quan hệ trước đây, đặc biệt khi giai cấp thương nhân ra đời, họ trở nên giàu có và bắt đầu muốn có thế lực. Những cải cách pháp lý đã giúp cho giơí này có tiếng nói mạnh hơn chống lại địa chủ và các gia cấp khác, mà quyền tư hửu, quyền chuyển nhượng tài sản, quyền thừa kế và tự do kết ước là những thành tựu nhất trong thời kỳ này.
Nhưng pháp luật bảo vệ người dân trưóc tòa án được hình thành rỏ rệt. Người dân Anh dù bất kỳ thành phần giai cấp nào cũng được luật pháp bảo vệ. Các sử gia hảnh diện cho rằng nước Anh là một vương quốc về luật pháp và công bình. Từ đó khái niệm Rule of Law ra đời trong khuôn khổ của một nền tự do kiểu nước Anh (the liberty of the English). Sự hảnh diện này có lý do.
Các học giả đã chứng minh rằng từ thế kỷ XVII nưóc Anh hầu như không còn có vấn đề tra tấn trong các cuộc điều tra hình sự và hệ thống tòa án hoàn toàn độc lập với cơ quan hành pháp. Nguyên tắc phân quyền giới hạn sự chuyên quyền của cơ quan hành pháp. Đáng kể nhất là niềm tin của dân chúng vào các hoạt động của tòa án, ngưòi dân Anh tự hào được sinh ra trong môi trường tự do, mà hai quyền cơ bản lúc bây giờ là tự do lập hội và tư do báo chí. Còn tự do tôn giaó thực ra chỉ có mức độ giới hạn.
Đến thế kỷ XVIII khái niệm Rule of Law phổ biến khi hệ thống luật pháp của Anh đi vào nề nếp, nhất là khi hệ thống chính quyền dựa vào chủ thuyết hiến định làm cơ sở bảo vệ quyền lợi người dân, một khởi điểm cho sự phát triển dân chủ theo mô hình của phương Tây. Những người tranh đấu cho bất công giai cấp trong xã hội, những người bất đồng quan điểm về tôn giaó hay chính trị đều có quyền sử dụng những quyền tranh đấu của mình, quyền này được bảo đảm trong khuôn khổ luật pháp.
Ý kiến thứ hai của các nhiều học giả cho rằng chính yếu tố văn hoá vào thế kỷ XVIII là thành tố quan trọng giúp cho khái niệm Rule of Law được phát triển và ý thức về vai trò luật pháp làm nền tảng tổ chức xã hội. Từ đó, luật pháp trở thành một giá trị có một sức mạnh vô hình đặc biệt, dĩ nhiên nó không phải là sức mạnh quân đội, không cần dựa vào huyền thoại của tôn giáo, không nhờ sự cuởng chế kinh tế, mà chính tinh thần tìm hiểu về công lý và yêu chuộng hoà bình làm căn bản cho tinh thần thượng tôn pháp luật. Một hảnh diện khác mà luật giới Anh luôn đề cập khi bàn về Rule of Law là vai trò của bộ hình luật.
Hình luật Anh rất hữu hiệu nên giúp cho xã hội Anh ổn định mà không cần đến cảnh sát hay quân đội để lo trị an. So với các quốc gia khác taị châu Âu trong cùng thời kỳ, thì bộ Hình luật của Anh là một mẩu mực, đặc biệt là về phần luật thủ thục tố tụng. Thí dụ như nuớc Pháp lúc bấy giờ vẫn có chế độ mật chỉ (lettre de cachet), có nghĩa là bắt người không theo thủ tục và giam người vô thời hạn mà không cần quy kết một tội danh nào.
Nói như thế không có nghĩa là hình luật tại Anh rất khoan dung, mà phải hiểu là những tiêu chuẩn quy định về thủ tục cũng như kết án khá rõ rệt, ngăn ngừa được mọi sự chuyên đoán của cơ quan hành pháp hay những quyết định quá nghiêm khắc của tòa án. Do đó, nó đem đến một niềm tin cho người dân về một cảm tưởng an toàn pháp lý.
Lịch sử cho thấy nước Anh không phải là đất nước luôn có sự đồng thuận đầy lý tưởng mà tranh chấp quyền lợi theo giai cấp gây ra bao xung đột thường xuyên trong xã hội. Hoàng gia, quốc hội hay địa chủ luôn tìm cách bảo vệ quyền lợi của giai cấp mình thông qua việc áp dụng luật pháp. Trong khi nghiên cứu cách giải quyết tranh chấp trong xã hội các học giả đều cho rằng luật pháp chưa hề bị bẻ gấy để phục vụ cho bất kỳ một giai cấp nào trong suốt thờí kỳ từ thế kỷ XVI đến XVIII. Chính luật pháp đã bảo vệ tài sản của người dân tránh được sự lạm quyền của hoàng gia và kiêu căng của giới quý tôc.
Dĩ nhiên, không phải bất cứ lúc nào luật pháp cũng đem lại công bình tuyệt đối, nhưng ít nhất công bình trong thủ tục pháp lý đem đến cãm tưởng là ngưòi dân không bị coi là nạn nhân của bạo quyền. Giai cấp thống trị và đặc quyền đặc lợi trong xã hội thường tìm cách hợp pháp hoá các quyền lợi của mình và tìm cách ngăn ngừa những thế lực khác phân chia việc sử dụng những ưu quyền này. Nhưng luật pháp đem lại một giá trị mới cho mọi ngưòi dân Anh là họ hảnh diện nói là có quyền hưỏng tự do từ thuở lọt lòng (right of free borm Englishman). Edward P.Thompson đã nhắc lại ý niệm này khi cho rằng nhà cầm quyền, dù muốn hay không, khi tham gia vào trò chơi quyền lực, cho dù họ cố giử sao cho luật pháp phù hợp với quyền lợi của giai cấp của họ, nhưng điều quan trọng là họ không thể bẻ gẩy luật pháp hay hủy bỏ luật chơi.
Sir Edward Coke cũng diễn đạt tương tự khi ông nói rằng không phải chỉ có gia cấp thống trị sử dụng luật pháp nhằm ngăn chống mọi thứ hành sử bạo lực, (thí dụ như giam ngưòi vô cớ, sử dụng quân đội để trấn áp đám đông, tra tấn và các phương tiện bất công khác), mà chính luật pháp, tự nó, trong chừng mực nào đó, là phương cách để giải quyết các vấn đề xung đột giai cấp.
Thực tế cho thấy luật pháp của Anh qua hệ thống common law được hình thành là do cã một quá trình dài của lịch sử. Với hệ thống án lệ chặt chẻ và những luận giải phân minh nên khó có thể mà bất cứ ai, nhân danh bất kỳ lý do gì, để phá huỷ luật pháp một cách dễ dàng. Tranh chấp về luật đất đai hay luật bảo vệ tài sản là một thí dụ. Trước đây luật bảo vệ tài sản không quy định chặt chẻ, định nghĩa không rõ ràng, sau này đã được sửa đổi phù hợp và đưa vào áp dụng. Các tranh chấp luật pháp đều dựa trên những luật pháp thành văn do quốc hội thông qua và luật phong tục được chuẩn nhận.
Do đó, mọi tranh chấp luật pháp trưóc tòa án đều được thủ tục hoá rất cao độ, dĩ nhiên phí tổn cho thủ tục toà án trở nên quá đắt và vấn đề thủ tục hợp pháp trước toà án chính là điều khó khăn chủ yếu. Tranh tụng về quyền sở hữu đất đai đôi khi lại trở thành là vấn đề tranh chấp thuần về luật thủ tục trước tòa án.
Ý kiến thứ ba giải thích rằng chính Rule of Law đã đóng một vai trò quan trọng trong việc hoà nhập các giai cấp trong xã hội Anh và giúp dân Anh thoát ra các cuộc khủng hoảng sau khi Cách Mạng Pháp thành công. Điển hình là sư xung đột xã hội vào đầu thế kỷ XIX. Bất công xã hội lan rộng, giai cấp thống trị đã có ý định hủy bỏ khái niệm Rule of Law và thay đổi luật pháp nhắm áp đặt một cơ chế cai trị chuyên quyền bằng bạo lực. Họ đã bắt đầu đi theo chiều hướng này. Nhưng cuối cùng họ đành phải từ bỏ ý định mà trở về con đưòng hợp pháp vì thấy rằng không thể làm tiêu tan uy tín của chính quyền và làm lu mờ hình ảnh chính danh của luật pháp đã hình thành trong quá khứ.
Cải cách bầu cử và mở rộng việc thăm dò dư luận vào năm 1832 đã làm cho thanh danh của pháp luật và uy tín của nhà nước được hồi sinh. Chính luật cải cách năm 1832 đã đem lại giá trị cho luật pháp vì đó là một phương tiện nhằm giới hạn mọi xung đột chính trị và xã hội, và đặc biệt hệ thống tư pháp được cũng cố.
Tóm lại, Rule of Law la một thành tựu về văn hoá và lich sử trong cã một quá trinh dài trên 300 năm mà kết qủa là tất cả moị tranh chấp quyền lợi của mọi tầng lớp hoàng gia, quý tộc, điạ chủ, tá điền, công đoàn và thương giới đều được giải quyết bằng phương tiện luật pháp. Luật pháp là một sân chơi bình đẳng mà chính ngưòi cô thế trong xã hội cũng chấp nhận (fair play in the rule of law).
Nội dung học thuyết Rule of Law của Dicey
Dù Rule of Law là một khái niệm được hình thành và chấp nhận trong xã hội Anh qua chiều dài của lịch sử nhưng mãi đến cuối thế kỷ XIX vẫn chưa có môt học giả nào đưa ra một ý nghĩa chính xác về Rule of Law. Thực tế thì cũng chưa có ai xác định tầm quan trọng của chủ thuyết hiến định tại Anh và đặt vấn đề tìm hiểu tại sao hệ thống luật tại Anh có khà năng duy trì được trật tự công cộng và quyền tự do cá nhân trong xã hội. Dicey chính là người đầu tiên làm công việc này trong tác phẩm Introduction to the Study of the Law of the Constitution of 1885. Đây là một công trình mà giá trị của nó cho mãi đến nay không nhà nghiên cứu nào có thể vượt qua và vẫn luôn là một đề tài được học giới thảo luận.
Những luận điểm của Dicey đề ra đã chiụ nhiều ảnh hưởng tư tưởng của John Austin. John Austin cho rằng để tiếp tục duy trì, nhà nước cần có một cơ quan tối thượng mà quyền lực khó có thể định nghĩa trước một cách chính xác và không thể giới hạn. Khái niệm này được chấp nhận dễ dàng trong công luận, vì nội dung khái niệm quyền tối thượng này chỉ lập lại những nguyên tắc hợp hiến đã có trước đây.
Một trong những thành tựu xuất sắc của Dicey là tổng hợp và diễn đạt lại những ý tưởng của John Austin và luận cương chính trị của đảng Tự Do (Whig). Dicey cho rằng chính Rule of Law và quyền tối thượng của quốc hội làm nguyên tắc nền tảng của Hiến pháp Anh.
Tổng hợp hai luận điểm này, Dicey cho là khái niệm Rule of Law không có khả năng giới hạn quyền lực của toàn bộ guồng máy nhà nước mà chỉ giới hạn quyền lực của chính phủ. Lập luận này cho thấy khái niệm Rule of Law của Dicey rất gần với khái niệm Rechtsstaat của Đức, cũng được hình thành trong cùng thời kỳ. Rule of Law được coi như là một mô hình tốt đẹp nhất nhằm bảo vệ ngưòi dân chống lại những hành vi chuyên đoán của nhà nước. Nội dung của Rule of Law mà Dicey đề ra có thể được tóm luợc qua những nguyên tăc cơ bản như sau
Nguyên tắc thứ nhất là quyền tối thượng của Quốc hội được ông trình bày trong phần đầu trong tác phẩm. Quốc hội có thể làm luật hay hủy bỏ luật, không một cơ quan hay một cá nhân nào có quyền bỏ thẩm quyền này của Quốc hội. Thẩm quyền Quốc hội là tuyệt đối, vì mọi thay đổi thì chỉ gây hậu qủa là làm cho quyền này trở nên tương đối mà thôi. Chính tòa án cũng phải tôn trọng nguyên tắc này. Ý tưỏng này rất gần guỉ vơí luận thuyết của John Austin. Trong khi đó, tại các quốc gia khác ở châu Âu lại có khuynh hướng chia luật ra làm hai loại: luật Hiến pháp làm nền tảng và các loại luật khác. Ông cho rằng sự phân biệt này chỉ dựa trên tiêu chuẩn hình thức hoặc thủ tục lập pháp. Luật Hiến pháp tại Anh không hề đi sâu vào việc phân biệt quyền này. Nhưng ông lại phân biệt quyền tối thượng của quốc hội là thuộc về luật pháp chứ không liên hệ quyền tối thượng về chính trị, vì quyền chính trị thuộc về lãnh vực bầu cử mà nhà lập pháp hoàn toàn lệ thuộc vào việc kiểm soát chính trị qua các cuộc bầu cử.
Nguyên tắc thứ hai là quyền tự do của cá nhân phải là một quyền hiến định, một quyền mà nội dung chính là khái niệm Rule of Law. Thực ra, trước đây tự do cá nhân cũng đã được quy định trong các văn bản khác thí dụ như Habeas Corpus Writs. Nhưng trong tác phẩm này, ông thảo luận khá chi tiết trong phần tự do hội họp, tư do ngôn luận và xác nhận tính cách tối thượng của Rule of Law làm nền tảng cho trật tự hiến định của Anh. Theo ông, quyền tự do cá nhân có ba khía cạnh chủ yếu:
Khía cạnh thứ nhất là tinh cách hợp pháp của mọi hành vi, nghĩa là không ai có thể bị trừng phạt nếu không phạm pháp. Việc phạm pháp phải được tòa án điều tra và kết án theo đúng thủ tục. Nguyên tắc này nhằm tránh mọi sự lạm quyền và chuyên đoán không dựa trên cơ sở pháp luật của cơ quan chấp pháp.
Chính sự công nhận chủ thuyết tự do và đưa chủ thuyết này vào làm nội dung của Hiến pháp là một đóng góp quan trọng của ông. Rule of Law trở thành một nguyên tắc lập pháp, mà ý chính là mọi hành vi của chính phủ nhằm giới hạn vào quyền tự do cá nhân và tài sản đều phải dựa trên luật Hiến pháp.
Khía cạnh thứ hai đề cao nguyên tắc bình đẳng trước tòa án. Luật pháp được áp dụng cho tất cả mọi người không phân biệt thành phần, giai cấp hay trình độ. Đây là nguyên tắc đồng nhất dành cho mọi chủ thể pháp luật. Ông chú ý đến vai trò của tòa án trong xét xử. Khi đề cao Rule of Law như là một đặc điểm của Anh, thì không phải chỉ có ý là không một ai có quyền đứng trên luât pháp mà phải hiểu rằng bất kỳ ngườì dân nào, bất kể là thành phần nào trong xã hội, đều bị ràng buộc bởi pháp luật và chịu sự xét xử cuả tòa án trong thẩm quyền luật định. Qua đề xuất này ông gián tiếp chỉ trích sự lạm quyền của công chức trong việc áp dụng luật Hành chánh. Nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật tạo khả năng loại trừ mọi tham quyền cố vị, không tôn trọng luật pháp, đặc biệt là những ngoại lệ trong luật Hành chánh. Ông lấy luật Hành chánh của Pháp làm thí dụ.
Luật này tạo quá nhiều ngoại lệ khiến cho các công chức dể lạm quyền, khi có vấn đề thì họ chỉ chiụ trách nhiệm truớc toà án Hành chánh và thoát ra khỏi được sự kiểm soát của hệ thống pháp luật chung. Ông cho rằng không nên cho các công chức quá nhiều ưu quyền được miển truy cứu trách nhiệm khi so với ngưòi dân khác.
Dĩ nhiên, đây là một đề tài tranh luận về sự khác biệt nội dung luật Hành chánh tại Pháp và Anh. Nhưng nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật theo khái niệm Rule of Law của Anh thì ngưòi dân Anh sẽ được hưởng nhiều an toàn về mặt pháp lý hơn người dân Pháp. Ông cho rằng câu nói toà án là cơ quan tối thượng cho cả nưóc, điều này không đúng tại Pháp.
Khía cạnh thứ ba là nguyên tắc quyền tự do người dân phải đưọc toà an bào vệ. Sự bảo vệ này không phải bắt nguồn từ Hiến pháp mà còn qua các án lệ. Đây là một sư kiện lịch sử, nó biểu hiện một truyền thống đặc thù về commom law và Hiến pháp Anh.
Một câu nói khá quen thuộc và luôn luôn được lập lại để mô tả đặc tính Hiến pháp của Anh: ‘Hiến pháp không được làm sẳn mà hình thành do sự phát triển’. Ông đả phá quan điểm cho rằng chính phủ Anh là một sự phát sinh đột biến trong xã hội đầy xung đột mà thật ra là sự phát triển tiệm tiến qua ý chí và năng lực cùa con nguời. Pháp luật là một sản phẩm về ý chí của con người, không giống như cây cỏ chỉ vun trồng và tự nó lớn lên.
Ý ông muốn nói giá trị của luật Hiến pháp không thể phát triển tự nhiên, mơ hồ và không định hướng mà chính vai trò án lệ giúp cho tự do của người dân Anh được bảo vệ. Thành quả này phải kể đến sự góp sức của tòa án. Nếu quan điểm bảo vệ tự do này được hiến pháp các quốc gia châu Âu đề ra như một nguyên tắc, thì tại Anh, theo ông, ngược lại, chính là một phương thức thực hành, một hệ quả của quyền tự do cá nhân được tòa án minh thị và áp dụng. Phương cách áp dụng này cho thấy rằng không nên xem Hiến pháp Anh là một sự đột biến đầy sáng tạo mà là kết qủa của một hoạt động bình thường trong toà án thông qua án lệ.
Dicey lạc quan cho rằng các án lệ đều hoàn hảo và Hiến pháp Anh sẽ diễn biến tốt đẹp trong chiều hướng này. Để minh chứng, ông nêu lên sự khác biệt về nguồn gốc của Hiến pháp Anh và các quôc gia châu Âu. Khác hẳn với châu Âu, toà án tại Anh đã một thành tố quan trọng trong tiến trình lập pháp, chính toà án là nơi chuẩn nhận những quyền căn bản của ngưòi dân trong trong hệ thống common law.
Dĩ nhiên, Quốc hội và tòa án, với chức năng khác nhau, đều có đóng góp riêng trong sự phát triển này. Học giới châu Âu thường chỉ trích điểm yếu của Hiến pháp Anh là không thành văn bản, nên về mặt hình thức thì những quyền tự do cá nhân không được coi là do Hiến pháp quy định.
Dicey lập luận rằng sự chì trích này thiếu cơ sở. Thật ra, sự bảo vệ quyền căn bản của ngưòi dân, dù không minh thị qua một văn kiện cao nhất là Hiến pháp, mà thực tế các quyền này đã được tổng quát hoá qua những quyết định của toà án. Sự khác biệt này là về mặt nguồn gốc lập pháp và hình thức, nhưng thực tế cho thấyì sự hữu hiệu về bảo vệ quyền của ngưòi dân, dù ỏ Anh hay ở các nước khác tại châu Âu, đều giống nhau. Giá trị của những nguyên tắc hiến định không phải là những tuyên bố long trọng, mà là kết quả từ sự thực hành trong toà án. Không có hiến pháp thành văn không có nghĩa là người dân Anh gặp khó khăn hơn trong việc bảo vệ dân quyền.
Mối quan hệ giữa việc bảo vệ quyền cá nhân và Hiến pháp tại Anh hoàn toàn khác biệt với các quốc gia châu Âu, vì tại Anh, quy định quyền tự do bởi nhiều văn kiện khác nhau, thí dụ như Habeas Corpus và hệ thống án lệ. Hầu hết Hiến pháp các quốc gia châu Âu chú trọng việc định nghĩa quyền cá nhân và quan tâm nhu cầu bảo vệ quyền này, trong khi toà án Anh đề ra một khuôn khổ để áp dụng các quyền này theo hệ thống hiến định. Hiến pháp các nước trong châu Âu quy định quyền cá nhân trong Hiến pháp, nhưng sự thực ra chỉ là một sự diễn dịch từ nguyên tắc chung trong Hiến pháp, mà khi cần thiêt phải thay đổi Hiến pháp rất khó khăn, vì còn có vai trò của Quốc hội trong việc tu chỉnh.
Lịch sử chứng minh rằng tại Anh quyền tự do cá nhân được đảm bảo tốt hơn các quốc gia châu Âu vì lẽ toà án Anh với hệ thống án lệ nghiêm minh đã bảo vệ chặt chẻ các quyền này. Do đó, tất cả vấn đề bảo vệ quyền căn bản Hiến định đều giống nhau. Ờ Anh quyền tự do cá nhân đưọc công luận và học giới cảm nhận là một phần trong luật thông thường hơn là luật Hiến pháp. Dicey xác nhận Hiến pháp được quy định trên nền tảng cùa Rule of Law và quyền tối thượng của Quốc hội. Việc tạo thành hay hủy bỏ luật Hiến pháp không phải là kết quả của một thành quả cách mạng.
Những phản biện
Học thuyết của Dicey gây tiếng vang trong học giới, nhưng không có nghiã là được sự đồng thuận, mà ngược lại, gây ra nhiều tranh luận.
Một trong những phản bác đầu tiên phải kể đền là August Friedrick von Hyek. Ông cho rằng không hề có sự phù hợp giữa hai khái niệm Rule of Law và quyền tối thượng của Quốc hội như Dicey giải thích vì lịch sử của học thuyết hiến định cũng như lịch sử về chủ thuyết tự do là một cuộc đấu tranh chống quyền tối thượng và nhà nước toàn năng. Do đó, nên đặt ra một giới hạn thẩm quyền của Quốc hội, nếu không, thì quyền hạn và tự do của ngưòi dân dù thông qua hệ thống common law cũng có thể bị Quốc hội hủy diệt trong một sớm một chiều.
Georffrey De Q. Walker cho rằng quyền tối thượng của Quốc hội cũng không phải là một trong những nguyên tắc chính của Hiến pháp Anh. Dicey đem lại nhiều mơ hồ trong học thuyết hơn là khai sáng vấn đề vì không thể giảm bớt nội dung của Rule of Law vào việc luật pháp chỉ là chuyện chấp nhận luật (rule of recognition).
Khi giải thích Rule of Law, Dicey đề cao vai trò của Quốc hội và coi Quốc hội như là nguồn gốc tối hậu của mọi quyền hành và thoát khỏi những cưỏng chế về mặt luật pháp. Nếu theo chiều hướng giải thích này, mọi luật lệ khác đều mất đi ít nhiều giá trị. Khi cho rằng mọi hành vi của Quốc hội hầu như luôn luôn được tòa án chuẩn nhận là đúng, điều này nên nghi ngờ. Dicey không hề cứu xết đến những hậu quả pháp lý hay những uớc vọng chính đáng của cá nhân. Theo luận điểm này, Dicey đã đề cao quá mức quyền tối thượng của Quốc hội, đồng thời làm suy yếu việc bảo vệ quyền cá nhân.
Có học giả khác laị phê bình việc kết hợp hai nguyên tắc Rule of Law và quyền tối thượng của Quốc hội là một sai lầm, vì lẽ không những gây tương phản trong áp dụng và tác hại cho toàn bộ mô hình Hiến pháp, mà còn làm cho luật Hiến pháp Anh không là nền tảng chắc chắn. Ý kiến phản biện quy vào điểm chủ yếu là việc Dicey chỉ dựa vào luận thuyết của Austin để triển khai.
Một mặt, Dicey cổ vũ cho Quốc hội được quyền tối thượng trong sinh hoạt lập pháp, mặt khác, Dicey laị muốn đấu tranh cho tự do cá nhân thoát bỏ mọi chuyên chế theo mô hình của Hobbes. Tác phẩm của Dicey nên được coi như là một khởi thảo cho một mô hình của luật Hiến pháp và Rule of Law chỉ là một khuôn mẩu chỉ có giá trị nội tại giá trị được định hình và phát triển trong hệ thống của common law. Do đó, Rule of Law, tự nó, chỉ là một khẩu hiệu vô nghiả, và nội dung của nó chỉ là một trong những đặc điểm của luật Hiến pháp.
Ý kiến khác lại cho rằng luận thuyết của Diecey là một sản phẩm phản ảnh những suy tư trong bối cảnh văn hoá và chính trị lúc bây giờ. Lý do thứ nhất để giải thích là vào cuối thế kỷ XIX những xung đột trong hệ thống common law và luận thuyết Austin đang ở thời kỳ cao điểm, mà Austin chì chú trọng vào những hoạt động lập pháp.
Lý do thứ hai là một phần thuyết này bắt nguồn từ luận cương của Đảng Whig đang thắng cử từ năm 1866 cho đến 1884, hiển nhiên việc thắng cử làm vai trò của Quốc hội được nâng cao. Tác phẩm của Dicey, xuất phát từ trong bối cảnh đó, đã trở thành một tiêu chuẩn để giải thích cho mô hình Hiến pháp cho mãi đến sau khi đệ nhị thế chiến.
Những luận cứ bảo vệ
Hiền nhiên, Dicey rất hãnh diện truyền thống luật pháp Anh trên hai bình diện lý thuyết và lịch sử, điều này có thể hiểu được khi ông đánh giá về sự phát triển luật Hiến pháp Anh. Để trả lời những phản biện, Dicey cho rằng mốí quan hệ giữa Rule of Law và quyền tối thượng của Quốc hội không phải là mối quan hệ tự động, nhưng được hinh thành và phát triển ở Anh mà thôi. Ông lấy mô hình Hiến pháp của Pháp để so sánh. Quốc hội Pháp và Quốc hội Anh, về cơ bản thì giống nhau về quyền lực, nhưng khi hành sử thì Quốc hội Pháp đã biểu thị một tinh thần hoàn toàn khác biệt. Quốc hội Pháp, nói chung, có khuynh hướng can thiệp quá nhiều vào các vào các hoạt động hành chánh và không tin về sự độc lập của tư pháp.
Mặt khác, Quốc hội Pháp cũng nới tay để cho Hành pháp trong việc cai trị. Ngoài ra, còn có sự khác biệt về thái độ của Quốc hội Anh và Pháp trong mối quan hệ với công chức hành chánh. Công chức Anh mang tinh thần phục vụ Hoàng gia nhiều hơn, cho dù quyến lực của Quốc hội có tăng lên trong thực tế. Tinh thần phục vụ Hoàng gia cũng do truyền thống lịch sử và vì giới công chức Anh luôn có nghi ngờ đối với Quốc hội. Dù ở cương vị quyền tối thượng, Quốc hội Anh không can thiệp trực tiếp vào việc áp dụng luật pháp và không chủ trương cho các công chức hành chánh có quá nhiều quyền bải miển truy cứu khi ra toà án. Điều này thì Anh trái hẳn với Pháp.
Mối quan hệ giữa Hoàng gia, Quốc hội, chính quyền và tư pháp tại Anh không luôn luôn tốt đẹp mà là xung đột và thỏa hiệp, mà việc toà án và Quốc hội liên minh để chống lại Hoàng gia là một chứng minh. Việc này thuờng xày ra, mà căng thẳng là vào thế kỷ XVII và cao điểm nhất từ thế kỷ XVIII trở đi, liên hiệp Quốc hội và tòa án đã thắng thế và có nhiều thuận lợi hơn trong việc định hình cho luật pháp.
Dicey cho rằng chính những biến cố này cho thấy Quốc hội có khuynh hướng bảo vệ sự độc lâp của toà án, trong khi đó Hoàng gia nổ lực bảo đảm phương tiện cho hành pháp thi hành nhiệm vụ. Diễn biến của tình hình này khiến cho Quốc hội, dù có vai trò tôí thượng, nhưng chỉ có thể hành sử được quyền này khi liên minh được với tòa án. Mối quan hệ này trở thành lịch sử và định hình cho khái niệm của Rule of Law.
Một điểm khác gây tranh luận là sự so sánh giữa Rule of Law và nguyên tắc hợp pháp. Dicey trả lời rằng Rule of Law không thể bảo đảm tuyệt đối các quyền cơ bản của ngưòi dân mà chỉ tìm cách nhằm chống lại sự lạm quyền của chính quyền. Khi so sánh các quốc gia châu Âu trong thế kỳ XVII, Dicey cho rằng nhìn chung các nước không có đàn áp thô bạo, nhưng thực tế cho thấy không có nước nào có thể bảo vệ ngưòi dân một cách hoàn hảo trước bạo quyền. Nhưng nước Anh thì việc cai trị không xuất phát từ sự thành tâm cố hữu của chính quyền mà là từ nguyên tắc hợp pháp của luật pháp.
Rule of Law không trực tiếp đem lại một định nghiả chính xác nào cho quyền tự do của người dân mà chỉ nhằm giới hạn vào mục tiêu bảo đảm về những an toàn của luật pháp và những tiên đoán về hành vi của chính quyền.
Tự do được bảo đảm trong khuôn khổ của Rule of Law chỉ là một loại tự do còn sót laị trong hệ thống: tự do làm những gì mà luật pháp không cấm. Rule of Law không dựa vào các tuyên bố long trọng nhằm baỏ vệ quyền cơ bản cho người dân mà căn cứ vào nguyên tắc hợp pháp. Khi Quốc hội có thể hủy bỏ các quyền cơ bản của người dân được quy định trong Hiến pháp khi cần, thì chính Rule of Law với nguyên tắc hợp pháp sẽ chống lại sự lạm quyền của hành pháp, cho dù Rule of Law không thể bảo đảm tự do tuyệt đối cho người dân trong việc hành sử các tự do của họ. Theo ông, đấy chính là một nguyên tắc mà mọi can thiệp vào đời sống, tự do và tài sản phải được cho phép bởi luật pháp.
Dicey cho rằng Quốc hội làm luật chỉ là việc để đưa ra các ý chí chung của nhà lập pháp, nhưng khi giải quyết tranh chấp thì chủ yếu phải là việc nâng cao vai trò của tư pháp. Việc Hiến pháp có nên giới hạn quyền của Quốc hội hay không, ông không coi đó là điều quan trọng, mà mổi khi luật được ban hành đều phải được cơ quan hành chánh áp dụng đúng đắn và được cơ quan tư pháp theo dỏi.
Những nguyên tắc cơ bản của Hiến pháp Anh không chỉ là quyền tối thượng của Quốc hội mà chính là làm sao mà khi luật ban hành được toà án áp dụng theo đúng như quy định. Rule of Law và quyền tôí thượng của Quốc hội không có khả năng loại trừ nhau mà có ảnh hưởng cộng sinh. Trong tinh thần này, pháp luật sẽ được duy trì và phát triển.
Dicey đề cao vai trò tòa án trong việc điển chế hoá hệ thống án lệ, chính toà án là một thành lũy bảo vệ tự do cá nhân. Toà án không thể hủy diệt luật của Quốc hội, mà trong thực tế toà sẽ áp dụng luật nghiêm nhặt hay thông thoáng hơn khi cần thiết. Chính tòa án là nơi bảo vệ quyền căn bản của người dân được hữu hiệu nhất. Đó là ý chính của Dicey để minh chứng rằng hai nguyên tăc quyền tối thượng của Quốc hội và vai trò tòa án bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ người dân.
Thành công của Dicey trong tác phẩm này là một sư tổng hợp giữa hai khuynh hướng về hệ thống common law và truyền thống của chù nghĩa tự do, làm hồi sinh lại huyền thoại về common law, những giá trị luật pháp cổ truyền khác và các căn bản giá trị của chủ thuyết tự do. Trong khuôn khổ giải thích này, Dicey khẳng định sự vi phạm những quyền hiến định có thể xảy taị Anh, nhưng không thể xáo trộn đến mức độ đưa tới một cuộc cách mạng triệt để làm thay đổi toàn bộ hệ thống luật pháp.
Dicey áp dụng luật Habeas Corpus để luận giải vấn đề. Luật Habeas Corpus được ban hành lần đầu tiên vào thời của Charles II, nhằm baỏ vệ những ngưòi bị bắt giam vô cớ. Luật này được tu chỉnh dưới thời George III và nới rộng hơn việc bảo vệ liên quan đến thủ tực tố tụng hình sự. Tòa án có quyền yêu cầu cơ quan chấp pháp làm rõ việc giam người và làm nhanh thủ tục xét xử. Dicey cho rằng việc áp dụng luật Hebeas Corpus của toà án đã tăng giá trị cho luật Hiến pháp hơn là Quốc hội. Thực tế cho thấy đây là điều không dễ dàng.
Trong thời kỳ hổn loạn chánh trị, việc bắt nghi can phạm pháp của cơ quan chấp pháp tăng nhanh. Việc sốt sắng này gây cho toà án nhiều ngờ vực nên đã áp dụng luật chặt chẻ hơn. Tranh chấp đã xảy ra đến mức Quốc hội phải can thiệp bằng cách ra luật đình chỉ việc thi hành luật Habeas Corpus để giúp cho chính quyền làm tốt hơn việc trị an, nhất là liên hệ tới các vụ việc vi phạm an ninh và phản quốc ở mức trầm trọng. Vấn đề là tìm cách giải thích thế nào là tính cách khẩn cấp và gây nguy hại cho an ninh quốc gia, nhưng trong chừng mực nào thì quyền an toàn của người dân phải được bảo vệ.
Đây cũng là một đề tài tranh luận quen thuộc trong học giới mà ở bất cứ nuớc nào cũng có. Việc đình chỉ thi hành luật không được phép hiểu là hợp pháp hoá mọi hành vi bắt người trái phép, nhưng giới hạn việc can thiệp của toà án trong thời kỳ biến động và đem lại niềm tin cho các cơ quan chấp pháp trong khi thi hành công vụ, nhưng lại cho thấy đây chính là sự biểu hiện quyền tối thượng của Quốc hội.
Theo Dicey, Quốc hội có quyền theo dõi các hoạt động của tòa án, nếu không, thì quyền tôí thượng của Quốc hội sẽ không còn ý nghiả. Khi Quốc hội ra các đạo luật đình chỉ thi hành luật Habeas Corp thì cũng phải theo đúng thủ tục pháp định. Việc đình chỉ không phải là những bảo vệ hiến định về quyền công dân trong các thủ tục về tố tục hình sự hoàn toàn vô giá trị, mà thực tế toà án vẫn tiếp tục baỏ vệ an toàn cho ngưòi dân trong các thủ tục xét xử và chỉ làm giảm đi những hậu qủa về mặt bảo vệ nhất thời trong tình hình an ninh nguy kịch. Dicey cho rằng tòa án không thể áp dụng luật quá cứng ngắt mà không chú trọng đến khí cạnh an nguy của đất nước và xem đây là những ngoại lệ.
Dicey kết luận rằng quyền tối thượng của Quốc hội và khái niệm Rule of Law bổ sung cho nhau. Quyền tối thượng giúp cho Rule of Law định hình và phát triển và ngược lại chính Rule of Law đòi hỏi Quốc hội cũng phải theo đúng nguyên tắc hợp pháp. Điểm chủ yếu mà ông theo đuổi là đã phá vai trò của toà án hành chánh và các quyền bải miễn truy cứu cho công chức, một một mối nguy cơ trong hệ thống pháp luật, nằm ngoài phạm vi bảo đảm của common law cũng như ý chí của nhà lập pháp.
So sánh giữa Rule of Law và Rechtsstaat
Khái niệm Rechtsstaat là môt công trình mà các học giả Đức đã tiếp thu từ các học thuyết của Locke, Rousseau và Montesquieu rồi vận dụng vào hoàn cảnh của Đức sau thời kỳ khai sáng. Quan tâm chủ yếu của học giới Đức vào cuối thế kỷ XVIII là cho dù ý chí của nhà lập pháp trong việc bảo vệ quyền tự do của người dân có mạnh đến đâu, thì nó cũng không đủ để việc áp dụng được hữu hiệu hơn.
Một lý do khác là một trật tự nhằm bảo đảm tự do không thể chỉ dựa trên quyền tối thượng của Quốc hội, vì lẽ Quốc hội có khả năng và ý chí hủy diệt quyền này khi cần. Từ giữa thế kỷ XIX các học giả Đức như Lorenz von Stein và Otto Bähr đã tổng hợp khái niệm của Hobbes và Montesqiueu để định hình cho vai trò của nhà nước mà quan trọng nhất là họ đã vận dụng thành công nguyên tắc tam quyền phân lập. Thành quả này làm cho các vai trò bộ máy nhà nưóc được xác minh.
Từ cuối thế kỷ XIX khái niệm Rechtsstaat thể hiện rỏ hơn trước vì nguyên tắc hợp pháp không những áp dụng cho cơ quan tư pháp trong việc xét xử, mà còn cho các cơ quan hành chánh. Về sau, Rodolf von Jhreing với học thuyết nhà nưóc tự giớí hạn và Georg Jellinik với học thuyết về tố quyền của người dân như là một chủ thể pháp luật đã bổ sung làm cho giá trị Rechtsstaat được gia tăng. Dĩ nhiên, với ý thức tôn trọng luật pháp của dân chúng và những yếu tố văn hoá và lịch sử đã làm thuyết này được áp dụng thành công.
Về cơ bản, Rule of Law không quá cách biệt với Rechtsstaat trong việc xác định quyền của tự do cùa người dân là một quyền hiến định. Trong một nhà nước hiện đại, các khái niệm luật pháp đều mang tính phổ quát, hình thức, hợp lý và hợp pháp trong sư kết hợp với chủ thuyết tự do cá nhân được quy định trong Hiến pháp. Nhưng làm sao dung hoà được sự bảo vệ quyền tự do với quyền lực của nhà nước và vai trò Quốc hội, đó là ở điểm khác biệt.
Việc áp dụng Rule of Law có phần khác với Rechtsstaat. Dicey không công nhận luận thuyết của Montesqiueu về tam quyền phân lập và sự tùy thuộc của Quốc hội vào Hiến pháp là phù hợp với Anh, nhưng theo ông, Rule of Law phải dựa vào nguyên tắc hợp pháp và có trách nhiệm theo dõi sự lạm quyền của hành pháp. Đây là điểm tương đồng của cả hai.
Nhưng điểm dị biệt là Rule of Law và quyền tối thượng Quốc hội bổ sung cho nhau trong việc bảo vệ tự do và Rule of Law được hữu hiệu hay không nhờ vai trò toà án. Đó là sự khác biệt giữa Dicey, Montesquieu và Rousseau.
Theo Dicey, luận thuyết của Montesquieu và Rousseau không thuyết phục vì quan điểm về một nền tư pháp độc lập là một điều trái ngược truyền thống Anh. Ông không tin vào vai trò trung dung của toà án mà toà án chỉ là một phương cách thực hành ý chí của nhà lập pháp.
Kinh nghiệm cho thấy việc áp dụng luật pháp không thể coi là máy móc, nhưng nhờ có một hệ thống án lệ hoàn chỉnh của common law giúp cho việc bảo vệ dân quyền được tốt hơn. Nguyên tắc của Rule of Law chỉ là một khởi đầu trong tiến trình dài để phát huy dân chủ. Nhưng đâu là sự chính thống của luật pháp? Sự chính thống này không phải là hiển nhiên mà có, cũng không phải vì Quốc hội Anh có tính chất dân chủ mà có.
Theo Dicey, vấn đề tùy thuộc vào mức độ áp dụng luật pháp tại toà án. Chính tòa án xét nguyên tắc hợp pháp của luật pháp, lúc đó mới xác định được là luật pháp có dân chủ và chính thống hay không. Đặc điểm này chỉ có được trong truyền thống của common law.
Rechtsstaat mang tham vọng sâu xa hơn khi đề cao tố quyền của ngưòi dân trong trường hợp chính quyền vi phạm vào các quyền tự do cơ bản và chú trọng về luật nội dung hơn là luật thủ tục. Sau chiến tranh kết thúc, nhiều học giả Đức lại càng lý tưởng hoá vấn đề hơn, khi có ý định mở rộng phạm vi áp dụng tố quyền của người dân trong các vấn đề an sinh xã hội.
Kết luận
Dicey đem lại một nội dung cho Rule of Law, mặc dù công trình không hoàn hảo, vì thiếu luận cứ triết học vững chắc và không phân biệt rõ giữa lý thuyết về luật Hiến pháp và những khiá cạnh thuộc về thể chế. Dicey lập luận rằng toà án phải áp dụng nguyên tắc hiến định khi xét xử, nhưng ông không chú tâm đúng mức tới vấn đề giới hạn quyền lực của chính phủ và Quốc hội. Dicey đề cao hệ thống pháp luật của Anh khi so sánh với các quốc gia dân chủ phương Tây khác cùng thời kỳ.
Tuy nhiên, để đánh giá sự thành tựu khái niệm Rule of Law đúng đắn hơn, chúng ta cần xét đến vai trò của văn hóa và giáo dục trong việc nâng cao trình độ kiến thức và ý thức của ngưòi dân, đó là những đóng góp đang kể làm cho khái niệm Rule of Law có được như ngày nay.
Ein Gedanke zu “Khái niệm Rule of Law của Anh”