Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

Ngay sau khi Mikhail Gorbachev vừa từ trần, báo chí quốc tế thi nhau tranh luận về di sản lịch sử của ông. Trong khi các cơ quan truyền thông của Nga cáo buộc người quá cố là phải chịu trách nhiệm cho sự suy tàn của Liên Xô, thì các nhà bình luận ở các nước khác tỏ ý tiếc nuối cho Nga khi các cơ hội xây dựng hoà bình đã bị bỏ lỡ. Sau đây là phần tuyển dịch.
***
Népszava, một nhật báo ở Hung, cho rằng Nga vẫn sẽ học cách đánh giá cao về Gobachev.
„Không chỉ chúng ta là những người hưởng lợi từ chính trị công bằng do Gorbachev, mà cả người Nga, những người trong hai thập niên sau đó được phép phát biểu và cảm thấy tự do lần đầu tiên trong lịch sử của họ.
Trong nhiều thế kỷ, họ đã bị dẫn dắt để tin rằng họ nên sợ thế giới bên ngoài. Cuối cùng, họ có thể tự mình nhìn thấy châu Âu thực sự như thế nào, nơi họ luôn thầm muốn đến.
Nhưng khi Gorbachev ra tranh cử trong một cuộc bầu cử tổng thống tự do vào năm 1996, ông chỉ nhận được một nửa số phiếu bầu. Hậu thế sẽ biết ơn nhiều hơn“.
The Irish Examiner, nhật báo Ái Nhĩ Lan, nhận xét là tình trạng khó khăn ngoại giao đã thoát khỏi, bởi vì không có lễ quốc táng dành cho Gorbachev, các chính trị gia phương Tây không cần phải quyết định là có phải tham dự hay không.
„Có tiềm năng cho biểu tượng rất mạnh mẽ ở đây – không chỉ trong câu hỏi về sự sắp xếp chỗ ngồi. Các nhà lãnh đạo chính trị phương Tây chỉ đơn giản là không tham gia vào trong một cảnh tượng được Putin dàn dựng. Nếu họ làm như vậy, họ sẽ có nguy cơ bị định vị là những người ủng hộ chế độ Putin.
Nếu họ phải từ chối lời mời chính thức – điều bắt buộc – họ có thể bị cáo buộc là xúc phạm việc tưởng niệm Gorbachev và do đó chính nước Nga bị sĩ nhục. Vì vậy, trong thời gian rất khó khăn này có ít phức tạp hơn.”
Trong nhật báo Libertatea ở Roumänie, nhà văn Vasile Ernu thương tiếc về một thời gian vinh quang khi mà hầu như không ai sẽ đến dự đám tang.
„Chắc chắn ‚Kỷ nguyên Perestroika‘ là kỷ nguyên toàn cầu cuối cùng của ’những người khổng lồ chính trị cũ‘ – chính trị có tầm cỡ lịch sử, nó được mang theo bởi hy vọng và ý nghĩa, bởi tinh thần nhân bản và sự đoàn kết của con người.
Nhưng nó đã bị đánh bại – và bây giờ đến trả thù. Bây giờ chúng ta đang ở trong thời đại của ’những người lùn chính trị‘, đầy oán giận, thù nghịch, ngu ngốc, không khả năng, hoài nghi, ích kỷ và nhỏ nhen. …
Nếu không có chiến tranh, tất cả các nhà lãnh đạo trên thế giới có lẽ sẽ đến dự đám tang của Gorbachev. Bây giờ chúng ta thậm chí không biết liệu người đứng đầu điện Kremlin hiện tại có đến hay không. Thực sự, một kỷ nguyên cuối cùng đã kết thúc“.
Cơ quan thông tấn của nhà nước Nga Ria Novosti phê bình Gorbachev là chỉ mang lại lợi ích cho phương Tây.
„Ông ấy không muốn sự tan rã của đất nước, nhưng không ai gây ra cho đất nước nhiều đau khổ như nhà cải cách vụng về và thiếu khôn ngoan này.
Cho đến ngày nay, chúng ta tiếp tục loại bỏ hậu quả của sự thống trị đầy thảm khốc của Gorbachev. Chúng ta sẽ phải sửa chữa chúng trong một thời gian dài sắp tới, ít nhất là những hậu quả có thể còn sửa chữa được.
Nhưng phương Tây đã được hưởng lợi từ công việc của Gorbachev, nếu chỉ trong một giai đoạn lịch sử ngắn. Và bây giờ phương Tây vẫn đang sử dụng cái chết của Gorbachev như một cơ hội để chiến đấu cho tương lai của Nga. …
Phương Tây đang đặt cược vào một Perestroika mới rằng Nga muốn trở thành một phần của ‚thế giới văn minh‘ một lần nữa và thay đổi chính mình và chính sách đối ngoại của mình“.
Niềm vui khi kẻ khác bị thiệt hại là quá lớn. Trên trang mạng của France Inter, Pháp, nhà báo Pierre Haski giải thích lý do tại sao quan điểm của vị nguyên thủ quốc gia cuối cùng của Liên Xô lại quá mâu thuẫn như vậy ở Nga ngày nay và ở các nước phương Tây:
„Mikhail Gorbachev đã quyết định từ rất sớm để cho phép khối Liên Xô cũ tự giải thể. Ông đã có một dự án: đó là ‚Ngôi nhà chung cho châu Âu‘, nhằm vượt qua lối tư duy phân chia theo khối.
Phương Tây không muốn biết về điều này, bởi vì Phương Tây quá hạnh phúc về sự kết thúc của thời Chiến tranh Lạnh và sau đó là Liên Xô. Các đối thủ Nga của Gorbachev vẫn cáo buộc ông về sự hiểu lầm này hoặc cuộc trao đổi tồi tệ vào năm 1991.
Do đó, cái tên Gorbachev được phương Tây tôn kính và chế giễu ở Nga. Cái chết của Gorbachev giữa cuộc chiến Ukraine là biểu tượng cuối cùng của điều này „.
Vai trò của cá nhân được đánh giá quá cao. Trong nhật báo Eesti Päevaleht tại Estland, nhà khoa học chính trị Karmo Tür tự hỏi rằng liệu Gorbachev thực sự có dây cương trong tay đến mức nào:
„Trong và sau khi Liên Xô sụp đổ, Mikhail Gorbachev đã trở thành một biểu tượng của tự do cho một số người và là biểu tượng của sự diệt vong cho những người khác.
Nhiều tiến trình lịch sử trở nên già dặn từ lâu trước khi một người nắm vai trò lãnh đạo, sau đó trở thành một biểu tượng. Trong sự kém hiệu quả của mình, Liên Xô, từ lâu đã ở trong một vòng lẩn quẩn của trì trệ và diệt vong.
Guồng máy tự do của Gorbachev phải được chăm thêm dầu để hoạt động, nhưng thay vào đó, lại tiết ra máu. Liên Xô có thực sự sụp đổ vì Gorbachev hay chỉ trong nhiệm kỳ của ông ấy?
Di sản độc hại của những người tiền nhiệm tiếp tục gây hiệu ứng. Nguồn gốc của nhiều tệ nạn ở Nga ngày nay bắt nguồn từ thời điểm trước chính quyền của Gorbachev, The Irish Times, nhật báo phát hành tại Ái Nhĩ Lan, bình luận:
„Gorbachev bị đổ lỗi cho tất cả mọi thứ xảy ra sau ông: tình trạng khan hiếm, hỗn loạn kinh tế, sự trỗi dậy của chế độ cướp bóc hiện đang cai trị nước Nga, tái quân sự hóa và sự hồi sinh của chủ nghĩa dân tộc Nga vĩ đại gây bực dọc. …
Nhưng tất cả những điều này trên thực tế là di sản độc hại của những người tiền nhiệm Gorbachev. Tình trạng này đã ăn sâu vào xã hội Nga đến nỗi ngay cả cuộc cách mạng cũng không thể xoá bỏ. …
Các dự án quy mô của Perestroika và Glasnost, tái thiết và mở cửa, nhằm mang đến cho quốc gia cơ hội để thay đổi mà nó rất cần. Những cơ hội cuối cùng đã không được nắm bắt „.
Gorbachev muốn điều không thể. Những cải cách cơ bản của Gorbachev đối với Liên Xô buộc phải sẽ dẫn đến việc kết thúc, mặc dù ông không muốn, BBC nhận xét:
„Bản thân Gorbachev đã nhìn thấy di sản của mình như thế nào? Ông nói rằng việc chấm dứt hệ thống toàn trị và Chiến tranh Lạnh và tháo dỡ vũ khí hạt nhân là đúng đắn.
Nhưng ông cũng phàn nàn về cuộc đảo chính năm 1991 và sự kết thúc của Liên Xô. Thực tế là sự sụp đổ này vẫn được nhiều người Nga ghi công cho Gorbachev.
Mặc dù Mikhail Gorbachev là một chính trị gia thực dụng và lý trí, ông đã không nhận ra rằng không thể thúc đẩy các cải cách của mình mà không phá hủy một hệ thống cộng sản tập trung mà hàng triệu người ở Liên Xô và hơn thế nữa không còn muốn nữa“.
Điều quan trọng là những gì Gorbachev đã không làm. Đối với Denik N, nhật báo tại Tiệp Khắc, cái chết của Mikhail Gorbachev đánh dấu sự kết thúc của thế kỷ 20:
„Cùng với Ronald Reagan, Margaret Thatcher, François Mitterrand và Helmut Kohl, về cơ bản Gorbachev đã định hình cho tám thập niên. …
Theo quan điểm của Prague, không bao giờ được quên rằng Gorbachev về cơ bản đã gây ảnh hưởng đến chúng ta bởi những gì mà Gobachev không làm, mặc dù có thể đã làm điều đó.
Khi Gobarchev quyết định rằng Liên Xô sẽ không còn ủng hộ độc quyền quyền lực của những người Cộng sản Tiệp Khắc, chúng ta đã được trao một cơ hội khác để đi theo con đường của riêng mình „.
Người đàn ông của hòa bình chết trong thời chiến. Cuộc chiến của Putin chắc hẳn là một cơn ác mộng đối với Gorbachev, La Stampa, nhật báo tại Ý, tin rằng:
„Có một điều gì đó mang tính biểu tượng về việc Mikhail Gorbachev chết ngay khi nước Nga Xô mà ông đã cố gắng cứu vớt trong hòa bình đang nổi lên từ đế chế Liên Xô chìm trong máu và sự xấu hổ. …
Đối với Gobarchev, cũng như đối với Vladimir Putin, sự kết thúc của Liên Xô là bi kịch trọng đại nhất của thế kỷ 20. Nhưng không giống như nhà lãnh đạo Nga hiện tại, tổng thống Liên Xô đầu tiên và cuối cùng đã chọn hòa bình làm ưu tiên cho sứ mệnh chính trị và con người của mình.
Và không thể có hình phạt nào tồi tệ hơn đối với Gobarchew ngoài việc chết khi biết rằng đất nước đang ném bom ở Ukraine, là nơi sinh trưởng của mẹ ông ta“.
Laura Starink, chuyên gia về Nga viết cho NRC Handelsblad, nhật báo tại Hà Lan, cho là những phát triển hiện tại không nên đổ lỗi cho Gorbachev, người theo thực dụng với nhiệm vụ to lớn.
„Gobarchev là một người thực dụng hơn, người hiểu rằng chủ nghĩa cộng sản đã mang lại tình trạng khốn khổ nghiêm trọng cho đất nước.
… Nhưng hiện đại hóa đất nước sau một thế kỷ bị áp bức đã chứng tỏ là một nhiệm vụ nặng nề. Và việc chuyển đổi một nền kinh tế nhà nước thành một thị trường tự do cũng là một con số quá lớn đối với Gorbachev.
Những gì bắt đầu như một cuộc cải cách của một hệ thống đã kết thúc với sự tan rã của một cường quốc thế giới và sự sụp đổ của một đế chế thực dân.
Việc Putin, được Yeltsin giao phó thừa kế ngai vàng, không thể chấp nhận điều này và hiện đang cố gắng quay ngược thời gian bằng một cuộc chiến tàn khốc mà không thể đổ lỗi cho Gorbachev“.