Đỗ Kim Thêm dịch

Mặc dù thật thu hút khi nghĩ rằng Ukraine sẽ vẫn an toàn nếu chỉ giữ được đầu đạn hạt nhân thời Liên Xô, nhưng việc đóng khung vấn đề là quá đơn giản. Cuối cùng, tất cả các quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều hơn về lâu dài từ một chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân mạnh mẽ hơn là sở hữu kho vũ khí của riêng họ.
Khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Ukraine được thừa hưởng một phần kho vũ khí hạt nhân của mình. Nhưng trong Bản giác thư Budapest năm 1994, Ukraine đã đồng ý trả lại những vũ khí này cho Nga để đổi lấy „sự đảm bảo“ của Nga, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ tôn trọng chủ quyền và biên giới. Nga đã trơ trẽn vi phạm lời hứa này khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, và xé bỏ Bản ghi nhớ bằng cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào ngày 24/2. Nhiều nhà quan sát đã kết luận rằng Ukraine đã phạm một sai lầm định mệnh khi đồng ý từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình (từng là lớn thứ ba thế giới). Họ có đúng không?
Vào đầu những năm 1960, Tổng thống Hoa Kỳ John F. Kennedy dự đoán rằng ít nhất 25 quốc gia sẽ có vũ khí hạt nhân vào thập kỷ sau. Nhưng vào năm 1968, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã đồng ý với một hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để hạn chế vũ khí hạt nhân cho năm quốc gia đã có chúng (Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Trung Quốc). Ngày nay, chỉ có chín quốc gia có chúng – năm quốc gia kết ước trong các bên ký kết hiệp ước cộng với Israel, Ấn Độ, Pakistan và Triều Tiên – nhưng có nhiều „quốc gia nằm trong ngưỡng“ hơn (các quốc gia có khả năng công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân nhanh chóng) xem xét lựa chọn này.
Một số nhà phân tích cho rằng phổ biến vũ khí hạt nhân có thể là một điều tốt, bởi vì một thế giới của loài nhím được trang bị vũ khí hạt nhân sẽ ổn định hơn một thế giới của những con sói hạt nhân và thỏ không vũ trang. Theo quan điểm của họ, Nga sẽ không dám xâm lược một Ukraine được trang bị vũ khí hạt nhân. Hơn nữa, họ đặt câu hỏi tại sao một số quốc gia nên có quyền đối với vũ khí hạt nhân trong khi những quốc gia khác thì không.
Những người khác ủng hộ việc bãi bỏ tất cả vũ khí hạt nhân, một mục tiêu được ghi nhận trong Hiệp ước cấm vũ khí hạt nhân của Liên Hiệp Quốc năm 2017, có hiệu lực vào năm 2021. Hiện nay, hiệp ước có 86 nước ký kết và 66 các phe (mặc dù không có quốc gia nào trong số chín quốc gia có vũ khí hạt nhân đã ký).
Những người hoài nghi về phương cách này cho rằng trong khi bãi bỏ hạt nhân có thể là một khát vọng dài hạn xứng đáng, nhưng những nỗ lực để đạt được điều đó quá nhanh có thể làm tăng sự bất ổn và khả năng xảy ra xung đột. Họ duy trì lập luận là một thách thức đạo đức thực sự không phải do sự tồn tại của vũ khí hạt nhân mà là xác suất sử dụng chúng. Có thể sẽ tốt đẹp hơn nếu nhân loại trong những năm 1930 không học cách khai thác sức mạnh của một nguyên tử bị tách ra; nhưng kiến thức đó không thể bị bãi bỏ, vì vậy tốt hơn là tập trung vào việc làm giảm thiểu các rủi ro sử dụng nó trong binh pháp.
Giả sử rằng bạn sống trong một khu lân cận phải chịu đựng những vụ đột nhập, trộm cắp và hành hung tàn khốc liên tục. Một ngày nọ, một trong số người hàng xóm của bạn quyết định trang bị cho ngôi nhà của họ các chất nổ lớn và dây gai, đồng thời dán các biển cảnh báo để ngăn chặn những kẻ xâm nhập. Vấn đề là nếu các thiết bị này được sử dụng, ngôi nhà của bạn cũng sẽ bị hư hỏng. Tuy nhiên, cũng có những nguy hiểm đáng kể trong việc cố gắng tháo dỡ hệ thống trong thời gian ngắn.
Bạn sẽ làm gì? Bạn có thể yêu cầu hàng xóm của mình chỉ sử dụng hệ thống để bảo vệ chống lại những kẻ xâm nhập và không dùng để đe dọa người khác. Bạn có thể khuyến khích họ lắp đặt các thiết bị để giảm nguy cơ các tai nạn và yêu cầu bồi thường cho rủi ro mà họ áp đặt cho bạn bằng cách đưa ngôi nhà của bạn vào trong các dấu hiệu cảnh báo của họ. Và bạn có thể thuyết phục họ thực hiện các bước để tháo dỡ hệ thống vào một thời điểm nào đó trong tương lai, khi có thể tìm thấy các phương tiện tương đối an toàn.
Bằng cách tương tự thô sơ, đây là những loại điều kiện được quy định trong Hiệp ước năm 1968 về không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), và đó là lý do tại sao cuộc xâm lược của Nga tại Ukraine rất tai hại. Nga không chỉ ngang nhiên vi phạm bảo đảm an ninh của mình theo Bản giác thư Budapest; mà còn đã ám chỉ về sự leo thang hạt nhân để ngăn chặn những người khác viện trợ cho Ukraine. Do đó, việc này đang làm suy yếu điều cấm kỵ chống lại việc coi vũ khí hạt nhân là vũ khí chiến đấu bình thường – một quy ước mà Thomas Schelling, nhà kinh tế đoạt giải Nobel, gọi là chuẩn mực toàn cầu quan trọng nhất kể từ năm 1945.
Nhưng sẽ là một sai lầm nếu phóng đại tác hại mà cuộc xâm lược Ukraine đã gây ra cho chế độ không phổ biến vũ khí hạt nhân. Những người nghĩ rằng cuộc xâm lược sẽ dạy cho các quốc gia khác rằng họ sẽ an toàn hơn nếu họ có vũ khí hạt nhân, đó là một điểu đang đơn giản hóa quá mức lịch sử. Người ta không thể cho rằng sẽ không có gì xảy ra nếu Ukraine giữ vũ khí hạt nhân thời Liên Xô.
Rốt cuộc, những vũ khí như vậy không sẵn sàng để sử dụng „ngoài lề“. Vật liệu phân hạch trong các tên lửa tầm xa của Liên Xô đang đóng ở Ukraine sẽ phải được loại bỏ, định hình lại và tái sử dụng theo mục tiêu khác. Điều đó không chỉ mất thời gian và chuyên môn mà còn có thể đẩy nhanh sự can thiệp của Nga. Khi các quốc gia đạt đến ngưỡng tạo ra hạt nhân, họ bước vào một “lĩnh vực gây ra tình trạng bị tổn thương“, nó có thể làm giảm an ninh của họ và làm tăng sự bất ổn chung. Ngay cả khi trong một khu vực mà khả năng răn đe ổn định có thể tưởng tượng được, có thể rủi ro rất cao khi cố gắng đi từ tình trạng hiện nay để đến tình trạng này.
Một số nhà lý thuyết cho rằng vũ khí hạt nhân khuyến khích sự thận trọng giữa các cường quốc, bằng cách cho họ một „quả cầu pha lê“ để thấy trước sự tàn phá sẽ xảy ra sau chiến tranh hạt nhân, sự lan rộng của vũ khí hạt nhân cũng sẽ tạo ra sự ổn định tương tự giữa các đối thủ nhỏ hơn trong khu vực. Các loại hạt nhân như con nhím sẽ hoạt động như thỏ, không phải sói.
Nhưng không phải tất cả các khu vực đều giống nhau về rủi ro leo thang, và không thể giả định rằng tất cả các nhà lãnh đạo sẽ có trí tuệ để sử dụng những quả cầu pha lê của họ. Các khu vực khác nhau về số lượng các cuộc nội chiến và các chính phủ bị lật đổ, sự kiểm soát dân sự của quân đội, an ninh thông tin liên lạc và các giao thức kiểm soát vũ khí. Nếu những nước có khả năng nới trong việc phổ biến vũ khí hạt nhân có nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân cao hơn – ngay cả khi vô tình – họ và các nước láng giềng sẽ càng trở nên bất an hơn trong „lĩnh vực có thể gây ra tình trạng dễ bị tổn thương“.
Cuối cùng, khi vũ khí hạt nhân phát triển, cơ hội sử dụng không lường được hoặc vô tình hoặc có xu hướng tăng lên, việc xử lý các cuộc khủng hoảng hạt nhân tiềm ẩn trở nên phức tạp hơn và việc thiết lập các biện pháp kiểm soát một ngày nào đó có thể giúp giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chính trị thế giới trở nên khó khăn hơn. Nói tóm lại, khi vũ khí được cho là phòng thủ càng lan rộng lớn hơn, thì nguy cơ làm nổ tung toàn bộ các láng giềng càng cao. Bài học thực sự từ cuộc chiến của Nga ở Ukraine là chúng ta phải củng cố Hiệp ước NPT hiện có và kiềm chế các hành động làm xói mòn nó.
***
Joseph S. Nye, Jr. giáo sư Đại học Harvard và là tác giả của Do Morals Matter? Tổng thống và Chính sách Đối ngoại từ FDR đến Trump (Nhà xuất bản Đại học Oxford, 2020).
3 Gedanken zu “Liệu cuộc chiến tranh Ukraine có thúc đẩy việc phổ biến hạt nhân?”