History
Jessica Pearce Rotondi
Đỗ Kim Thêm dịch
Với tư cách Ngoại trưởng của Nixon, Kissinger vừa leo thang vừa cố chấm dứt chiến tranh.

Là cố vấn cho Tổng thống John F. Kennedy, sau đó là Cố vấn An ninh Quốc gia (1969-75) và Ngoại trưởng (1973-77) cho Tổng thống Richard Nixon, Henry Kissinger chịu trách nhiệm đưa ra các quyết định quan trọng liên quan đến chiến tranh Việt Nam. Ông giữ bí mật về vụ ném bom Mỹ tại Campuchia trước Quốc hội, nhưng đã đoạt giải Nobel cho việc đàm phán Hoà ước Paris năm 1973 dẫn đến việc ngừng bắn. Hai năm sau, hòa bình đã thất bại.
Sự tinh tế của ông đối với việc ngoại giao bí mật đã mang lại cho ông cả sự hoan nghênh và gièm pha, nhưng di sản của Việt Nam, mà ông gọi là „một trải nghiệm quốc gia bi thảm“, đã ám ảnh ông rất lâu sau chiến tranh.
Kissinger và Nixon
Trong cuốn sách Ending the War in Vietnam, Kissinger tự mô tả mình bị „lôi kéo vào vòng xoáy“ của chiến tranh Việt Nam, từ một người „chỉ gặp Tổng thống đắc cử một lần và sau đó chỉ trong vài phút“ để trở thành „cố vấn chính cho tổng thống về chính sách thoát khỏi Việt Nam và cuối cùng là nhà đàm phán chính.“ Sự gần gũi của ông với Nixon là nguồn gốc ban đầu về quyền lực. Đó cũng là mối ràng buộc dẫn đến sự sụp đổ của ông.
Chiến tranh Việt Nam là một vấn đề trọng tâm trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1968, và Nixon đã vận động tranh cử với lời hứa hẹn là mang lại “hoà bình trong danh dự”. Cuộc chiến không được ưa chuộng bắt đầu từ thời Kennedy và Johnson như một cách để ngăn chặn việc lan rộng của chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á, nó đã khiến cho các người nộp thuế mắc mỏ phải trả 30 tỷ đô la hàng năm. Trong số 500.000 người Mỹ đóng quân tại Việt Nam có đến hai trăm người đã chết hằng tuần, nó làm dấy lên nhiều cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên. Nhưng rút khỏi cuộc xung đột có nghĩa là bỏ rơi các đồng minh của Mỹ ở miền Nam Việt Nam và, Kissinger và Nixon lo sợ, làm cho nước Mỹ suy yếu.
Robert. K. Brigham, Shirley Ecker Boskey, Giáo sử môn Lịch sử và Quan hệ Quốc tế tại Vassar và tác giả sách Reckless: Henry Kissinger and the Tragedy of Vietnam nói: „Kissinger giống như Nixon, không tin tưởng nơi bộ máy quan liêu trong thời Chiến tranh Lạnh“. Nixon đã tìm cách vượt qua mặt bộ ngoại giao và dịch vụ ngoại giao bằng cách cho phép Kissinger tiến hành các cuộc mật đàm với Bắc Việt.
Thomas Alan Schwartz, Giám đốc Nghiên cứu Lịch sử tại Đại học Vanderbilt và là tác giả sách Henry Kissinger and American Power, nói: „Nixon muốn người của mình thực hiện các cuộc đàm phán để ghi công chấm dứt chiến tranh sẽ đến với ông ta, không phải là Bộ Ngoại giao hay Quốc phòng. Những gì mà Nixon không lường trước được là khả năng của Kissinger làm lu mờ ông chủ của mình. Ông ta đã tạo ra con quái vật Frankenstein của riêng mình ở Kissinger.“
Một biệt thự nhỏ ngoại ô Paris không thể là một khung cảnh thích hợp để Kissinger và Lê Đức Thọ, Đại diện Bắc Việt, thảo luận về các điều kiện cho hòa bình. Họ đã gặp nhau tổng cộng 68 lần, Kissinger giữ các mật đàm ngay cả với Tổng thống, Brigham nói: „Kissinger muốn đoan chắc rằng chiến tranh kết thúc ở Paris chứ không phải ở Sài Gòn. Ông ít tin tưởng nơi các lực lượng vũ trang người Việt. Ông hiểu rằng Quốc hội Mỹ không đủ kiên quyết để giải quyết cho cuộc xung đột và muốn Mỹ rút lui mà không có vẻ như đó là một thất bại toàn bộ“.
Hoà ước Paris dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27 tháng 1 năm 1973. Đối với giới phê bình, „hòa bình trong danh dự“ trông không khác gì với các lựa chọn sẵn có khi Nixon lên nắm quyền lần đầu: „Kissinger và Nixon đã lãng phí bốn năm đàm phán với những người cộng sản Việt Nam, khi đồng ý với hầu hết các điều khoản hòa bình tương tự vào năm 1973 đã được đưa ra bàn thương thuyết vào năm 1969,“ Brigham lập luận. Tổng cộng, 2,5 triệu đến 3 triệu người Việt Nam và Đông Dương khác và 58.000 người Mỹ đã chết ở Việt Nam. Hàng trăm người khác đã mất tích trong chiến đấu.
Vào tháng 10, Kissinger và Lê Đức Thọ được vinh danh là những người đồng nhận giải Nobel Hoà Bình. Chỉ có Kissinger chấp nhận; Ông Thọ đã từ chối giải thưởng cho đến khi „hòa bình thực sự được thiết lập“.
Henry Kissinger và Campuchia
Trong khi Nixon công khai ủng hộ chính sách Việt Nam hoá, hoặc triệt thoái quân đội Hoa Kỳ để miền Nam Việt Nam có thể đảm nhiệm các cuộc hành quân, ông đã bí mật cho leo thang chiến tranh Việt Nam bằng cách cho ném bom các nước láng giềng Lào và Campuchia. Bắc Việt đã vận chuyển hàng tiếp tế và vũ khí xuyên qua các biên giới của các lân bang mà theo như một cách chính thức là trung lập, và Kissinger coi việc ném bom là một cách để gây áp lực cho Hà Nội.
Kissinger đã dính liếu nặng nề trong các cuộc không kích ở Campuchia – và giữ bí mật việc này đối với Quốc hội và công chúng. Theo một Báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố vào năm 1973, „Henry A. Kissinger đã phê chuẩn mỗi trong số 3.875 cuộc ném bom Campuchia vào năm 1969 và 1970“ cũng như „các phương pháp để giữ chúng không bị báo chí phanh phui.“
Đến cuối chiến dịch ném bom, có biệt danh là „Operation Menu“, Mỹ đã ném tổng cộng 110. 000 tấn bom giết chết từ 150.000 đến 500.000 thường dân. Khmer Đỏ đã kích động tình cảm chống Mỹ trong một Campuchia bất ổn, lên nắm quyền và tàn sát 1,7 đến 2,2 triệu người Campuchia như một phần của cuộc diệt chủng Campuchia,
Di sản của Henry Kissinger
Năm 1973 và 1974, một cuộc thăm dò của Gallup công bố Kissinger là „người được ngưỡng mộ nhất ở Mỹ“. Sự hoan nghênh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn. Vụ bê bối Watergate dẫn đến việc Nixon từ chức tiết lộ rằng Kissinger đã ra lệnh cho cơ quan FBI nghe lén điện thoại của các thành viên trong Hội đồng An ninh Quốc gia để xem ai đã tiết lộ các tin tức về vụ ném bom Campuchia của Hoa Kỳ cho báo chí. Đến năm 1975, chiến thằng của cộng sản ở Việt Nam đã làm hoen ố di sản của những nỗ lực hòa bình năm 1973 của ông.
Mặc dù ông tiếp tục là một nhân tố quan trọng trong nền ngoại giao toàn cầu, Việt Nam đã phủ bóng đen lên sự nghiệp của Kissinger. „Di sản trớ trêu là Kissinger đã nhận được giải Nobel Hòa bình cho công việc của mình trong chiến tranh Việt Nam – không phải là một cuộc chiến mà ông đã kết thúc – và không phải cho Trung Đông , cuộc chiến mà ông đã làm“, Schwartz nói. „Cuộc chiến mà ông thất bại là cuộc chiến mà ông được ghi công.“
Jessica Pearce Rotondi là tác giả của cuốn sách What We Inherit: A Secret War and a Family’s Search for Answers.
6 Gedanken zu “Henry Kissinger: Vai trò gây tranh cãi trong chiến tranh Việt Nam”