Michael Spence
Đỗ Kim Thêm dịch

Sau khi giúp thúc đẩy trong nhiều thập kỷ phát triển và hiện đại hóa ở các nền kinh tế mới nổi, mô hình tăng trưởng đoạt giải Nobel của nhà kinh tế thế kỷ 20 W. Arthur Lewis hiện nay có thể được áp dụng cho toàn thế giới. Thật không may, những gì mà mô hình cho thấy là chúng ta đang bước vào một giai đoạn cực kỳ bất trắc và tăng trưởng gây hạn chế cho nguồn cung.
Năm 1979, W. Arthur Lewis nhận giải Nobel về Kinh tế học cho sự phân tích của ông về các động lực tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Thật đúng như lời tựa như vậy, bởi vì khuôn khổ khái niệm của ông đã chứng minh vô giá trong việc hiểu biết và hướng dẫn thay đổi cơ cấu trên một loạt các nền kinh tế mới nổi.
Ý tưởng cơ bản mà Lewis nhấn mạnh là các nước đang phát triển ban đầu phát triển bằng cách mở rộng các lĩnh vực xuất khẩu, nó thu hút được khối lao động dư thừa trong các lĩnh vực truyền thống như nông nghiệp. Khi thu nhập và mãi lực tăng, các lĩnh vực trong nước mở rộng cùng với các lĩnh vực có thể giao dịch. Năng suất và thu nhập trong các, các khu vực chế biến thâm dụng lao động phần lớn là ở đô thị có xu hướng cao gấp 3-4 lần so với các lĩnh vực truyền thống, do đó thu nhập trung bình tăng lên khi nhiều người đi làm trong lĩnh vực xuất khẩu đang mở rộng. Nhưng như Lewis lưu ý, điều này cũng có nghĩa là tăng trưởng tiền lương trong lĩnh vực xuất khẩu sẽ vẫn bị suy giảm cho đến khi nào có lao động dư thừa ở nơi khác.
Bởi vì mức khả dụng lao động không phải là một hạn chế, yếu tố quan trọng liên quan đến tăng trưởng là mức độ đầu tư vốn, nó cần thiết ngay cả trong các lĩnh vực thâm dụng lao động. Lợi nhuận từ đầu tư như vậy phụ thuộc vào điều kiện cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu.
Những động lực này có thể tạo ra tốc độ tăng trưởng cao đáng kinh ngạc mà đôi khi tiếp tục trong nhiều năm, thậm chí trong nhiều thập kỷ. Nhưng có một giới hạn: khi nguồn cung lao động thặng dư cạn kiệt, nền kinh tế đạt đến cái gọi là bước ngoặt (chuyển điểm) của Lewis. Thông thường, điều này sẽ xảy ra trước khi một quốc gia đã ra khỏi phạm vi thu nhập trung bình thấp hơn. Ví dụ, Trung Quốc đã đạt đến bước ngoặt Lewis 10-15 năm trước, điều này đã mang lại một sự thay đổi lớn trong các động lực tăng trưởng của đất nước.
Tại bước ngoặt của Lewis, chi phí cơ hội để chuyển nhiều lao động hơn từ các lĩnh vực truyền thống sang hiện đại hóa không còn đáng kể. Tiền lương bắt đầu tăng trên toàn bộ nền kinh tế, có nghĩa là nếu tăng trưởng tiếp tục, nó phải được thúc đẩy không phải bằng cách chuyển lao động từ các lĩnh vực năng suất thấp sang năng suất cao hơn, mà bằng năng suất tăng ngay trong các lĩnh vực. Bởi vì sự chuyển đổi này thường thất bại, bước ngoặt của Lewis là khi nhiều nền kinh tế đang phát triển rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Mô hình tăng trưởng của Lewis rất đáng để xét lại bởi vì một cái gì đó tương tự đang xảy ra hiện nay. Khi nền kinh tế toàn cầu bắt đầu mở cửa và trở nên hội nhập hơn vài thập kỷ trước, một lượng lớn lao động và năng lực sản xuất không được liên kết và không thể tiếp cận trước đây ở các nền kinh tế mới nổi đã chuyển sang các lĩnh vực chế biến và xuất khẩu, tạo ra các kết quả đáng kể. Hoạt động sản xuất được di chuyển từ các nước phát triển và xuất khẩu của các nền kinh tế mới nổi tăng nhanh hơn nền kinh tế toàn cầu.
Do quy mô của lao động với chi phí tương đối thấp ở các nền kinh tế mới nổi (đặc biệt là Trung Quốc), tăng trưởng tiền lương trong các lĩnh vực giao dịch của các nền kinh tế tiên tiến đã bị khuất phục, ngay cả khi hoạt động này không chuyển sang các nền kinh tế mới nổi. Quyền lực thương lượng của lao động đã giảm ở các nền kinh tế phát triển, và áp lực tiêu cực đối với tiền lương thu nhập trung bình và thấp lan sang các lĩnh vực không thể giao dịch khi lao động bị di dời trong sản xuất chuyển sang các lĩnh vực không thể giao dịch.
Nhưng tiến trình này phần lớn đã kết thúc. Nhiều nền kinh tế mới nổi đã trở thành các nước có thu nhập trung bình và nền kinh tế toàn cầu không còn nơi dung chứa khổng lồ lao động có chi phí thấp nào để thúc đẩy động lực trước đây. Tất nhiên, vẫn còn những nhóm lao động không được sử dụng đúng mức và năng lực sản xuất tiềm tàng, ví dụ như ở châu Phi. Nhưng không chắc rằng những công nhân này sẽ tham gia vào các lĩnh vực chế biến cho xuất khẩu đủ nhanh và đủ quy mô để kéo dài động lực trước bước ngoặt.
Bước ngoặt của Lewis sẽ có những hậu quả sâu xa đối với nền kinh tế toàn cầu. Các lực lượng đã làm giảm tiền lương và lạm phát trong 40 năm qua đang suy giảm. Một loạt các nền kinh tế mới nổi và phát triển đang già cổi, củng cố xu hướng và đại dịch COVID-19 đã làm giảm thêm nguồn cung lao động trong nhiều lĩnh vực, có thể trên cơ sở lâu dài. Trong những điều kiện này, sự sụt giảm mức thu nhập của giới lao động trong bốn thập kỷ như một phần thu nhập quốc dân có thể sẽ bị đảo ngược – mặc dù tự động hóa và các công nghệ tiết kiệm lao động phát triển nhanh chóng khác có thể chống lại quá trình này ở một mức độ nào đó.
Tóm lại, hiện nay, khi vài thập kỷ tăng trưởng của các nước đang phát triển đã cạn kiệt phần lớn của năng lực sản xuất không sử dụng của thế giới, tăng trưởng toàn cầu ngày càng bị hạn chế không phải bởi nhu cầu mà bởi cung ứng và động lực năng suất. Đây không phải là một sự thay đổi tạm thời.
Một hậu quả rõ ràng của tiến trình này là các động lực lạm phát đã thay đổi một cách cơ bản. Sau khi biến mất hoặc làm phẳng trong một thời gian dài, khúc tuyến Phillips (mô tả mối quan hệ nghịch đảo giữa lạm phát và thất nghiệp) có lẽ đã trở lại, thường xuyên. Lãi suất sẽ tăng cùng với áp lực lạm phát, điều này đã buộc các ngân hàng trung ương lớn phải rút thanh khoản ra khỏi thị trường vốn.
Một nền kinh tế toàn cầu đang lâm nợ cao (di sản của nhiều năm lãi suất thấp) sẽ trải qua một giai đoạn hỗn loạn khi mức nợ được thiết lập lại cho một môi trường lãi suất „bình thường mới“. Bảng phân bổ danh mục tài sản đầu tư sẽ được điều chỉnh cho phù hợp và thời kỳ êm đẹp kéo dài trong đó các tài sản rủi ro đạt thành quả vượt trội cho nền kinh tế sẽ kết thúc.
Bất cứ ai cũng đoán được điều này sẽ xảy ra đột ngột như thế nào. Không thể dự đoán chính xác kết quả cụ thể. Cuộc gặp gỡ của nền kinh tế toàn cầu với bước ngoặt Lewis sẽ là một giai đoạn bất trắc đáng kể, và kỳ vọng là sẽ có bất kỳ sự thay đổi kiến tạo nào.
Nhiều nơi của nền kinh tế toàn cầu sẽ trải qua một sự thay đổi chế độ cơ bản. Vài thập kỷ tăng trưởng ở các nền kinh tế mới nổi đã thúc đẩy sự gia tăng tràn ngập về số người tiêu dùng có thu nhập trung bình và mãi lực chung, đồng thời loại bỏ năng lực sản xuất với chi phí cực thấp của thế giới.
Tất nhiên, vẫn có thể có những giai đoạn tăng trưởng hạn chế nhu cầu, theo sau các cuộc khủng hoảng như đại dịch hoặc các cú sốc do khí hậu trong tương lai. Nhưng mô hình cơ bản sẽ là một trong những tăng trưởng hạn chế về nguồn cung ứng và năng suất, bởi vì các nơi dung chứa còn lại của năng lực sản xuất thiểu dụng chỉ đơn giản là không đủ lớn để đáp ứng nhu cầu trong toàn cầu đang ngày càng tăng.
Nghiên cứu của Lewis không chủ yếu tập trung vào nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ trong phạm vi các thị trường quốc tế cung cấp công nghệ và nhu cầu cần thiết để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn đầu ở các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nhãn quan của ông cho rằng các mô hình tăng trưởng thay đổi đáng kể tùy thuộc vào việc liệu có các nguồn lực sản xuất chưa được khai thác có thể truy cập được (đặc biệt là lao động) có liên quan hơn bao giờ hết hay không.
Áp dụng cho việc chuyển đổi hiện đang diễn ra trong nền kinh tế toàn cầu, những nhận thức của Lewis ngụ ý những thay đổi lớn trong mô hình tăng trưởng, cấu trúc của các nền kinh tế, cấu hình của chuỗi cung ứng toàn cầu và các giá cả tương đối của khá nhiều thứ – từ hàng hóa, dịch vụ và lao động đến hàng hóa và các loại tài sản khác nhau. Quan trọng không kém, các nhận thức này chỉ ra rằng việc chuyển tiếp này sẽ không thể đảo ngược.
Điều hướng phiên bản toàn cầu của bước ngoặt Lewis sẽ rất khó khăn. Hiểu được những thay đổi cấu trúc cơ bản là nơi cần thiết để bắt đầu.
***
Michael Spence đoạt giải Nobel kinh tế, Giáo sư Kinh tế Đại học Stanford hồi hưu và là tác giả của The Next Convergence: The Future of Economic Growth in a Multispeed World (Nhà xuất bản Macmillan, 2012).