Đỗ Kim Thêm tuyển dịch*

Lời người dịch: Sinh hoạt chính đảng tại nước Đức ngày càng diễn biến phức tạp mà bầu cử Quốc hội vừa qua là một thí dụ điển hình. Nhìn chung, niềm tin của dân chúng về một nền dân chủ không còn nhiều, vì không có một chính đảng nào có đủ một chuơng trình tranh cử toàn diện để có thể giải quyết các vấn đề trọng đại của đất nước, không có một chính khách nào toả sáng đủ đức độ cá nhân để thu phục nhân tâm. Luật pháp nhiêu khê, thủ tục phiền hà làm cho cơ chế vận hành trì trệ và dân chúng bất mãn nhiều hơn, đó cũng là lý do làm cho thành phần dân túy tận dụng cơ hội để tạo thêm bất ổn xã hội. Sau kết quả tranh cử, vì không có đa số tuyệt đối để cầm quyền, nên các đảng phải thoả hiệp nhau để có thể nắm quyền trong ngắn hạn. Vì là tạm thời, nên các giải pháp không thể hữu hiệu như dân chúng mong đợi. Thực ra, cho dù đang lâm nguy, giá trị cao cả của nền dân chủ vẫn còn.
Ngược lại, đây cũng là dịp cho Việt Nam hãnh diện nêu cao ưu thế độc tài cùa mình. Việt Nam không quan tâm cải cách cơ chế chính trị, chưa có một nền giáo dục cho dân chủ, không có kinh nghiệm áp dụng trong thực tế. Hiện nay, trong dân chúng đã có một phần nào ý thức về chính trị, nhưng giúp cho tiến trình dân chủ hoá khởi động thì chưa đúng nghĩa. Dân chúng và chính quyền có ý thức được gì về giá trị cao đẹp của dân chủ để có thể áp trong hoàn cảnh hiện nay? Hầu như là không. Dân chúng còn qùy lạy cảnh sát ở các trạm kiểm soát giao thông để xin về quê tránh dịch, đó không phải là sử dụng quyền tự do hiến định mà cầu xin ân huệ theo nghi thức tôn giáo; nhân viên y tế thoá mạ tay đôi với các gia đình nạn nhân trên đường phố không phải là đối thoại bình đẳng trong tinh thân dân chủ; công an phá nhà đập cửa bệnh nhân để cưởng chế thừ nghiệm và cách ly không phải là một biện pháp hợp hiến và hữu hiệu để trị được dịch bệnh.
Nhìn chung, bất hạnh cho Việt Nam còn kéo dài khi dịch bịnh COVID-19 đem lại một hình ảnh khác bi thương hơn. Dân chúng không còn sức khoẻ, kinh tế không còn sản xuất và doanh nghiệp ngoại quốc chuẩn bị tháo chạy. Cơ chế vận hành của Việt Nam đang lâm nguy. Ba khía cạnh quan trọng nhất của đại dịch cần quân tâm thảo luận: năng lực của nhà nước, niềm tin nơi xã hội và giới lãnh đạo. Cụ thể là dân chúng đổ lỗi cho chính quyền bất tài và kiêu ngạo, trong khi chính quyền đổ lỗi cho dân chúng không triệt để thi hành các chính sách đưa ra. Nhưng nội dung của chính sách lại là chống dịch như chống giặc, mà về bản chất dịch và giặc không đồng nghĩa. Rốt cuộc,tình trạng nội loạn ngày càng gia tăng.
Nhưng phương Tây may mắn hơn là có phản ành của báo chí độc lập, còn các phương tiện truyền thông trên mạng xã hội Việt Nam chỉ là một khởi đầu mới. Qua phản ảnh của báo chí báo chí Đức về cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, người dân Việt cũng nhận ra các vấn đề trong bóng hậu trường chính trị Đức và để so sánh với chuyện thâm cung bí sử của cung đình Việt Nam mà sau đây là các bình luận tiêu biểu.
Trước tiên, nhật báo SÜDDEUTSCHE ZEITUNG nhìn vào ứng cử viên Olaf Scholz (SPD) và nhận định rằng:
“Cho đến vài tuần trước khi bầu cử, đảng SPD dường như bị kẹt ở mức thấp là trong khoàng 15%. Rồi Annalena Baerbock (đảng Xanh) và Armin Laschet (CDU) mắc phải những sai lầm khiến cho nhiều cử tri phải suy nghĩ là rốt cuộc chúng ta có nên để Olaf Scholz nắm quyền không?
Vấn đề quan trọng đặt ra là việc suy nghĩ này sẽ dẫn đến kết quả nào. Mọi thứ thuộc về đảng SPD đã được phân tích trong nhiều năm qua không đột nhiên trở nên sai lầm: theo cấu trúc, sự mất phiếu nằm trong số giới trẻ, ở các thành phố, trong giới công nhân; cuộc xung đột dai dẳng trong nội bộ đảng, điều này đã khiến nó trở thành một loại đồn thối miệng về chính trị. Sự khác biệt giữa năm 2017, hiệu ứng Schulz và năm 2021, hiệu ứng Scholz, là cái hiệu ứng sau cùng được giữ vững.“
Nhật báo DER NEUE TAG từ Weiden nhìn vấn đề rõ ràng hơn khi viết rằng:
“Scholz chỉ đơn giản là ít sai lầm hơn hai đối thủ chính của mình. Đối với nhiều cử tri từ trung tâm chính trị, nó vẫn là mẫu số chung thấp nhất. Hay diễn đạt một cách kém thiện cảm hơn, Scholz là kẻ ít tệ hơn.“
Nhật báo MITTELDEUTSCHE ZEITUNG quan tâm đến một khía cạnh khác:
“Đối với Olaf Scholz, sự thay đổi cũng mang lại hài lòng cho Đảng. Là vì vào thời điểm trước đây, các vị chủ tịch đảng, các đồng chí SPD không muốn có Scholz. Điều đó chắc chắn đã làm Scholz bị tổn thương nặng. Bây giờ Scholz đã thể hiện cho tất cả những người nghi ngờ về cách thu phục rất tự tin với các cử tri.“
Nhật báo DIE WELT bắt đầu đến vấn đề Đảng của Thủ tướng Merkel. “Liên minh CDU-CSU” nằm trong thùng rác“, và tiếp tục không thương tiếc:
“Sau chiến dịch vận động tranh cử tồi tệ một cách đáng xấu hổ với một ứng cử viên đáng yêu nhưng không may mắn và một cơ sở Đảng không yên tâm, Liên minh phải rút ra kết luận từ sự thất bại thê thảm của cá nhân và chương trình. Có một điều gì đó bi thảm về thực tế là những nhân vật quan trọng như Schäuble và Bouffier cuối cùng đã nghiêng hẳn để ủng hộ Laschet và do đó gia nhập nhóm những người có khả năng đào mộ của đảng này.
Không giống như là một bộ phận của đảng CSU, đảng CDU chưa thực sự xuất hiện trong thế kỷ 21. Hiện nay, những người trẻ và ý thức rõ ràng phải soán ngôi đảng. Đầu tiên và quan trọng nhất là Carsten Linnemann và Jens Spahn, nhóm tư vấn do Andreas Rödder và Kristina Schröder thành lập, nên tiếp quản trụ sở đảng là Konrad-Adenauer-Haus ngay lập tức.”
Nhật báo FRANKFURTER ALLGEMEINE cũng đề cập tới vấn đề của CDU và CSU, mặc dù với một kết luận khác:
“Hy vọng của Liên minh về sự thay đổi vào phút cuối đã không đạt được. Việc thay đổi có thể mang lại chuyển hướng rõ trong vài mét cuối cùng đã không thành. Giờ đây, Liên minh đã biết mức uy tín của thủ tướng cao như thế nào khi bà Merkel ra đi.
Nước Đức đang phải đối mặt với nhiều tháng đàm phán về việc liên minh, việc chưa từng được thực hiện trước đây. Các đảng trong Liên minh sẽ không còn giúp ích được gì, nếu trong tình huống này, họ không thực sự đoàn kết đứng sau ứng cử viên thủ tướng của mình và ủng hộ cho ông ta nhiều nhất có thể.”
Nhật báo TAGESZEITUNG phân tích vấn đề với đảng Xanh và cũng tự hỏi chủ đề khí hậu rốt cuộc thực sự có ý nghĩa gì:
“Đảng Xanh đã không đạt được mục tiêu là trao chức Thủ tướng trong tay một phụ nữ, đảng Xanh phải thất vọng về kết quả. Không ai có thể tưởng tượng ra được liên minh cho việc này xảy ra, người ta không kỳ vọng nhiều điều tốt đẹp sẽ đến cho chính sách về khí hậu. Khủng hoảng khí hậu chắc chắn thể hiện như một chủ đề, nhưng rõ ràng là nó không tác động đủ cho đa số. Nhờ sự soi sáng của phương tiện truyền thông, nhiều người thậm chí có thể cuối cùng đã hiểu những thay đổi vẫn được mong đợi ở chúng ta – và đó chính là lý do tại sao họ đã bỏ phiếu cho một ứng cử viên hứa sẽ bảo vệ thói quen tiêu dùng của họ.”
Nhật báo HANDELSBLATT đã so sánh cơ hội của đảng SPD và đảng CDU trong việc thành lập chính phủ:
“SPD sẽ cố gắng đưa cho FDP một đề nghị mà FDP không thể từ chối. Nhưng Laschet (CDU) phải thuyết phục đảng Xanh rằng họ nên hợp tác với CDU hơn là với SPD. Hành động giữ quân bình của Laschet sẽ khó hơn Scholz. Laschet chỉ được phép đem lại cho đảng Xanh đến mức FDP không bỏ cuộc. Nhưng nó phải đến mức là đảng Xanh với Laschet và FDP cùng cai trị, Vào cuối ngày lịch sử này, vấn đề là: bức màn đã hạ xuống và mọi câu hỏi đều được mở ra.“
Liên minh theo kiểu nào? – Đây là câu hỏi mà KÖLNER STADT-ANZEIGER tự đặt ra và viết:
“Trên chặng đường dài để đến đó, các nhà đàm phán cần có nghệ thuật nhượng bộ, thỏa hiệp và giử thể diện. Cuối cùng, người thắng được các thảo luận cũng sẽ là thủ tướng.”
Nhật báo BADISCHE ZEITUNG cho rằng điều đáng chú ý là Christian Lindner, nhà lãnh đạo FDP, vào tối ngày bầu cử, đã đề nghị đàm phán với đảng Xanh và sau đó viết:
“Điều đáng chú ý hơn là Annalena Baerbock đã nhanh chóng chấp nhận lời đề nghị. Những khám phá như vậy giữa các đối tác nhỏ hơn, tiềm năng trước đây là điều không thể tưởng tượng được. Ai biết được, sự thay đổi đầu tiên trong văn hóa chính trị mà kết quả bầu cử này đang ép buộc có thể đã xuất hiện ở đây.“
Nhật báo LEIPZIGER VOLKSZEITUNG đoan chắn rằng:
“Đó sẽ là một khởi đầu mới, cứ thế và như vậy. Mối đe dọa rằng ứng cử viên này hoặc ứng cử viên kia chỉ đơn thuần là một biểu hiện của hiện trạng sẽ nhanh chóng bộc lộ chính nó như là sự ồn ào của chiến dịch vận động tranh cử. Bởi vì tất cả các bên đều đồng ý rằng: Rất nhiều điều phải xảy ra ở đất nước này.“
Nhật báo FRANKFURTER RUNDSCHAU kêu gọi một cách thử tư duy như sau:
“Vì thực tế là không thể tìm ra được một đa số tại quốc hội cho các liên minh có hồ sơ với nội dung rõ ràng – tại sao không ai nói về một chính phủ của một thiểu số?
Ngày nay, việc từ bỏ lựa chọn đầy sợ hải này là một tinh thần lạc hậu. Sẽ ra sao khi Hạ viện mới chỉ đơn giản đưa ra hai ứng cử viên cho chức Thủ tướng? Người thắng cuộc sau đó sẽ phải tìm kiếm đa số cho các dự án của mình theo từng trường hợp.
Như một phần thưởng, chúng ta sẽ có được một cơ quan đại diện để đưa ra các quyết định dựa trên xác tín thay vì lý do liên minh. Trong tiếng Đức có nghĩa là dân chủ hơn.“
*Tổng hợp từ các nguồn của Die Presseschau aus deutschen Zeitungen