Đỗ Kim Thêm tuyển dịch

(LND) Hôm nay, Mỹ và các nước phương Tây đang làm lễ kỷ niệm hai mươi năm ngày 11 tháng 9 năm 2001 và báo chí khắp nơi bình luận về các hậu quả nghiêm trọng của nhóm khủng bố Hồi giáo cho nền chính trị thế giới. Gíới quan sát có một nhận định chung là các hậu quả của ngày này vẫn còn tại phương Tây, cụ thể là vết thương vẫn chưa hồi phục, các tòa án vẫn chưa có các phiên xử chung quyết cho phạm nhân, việc bồi thường cho nạn nhân đang tiến hành, và quan trọng nhất là, chưa ngăn chặn được các mối nguy hiểm của chủ nghĩa thánh chiến.
Theo Krzysztof Strachota, Tygodnik Powszechny, nhật báo tại Ba Lan, cho là giấc mơ chung đã tan vỡ khi nhìn lại bước ngoặt của thiên niên kỷ vừa qua:
“Thế giới vào đầu thế kỷ 21 đơn giản là đẹp không thể tả. Bụi chiến tranh lạnh đã lắng xuống. Ba Lan và các nước láng giềng đã gia nhập NATO và đang trong tiến trình hoàn tất hội nhập vào EU. Công việc tái thiết hậu chiến ở Nam Tư cũ sắp kết thúc. Mọi người hài lòng với sự ổn định của không gian hậu Xô Viết và những cải cách thân phương Tây của Tổng thống trẻ tuổi Putin. Mọi người háo hức háo hức chờ đợi tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc gia tăng sẽ là trụ cột của nền dân chủ trong tương lai. Thế giới trở nên giàu có, tận hưởng cho bản thân và mạnh dạn nhìn vào tương lai, tương lai sẽ giống như hiện tại, theo lời của Francis Fukuyama, người đã báo trước về ’sự kết thúc của lịch sử‘. Một sự kết thúc sẽ mang lại chiến thắng cho nền dân chủ tự do mà không có giải pháp thay thế.“
Spyros Danellis, nhà báo chuyên mục cho TVXS (Hy Lạp) và là chính trị gia thuộc cánh tả, nhận thấy một cơ hội bị lãng phí và xem là một kỷ nguyên man rợ mới đang xuất hiện.
“Các cuộc tấn công là một sự thức tỉnh đau đớn đối với dư luận ở Mỹ và tất cả các xã hội phương Tây, vốn theo dõi các hoạt động quân sự ở vùng Vịnh, Nam Tư, Afghanistan, Tschetschen hay Trung Phi qua truyền hình, xem đó là điều hiển nhiên và hợp pháp. Nhưng sự thức tỉnh này đã không làm gì để xác định lại cuộc sống của con người là bất khả xâm phạm. Ngược lại, việc chiếm đóng Afghanistan, Iraq sụp đổ, nội chiến ở Syria, mùa xuân Ả Rập và mọi thứ sau đó, đặc biệt là sự tan rã của Libya, đã đưa thế giới đầy khó khăn của chúng ta bước vào một kỷ nguyên man rợ mới.“
WIENER ZEITUNG (Áo) xem thế kỷ khủng bố mà ngày 11/9 báo trước là một bước ngoặt. Trong một bài bình luận dành cho khách mời của Wiener Zeitung, nhà sử học Dieter Reinisch giải thích:
“Ngày 11 tháng 9 năm 2001 có thể được coi là sự khởi đầu thực sự của thế kỷ 21. … Cả thế giới bàng hoàng, nhưng hiếm ai ngờ rằng những sự kiện xảy ra ngày hôm đó sẽ ảnh hưởng đến những thập kỷ tiếp theo. … Với việc hạn chế các quyền công dân và việc tăng cường giám sát nhà nước dần dần, một kịch bản đáng sợ đã tự hình thành. Nỗi sợ hãi về các cuộc tấn công khủng bố này được khai thác về mặt chính trị. … Điều đó sẽ tiếp tục xảy ra trong tương lai – ‚Thế kỷ khủng bố‘ bắt đầu cách đây 20 năm sẽ không phải là một thế kỷ ngắn ngủi. „
Báo LA REPUBBLICA (Ý) trong ngày 10 tháng 9 năm 2021 nhận định là ngày nay những phần tử Hồi giáo cực đoan thậm chí còn nguy hiểm hơn. Tổng biên tập Maurizio Molinari trên tờ La Repubblica phàn nàn:
“Hai mươi năm sau, cuộc tấn công khủng bố này không những vẫn đang diễn ra sôi nổi, mà còn đang cảm thấy như thuận buồm xuôi gió: từ đường phố Kabul đến cồn cát Sahel đến phòng xử án ở Paris. Tất cả buộc tất cả chúng ta phải cảnh giác. … Chủ nghĩa thánh chiến là một hệ tư tưởng cực đoan xuyên tạc nội dung của Kinh Koran để hợp pháp hóa bản thân, bác bỏ tính hiện đại, tin vào bạo lực và tìm kiếm sự thống trị trước hết đối với tất cả người Hồi giáo và sau đó là trên toàn bộ hành tinh thông qua việc loại bỏ những ‚kẻ bội đạo‘ và khuất phục ’những kẻ ngoại đạo‘, để thiết lập một caliphate mà ở đó phụ nữ bị coi như chiến lợi phẩm.“
Báo EL PAÍS (Tây Ban Nha) trong ngày 09 tháng 9 năm 2021 đề cập đến việc đóng trại tù Guantánamo
Kết quả của các cuộc tấn công là căn cứ hải quân Hoa Kỳ ở vịnh Guantánamo của Cuba đã được mở rộng để thu nhận thêm và làm cho trại tù thành khét tiếng. Các tù nhân ở đó cuối cùng phải được trả tự do hoặc giao nộp cho toà án bình thường xét xử, nhà báo Lluís Bassets ở El País yêu cầu:
“Đúng là trong số những tù nhân còn lại có những kẻ khủng bố nguy hiểm cũng như những kẻ vừa thành lập chính phủ ở Kabul. Nhưng thậm chí còn tệ khi để cho họ thoát đi hơn là sẽ giữ cho họ bị giam cầm sau gần 20 năm mà không xét xử. …
Không chỉ bởi vì là vấn đề công lý, mà còn là hệ quả của cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu. Nếu Washington muốn bắt đầu lấy lại niềm tin và uy tín đã mất, thì sẽ mở trại tù ở Guantánamo vào tháng Giêng và không có thêm tù nhân vào dịp kỷ niệm 20 năm ngày.“
Viktoria Nikiforova, nhà báo RIA NOWOSTI (Roumanie) trong ngày 09 tháng 9 năm 2021 đặt vấn đề là tại sao phiên tòa bị kéo dài.
Ria Novosti chỉ trích rằng trong thực tế ở Guantanamo, các phiên thẩm vấn sơ khởi cho phiên tòa xét xử Khalid Sheikh Mohammed, bị cáo buộc là chủ mưu của các vụ tấn công, hiện chỉ mới bắt đầu:
“Đó là một tin đáng kinh ngạc: kẻ mà chính quyền Mỹ cho là kẻ tổ chức hành động khủng bố nổi tiếng nhất thế giới vẫn chưa bị kết tội. Anh ta đã ở trong các nhà tù của Hoa Kỳ từ năm 2003. … Phiên thẩm vấn sơ khởi hiện đang được tiến hành, nhưng không ai đảm bảo rằng một tiến trình bình thường sẽ bắt đầu sau đó. … Mohammed đã bị mắc kẹt trong một ngục thất vô luật pháp trong gần 20 năm. Người ta không muốn chấp nhận các thuyết âm mưu, nhưng tại sao giới lãnh đạo Hoa Kỳ lại lôi ra xét xử kẻ tổ chức vụ 11/9? „
Báo EXPRESSO, Bồ Đào Nha, cho là nỗ lực kéo dài thời gian là không thành công. Ký giả Ricardo Costa của báo Expresso, nhận xét là ngày 11 tháng 9 năm 2001 vẫn là vết thương chưa lành của thế kỷ này.
“Lệnh tấn công của bin Laden đã mở ra một diễn biến không bao giờ kết thúc trong thế kỷ này. Vì vậy, giành được thời gian không gì khác hơn là một mong muốn chân thành. Kỷ niệm 20 năm đặt ra cho chúng ta nhiều vấn đề cũ. Afghanistan suy sụp vào năm 2001, Mỹ đang quay lưng lại với chính mình và Thái Bình Dương, Guantánamo tiếp tục đặt vấn đề về lý tưởng công lý, quyền kiểm soát của nhà nước đối với người dân là không hạn chế, và nỗi lo về làn sóng người tị nạn Hồi giáo đang đe dọa nền chính trị châu Âu. Chúng ta đã cố câu giờ, nhưng thời gian đã chiến thắng”.
Theo THE IRISH TIMES ((Ái Nhĩ Lan) nhận xét là bin Laden đã chiến thắng. Phản ứng của Hoa Kỳ đối với các hành động khủng bố cuối cùng đã gây ra thiệt hại lớn hơn nhiều so với chính các cuộc tấn công. Fintan O’Toole, nhà báo chuyên mục cho tờ The Irish Times nói một cách cay đắng:
“Vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 đã giết chết 2.977 người – một con số cao đáng kinh ngạc. Nhưng các cuộc chiến tranh gây ra đã giết chết 801.000 người trực tiếp và gián tiếp nhiều hơn đáng kể. 38 triệu người đã phải rời khỏi quê hương của họ. Mỹ đã chi 6,4 nghìn tỷ đô la để thực hiện tất cả những điều này. Con số này chắc chắn còn hơn cả Osama bin Laden trong trái tim cuồng tín từng dám mơ ước. Thảm kịch lớn cho tang quyến và những người sống sót trong ngày 11 tháng 9 năm 2001 là bin Laden đã thực sự chiến thắng. „
Nhật báo THE DAILY TELEGRAPH (Vương Quốc Anh) nhận xét là sự can thiệp trong khu vực khiến cho mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Nhà báo Tim Stanley phân tích trên tờ The Daily Telegraph:
“Việc tăng cường an ninh ở Mỹ cũng như truy lùng và bắt giữ trùm khủng bố Osama bin Laden có thể có ý nghĩa. Đồng thời, chính sách của Hoa Kỳ có thể đã được thực hiện để rút khỏi khu vực. … Thay vào đó, Mỹ đã làm ngược lại. Trong các chế độ độc tài ổn định đã bị lật đổ, tạo ra một khoảng trống mà bọn khủng bố có thể lấp đầy. Các cáo buộc tra tấn chống lại Hoa Kỳ đã mang lại cho kẻ thù của họ những thành công trong tuyên truyền. Nếu Mỹ đánh mất vị trí cường quốc thống trị toàn cầu, đó không phải là khi nước này rút khỏi Afghanistan, mà là khi nước này dốc toàn lực vào khu vực.“