Jeffrey D. Sachs
Đỗ Kim Thêm dịch

Trong nhiều thập kỷ, các tầng lớp chính trị Mỹ đã can thiệp không ngừng và thiếu thận trọng vào các quốc gia có những người mà họ coi thường. Và một lần nữa, họ lại được hỗ trợ bởi các phương tiện thông tin đại chúng đáng tin cậy của Mỹ, vốn đang đồng loạt đổ lỗi cho chiến thắng của Taliban về nạn tham nhũng hết thuốc chửa của Afghanistan.
Mức độ thất bại của Hoa Kỳ ở Afghanistan thật ngoạn mục. Đó không phải là thất bại của đảng viên Dân chủ hay đảng Cộng hòa, mà là sự thất bại liên tục của nền văn hóa chính trị Mỹ, thể hiện ở việc các nhà hoạch định chính sách Mỹ thiếu quan tâm đến việc tìm hiểu các xã hội khác nhau. Và tất cả đều quá điển hình.
Hầu hết mọi sự can thiệp quân sự hiện đại của Mỹ vào thế giới đang phát triển đều trở nên mục nát. Thật khó để nghĩ ra một ngoại lệ kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm 1960 và nửa đầu những năm 1970, Mỹ đã tham chiến ở Đông Dương, Việt Nam, Lào và Campuchia, cuối cùng là phải rút lui trong sự thất bại sau một thập kỷ tàn sát dã man. Tổng thống Lyndon B. Johnson, một đảng viên Dân chủ, và người kế nhiệm, Richard Nixon, đảng Cộng hòa, cùng chung nhận lỗi.
Cũng trong những năm đó, Mỹ đã cài đặt các nhà độc tài trên khắp châu Mỹ La tinh và một số khu vực của châu Phi, với những hậu quả tai hại kéo dài hàng thập kỷ. Hãy nghĩ về chế độ độc tài Mobutu ở Cộng hòa Dân chủ Congo sau vụ ám sát Patrice Lumumba do CIA hậu thuẫn vào đầu năm 1961, hoặc về hành động quân sự giết người của Tướng Augusto Pinochet ở Chile sau cuộc lật đổ Salvador Allende do Mỹ hậu thuẫn vào năm 1973.
Trong những năm 1980, Mỹ dưới thời Ronald Reagan đã tàn phá Trung Mỹ trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm nhằm ngăn chặn hoặc lật đổ các chính phủ cánh tả. Vết thương của khu vực này vẫn chưa lành.
Kể từ năm 1979, Trung Đông và Tây Á đã cảm thấy gánh nặng của sự ngu xuẩn và tàn nhẫn trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ. Chiến tranh Afghanistan bắt đầu cách đây 42 năm, vào năm 1979, khi chính quyền của Tổng thống Jimmy Carter ngấm ngầm hỗ trợ các chiến binh thánh chiến Hồi giáo chống lại chế độ do Liên Xô hậu thuẫn. Chẳng bao lâu sau, mujahedeen do CIA hậu thuẫn đã giúp kích động một cuộc xâm lược của Liên Xô, khiến Liên Xô mắc kẹt trong một cuộc xung đột suy nhược, đồng thời đẩy Afghanistan vào vòng xoáy bạo lực và đổ máu kéo dài bốn mươi năm.
Trên toàn khu vực, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ tạo ra tình trạng hỗn loạn ngày càng tăng. Để đối phó với sự lật đổ của Shah of Iran (một nhà độc tài khác do Mỹ cài đặt) năm 1979, chính quyền Reagan đã trang bị vũ khí cho Saddam Hussein, nhà độc tài Iraq, trong cuộc chiến chống lại Cộng hòa Hồi giáo non trẻ của Iran. Đổ máu hàng loạt và chiến tranh hóa học do Mỹ hậu thuẫn xảy ra sau đó. Diễn biến đẫm máu này được theo sau bởi cuộc xâm lược Kuwait của Saddam, và sau đó là hai cuộc Chiến tranh vùng Vịnh do Hoa Kỳ lãnh đạo, vào năm 1990 và 2003.
Lần gần đây nhất của thảm kịch Afghanistan bắt đầu vào năm 2001. Chỉ một tháng sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9, Tổng thống George W. Bush đã ra lệnh cho một cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu nhằm lật đổ các chiến binh thánh chiến Hồi giáo mà Mỹ đã hậu thuẫn trước đó. Người kế nhiệm đảng Dân chủ của ông, Tổng thống Barack Obama, không chỉ tiếp tục cuộc chiến và bổ sung thêm quân, mà còn ra lệnh cho CIA hợp tác với Ả Rập Xê-út để lật đổ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, dẫn đến một cuộc nội chiến tồi tệ ở Syria kéo dài cho đến ngày nay. Như thể vẫn chưa đủ, Obama ra lệnh cho NATO phế truất Muammar el-Qaddafi, nhà lãnh đạo Libya, kích động một thập kỷ bất ổn ở quốc gia đó và các nước láng giềng (bao gồm cả Mali, vốn bị bất ổn bởi các máy bay chiến đấu và vũ khí từ Libya).
Điểm chung của những trường hợp này không chỉ là thất bại về chính sách. Cơ bản của tất cả chúng là niềm tin của cơ sở chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho rằng giải pháp cho mọi thách thức chính trị là can thiệp quân sự hoặc gây bất ổn do CIA hậu thuẫn.
Niềm tin đó nói lên sự coi thường hoàn toàn của giới tinh hoa trong chính sách đối ngoại của các quốc gia khác đối với mong muốn thoát khỏi cảnh đói nghèo. Hầu hết các cuộc can thiệp của quân đội Hoa Kỳ và CIA đã xảy ra ở các quốc gia đang phải vật lộn để vượt qua tình trạng thiếu thốn kinh tế trầm trọng. Tuy nhiên, thay vì giảm bớt đau khổ và giành được sự ủng hộ của công chúng, Hoa Kỳ thường làm nổ tung số lượng nhỏ cơ sở hạ tầng mà đất nước sở hữu, đồng thời khiến các chuyên gia có trình độ học vấn phải bỏ chạy để kiếm sống.
Ngay cả khi nhìn lướt qua chi tiêu của Mỹ ở Afghanistan cũng cho thấy sự ngu ngốc trong chính sách của họ ở đó. Theo một báo cáo gần đây của Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan, Mỹ đã đầu tư khoảng 946 tỷ đô la từ năm 2001 đến năm 2021. Tuy chi tiêu gần 1 nghìn tỷ đô la, nhưng Mỹ không thu phục được nhân tâm.
Đây là lý do tại sao. Trong số 946 tỷ đô la đó, hoàn toàn 816 tỷ đô la, tương đương 86%, được chi cho quân đội Hoa Kỳ. Và người dân Afghanistan đã nhìn thấy rất ít trong số 130 tỷ đô la còn lại, với 83 tỷ đô la dành cho Lực lượng An ninh Afghanistan. Khoảng 10 tỷ đô la khác được chi cho các hoạt động phòng chóng ma túy, trong khi 15 tỷ đô la dành cho các cơ quan của Mỹ hoạt động tại Afghanistan. Điều đó để lại một khoản tài trợ ít ỏi 21 tỷ đô la „hỗ trợ kinh tế“. Tuy nhiên, ngay cả phần lớn chi tiêu này cũng để lại rất ít nếu có bất kỳ sự phát triển nào trên thực tế, bởi vì các chương trình thực sự “hỗ trợ chống khủng bố; thúc đẩy nền kinh tế quốc gia; và hỗ trợ phát triển các hệ thống pháp luật hiệu quả, dễ tiếp cận và độc lập.”
Nói tóm lại, chưa đến 2% chi tiêu của Hoa Kỳ cho Afghanistan, và có thể là dưới 2% đến tay người dân Afghanistan dưới hình thức cơ sở hạ tầng cơ bản hoặc các dịch vụ xóa đói giảm nghèo. Mỹ có thể đã đầu tư vào nước sạch và vệ sinh, các tòa nhà trường học, các bịnh việc, kết nối kỹ thuật số, thiết bị nông nghiệp và khuyến nông, các chương trình dinh dưỡng, và nhiều chương trình khác để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng thiếu thốn kinh tế. Thay vào đó, nó bỏ lại phía sau một quốc gia có tuổi thọ 63 tuổi, tỷ lệ tử vong bà mẹ là 638 trên 100.000 ca sinh và tỷ lệ thấp còi ở trẻ em là 38%.
Mỹ lẽ ra không bao giờ can thiệp quân sự vào Afghanistan, không phải vào năm 1979, cũng không phải năm 2001, và không phải trong 20 năm kể từ đó. Nhưng khi đến đó, Mỹ có thể và lẽ ra phải thúc đẩy một Afghanistan ổn định và thịnh vượng hơn bằng cách đầu tư vào sức khỏe bà mẹ, trường học, nước an toàn, dinh dưỡng và những thứ tương tự. Những khoản đầu tư nhân đạo như vậy, đặc biệt được tài trợ cùng với các quốc gia khác thông qua các tổ chức như Ngân hàng Phát triển Châu Á, sẽ giúp chấm dứt tình trạng đổ máu ở Afghanistan và ở các khu vực nghèo khó khác, ngăn chặn các cuộc chiến tranh trong tương lai.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Mỹ đã cố gắng nhấn mạnh với công chúng Mỹ rằng chúng ta sẽ không lãng phí tiền bạc cho những điều tầm thường như vậy. Sự thật đáng buồn là tầng lớp chính trị Mỹ và các phương tiện thông tin đại chúng luôn khinh thường người dân của các quốc gia nghèo hơn, ngay cả khi họ can thiệp không ngừng và liều lĩnh vào các quốc gia đó. Tất nhiên, phần lớn giới tinh hoa của nước Mỹ coi những người nghèo của nước Mỹ với sự khinh thường tương tự.
Sau khi thủ đô Kabul thất thủ, người ta có thể đoán trước được là các phương tiện thông tin đại chúng của Hoa Kỳ đổ lỗi cho thất bại của Hoa Kỳ là do nạn tham nhũng hết thuốc chửa của Afghanistan. Sự thiếu tự giác của người Mỹ thật đáng kinh ngạc. Không có gì ngạc nhiên khi sau hàng nghìn tỷ đô la chi cho các cuộc chiến ở Iraq, Syria, Libya và hơn thế nữa, Mỹ đã không minh chứng gì cho nỗ lực của mình, nhưng chỉ là công dã tràng xe cát.
***
Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững, Đại học Columbia và Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, Cố vấn cho ba Tổng Thư ký LHQ và Người vận động SDG dưới quyền Tổng Thư Ký António Guterres.
Tác giả các sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, Building the New American Economy, A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism. Tác phẩm mới nhất là The Ages of Globalization
* Người dịch đặt tựa đề cho bản dịch