Đỗ Kim Thêm dịch
Một cuộc điều tra quốc tế và độc lập để xem xét các giả thuyết tương ưng là khẩn thiết, và chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc nên hợp tác một cách toàn diện và minh bạch trong một cuộc điều tra như vậy. Trong khi đó, các nhà khoa học, chính trị gia và chuyên gia nên thừa nhận là các bất trắc hiện đang chiếm ưu thế.
COVID-19 đến từ đâu? Nguồn gốc của đại dịch là một chủ đề có tầm quan trọng đặc biệt. Nhưng hơn 18 tháng sau khi xuất hiện SARS-CoV-2 (vi-rút gây ra COVID-19), vấn đề về nguồn gốc mầm bệnh vẫn chưa được giải quyết. Cuộc tranh luận minh bạch và rõ ràng hơn có thể giúp giải quyết nguồn gốc của vi rút và cũng chống lại các đại dịch trong tương lai.
Có hai giả thuyết chính. Đầu tiên là một sự xuất hiện tự nhiên mà trong đó SARS-CoV-2 truyền từ động vật sang người trong một môi trường tự nhiên, trang trại hoặc chợ thực phẩm. Thứ hai là nhiễm trùng liên quan đến công việc nghiên cứu đang được tiến hành trên các vi-rút giống như SARS (nghĩa là vi-rút liên quan đến vi-rút gây ra dịch SARS năm 2002-04). Nếu chúng ta muốn ngăn chặn các đợt bùng phát trong tương lai, việc xác định nguồn gốc của trận đại dịch hiện nay phải là ưu tiên cao.
Hai giả thuyết hướng cho chúng ta chú ý đến hai mối quan tâm và các biện pháp thuộc về chính sách khác nhau, cả hai đều đòi hỏi sự theo dõi của chúng ta. Các căn bệnh xuất hiện từ việc truyền vi-rút từ động vật hoang dã sang người (được gọi là động vật hoang dã tự nhiên) kêu gọi các biện pháp phòng ngừa trong các hoạt động tương tác của con người với các nơi dung chứa động vật có mầm bệnh gây chết người, ví dụ như trong việc làm sạch mặt bằng, canh tác, sử dụng các bột bụi và nuôi và buôn bán vật nuôi. Các biến cố do các động vật tự nhiên đã gây ra nhiều bệnh dịch chết người trong những thập kỷ gần đây, bao gồm HIV/AIDS, Ebola, SARS và MERS.
Các bệnh truyền nhiễm mới bộc phát cũng có thể phát sinh trong tiến trình nghiên cứu về các vi rút và các mầm bệnh khác. Lịch sử ghi lại các trường hợp mà các nhà khoa học và các nhân viên phòng thí nghiệm bị nhiễm mầm bệnh khi họ đang nghiên cứu. Trong trường hợp SARS-CoV-2, nhiễm trùng liên quan đến nghiên cứu có thể đã xảy ra theo nhiều cách. Một nhà nghiên cứu có thể đã bị nhiễm bệnh trong khi thu thập các mẫu vi-rút và các hạt vi-rút trong môi trường sống tự nhiên của dơi móng ngựa hoặc các động vật khác có thể đã chứa vi rút. Hoặc nhiễm trùng có thể đã xảy ra trong phòng thí nghiệm nơi các nhà khoa học đang làm việc với các mẫu có chứa vi-rút được thu thập trước đó hoặc vi-rút biệt lập. Một kịch bản khác có liên quan đến việc nhiễm vi-rút của nhân viên nghiên cứu với vi-rút được thu thập từ nguồn tự nhiên và sau đó bị thay đổi tuần tự theo cách di truyền trong phòng thí nghiệm, bao gồm cả những thay đổi có thể làm cho virus có nguồn gốc từ dơi có nhiều khả năng lây nhiễm sang người.
Cả hai giả thuyết, tự nhiên và nhiễm trùng liên quan đến nghiên cứu, đều có thể được đặt ra ở giai đoạn này của cuộc điều tra. Những người cho rằng nguồn gốc tự nhiên là giả thuyết duy nhất có thể tồn tại được, họ bỏ qua hoạt động nghiên cứu sâu rộng đang được tiến hành trong thực địa và trong các phòng thí nghiệm về các vi-rút giống như SARS, bao gồm cả ở Vũ Hán, Trung Quốc, nơi sự bùng phát đầu tiên được xác định và ở Hoa Kỳ. Những người cho rằng việc nhiễm trùng có liên quan đến nghiên cứu là giả thuyết duy nhất có thể tồn tại được, họ bỏ qua tần suất lây truyền vi-rút tự nhiên, chẳng hạn như đợt bùng phát SARS. Có nhiều cách mà một biến cố tự nhiên có thể xảy ra với SARS-CoV-2 ở đâu đó ở Trung Quốc và sau đó được đưa đến Vũ Hán bởi một cá nhân bị nhiễm bệnh hoặc một con vật được đưa ra thị trường. Và nhiều sự nhầm lẫn đã là kết quả của việc kết hợp một giả thuyết nguồn gốc nghiên cứu với một phiên bản cụ thể của giả thuyết này, trong đó nhiễm trùng xảy ra sau điều khiển vi rút theo mục tiêu để tăng cường sự thích nghi của con người.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, những người ủng hộ mỗi giả thuyết đã đưa ra những lời tuyên bố không biện minh, quá sớm và phóng đại. Thoạt đầu của cơn dịch bịnh, một số nhà khoa học tuyên bố rằng có rất nhiều bằng chứng cho thấy SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ động vật hoang dã và các lý thuyết tương ưng về việc phát tán vi rút liên quan đến nghiên cứu là „thuyết âm mưu“. Các nhà quan sát ban đầu khác, tiếp theo là một số chính trị gia Hoa Kỳ bao gồm Tổng thống Donald Trump, Ngoại trưởng Mike Pompeo và các thành viên của Quốc hội, tuyên bố rằng có rất nhiều bằng chứng về việc phát tán ra vi rút từ trong phòng thí nghiệm, họ chỉ ra rằng các hoạt động nghiên cứu đang được tiến hành trong các phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.
Tình trạng tranh luận
Một số nhà khoa học ghi nhận từ đầu là cả hai giả thuyết đều hợp lý. Cho đến nay, các công trình nghiên cứu tiếp nối về nguồn gốc của COVID-19 đã chứng minh là không đúc kết được, nó không những chỉ giữ cho cả hai giả thuyết chính còn sinh động, mà còn làm suy yếu các tuyên bố gay gắt của một số đại biểu của hai quan điểm chính. Lúc khởi thuỷ, có một số hy vọng cho rằng tự trong bộ gen SARS-CoV-2 sẽ nhanh chóng tiết lộ nguồn gốc của virus, bằng cách tìm thấy một loại vi rút gần như giống hệt nhau trong tự nhiên (chẳng hạn như trong dơi móng ngựa hoặc trong vật chủ trung gian như tê tê) hoặc bằng cách chứng minh dứt khoát rằng, vi rút đã trải qua các biến động theo cách di truyền trong phòng thí nghiệm.
Những hy vọng cho một giải pháp rõ ràng và nhanh chóng của cuộc tranh luận đã không thành hiện thực. Bộ gen SARS-CoV-2 là phù hợp với sự xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan đến nghiên cứu. Đây rõ ràng là trường hợp nếu một nhà nghiên cứu bị nhiễm bệnh trong khi thu thập các mẫu virus trong thực địa, bởi vì vi rút sẽ phát sinh trực tiếp từ thiên nhiên, nhưng nguồn gốc vẫn sẽ liên quan đến nghiên cứu. Để thêm vào sự phức tạp, nhà nghiên cứu thực địa có thể đã có một trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng, do đó ngay cả nhà nghiên cứu và các đồng nghiệp của họ cũng không biết về sự lây nhiễm từ trong thực địa, và bây giờ nó đã được truyền trực tiếp sang người khác.
Mặt khác, bộ gen SARS-CoV-2 không hiển thị „dấu vân tay bộ gen“ đích xác của thao tác nhân tạo, chẳng hạn như sự tái tổ hợp rõ ràng của vật liệu di truyền mà nó sẽ là chuyện không thể có trong môi trường tự nhiên.
Đối với những người ủng hộ quan điểm cho rằng SARS-CoV-2 phát sinh từ một biến cố động vật tự nhiên, họ hy vọng rằng động vật chứa SARS-CoV-2 có thể nhanh chóng được xác định, ví dụ, trong các trang trại hoặc ở chợ ẩm ướt, hoặc vi rút sẽ được tìm thấy trực tiếp trong dơi móng ngựa. Cho đến nay, hy vọng này cũng vậy đã không thành hiện thực, mặc dù, tất nhiên nó vẫn còn có thể xảy ra. Những khám phá như vậy thường xảy ra nhiều năm sau khi bùng phát ban đầu. Nhưng thực tế vẫn là chuyện các nhà khoa học vẫn chưa xác định được một nơi dung chứa các loại dơi hoặc vật chủ động vật có vú trung gian có thể đã là nơi dung chứa tự nhiên của vi rút.
Tuy nhiên, có một số sự thật rất quan trọng và đáng lo ngại đã phát sinh trong năm đầu tiên rưỡi dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề đến nguồn gốc của nó. Công chúng và giới nghiên cứu chính sách ngày càng nhận thức được nghiên cứu cẩn trọng về các vi-rút giống như SARS đang được tiến hành ở Hoa Kỳ, Trung Quốc và các nơi khác, cả trong việc thu thập các mẫu vi rút từ thực địa và nghiên cứu khả năng lây nhiễm và gây bệnh của chúng (khả năng gây bệnh) trong phòng thí nghiệm. Chúng ta đã học được rằng phần lớn công việc này có thể được phân loại là nghiên cứu „đạt được chức năng“ (gain of function, GoF). Thuật ngữ chung này liên quan đến việc sửa đổi vi rút để có được các chức năng sinh học mới và đặc biệt chú ý đã tập trung vào cái gọi là Nghiên cứu mối quan tâm của GoF (GoF Research of Concern GOFROC), một danh mục bao gồm nghiên cứu có thể tăng cường khả năng lây truyền sang con người và / hoặc gây bệnh của mầm bệnh đại dịch tiềm ẩn. Các thí nghiệm tại Viện Virus học Vũ Hán (Wuhan Institute of Virology, WIV) liên quan đến việc sửa đổi coronavirus có nguồn gốc từ dơi để biểu hiện các protein có khả năng tăng cường xâm nhập vào tế bào con người được nhiều nhà khoa học coi là thuộc vào danh mục GOFROC.
Từ lâu, nhiều chuyên gia về an toàn sinh học đã lập luận rằng, công việc như vậy thường tiết lộ các mục tiêu nhanh hơn, cải thiện dự đoán bùng phát và phát triển vắc-xin và thuốc điều trị, nó đòi hỏi sự giám sát, kiểm soát rộng lớn hơn, bao gồm cả việc trình bày minh bạch cho công chúng về các hoạt động nghiên cứu. Tại Hoa Kỳ, các hướng dẫn của Viện Y tế Quốc gia (National Institutes of Health, NIH) bao gồm dự báo rằng: Trong phạm vi tối đa có thể, cơ chế đánh giá mầm bệnh tiềm ẩn cho đại dịch (potential pandemic pathogen, PPP) của các cơ quan nên cung cấp su65 minh bạch cho công chúng về các dự án được tài trợ liên quan đến việc tạo lập, chuyển giao hoặc sử dụng các PPP mở rộng.“
Chúng ta cũng đã biết rằng, NIH đã tài trợ cho các nhà khoa học Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác để thu thập các mẫu vi-rút giống như SARS trong thực địa và đưa chúng trở lại WIV để phân tích cao cấp hơn về di truyền. Trong công trình nghiên cứu của WIV, các nghiên cứu bao gồm việc tạo ra các chất tái tổ hợp di truyền chimeric của vi-rút giống như SARS để nghiên cứu khả năng lây nhiễm tế bào con người và gây bệnh. Chúng ta cũng biết rằng một số công việc tái tạo vi rút tại WIV đã diễn ra trong các cơ sở BSL2, nơi mà các nhà khoa học xem cách đưa ra các bảo vệ không phù hợp nhằm chống lại lập luận vi rút thoát ra từ phòng thí nghiệm, ngay cả khi NIH dường như chấp thuận công việc như vậy trong các cơ sở BSL2.
Khoa học đối chiếu bí mật
Cho đến nay, cả chính quyền Hoa Kỳ và Trung Quốc đều chưa có đủ sẳn sàng tạo điều kiện để cho phép các nhà nghiên cứu nâng cao hiểu biết của chúng ta về nguồn gốc của SARS-CoV-2. NIH có tuyên bố gần đây rằng họ không ủng hộ nghiên cứu của GoF có thể dẫn đến đại dịch COVID-19, khi họ nói rằng chưa bao giờ „phê duyệt bất kỳ khoản tài trợ nào sẽ hỗ trợ nghiên cứu ‚đạt được chức năng‘ về coronavirus sẽ làm tăng khả năng lây truyền hoặc gây tử vong cho con người.“
Thật không may, NIH vẫn chưa tiết lộ nghiên cứu thực tế mà họ đã tài trợ và hỗ trợ. Thực ra, kiến thức phổ thông trong cộng đồng khoa học Hoa Kỳ là NIH thực sự đã hỗ trợ nghiên cứu tái tổ hợp di truyền về các loại virus giống như SARS mà nhiều nhà khoa học mô tả là GOFROC. Các tài liệu khoa học được các chuyên gia thẩm định đối chiếu báo cáo về kết quả của những nghiên cứu được NIH hỗ trợ là di truyền tái tổ hợp như vậy về vi-rút giống như SARS. Nhưng tiến trình duyệt xét việc an toàn sinh học của các nghiên cứu về GOFROC là không rõ ràng, nó cũng không tiết lộ cho công chúng biết cả tên cũng như trình độ của các cá nhân liên quan đến tiến trình duyệt xét, cũng như bản chất của các cuộc thảo luận, thậm chí không cho biết các nhà điều tra hoặc dự án đang được xem xét.
Cụ thể hơn, rõ ràng là công trình nghiên cứu mà NIH đồng tài trợ tại WIV đáng được xem xét kỹ lưỡng theo giả thuyết về việc phát tán vi-rút liên quan đến phòng thí nghiệm. Nghiên cứu này liên quan đến việc thu thập trong môi trường tự nhiên của các vi-rút giống như SARS nguy hiểm tiềm tàng và các thí nghiệm lây nhiễm trên các loại vi rút này, dẫn đến việc công bố kết quả trong tạp chí có kiểm chứng. Một khoản tài trợ gần đây của NIH để đồng tài trợ cho công việc tại WIV mô tả trong Mục tiêu 1 và 3 của dự án nghiên cứu như sau (trích từ Bảng tóm tắt):
„Mục tiêu 1. Nêu lên các đặc tính cho sự đa dạng và phân bố của SARSr-CoV có nguy cơ tràn cao ở dơi ở miền nam Trung Quốc. Chúng tôi sẽ sử dụng các phân tích bằng các khúc tuyến khám phá chủng loài và vi rút để nhắm mục tiêu thu thập mẫu dơi bổ sung và chọn lọc CoV phân tử để bổ túc cho mẫu trước đây của chúng tôi và mô tả đầy đủ sự đa dạng SARSr-CoV tự nhiên ở miền nam Trung Quốc. Chúng tôi sẽ sắp xếp các phạm vi liên kết thụ thể (protein tăng đột biến) để xác định các loại vi-rút có tiềm năng lan toả cao nhất mà chúng tôi sẽ kết hợp trong các cuộc điều tra thử nghiệm của mình (Mục tiêu 3).“
„Mục tiêu 3. Nêu lên các đặc tính về nguy cơ lan toả SARSr-CoV trong dạng vitro và vivo, cùng với các phân tích không gian và phát sinh chủng loài để xác định các khu vực và vi-rút của mối quan tâm về y tế công cộng. Chúng tôi sẽ sử dụng dữ liệu protein S theo trình tự, công nghệ clone truyền nhiễm, thí nghiệm nhiễm trùng trong dạng vitro và in vivo và phân tích các liên kết thụ thể để kiểm tra giả thuyết rằng % ngưỡng phân kỳ trong trình tự protein S dự đoán tiềm năng lan toả.“
(Mục tiêu 2 liên quan đến việc giám sát các nơi có dân chúng tập trung cao có nguy cơ cao tiếp xúc với dơi.)
Rõ ràng là các nhà khoa học Trung Quốc và Mỹ được NIH hỗ trợ có nhiều điều để chia sẻ về bản chất của công trình này. Điều này bao gồm hồ sơ về các chuyến đi đến môi trường sống tự nhiên của dơi móng ngựa và các môi trường khác để thu thập mẫu vi-rút giống như SARS; các biện pháp phòng ngừa an toàn được thực hiện hoặc không được thực hiện trong các chuyến thăm đó; và kho lưu trữ các mẫu virus, virus sống, trình tự bộ gen và các thông tin di truyền có liên quan khác. Nó cũng bao gồm các hồ sơ trong phòng thí nghiệm về các thí nghiệm về vi-rút giống như SARS, bao gồm hồ sơ vi-rút chimeric được sản xuất, thử nghiệm và nuôi cấy trong phòng thí nghiệm; các biện pháp phòng ngừa an toàn được thực hiện hoặc không được thực hiện trong quá trình nghiên cứu đó; dữ liệu khác liên quan đến phòng thí nghiệm; và báo cáo đầy đủ về các bệnh nhiễm trùng tiềm ẩn giữa các nhân viên WIV.
Các nhà nghiên cứu cao cấp về các dự án của WIV đã tuyên bố một cách kiên quyết rằng họ không điều tra các vi-rút gần với SARS-CoV-2. Tất cả các máy tính xách tay trong phòng thí nghiệm và các thông tin liên quan khác nên được công khai cho các nhà khoa học Trung Quốc và Hoa Kỳ làm việc trong dự án này để cho bởi các chuyên gia độc lập xem xét chi tiết.
Vấn đề đích thực
Vấn đề về các nguồn gốc không phải liên hệ về chuyện chính phủ này hay chính phủ khác, càng ít hơn nửa là vấn đề địa chính trị hoặc đổ lỗi cho Trung Quốc và miễn tội cho Mỹ. Thực ra, có một phát tán SARS-CoV-2 liên quan đến phòng thí nghiệm, nó cũng có thể đã xảy ra trong một dự án do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ, sử dụng các phương pháp được triển khai và binh vực mạnh mẽ bởi các nhà khoa học Hoa Kỳ, và là một phần của chương trình do Hoa Kỳ lãnh đạo và tài trợ để thu thập và phân tích các loại vi-rút nguy hiểm tiềm ẩn, bao gồm cả ở Trung Quốc.
Để tìm hiểu càng nhiều càng tốt về nguồn gốc của SARS-CoV-2, một cuộc điều tra quốc tế và độc lập để kiểm tra các giả thuyết thay thế là khẩn thiết, và chính phủ Hoa Kỳ và Trung Quốc nên hợp tác một cách toàn diện và minh bạch trong một cuộc điều tra như vậy. Trong khi đó, các nhà khoa học, chính trị gia, chuyên gia và những người có ảnh hương trong các phương tiện truyền thông xã hội nên thừa nhận những điều bất trắc hiện đang chiếm ưu thế.
Họ cũng nên thừa nhận rằng thảm kịch của đại dịch đã làm sáng tỏ cách ngăn chặn các đợt bùng phát đại dịch và dịch bệnh trong tương lai. Bởi vì các biến cố từ động vật tự nhiên là không thể tránh, chúng ta phải thiết lập các hệ thống cảnh báo và kiểm tra trong toàn cầu tốt hơn, và tất nhiên là các hệ thống phản ứng tiên khởi khi bùng phát xảy ra. Chúng ta cần các kênh truyền thông đáng tin cậy để ngăn chặn sự lây truyền nhanh chóng trên toàn cầu của các bệnh động vật vừa mới nổi lên và chúng ta phải tạo ra các cơ chế cho phép tìm kiếm nhanh nhất các phương pháp điều trị tiềm năng, các xét nghiệm chẩn đoán, vắc-xin và các công cụ và các cách thực hành tốt nhất khác để ngăn chặn sự bùng phát. Nói tóm lại, chúng ta phải chuẩn bị tốt hơn để chia sẻ bí quyết khoa học và công nghệ có liên quan một cách trung thực, minh bạch và đáng tin cậy hơn là như trong cơn đại dịch hiện tại.
Nhưng cũng có nguy cơ bùng phát các bệnh đại dịch liên quan đến nghiên cứu trong tương lai. Các chính phủ cần nâng cấp tính minh bạch, giám sát và an toàn sinh học của bất kỳ dự án nào tích cực tìm kiếm mầm bệnh nguy hiểm trong tự nhiên và đưa chúng trở lại phòng thí nghiệm, bằng cách nhận ra nhiều rủi ro liên quan. Tương tự như vậy, các công cụ thao tác bộ gen đã tiến triển nhanh đến nỗi tiềm năng tạo ra mầm bệnh chết người mới trong phòng thí nghiệm và vô tình hoặc thậm chí còn cố tình cho phát tán chúng ra là một mối quan tâm rất nghiêm trọng. Thế giới hiện đang thiếu các biện pháp bảo vệ quốc tế và quốc gia đầy đủ và minh bạch về công việc nguy hiểm như vậy, và những rủi ro được kết hợp bởi các chương trình nghiên cứu vũ khí sinh học bí mật mà một số chính phủ tài trợ giúp duy trì nó.
Ủy ban Lancet COVID-19, mà tôi chủ trì, sẽ xem xét cẩn thận những vấn đề này trước tiên về báo cáo tổng kết vào giữa năm 2022. Mục tiêu quan trọng của Ủy ban là đề xuất các chính sách để ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh trong tương lai, và công việc chuyên môn sẽ được thực hiện bởi các chuyên gia độc lập, họ là những người không tham gia trực tiếp vào nghiên cứu Mỹ-Trung đang chịu dưới sự giám sát. Các nhà khoa học có liên quan nên giải thích đầy đủ bản chất công việc của họ. Trong khi đó, Ủy ban sẽ tận dụng các chuyên gia an toàn sinh học để giúp đánh giá các giả thuyết có liên quan về nguồn gốc của SARS-CoV-2 và đề xuất các cách thức và phương tiện để ngăn chặn các bùng phát trong tương lai, cho dù là kết quả của các vấn đề do động vật tự nhiên hoặc các hoạt động liên quan đến nghiên cứu.
***
Jeffrey D. Sachs, Giáo sư Đại học Columbia, Giám đốc Trung tâm Phát triển Bền vững và Chủ tịch Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc, Cố vấn cho ba Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ủng hộ viên SDG cho Tổng thư ký António Guterres.
Tác giả các cuốn sách The End of Poverty, Common Wealth, The Age of Sustainable Development, Building the New American Economy, A New Foreign Policy: Beyond American Exceptionalism, và sách mới nhất là The Ages of Globalization.
Bài liên quan: