Đỗ Kim Thêm dịch

Sự biến đổi lớn lao trong cách mà các quốc gia đã thực hiện trong thời đại dịch đã chỉ ra các vấn đề nền tảng sâu xa về quản trị và chính trị mà hiện nay đã được thể hiện đầy đủ để nhận định. Ở nhiều quốc gia, đặc biệt là ở Mỹ Latinh và Caribê, con đường phía trước sẽ còn dài và đầy khó khăn.
Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một phòng thí nghiệm để thử thách các hệ thống quản trị khác nhau khi đối diện với một cuộc khủng hoảng y tế công cộng, cuối cùng, nó cho thấy sự khác biệt lớn trong thành quả của quốc gia. Ví dụ, các quốc gia ở Đông Á (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản) có xu hướng làm tốt hơn trong việc kiểm soát đại dịch so với nhiều quốc gia ở Châu Mỹ và Châu Âu thực hiện.
Nhưng những kết quả này không phải là về chính phủ dân chủ so với độc tài, như một số người đã lập luận. Trong số những nước đạt thành quả cao ở Đông Á có các quốc gia độc tài cũng như các nền dân chủ mạnh mẽ và sống động. Cũng không phải là sự khác biệt hoàn toàn do nguồn lực kinh tế hoặc chuyên môn về y tế công cộng, khi xét rằng các nước nghèo hơn như Việt Nam đã làm tốt hơn nhiều nước giàu. Vậy thì đằng sau sự dị biệt kết quả là gì? Mặc dù lời giải thích hiển nhiên là phức tạp, từ quan điểm quản trị, có ba yếu tố chính nổi bật là năng lực của nhà nước, niềm tin nơi xã hội và giới lãnh đạo chính trị.
Năng lực của nhà nước có thể là rõ ràng, nhưng dù sao nó cũng là nền tảng. Một quốc gia không có hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ sẽ lúng túng trong cơn đại dịch. Yếu tố này đã mang lại cho các nước Đông Á một lợi thế lớn. Nhưng năng lực của nhà nước không phải là toàn bộ vấn đề. Ở Brazil, nơi ngành y tế đã đạt được tiến bộ lớn lao trong những năm gần đây, năng lực thích hợp không phải là điều kiện đủ để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng sâu xa hơn.
Yếu tố thứ hai, niềm tin nơi xã hội, hoạt động theo hai chiều. Một là dân chúng phải tin tưởng nơi chính phủ của mình; nếu không, việc tuân thủ các nhiệm vụ y tế công cộng nặng nề nhưng cần thiết như cách ly sẽ là thấp. Thật không may, „niềm tin nơi định chế“ như vậy đã suy giảm trong mười năm qua ở các nước Mỹ Latinh và Caribê. Vì vậy, cũng có niềm tin giữa dân chúng với nhau, khía cạnh thứ hai của niềm tin nơi xã hội. Ở nhiều quốc gia trong trận đại dịch, niềm tin nơi xã hội thấp đã tương tác với mức độ phân hoá cao độ để tạo ra hậu quả tàn khốc.
Yếu tố thứ ba là giới lãnh đạo chính trị. Trong bối cảnh của tình trạng khẩn cấp công cộng, những người đứng ở thượng tầng của các định chế nhà nước được trao quyền để có hành động quyết định. Những người này là ai và những động lực khích lệ nào mà họ phải đối mặt có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong việc xác định hiệu quả của hành động của họ. Một số nhà lãnh đạo chính trị coi đại dịch phần lớn là mối đe dọa đối với các vận may chính trị của chính họ và đưa ra các chính sách phù hợp. Những người khác đãm nhận vai trò một cách nghiêm túc là người bảo vệ lợi ích công cộng.
Các kết quả của các tính toán chính trị khác nhau này được phản ánh trong cả hiệu quả và tính bền vững của các đối phó về trận đại dịch cho quốc gia. Tinh thần lãnh đạo chính trị diễn ra ở nhiều cấp; nhưng nếu không có hành động phối hợp và hợp tác giữa các hệ thống phân cấp và lĩnh vực của chính phủ, sự đối phó của chính sách trong tổng thể sẽ kém hiệu quả hơn.
Năng lực của nhà nước hạn chế, lòng tin nơi xã hội thấp và sự lãnh đạo chính trị kém là những dấu hiệu cảnh báo về sự suy thoái dân chủ. Trên toàn cầu, đại dịch đã chỉ ra rằng chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái dân chủ, tiết lộ những thách thức đã được xây dựng từ lâu bên dưới bề mặt. Chúng ta có thể nghĩ về những thách thức này như những điều kiện tồn tại từ trước đã khiến các quốc gia ít nhiều dễ bị tổn thương trong trận đại dịch.
Trước khi COVID-19 bộc phát, các nước ở Mỹ Latinh và Caribê đã bị bao vây bởi tình trạng bất ổn xã hội và chính trị, được phản ánh trong các cuộc biểu tình lan rộng và chủ nghĩa dân túy trỗi dậy. Các nền tảng bị rạn nứt của khu vực phản ánh một hiện tượng đôi khi được gọi là „sự suy thoái chính trị“. Khi một hệ thống chính trị hiện tại không đáp ứng được nhu cầu của dân chúng mà các kỳ vọng của họ đang dâng cao sau những thành quả tích cực về kinh tế và xã hội, cuối cùng, hệ thống mất tính hợp pháp và rơi vào tình trạng bất ổn.
Sau một giai đoạn tăng trưởng kinh tế bền vững, tầng lớp trung lưu mới của các nước ở châu Mỹ Latinh đang ngày càng thấy kỳ vọng của mình không được đáp ứng, và hậu quả hiện nay đang được thể hiện đầy đủ để xem xét. Sự thất vọng về mức độ bất bình đẳng và tham nhũng cao độ liên tục đã thúc đẩy sự phẫn nộ ngày càng tăng đối với giới tinh hoa, những người được coi là sử dụng chính trị để làm giàu cho bản thân.
Không có giải pháp dễ dàng cho vấn đề quản trị này. Đầu tư vào năng lực của nhà nước và xây dựng lòng tin nơi xã hội có thể mất nhiều thời gian và đòi hỏi sự lãnh đạo chính trị tốt. Tuy nhiên, ở các quốc gia đang trải qua một vòng luẩn quẩn của quản trị không hiệu quả khi đối mặt với trận đại dịch, các nhà lãnh đạo chính trị có thể theo đuổi hành động mang tính xây dựng trong ba lĩnh vực liên quan. Đầu tiên, và ngay lập tức nhất, là chính sách công. Vẫn chưa quá muộn để cải thiện hoặc mở rộng các biện pháp đối phó với các hậu quả về sức khỏe, kinh tế và xã hội của đại dịch.
Thứ hai, và rộng hơn, các quốc gia Mỹ Latinh và Caribê cần xem xét lại các „quy tắc cơ bản của trò chơi“. Điều này có thể có nghĩa là theo đuổi các chính sách tài chính để tái phân phối thu nhập, áp dụng các quy định để ngăn chặn sự chiếm giữ thị trường của một vài tác nhân và tạo ra lộ trình tốt hơn cho các tổ chức xã hội dân tham gia trong việc hoạch định chính sách và quản trị. Đây là một dự án dài hơn nhiều, nhưng nó sẽ rất cần thiết để tạo ra các loại thể chế cần thiết để bảo vệ chống lại đại dịch tiếp theo.
Cuối cùng, điều quan trọng là phải hiểu liên minh của các tác nhân cần thiết để thực hiện những thay đổi này một cách dân chủ. Thay đổi đòi hỏi sự huy động chính trị. Chung cuộc, chính con người, nghĩa là tất cả chúng ta, những người đưa ra và duy trì các quy tắc và chính sách mà chúng ta đã gọi là „định chế“.
***
Francis Fukuyama, Nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, Giám đốc Trung tâm Dân chủ, Phát triển và Pháp quyền của FSI và Thạc sĩ Về Chương trình Chính sách Quốc tế của Stanford.
Luis Felipe López-Calva là Trợ lý Quản trị viên và Giám đốc Khu vực cho Mỹ Latinh và Caribê trong Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc.
Bài liên quan: