Đỗ Kim Thêm

Chiến tranh Đông dương khởi đầu
Bối cảnh
Năm 1945, tình hình chung tại châu Á là hỗn loạn trong khi các thế lực quốc tế can thiệp và các diễn biến tại Việt Nam là khó lường đoán.
Tổng thống Hoa Kỳ Franklin D. Roosevelt, cố thuyết phục Đồng minh là nên trao trả lãnh thổ cho các nước thuộc địa. Các cường quốc thuộc địa như Anh, Pháp và Hà Lan đều công khai chống đối yêu cầu này. Cả ba tin rằng khi tất cả cùng giúp cho các nước thuộc địa bị chiến tranh tàn phá tái thiết, phương cách này sẽ làm cho nền kinh tế sẽ phát triển nhanh hơn.
Để tránh xung đột với Hà Lan và nhất là với Anh, một đồng minh thân thiết, Roosevelt tỏ ra nhân nhượng và muốn đưa ra một khuôn mẩu khác: Đông Dương sẽ không trao trả cho Pháp mà trong tương lai sẽ do một chế độ ủy trị do quốc tế cai quản.
Trong khi chính phủ Mỹ không chính thức đưa ra một tuyên bố nào cho tương lai của Đông Dương, nhưng lập trường của Bộ Ngoại giao lại ủng hộ cho Pháp phục hồi chủ quyền trên toàn bộ lãnh thổ trong chính quốc lẫn thuộc địa.
Sau khi Nhật lập ra chính phủ thân Nhật do Hoàng đế Bảo Đại lãnh đạo vào ngày 11 tháng 3 năm 1945 và Tổng thống Roosevelt chết vào ngày 12 tháng 4 năm 1945, tình hình biến chuyển khác hằn.
Harry S. Truman, tổng thống kế nhiệm, tỏ ra quyết liệt hơn khi công khai giúp cho Pháp chống Nhật và nhất là việc Pháp đưa quân trở lại Đông Dương. Nhờ thế, Pháp không gặp khó khăn trong việc tái lập chế độ thực dân, ngoại trừ sự lớn mạnh của Việt Minh là vần đề.
Năm 1945, Việt Minh có khoảng 5000 người tham gia, phần lớn là ở miền Bắc; do đó, có cơ sở tương đối vững chắc. Tại miền Nam, Việt Minh đang khởi đầu xây dựng lực lượng tại Sài gòn và một vài nơi nông thôn.
Hội nghị Postdam
Để tạo bước chuyển biến tích cực trong bước khởi đầu, từ ngày 17 tháng 7 đến 2 tháng 8 năm 1945, Hội nghị Postdam đề ra một kế hoạch để giải giới quân Nhật đang chiếm đóng tại Việt Nam.
Các điểm thỏa thuận quan trọng của Đồng minh là Anh sẽ chiếm miền Nam, lực lượng Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tướng Tưởng Giới Thạch sẽ chiếm miền Bắc; cả hai không có chủ quyền quốc gia và vĩ tuyến 17 là nơi phân định.
Dù tôn trọng tinh thần chung của Hội nghị, nhưng ngay trong nội bộ của Đồng minh cũng có nhiều quan điểm dị biệt. Điển hình là Mỹ không tán thành việc Pháp tham gia vào Phái bộ Quân sự ở Bộ Tư lệnh Đông Nam Á. Trong khi Anh tiếp tục ủng hộ Pháp, nhưng vì Mỹ phản đối, nên vấn đề tranh luận không được chung quyết. Thuận lợi cho Đồng minh trong lúc này là các chiến lược để giải quyết cho tình hình Viễn Đông tiến triển tốt đẹp, do đó, không cần và không muốn trang bị thêm cho Pháp.
Khi Pháp còn cai trị Đông Dương, Đức chiếm Pháp và tạo ra chế độ Vichy làm tay sai trung thành cho Đức. Trong mùa hè năm 1944, sau khi Đồng minh giải phóng Normandie và một phần lãnh thổ của Pháp, quân đội Pháp đóng vai trò quan trọng trong việc chiếm lại lãnh thổ.
Biến chuyển thuận lợi này làm cho thanh thế của Tướng Charles de Gaulle lên cao. Tận dụng thời cơ này, de Gaulle đánh tiếng muốn đòi quyền tiếp tục cai trị tất cả các nuớc thuộc địa, trong đó có Đông Dương.
Nhưng tác động của Anh trong tình hình này là một yếu tố mới. Dù tham chiến chống Nhật, Winston Churchill, Thủ tướng Anh, có ý định tạo điều kiện cho Pháp thực hiện tham vọng tái chiếm Đông Dương.
Nhìn chung, Pháp không tin tưởng Anh và Mỹ, nhưng khi Pháp đồng ý nhượng các quyền lợi cho Anh ở Trung Đông, nên Anh xoay sang ủng hộ Pháp. Bằng chứng là Anh đã giúp cho Pháp chuyển quân trang và quân dụng từ Ấn Độ về châu Âu để tướng Leclerc có phương tiện chuẩn bị quay lại Sài Gòn.
Miền Bắc
Tình thế biến chuyển nhanh chóng gây cho Việt Minh phải lö đối đầu với các thách thức nghiêm trọng. Nạn đói năm Ất Dậu (1945) buộc Việt Minh phải cấp bách lo phân phối thực phẩm cho dân chúng trong vùng mới được kiểm soát.
Việt Minh phát động phong trào cứu đói và nổi bật nhất là tổ chức vận chuyển gạo từ Nam ra Bắc. Số lượng chi viện ước khoảng 30.000 tấn. Các tài liệu về sau có cáo giác rằng Việt Minh tận dung chiến dịch này để tồn trử cho riêng mình một số lượng lớn, thay vì cấp phát hết cho dân chúng.
Năm 1946, miền Bắc nhờ hệ thống đê điều mới được hoàn chỉnh, nông dân bắt đầu tăng gia sản xuất và sản lượng đạt được 506.000 tấn lúa, đủ bù đắp cho năm 1945.
Thành tựu khác của Việt Minh là xóa nạn mù chữ. Năm 1945, Việt Nam có 95% dân mù chữ. Trước thực trạng đó, Nha Bình dân Học vụ ra đời vào ngày 18 tháng 9 năm 1945, đã lần lượt tổ chức được 75.000 lớp học và có trên 2.500.000 người theo học. Nhờ có những thành công nhất định, nên uy tín Việt Minh bắt đầu lan rộng.
Theo Việt Minh, cả ba Pháp, Anh và Trung Hoa Dân Quốc sẽ tiếp tục gây nguy hại cho tương lai Việt Nam. Quyền lợi của Anh nằm trong các mục tiêu chiến lược của Pháp, đó là tìm cách khôi phục các thuộc địa trước chiến tranh. Giải pháp của Đồng minh là phù hợp với tham vọng lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc mà thực tâm là hạ bệ Việt Minh và ủng hộ cho Việt Nam Quốc Dân Đảng nắm quyền.
Trong chiều hướng này, hiểm hoạ chung cho Việt Nam là nạn đói năm Ất Dậu (1945) lại có thể xảy ra khi quân đội Trung Hoa Dân quốc tràn vào. Việt Minh cho là không thể hợp tác với Pháp, Anh và Trung Hoa và muốn Mỹ phải kiểm tra hoạt động của lực lượng này, không cho Trung Hoa được phép trưng thu lương thực của dân chúng, nhưng đối sách tiên quyết này không thể thực hiện.
Quân Trung Hoa đến miền Bắc
Ngày 20 ngày 8 năm 1945, hơn 20 vạn quân của Tưởng Giới Thạch tiến vào Bắc Việt làm cho thảm hoạ lan rộng còn trầm trọng hơn là Việt Minh lo sợ ban đầu.
Ngoài việc giải giới quân Nhật, Tướng Tưởng Giới Thạch công khai chủ trương Diệt Cộng Cầm Hồ.
Trên đường tiến đến Hà Nội, binh sĩ cướp bóc trong vùng Tây Bắc, từ Lào Cai, Yên Bái cho đến Phú Thọ, họ cũng không tha cho tài sản của cư dân người Pháp và Hoa. Tướng Tưởng còn tự tiện ấn định tỷ giá hối cho mọi giao dịch thương mại. Dù ông Hồ có phản đối việc vi phạm chủ quyền tiền tệ, nhưng không kết qủa.
Không công nhận cá nhân ông Hồ, không muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Minh và dự định sẽ thay thế chính quyền mới thân Trung Hoa Quốc Gia, nhưng Tưởng Giới Thạch vẫn phải cho ông Hồ tiếp tục làm việc tại Bắc Bộ Phủ.
Tương lai của Việt Nam là mù mịt khi các đảng phái Quốc gia, dù muốn ngăn cản Pháp trở lại, cũng không đủ thực lực để huy động toàn dân cho mục tiêu đấu tranh chung, mà vấn đề nghiêm trọng nhất là vẫn còn bị lệ thuộc mọi mặt vào yểm trợ của Quốc dân Đảng Trung Hoa. Khó khăn khác trong giai đoạn này là ngay trong nội bộ của Trung Quốc cũng có nhiều quan điểm khác nhau về chính sách.
Tưởng Giới Thạch cho là, nếu muốn tái chiếm Đông Dương, Pháp phải giải quyết những xung đột lợi ích giữa Trung Hoa và Pháp. Vì không muốn làm mất lòng Pháp, Trung Hoa hứa là sẽ rút quân và không can thiệp nội bộ Việt Nam sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Ngược lại, Tướng Lư Hán có quan điểm cực đoan hơn: phải đặt Bắc Việt dưới sự bảo hộ lâu dài, có nghĩa là, bằng cách Trung Hoa tiếp tục đóng quân mà không cần Pháp hỗ trợ.
Để đạt mục tiêu, Trung Hoa tìm cách làm thất bại mọi kế hoạch tái chiếm của Pháp. Các đối phó trước mắt là cư dân Pháp được xem như những người ngoại quốc bình thường khác, các viên chức Pháp không được công nhận là đại diện của chính phủ và không được tham gia vào buổi lễ đầu hàng của Nhật.
Quan điểm chung của Trung Hoa là muốn giữ cho Pháp đứng ngoài cuộc đấu tranh Đông Dương và ủng hộ cho các phong trào Quốc gia tại Việt Nam cho đến khi Trung Hoa đàm phán xong vấn đề tranh chấp với Pháp. Hai vị Tướng không thể chung quyết quan điểm trong chính sách và vấn đề lại trở thành nội dung đàm phán giữa Quốc dân Đảng với Pháp.
Miền Nam
Biến chuyển của tình hình làm cho ông Hồ nhận ra hai vấn đề dị biệt cho Việt Minh, một lợi thế tại miền Bắc là không thể bị Pháp lật đổ bằng quân sự và một thất thế tại miền Nam là không thể kiểm soát được hoạt động của hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo đang tranh quyền, một đặc điểm tại miền Tây và Đông Nam Bộ.
Với hai trọng điểm kinh tế trù phú và có hằng triệu tín đồ, cả hai tôn giáo chiếm ưu thế trong các sinh hoạt hầu như mang tính địa phương tự trị, biến tôn giáo thành hai tổ chức đấu tranh vũ trang.
Ngoài ra, tình trạng vô chính phủ có nhiều nguyên nhân sâu xa khác, mà tranh chấp nội bộ ngay trong hai phe của Cộng sản là Quốc tế thứ tư và Quốc tế thứ ba là thí dụ.
Dù hoạt động tại Nam Kỳ từ năm 1933, những người mệnh danh là Trotskyist (Quốc tế thứ tư) đã có hợp tác trong chừng mực với các đảng viên thuộc đảng Cộng sản Đông Dương (Quốc tế thứ ba) cho đến năm 1937, nhưng bất hoà của cả hai là triền miên. Trong lúc đầu, hai phe còn chỉ trích nhau ôn hoà qua báo chí, nhưng đến năm 1945 thì đấu tranh vũ trang là phương tiện.
Bất lợi cho phe Trotskyist là không có hậu thuẩn của đại đa số quần chúng, nhưng các giới chức lãnh đạo lại được Sở Mật thám và Sở Cảnh sát Pháp tại Nam Kỳ ủng hộ ngấm ngầm, do đó, dù họ hoạt động âm thầm, nhưng tỏ ra hữu hiệu. Nhìn chung, Việt Minh không gây được thiện cảm trong lòng quần chúng miền Nam.
Ngày 14 tháng 8 năm 1945, Mặt trận Quốc gia Thống nhất được thành lập và quy tụ được nhiều tổ chức cách mạng như Việt Nam Quốc gia Độc lập Đảng, Thanh niên Tiền phong, Tịnh độ Cư sĩ Phật giáo, Hòa Hảo, Cao Đài, Liên đoàn Công chức và phe Trotskyist.
Sau khi Mặt trận tổ chức biểu tình biểu dương lực lượng tại Sài Gòn ngày 21 tháng 8 năm 1945, Thanh niên Tiền phong quyết định rời khỏi Mặt trận để gia nhập Việt Minh. Khi Việt Minh đơn phương thành lập chính quyền và kêu gọi quần chúng ủng hộ gây bất ngờ cho chính giới và dân chúng, nhưng sáng kiến này không gây được tiếng vang.
Tại Sài Gòn, xung đột Việt-Pháp xảy ra liên tục làm cho một số người chết. Để phản ứng, Việt Minh lên án những rối loạn là do đảng phái quốc gia gây ra và ra lệnh tước vũ khí của hai giáo phái Cao Đài và Hòa Hảo, nhưng không đạt kết quả.
Ngược lại, phe Trotskyist kết tội Việt Minh là giúp cho Pháp tìm cách khôi phục cai trị, nêu đích danh Trần Văn Giàu, Chủ tịch Ủy ban Hành chính Lâm thời, người lãnh đạo tổ chức phối hợp các phong trào đấu tranh tại miền Nam, là người chủ xướng.
Khi nhận định chung về tình hình hỗn loạn trong giai đoạn này, Sainteny cho là Việt Minh không có khả năng trị an và gây đoàn kết, việc xung đột với Pháp không là vấn đề chính, mà các phe phái của người Việt tự đánh phá lẫn nhau cần phải cấp thiết giải quyết. Anh hoặc Trung Hoa phải đến can thiệp kịp thời, còn Pháp thì không thể.
Ngày 27 tháng 8 năm 1945, Jean Cédile, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ, gặp Trần Văn Giàu để bàn về tương lai của Việt Nam. Theo Cédile, Việt Nam phải được đặt trong khuôn khổ Đông Dương như trong Tuyên bố ngày 24 tháng 3 năm 1945 của Pháp, nghĩa là Pháp có toàn chủ quyền.
Ngược lạ, Trần Văn Giàu kiên quyết là Pháp phải công nhận nền độc lập của Việt Nam trước khi thảo luận về bang giao song phuơng. Cuộc họp không mang lại kết qủa trong khi phe Trotskyist tiếp tục tố cáo trước công luận là Việt Minh phản bội khi tìm cách thoả hiệp riêng với Pháp.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, tại Sài Gòn, Việt Minh tổ chức biểu tình nhân ngày Độc lập với khoảng 20 vạn người tham gia, các đảng phái khác ủng hộ, nhưng thực ra là các thành phần, dù có nhiệt tình tham gia, nhưng thực tâm là chỉ nhằm theo đuổi từng mục tiêu riêng.
Cuộc biểu tình trước nhà thờ Đức Bà biến thành hỗn loạn và nổ súng xảy ra làm thiệt mạng 4 người Pháp và 14 người Việt. Ngoài ra, một số nhà hàng trong khu vực bị cướp mà cảnh sát không tìm ra thủ phạm.
Sau biến động này, phe Trotskyist chỉ trích Ủy ban Hành chính Lâm thời gay gắt vì đã không có những biện pháp an ninh kịp thời. Ngược lại, Uỷ ban tố cáo phe Trotskyist và các giáo phái là thủ phạm, vì họ có trang bị vũ trang khi tham gia.
Về nhân sự, hai tôn giáo Hòa Hảo và Cao Đài phát triển mạnh, phần chính là do Nhật hỗ trợ từ lâu. Về chính trị, Cao Đài có Đảng Phục Quốc của Trần Quang Vinh, Hòa Hảo đông nhất là ở Hậu Giang với Dân Xã Đảng. Việt Minh không thể cải thiện tình hình chung tại miền Nam mà lý do chính là phe Trotskyist và hai tôn giáo có ác cảm từ lâu với Việt Minh nên không hợp tác.
Để tiếp tục gây áp lực, phe Trotskyist và hai giáo phái thách thức Ủy ban Hành chính Lâm thời là xin vũ khí để trang bị cho dân chúng chống lại quân đội Anh. Các yêu sách này được các địa phương ủng hộ.
Xung đột có vũ trang giữa Việt Minh và Cao Đài và Hòa Hảo xảy ra liên tục. Khi kết tội Việt Minh là phản bội, nên không hợp tác và tất cả đòi Trần Văn Giàu từ chức.
Ngày 9 tháng 9 năm 1945, Việt Minh đành phải nhượng bộ và cải tổ thành phần nhân sự của Ủy ban Hành chính Lâm thời mà kết quả là Trần Văn Giàu nhường chỗ cho Phạm Văn Bạch. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc tranh cãi trong hai tuần lễ đầu tiên, Ủy ban ngưng hoạt động mà các phe phái chia rẽ trầm trọng hơn là lý do.
Điểm chủ yếu gây tranh cải là Việt Minh muốn thỏa thuận riêng với Pháp, đó sẽ là một khởi điểm để cho Pháp sẽ trao trả độc lập Việt Nam cho Việt Minh. Ngược lại, các phe chống đối muốn hủy bỏ các thương lượng với Pháp và phát động chiến cuộc, nhưng lo sợ khi khả năng vũ trang của Việt Minh đang chiếm ưu thế.
Cuộc đàm phán về tương lai Việt Nam của Jean Cédile- Phạm Văn Bạch trong ngày 16 tháng 9 năm 1945 không kết quả, vì thực tâm của Pháp không phải là đối thoại mà chờ tướng Leclerc đổ bộ vào Việt Nam.
Trước nhiều áp lực nặng nề của phe đối lập, Ủy ban Hành chính Lâm thời tổ chức tổng bãi công vào ngày 17 tháng 9 năm 1945 để phản đối trong khi âm mưu Pháp- Anh đang ngày càng lộ rõ.
Việc giải giới quân Nhật không thuận lợi theo như dự kiến của Đồng minh. Thực tế phức tạp hơn. Lý do chính là quân đội Nhật, dù bại trận, vẫn có trách nhiệm duy trì an ninh trật tự công cộng trong thời kỳ chuyển tiếp, có nghĩa là, Nhật có quyền cấm gây rối loạn, dẹp các cuộc biểu tình không xin phép và tước vũ khí.
Anh đổ bộ vào Sài Gòn
Theo như kế hoạch, Thiếu tướng Douglas D. Gracey, chỉ huy lực lượng Anh, đổ bộ vào Sài Gòn. Tuy nhiên, do khả năng giới hạn, lực lượng này không có trách nhiệm chung cho toàn miền Nam, mà chỉ trong một số khu vực được qui định. Giới hạn này có nghĩa là các khu vực không được phân công sẽ do quân đội Nhật tiếp tục đảm nhiệm việc duy trì an ninh trật tự công cộng.
Khi nhận thức được là tình trạng hỗn loạn vô chính phủ của miền Nam là trầm trọng, Thiếu tướng Gracey cho là cần sớm chấn chỉnh. Tạm thời, ở Sài Gòn, ông ra lệnh cho quân đội Nhật tước vũ khí của người Việt, đuổi Ủy ban Hành chính Lâm thời ra khỏi Dinh Toàn Quyền.
Các diễn biến mới của tình hình làm cho ông Hồ cảm thấy bất lực; ông thấy là miền Nam sẽ xảy ra những rối loạn như tại miền Bắc và Anh có lý do can thiệp, làm như thế có nghĩa là cản trở hoạt động của Việt Minh. Mặt khác, Việt Minh cũng muốn cộng tác với Anh trong việc duy trì trật tự công cộng và hành chính để phô trương thanh thế.
Pháp tái chiếm miền Nam
Theo chân binh sĩ Anh và được các tàu chiến của Mỹ chuyên chở, Tướng Leclerc và binh sĩ Pháp đến Sài Gòn vào ngày 9 tháng 10. Thế là mọi lo sợ của Việt Minh về tương lai của miền Nam thành sự thật.
Với lực lượng ước khoảng 40.000, quân Pháp đánh chiếm Sài Gòn và một vài tỉnh của Nam Bộ. Cho đến cuối tháng 1 năm 1946, Việt Minh tìm cách ngăn chặn bước tiến của quân Pháp, nhưng không thể đối đầu, vì các lực lượng chia rẽ và tinh thần kháng chiến sa sút, nên phải lui về chiến khu để cố thủ.
Sau năm tháng đầu chiến đấu, Tướng Leclerc tuyên bố là chiến thắng. Thực tế khác hẳn, vì đó chỉ là ước lượng lạc quan ban đầu. Tình hình thay đổi triệt để khi hai giáo phái Cao Đài và Hoà Hảo liên kết được với Việt Minh, cả ba thoả thuận là thay phiên nhau chống Pháp.
Để thay đổi cho phù hợp với tình thế, tháng 12 năm 1945, Việt Minh giao cho Nguyễn Bình trọng trách lãnh đạo phong trào kháng chiến Nam Bộ. Ngay khi nhậm chức, Nguyễn Bình đề ra hai biện pháp cứng rắn đầu tiên. Một là, lập tòa án quân sự xét xử tất cả các vi phạm quân luật như cướp bóc và quấy nhiễu dân chúng. Hai là, thay lực lượng thành các Chi đội Vệ Quốc đoàn, nghĩa là, Việt Minh sẽ chiến đấu trong một quy mô nhỏ nhưng hữu hiệu hơn.
Trong khi Việt Minh xây dựng được ưu thế tại nông thôn, Bình Xuyên, một lực lượng mới ra đời và chiếm đóng tại Sài gòn và các thành phố lớn làm cho tình hình miền Nam càng hỗn loạn hơn.
Từ năm sau 1948, một nhóm Bình Xuyên khác ly khai theo Pháp, kiểm soát nhiều sòng bài, khu mãi dâm khắp vùng Sài Gòn – Chợ Lớn, trong đó phải kể Casino Grande Monde (Đại Thế giới), Casino Cloche d’Or (Kim Chung), Bách hóa Noveautes Catinat.
Sau Hiệp định Genève, Bình Xuyên phải quy thuận và hội nhập vào Quân đội Quốc gia Việt Nam, nhưng thực ra là vẫn không phục tùng.
Phản ứng quyết liệt của các đảng phái quốc gia là xa lánh Việt Minh và thành lập Mặt trận Quốc gia Liên hiệp.
Tại Sài Gòn, Tướng Georges Thierry d´Argenlieu đảm nhiệm đặc trách Phủ Cao Ủy, kêu gọi dân chúng Việt nên hợp tác với Pháp trong tinh thần ý thức quốc gia và bảo vệ quyền lợi Pháp-Việt.
Dĩ nhiên, quyền lợi ở đây là nhằm bảo vệ cho các đại điền chủ, doanh giới và trí thức người Việt, không có vấn đề hợp tác với Việt Minh, những người theo Việt Minh hay dân nghèo.
Còn tiếp: Hợp tác chống Pháp tại miền Bắc