Đỗ Kim Thêm
Đế quốc Việt Nam và Hoàng đế Bảo Đại
Hai hôm sau, ngày 11 tháng 3 năm 1945, Nhật thành lập chính phủ Đế quốc Việt Nam do Hoàng đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim đứng đầu theo chính sách Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á. Vua Bảo Đại tuyên bố là chính phủ Việt Nam có chủ quyền ở ba Kỳ, độc lập theo tuyên ngôn Đại Đông Á của Nhật, bãi bỏ các hiệp ước bảo hộ với Pháp và cùng hợp tác quốc tế để đạt được mục đích chung. Ngày 7 tháng 4 năm 1945, Bảo Đại chuẩn y thành phần nội các Trần Trọng Kim. Ngày 17 tháng 4 năm 1945 Thủ tướng Trần Trọng Kim nhậm chức và ngày 12 tháng 5 Bảo Đại tuyên bố giải thể Viện Dân biểu Trung kỳ.
Về mặt pháp lý, đây là một sự kiện quan trọng để công nhận Việt Nam là một quốc gia độc lập có chủ quyền ra đời mà Hoàng Đế Bảo Đại và Thủ tướng Trần Trọng Kim lãnh đạo đầu tiên.
Thực tế cho thấy là có những cáo buộc cho rằng Bảo Đại không có thực lực, khi quyền tự trị tài chính và điều động nhân sự đều do Nhật nắm giữ. Cũng như các chính phủ khác ở những vùng bị Nhật chiếm đóng, Bảo Đại có bù nhìn hay không, đó chỉ là một lối giải thích về bản lĩnh chính trị nhất thời.
Về sau, các nước khác cùng hoàn cảnh như Việt Nam cũng thoát khỏi sự lệ thuộc của Nhật. Vấn đề là khi Việt Nam đã thành hình về mặt pháp lý, thì Hồ Chí Minh không có căn bản để một lần nửa khai sinh pháp lý cho Việt Nam và tuyên bố giành độc lập, mà thực tế là cướp chính quyền trong tay của chính phủ Trần Trọng Kim, một vấn đề thuộc về xáo trộn nội chính.
Tất nhiên, lý do để giải thích là ngày 11 tháng 3 năm 1945, ngày được xem là Việt Nam tuyên bố Độc lập, chế độ độ thực dân Pháp cáo chung, sự thật này phải đến trước ngày 19 tháng 8 năm 1945 và ngày 2 tháng 9 năm 1945. Các diễn biến sau này được gọi chung là Cách mạng tháng Tám đánh Pháp đuổi Nhật giành độc lập không thể xảy ra theo đúng như diễn biến và sự thật của lịch sử lập quốc.
Tình thế biến chuyển cực kỳ sôi động. Việt Minh nhanh chóng chiếm được sáu tỉnh phía Bắc. Thành công này không phải chỉ vì chiếm đóng của Nhật lỏng lẻo, mà còn nhiều lý do khác. Điển hình nhất là vì chính sách kinh tế Nhật phục vụ cho chiến tranh gây lạm pháp cao độ, chính sách nông nghiệp sai lầm lo thu mua thóc để xuất cảng gây ra nạn đói tràn ngập tại miền Bắc trong năm 1944 và 1945. Kết qủa thảm hại là trên hai triệu người chết đói và hàng trăm ngàn người nghèo có lý do để đi theo Việt Minh.
Hồ Chí Minh và OSS

Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp và Phái bộ OSS Ảnh Internet
Chỉ trong vòng năm tháng, từ tháng 3 cho đến tháng 8 năm 1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, một sự kiện đáng ngạc nhiên là Việt Minh trở thành Đồng minh chính thức của OSS. Cơ duyên cho sự hợp tác của hai phía không khởi động tại Côn Minh, thủ phủ của tỉnh Vân Nam, nơi OSS đặt bản doanh, vì ông Hồ không có tiếp xúc chính thức. Thực ra, ông gặp OSS trể hơn.
Từ lâu, ông chú ý đến vai trò của Mỹ cho mục tiêu đấu tranh, bằng chứng là ngay từ đầu năm 1944, ông đến Toà Lãnh sự Mỹ tại Côn Minh xin chiếu khán đi Mỹ. Sau đó, ông tìm cách liên lạc với Đồng minh và hứa hẹn hợp tác. Để đạt mục tiêu, ông khoe thành tích là Việt Minh đã cứu cho một phi công Mỹ khi bị bắn hạ trong một cuộc giao tranh tại Sài Gòn.
Để tỏ lòng biết ơn, các viên chức Mỹ tạo điều kiện cho ông tiếp kiến Tướng Claire Chennault, Tư lệnh Không quân Mỹ, người thành lập Lực lượng Flying Tigers. Nhân dịp hy hữu này, ông xin được chụp hình chung và chử ký làm kỷ niệm. Bằng chứng qúy giá này là một khởi đầu mới cho ông có dịp khoe với người Việt và ngoại quốc là từ nay Mỹ đã chính thức hỗ trợ cho Việt Minh.
Cơ hội đến cho ông là sau khi Nhật đầu hàng. Jean Sainteny, đại diện cho Pháp đến Hà Nội gặp ông, tháp tùng còn có Thiếu tá Archimedes L. A. Patti, đại diện của OSS, phụ trách việc tìm kiếm tù binh cho Đống minh. Quen đuợc Patti, ông kết thân nhanh chóng khi kể lại kỷ niệm bôn ba lúc tuổi thanh xuân tại Mỹ và tham khảo về việc soạn thảo Bản Tuyên ngôn của Thomas Jefferson. Qua nhiều lần tiếp xúc, ông Hồ tỏ ra lạnh nhạt với Sainteny và yêu cầu Patti hỗ trợ cho Việt Minh hoạt động. OSS chấp thuận.
Cụ thể là để tiện việc hợp tác, OSS đặt cho ông một bí danh là „Lucius“, lo cung cấp vũ khí và tiếp tế cho Việt Minh, để đổi lại, OSS nhận các tin tức về tình hình chuyển quân của Nhật. Khi các phi công Mỹ bị bắn hạ, Việt Minh cũng giúp cho OSS giải quyết. Nhận ra tầm quan trọng của Mỹ hơn Liên Xô, ông Hồ nhờ OSS chuyển thư cho chính phủ Mỹ, trong đó có cả thư tay cho Tổng thống Harry S. Truman, đề nghị đặt quan hệ ngoại giao, hy vọng được Mỹ ủng hộ trong cuộc thương thuyết giữa Trung Quốc và Pháp. Quan trọng nhất cho Việt Minh là muốn Mỹ công nhận Chính phủ Lâm thời là đại diện duy nhất và hợp pháp của Việt Nam. Truman không đáp ứng.
Sau đó, Mỹ nghi ngờ ông Hồ là người cộng sản quốc tế và bù nhìn của Moscow. Ông Hồ biện minh thoái thác là hoạt động vì độc lập dân tộc, dù không thể phủ nhận là đã ở Moscow trong nhiều năm. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không tin các minh chứng này. Cuối tháng 9 năm 1946, Mỹ rút OSS tại Việt Nam về nước, chấm dứt liên hệ với Việt Minh, đánh dấu cho giai đoạn khởi đầu của cuộc chiến Đông Dương.
Tại sao Mỹ ra đi?
Tổng kết giai đoạn hợp tác có nhiều cái nhìn dị biệt. Lý do để giải thich đơn giản nhất là nhiệm vụ của OSS đã chấm dứt, Thực ra, ngoài ra, còn có những tiềm ẩn sâu xa hơn. Đó là do hoàn cảnh đặc thù của Việt Minh hay quan điểm chính trị của ông Hồ.
Bang giao quốc tế trong toàn cảnh đang diễn biến với một khởi đầu mới. Các thách thức phức tạp là nan giải. Tây Âu trong bối cảnh hậu chiến đầy bất trắc và Pháp lại đang suy yếu mọi mặt. Trước khi chết, Roosevelt không muốn can dự vào Đông Dương, nỗ lực chính là giúp châu Âu tái thiết và củng cố vị thế cho Pháp. Do đó, Mỹ để cho Pháp toàn quyền quyết định. Khi Trung Quốc còn phân tranh Quốc-Cộng và chưa thực sự trỗi dậy, nhưng tình hình Nga chưa củng cố và phát triển đúng mức, nên sự đối kháng của hai khối Tư bản và Cộng sản chưa thành hình. Nhìn trong quan điểm chiến lược chung, Việt Nam không phải là mối bận tâm cho Mỹ như về sau trong khuôn khổ Chiến tranh Lạnh.
Về quan điểm chính thức trong giai đoạn này, Mỹ cho rằng ông Hồ là một cộng tác viên đắc lực giúp cho OSS hoàn thành nhiệm vụ. Khi hồi tưởng lại việc hợp tác, các viên chức OSS cho là có nhiều cảm tình tốt đẹp với ông Hồ và các dân quân kháng chiến, ông Hồ còn mang một mối thâm ân của Mỹ khi lâm bệnh sốt rét rừng, ông được bác sĩ Mỹ tận tình cứu chửa, còn việc ông nổi danh thành vị cha già dân tộc, đó là các chuyển biến về sau tác động.
Ngược lại, để nêu cao thành tích đấu tranh chống Mỹ tàn ác xâm lược, các sử gia của Đảng không muốn công khai thú nhận là ông Hồ quan tâm đến vai trò của OSS và tìm kiếm sự hợp tác với Mỹ. Họ cáo buộc Mỹ đã tước đoạt quyền cai trị Đông Dương trong tay của Pháp, thổi phòng tham vọng xâm chiếm lãnh thổ của Mỹ, mà không có căn cứ lịch sử.
Tóm lại, nhìn trở lại toàn cảnh hỗn loạn của đất nước trong buổi giao thời, các sử gia hiện đại có các kết luận chủ yếu là Cách mạng tháng Tám không phải để giành độc lập dân tộc, mà cướp chính quyền tiền nhiệm bằng bạo lực cách mạng. Người Mỹ không thay thế người Pháp ở Đông Dương, vì họ đã có mặt tại chỗ ngay từ đầu qua sự hợp tác với OSS. Cho đến cả về sau, khi chiến tranh diễn ra khốc liệt, Mỹ không có tham vọng lãnh thổ như Pháp.
Nếu ông Hồ tạo được uy tín cá nhân, cũng như có khả năng thuyết phục Mỹ ý thức được tầm quan trọng của Đông Dương để tiếp tục hợp tác, lịch sử của Việt Nam có thể sẽ khác hơn.
Còn tiếp: Chiến tranh Đông dương khởi đầu