PHỤ LỤC I
SỰ BẤT ĐỒNG GIỮA ĐẠO ĐỨC VÀ CHÍNH TRỊ TRONG MỘT NỀN HOÀ BÌNH VĨNH CỬU
Immanuel Kant
Đổ Kim Thêm dịch
Đạo đức tự nó là một loại thực hành trong ý nghiã khách quan, được coi như là một tổng thể các mệnh lệnh không điều kiện, mà chúng ta phải hành động. Điều vô nghiã là khi ta công nhận khái niệm nghĩa vụ có quyền lực và lại muốn mình không tuân hành.
Trong trường hợp này, khái niệm sẽ mất đi ý nghĩa đạo đức mà hậu quả là sẽ không có tranh chấp giữa chính trị (một loại lý thuyết về thực hành) với đạo đức (một loại lý thuyết pháp luật). Cuối cùng sẽ không có tranh chấp giữa thực tế và lý thuyết. Dựa theo quan điểm này, ta phải hiểu sự minh triết tổng quát là một lý thuyết về nguyên tắc cho phép chọn lựa những phương tiện khả thi nhất cho phù hợp với mục tiêu ưu tiên đề ra. Nói chung, có nghiã là phủ nhận sự hiện hữu của đạo đức.
Chính trị nói:” Hãy khôn ngoan như một con rắn”; thì đạo đức (trong một chừng mực giới hạn) bổ túc là: “Không được tráo trở như chim bồ câu”. Nhưng nếu cả hai không thể hòa hợp theo một mệnh lệnh chung thì tranh chấp giữa đạo đức và chính trị sẽ thực sự xảy ra. Nhưng nếu cả hai hòa hợp thì khái niệm về sự tương phản là vô nghĩa và giải quyết tranh chấp không trở thành vấn đề. Mặc dù trong lý thuyết có nói là “Thành tín là một chính sách khôn ngoan nhất”, nhưng tiếc là trong thực tế điều tương phản lại thường xảy ra.
Cũng vẫn trong phạm vi lý thuyết, một đề nghị khác là “Thành tín thì tốt hơn trong tất cả mọi sách lược chính trị”. Ý tưởng này không có ai phản bác, kể cả khi có những điều kiện khác không thể tránh được trong chính trị. Giới hạn mà Thiên Chuá đề ra cho đạo đức không nhường bước trước thần Jupitier (giới hạn của quyền lực), bởi vì Jupitier cũng từ đặt mình dưới quyền lực định mệnh.
Thật ra, lý trí không soi sáng để xét các nguyên nhân tiền định đoán chắc về những thành công hay thất bại khi con người hành động hay bỏ mặc theo cơ chế tự nhiên (mặc dù lý trí cho phép hy vọng nếu phù hợp với mơ ước). Lý trí giúp con nguời còn được nằm trong giới hạn của bổn phận (theo quy luật mình triết); lý trí soi sáng khắp mọi nơi và cũng đủ để giúp con người thấy được cứu cánh.
Vì coi đạo đức đơn thuần là lý thuyết, nên người thực hành kết án nghiêm khắc các hy vọng dễ dãi của chúng ta, (họ chấp nhận phân biệt giữa nghĩa vụ và khả năng), nhưng do sự quan sát bản chất của con người mà họ có thể tiên đoán con người không bao giờ muốn bị đòi hỏi phải đạt mục tiêu mang lại một tình trạng hòa bình vĩnh cữu.
Lòng mong muốn của mọi người sống trong một hiến pháp luật định theo nguyên tắc tự do (theo cách thống nhất các ý muốn của tất cả qua cách được chia đều) không đủ để đạt được mục tiêu, cần thiết nhất là tất cả phải muốn có mục tiêu chung (theo cách thống nhất toàn thể các ý muốn trong một ý chí chung). Giải pháp cho vấn đề khó khăn này còn đòi hỏi thêm là xã hội dân sự phải là một tổng thể.
Đối với những mong ước dị biệt cần phải có thêm một nguyên nhân chung để nối kết lại thành ý chí chung, mà không ai trong xã hội lại có thể: Để thực hành ý tưởng này trong thực tế thì ta phải ước lượng bước đầu của một tình trạng luật pháp, mà nó không gì khác hơn là bạo lực sẽ dẫn đầu, rồi sau đó qua cưỡng chế chống bạo lực mà luật công mới thành hình. Vì ta không thể lường đuợc tinh thần đạo đức của nhà lập pháp hay kỳ vọng rằng sau khi họ kết hợp được một số lượng người hỗn tạp thành một dân tộc rồi lại bỏ mặc cho họ tự tạo nên một hiến pháp hợp pháp theo ý muốn. Trước tiên ta phải chờ đợi là có một sự cách biệt lớn lao giữa lý tưởng (trong lý thuyết) và kinh nghiệm (trong thực tế).
Vì điều này nghĩa là khi ai có quyền lực trong tay, thì sẽ không để cho dân chúng tự quy định luật pháp. Khi quốc gia không lệ thuộc vào luật của ngoại bang, thì cũng muốn là không bị lệ thuộc vào tòa án ngoại bang và phải tìm cách có quyền để chống ngoại bang. Ngay khi một châu lục cảm thấy ưu thế hơn một nơi khác, dù không bị cản trở, nhưng cũng không bỏ lở cơ hội sử dụng phương tiện làm gia tăng quyền lực bằng cách chiếm đoạt hay thống trị.
Nếu như thế thì tất cả các kế hoạch lý thuyết chỉ là những ý tưởng rỗng tuếch, không thực hiện được đối với luật hiến pháp, luật quốc tế và luật về quyền công dân đại đồng. Ngược lại, khi dựa trên nguyên tắc thực nghiệm từ bản chất con người để tìm ra cách áp dụng trong giáo huấn, thì việc thực hành này hy vọng tìm được nền tảng đảm bảo để xây dựng cơ sở cho một chính sách khôn ngoan.
Thực vậy, khi không có tự do và luật đạo đức đặt trên nền tảng này và tất cả những gì đã xãy ra và có thể xảy ra là do cơ chế của thiên nhiên, thì chính trị (một loại nghệ thuật dùng để cai trị con người) là một loại khôn ngoan thiết thực và khái niệm pháp luật là ý tưởng rỗng tuếch. Nhưng nếu ta coi việc nối kết khái niệm này với chính trị là tối cần thiết, ngay khi phải đặt thành một điều kiện giới hạn cho chính trị, thì phải chấp nhận sự kết hợp hai khiá cạnh này.
Tôi chỉ có thể nghĩ tới một chính khách biết đạo đức, nghĩa là một người tôn trọng những cách khôn ngoan trong chính trị để có thể kết hợp với tinh thần đạo đức, nhưng tôi không nghĩ tới một nhà đạo đức học về chính trị, một người lo vun bồi đạo đức để phục vụ cho quyền lợi của chính khách.
Nhà chính trị có tấm lòng đạo đức sẽ tự nguyện đề ra nguyên tắc sau đây: Trong hiến pháp của một quốc gia hay trong mối quan hệ giữa các quốc gia, nếu có tội phạm xãy ra không ngăn ngừa được, thì bổn phận lãnh đạo là quan tâm tới phương cách cải thiện tình hình càng sớm càng tốt; và vì lý tưởng của lý trí họ nên coi luật tự nhiên là một khuôn mẫu phù hợp để sử dụng trước mắt và hy sinh lòng ích kỷ của mình. Hủy hoại một liên minh quốc gia hay đại đồng, trước khi một loại hiến pháp tốt hơn thành hình vào vị trí này, dù không khôn ngoan trong chính trị nhưng lại phù hợp với đạo đức.
Do đó, khi đòi hỏi sửa đổi tội ác ngay tức khắc và táo bạo là phi lý, nhưng điều mà ta có thể đòi hỏi nơi nhà cầm quyền ít nhất là họ thế hiện tinh thần có một sự thay đổi như thế là cần thiết, để chúng ta càng ngày càng tiến gần tới mục tiêu (theo luật pháp của một hiến pháp tốt đẹp).
Một quốc gia dù đã theo thể chế cộng hòa, nhưng laị cho phép cai trị theo cách chuyên chế, thì qua thời gian dân chúng có khả năng cảm nhận ảnh hưởng uy lực của luật pháp (cũng giống như luật pháp có uy lực vật chất), và cho phép họ có tự do tạo một quyền lập pháp, (mà từ nền tảng dựa trên luật pháp). Dù hiến pháp có quan điểm phù hợp với luật hơn, nhưng được đặt ra không theo đúng thủ tục của luật, thí dụ như do bạo lực cách mạng tạo nên, thì ta không vì thế mà buộc dân chúng phải trở về hiến pháp củ, vì trong thời kỳ cách mạng sử dụng bạo hành và mưu mô lẫn lộn nhau, nên ta phải chịu hình phạt cưỡng chế của các nhà cách mạng như theo đúng luật.
Trong mối quan hệ quốc tế thì không được phép đòi hỏi quốc gia, dù theo chuyên chế, là phải từ bỏ hiến pháp, (khi hiến pháp này là mạnh bạo hơn trong mối quan hệ với kẻ ngoại thù), cho đến khi nào mà nguy hiểm bị nước khác chiếm vẫn còn. Chính thế phải cho phép trì hoãn việc thi hành các dự kiến này cho đến một thời điểm khác thuận lợi hơn.[1]
Vần đề có thể luôn xảy ra là khi những nhà đạo đức trở thành chuyến chế (trong thực hành còn thiếu sót) sai phạm nhiều lần các phương sách khôn ngoan trong chính trị (qua những cách quá vội vã hoặc thiếu cân nhắc); dù họ đi ngược lại bản chất thì kinh nghiệm dần dần sẽ đưa họ tới một phương hướng tốt đẹp hơn.
Ngược lại, những nhà chính trị được đạo đức hoá cố tô điểm những nguyên tắc của nhà nước sai luật bằng cách lấy cớ là bản chất của con người không có khả năng thực hiện điều thiện theo một lý tưởng như lý trí đề ra. Vì có quyền trong tay nên họ làm chuyện cải thiện luật pháp trở thành bất khả và vi phạm luật trở nên trường cữu.
Thay vì thực hành chính trị như được tán tụng, các chính khách lão luyện lại thích thử nghiệm với những công thức được nghĩ ra sẳn hơn. Họ quan tâm cách nắm quyền cai trị, (nhưng không quên thỏa mãn tư lợi). Khi liều lĩnh theo đuổi chính trị thì họ phản bội dân chúng và thế giới theo cách của các luật gia, những luật gia dù chuyên nghiệp nhưng không thạo về lập pháp, vì luật gia không tập trung lập luận cho công tác lập pháp, mà chuyên cho chấp pháp.
Theo họ, nếu được tu chỉnh ở vị trí cao hơn và tiếp nối, thì hiến pháp đang có sẽ luôn tốt đẹp. Tất cả đều tùy thuộc vào trật tự của cơ chế. Với những kỹ năng thích nghi trong mọi tình huống nên có thể cho phép họ mang ảo tưởng là họ có thể nhận xét về những nguyên tắc của hiến pháp theo đúng luật, (có nghiã là không theo kinh nghiệm). Nhưng khi phô trương là hiểu được con người (người ta chờ đợi là họ tiếp xúc với nhiều người) thì thực ra họ không hiểu biết bản chất của con người, (hiểu biết này đòi hỏi nhận xét cao hơn khi quan sát theo quan điểm nhân chủng học).
Khi lý trí đòi hỏi phải hiểu các khái niệm này qua luật hiến pháp và luật quốc tế, thì không gì có thể khác hơn là chấp nhận tinh thần tranh chấp, (tuân theo thủ tục thông thường, một hình thức cưỡng chế theo luật), lý trí đề ra một loại cưỡng chế hợp pháp phù hợp với nguyên tắc tự do được hình thành trong một hiến pháp có hiệu lực pháp lý. Kẻ tự nhận là thực hành thường tin về khả năng giải quyết của mình bằng cách coi thường lý thuyết và dựa theo kinh nghiệm; họ tìm hiểu những hiến pháp được soạn thảo tốt đẹp nhất và vẫn còn hiệu lực cho đến ngày nay mà tại sao phần lớn tinh thần hiến pháp lại bị vi phạm.
Dù không minh danh công bố những cách sử dụng sau đây nhưng gần như nó trở thành những phương châm khôn ngoan:
1.Nắm cơ hội thuận lợi để chiếm độc quyền cho cá nhân, (hoặc quyền của nhà nước đối với nhân dân hoặc quyền của nhà nước đối với lân bang), sau đó lại biện luận dễ dàng và thanh lịch hơn đây là một sự thật đã rồi để tô điểm cho các hành vi bạo lực. (Trong trường hợp khi quyền chiếm hữu thuộc về quyền tối cao và cũng là quyền lập pháp, mà ta chỉ có tuân phục không cần bàn cải).
Cách này dễ dàng hơn thay vì trước tiên suy xét tìm lập luận thuyết phục và chờ phản biện. Hành vi táo bạo của các chính khách là biểu hiện niềm tin nội tại về hành động của mình, vì phù hợp với luật và ý muốn của Thượng Đế, người đại diện tốt đẹp nhất cho luật pháp.
2. Khi không tôn trọng kết ước, đem lại nghi ngờ cho dân chúng và bị phản đối, nhưng họ lại phủ nhận trách nhiệm của mình mà còn lập luận rằng hành vi này do bất tuân của dân chúng hoặc thuộc quyền của dân tộc láng giềng, lỗi này là do bản chất của con người không phản ứng trước người khác bằng bạo lực và đoán chắc người khác chuyên quyền và tấn công trước.
3. Có giới lãnh đạo ưu quyền được chọn cho có quyền đại diện tối cao, nhưng họ lại không đoàn kết, gây xáo trộn giữa họ và dân chúng, thì nên đứng về phía dân chúng và nhân danh tự do, và tất cả sẽ tùy thuộc vào ý chí vô điều kiện của dân chúng. Hoặc là khi ngoại bang khiêu khích gây bất hòa, đây là một phương tiện chắc chắn nhất để bất dân thuần phục lại nhân danh sự trợ giúp kẻ yếu.
Những phương cách chính trị này ngày này không còn lừa gạt được ai, vì nói chung ai cũng biết. Thực ra, đây không phải là trường hợp xấu hổ khi bất công thể hiện, vì bạo quyền không bao giờ hổ thẹn trước chỉ trích của đám đông. Theo nguyên tắc, sự thất bại làm xấu hổ chứ không phải là vấn đề công khai hoá các thất bại này (vì họ đồng thuận về tính cách đạo đức của các phương cách này). Đối với chính khách, vấn đề còn lại mà họ có thể lường được là tìm danh vọng trong chính trị; trong trường hợp này danh vọng mở rộng quyền lực theo cách mà họ có thể đạt được.[1]
***
Từ những mưu mô của các lý thuyết khôn ngoan nhưng vô đạo nhằm đem lại hòa bình cho con người thoát khỏi của tình trạng chiến tranh tự nhiên, thì ít nhất có một điều rõ ràng là con người, trong mọi quan hệ riêng tư cũng như công, ít nhiều không thể thoát ra khỏi r àng buộc pháp luật; nhưng không ai dám công khai đề ra cách khôn ngoan nào để không tuân thủ luật công, (nó hiển nhiên có quan hệ đến luật quốc tế).
Người ta vinh danh luật pháp trong khi hình dung hàng trăm loại mưu chước trá hình để tránh luật, vay mượn bạo lực như một cơ sở kết hợp mọi quyền lợi. Nhằm chấm dứt loại thông thái giả hiệu này (dù không phải là dùng thông thái này để tô điểm cho bất công) và đi đến việc thú nhận là làm đại diện dối trá cho quyền lực trên thế gian, thì người ta phải nói đây không phải là luật pháp mà là quyền lực, mà họ mượn giọng điệu làm như tự mình muốn ra lệnh. Sự thể sẽ tốt đẹp hơn khi người ta xoá tan những ảo ảnh để lừa bịp nhau bằng cách tìm ra nguyên tắc cao cả nhất đề ra cho nền hòa bình vĩnh cữu.
Người ta thấy rằng tất cả mọi điều ác gây càn trở, nó bắt nguồn từ những gì mà nhà đạo đức học về chính trị khởi xướng về một sách lược đạo đức và kết thúc đúng ở chổ mà một chính khách có đạo đức buộc thuận theo mục tiêu này, (nghĩa là đặt cái cây trước con trâu), làm thất bại mục tiêu hoà hợp giữa chính trị và đạo đức.
Để làm cho triết học thực dụng được hoà hợp trong nội tại thì câu hỏi đầu tiên cần được giải quyết là: Trong phạm vi của lý trí thực tiễn cần có mục tiêu đầu tiên là liệu có nên theo nguyên tắc nội dung như đối tượng độc nhất chăng, hoặc là theo nguyên tắc hình thức trong mối quan hệ tự do ngoại tại, nghĩa là: “Anh hãy hành động như anh có thể muốn là nguyên tắc của anh sẽ trở thành quy luật chung, bất kể mục tiêu của anh là gì”.
Hiển nhiên nguyên tắc vừa kể cần đặt lên hàng đầu thành luật pháp, đó là tất yếu khi chỉ cần để suy đoán về những điều kiện thực nghiệm cho những mục tiêu đề ra; nghĩa là suy đoán về phương cách áp dụng, ngay khi mục tiêu này là một nghĩa vụ cho nền hòa bình vĩnh cữu. Ý tưởng này phải bắt nguồn từ nguyên tắc hình thức cho những hành động ngoại tại. Đối với các nhà đạo đức về chính trị thì nguyên tắc luật hiến pháp, luật quốc tế và luật đại đồng là vấn đề kỹ thuật.
Ngược lại, nguyên tắc thứ hai cũng là nguyên tắc về chính trị đạo đức, mà tự nó là một vấn đề đạo đức. Để có thể đưa tới một nền hòa bình vĩnh cữu ta cần phân biệt nguyên tắc của cả hai, vì không thể chỉ hy vọng công nhận hoà bình là chuyện vật chất mà còn phải nghĩ đến một như nghĩa vụ tinh thần.
Để giải quyết đầu tiên là vấn đề khôn ngoan trong chính trị thì người ta cần đến nhiều kiến thức thuộc về bản chất để dùng cho mục tiêu đề ra. Tuy nhiên kiến thức này không chính xác, khi ta nhìn kết quả liên hệ đến nền hòa bình vĩnh cữu. Ta cần nằm bắt phạm vi này hay phạm vi khác trong ba nội dung của luật công. Ta có thể không biết chính xác là nên giữ dân chúng phải tuân phục và cùng lúc đem lại thịnh vượng là tốt hơn hay là nên cai trị nghiêm khắc hơn hoặc dùng bã phù phiếm quyền lực của lãnh đạo, qua kết hợp với nhiều người hoặc qua giới quý tộc hay qua quyền lực của nhân dân. Người ta cho nhiều thí dụ khác trong lịch sử về các loại chính quyền, thì ngoại trừ chính quyền theo thể chế cộng hòa đích thực là có chinh khách thấm nhuần đạo đức.
Một điều không chắc chắn nữa là luật quốc tế bắt nguồn từ những dự luật dựa theo các kế hoạch của cấp bộ, mà thực ra chỉ là một tiếng nói rỗng tuếch và những hiệp ước này có ghi điều khoản bảo lưu bí mật cho phép vi phạm. Ngược lại, trong cách giải quyết vấn đề khôn ngoan chính trị, thì vấn đề mà ai cũng hiểu là gây mánh khoé, xấu hổ để đạt mục tiêu, nhưng cùng lúc phải nhớ điều cần khôn ngoan hơn là không được quá vội vã và gây bạo lực, và tìm cách cùng lúc càng tiến gần mục tiêu sau khi tình trạng thuận lợi.
Điều này nghĩa là trước hết ta phải mở rộng tầm nhìn theo phạm vi lý trí thuần túy và theo quan điểm công bình, thì mục tiêu (nhằm phục vụ cho một nền hòa bình vĩnh cữu) thì tự nó sẽ đến sau. Đạo đức là một đặc thù tự tại, mà thực ra khi đặt nó trong những nguyên tắc của luật công (hậu quả là nhận ra được mối quan hệ chính trị và không liên hệ đến kinh nghiệm).
Nếu đặt thái độ của con người trước những mục tiêu đề ra càng ít lệ thuộc vào quyền lợi vật chất hay tinh thần, thì đồng thuận cho mục tiêu được tăng lên. Việc này đến từ công bình, một ý muốn chung có sằn của một dân tộc hay trong mối quan hệ giữa các dân tộc, vì dân tộc xác định tính hợp pháp cho người dân; nhưng kết hợp thành một ý chí chung phải thực hiện trong điều kiện làm sao có hậu quả phù hợp với bản chất, cho hậu quả xảy ra theo đúng tự nhiên và pháp luật, nhờ thế mà trở nên hữu hiệu.
Theo nguyên tắc đạo đức chính trị thì dân tộc kết hợp nhau qua khái niệm chung về tự do và bình đẳng, nguyên tắc này tạo nên một nghĩa vụ và không dựa trên sự thông thái. Những nhà đạo đức học về chính trị dựa vào bản tính tự nhiên của đám đông lúc tham gia vào xã hội mà lập luận rằng cơ chế này làm suy yếu những nguyên tắc và phá hỏng các ý định có tính dân chủ. Họ cũng nêu những phản chứng về những hiến pháp trước đây và hiện nay là thiếu hiệu năng (thí dụ như chế độ dân chủ không có hệ thống đại nghị).
Tiếng nói của họ không được lắng nghe, vì phần lớn lý thuyết là sai lầm tự tạo và gây anh hưởng xấu, những gì mà thuyết này đã tiên đoán là con người được ném trong một cơ chế sống động của một giai cấp và không còn ý thức mình là một chủ thể tự do.
Theo nhận xét này, đây sẽ trở thành điều tồi tệ nhất trên thế gian. Một câu nói, dù có vẻ hơi phô trương, nhưng được truyền tụng thành phương ngôn và là chân lý: “Khi công lý ngự trị thì tất cả kẻ lừa đảo trên thế gian này sẽ biến mất”.
Đó là một nguyên tắc luật pháp can đảm cho phép thu ngắn những con đường ngoằn nghèo vạch ra những dối trá và bạo lực. Câu này không được phép hiểu sai và coi như cho phép sử dụng một loại quyền với tất cả sự nghiêm minh (trái với nguyên tắc đạo đức), mà là sự ràng buộc cho kẻ hữu quyền.
Họ phải hiểu là họ không được từ bỏ hay giới hạn quyền của bất cứ ai với lý do là thất sủng hay thương cảm. Trong mục tiêu này, soạn thảo hiến pháp phải dựa theo những nguyên tắc thuần túy của luật pháp và để giải quyết các tranh chấp, hiến pháp đòi hỏi kết hợp của các quốc gia gần xa bằng hòa giải luật pháp (như chung trong một quốc gia đại đồng).
Phương châm này không gì khác hơn là quốc gia không đặt mục tiêu chính trị trước phúc lợi và hạnh phúc và coi đây như là khôn ngoan, mà phải bắt nguồn từ một khái niệm thuần túy về nghĩa vụ luật pháp, một nguyên tắc được tạo ra do lý trí thuần túy, không do kinh nghiệm và lợi lộc vật chất. Thế gian này sẽ không sụp đổ khi có ít người ác hơn. Tính ác không thể tách rời bản chất, tự nó tương phản với mục tiêu, (đặc biệt là trong mối quan hệ với người cùng quan điểm), sẽ tự hủy và từ đó sẽ nhường chỗ tính thiện, cho dù có tiến triển chậm chạp
***
Khách quan mà xét (về lý thuyết) thì không có tranh chấp giữa đạo đức và chính trị. Ngược lại, trong khuynh hướng chủ quan, (ích kỷ của con người và nếu không dựa trên phương châm của lý trí và cũng không hẳn phải gọi là thực tế), thì tranh chấp của hai vấn đề này còn xãy ra mãi.
Thực ra, đó là một viên đá mài cho đức hạnh mà long can đảm (theo nguyên tắc “không nhường bước trước điều xấu và phải chế ngự nó với tấm lòng”), không phải chỉ đề kháng tình trạng hiện tại với một quyết tâm mãnh liệt chống lại những xấu và hy sinh phải chấp nhận. Chúng ta còn nhìn tính ác với những nguyên tắc nguy hiểm, lừa dối và phản bội trong ánh mắt, thì ta nên dùng biện luận của lý trí để lý giải và chiến thắng những sai phạm do yếu đuối trong bản chất của con người.
Trong thực tế, nhà đạo đức học về chính trị có thể nói rằng: Giữa lãnh đạo và dân chúng hoặc giữa các dân tộc với nhau hành động có sai phạm, khi họ chống nhau bằng bạo lực và gian manh. Đúng ra, nói chung, họ phạm luật khi không tôn trọng luật dùng làm cơ sở cho hòa bình vĩnh cữu. Khi một người vi phạm nghĩa vụ đối với người khác, mà người này cũng nghĩ ngược lại là tìm cách phạm luật, và khi tình trạng này xảy ra cho cả hai phe, thì họ sẽ giết nhau.
Nhưng đối với một dân tộc, điều còn lại là phải kết thúc trước khi cuộc chiến có thể kéo dài đến một thời điểm xa xôi nhất, xa đến độ mà thế hệ tương lai phải lên tiếng báo động. Thiên Ý đã luận chứng những diễn biến của thế gian. Nguyên tắc đạo đức trong con người không bao giờ bị xóa tan và khả năng thực hiện những lý tưởng luật pháp của con người theo nguyên tắc lý trí phát triển liên tục nhờ những tiến bộ văn minh, nhưng trong cùng lúc thì vi phạm tội ác cũng gia tăng.
Thuyết Sáng thế cho phép giải thích có một dòng dõi bị cám dỗ trên địa cầu, nhưng không thể biện minh là đó là phù hợp với ý Chúa,[1] (khi chúng ta chấp nhận rằng con người không bao giờ được cải thiện). Nhưng đối với chúng ta, quan điểm nhận xét này qúa cao mà chúng ta có thể đồng ý là khái niệm khôn ngoan này thuộc về quyền lúc tối cao mà không thể nghiên cứu là mục tiêu lý thuyết.
Một điều không thể tránh là chúng ta bị đưa đẩy tới những kết luận đầy thất vọng, nếu chúng ta không chấp nhận những nguyên tắc luật pháp thuần túy có thực tại khách quan, nghĩa là để những nguyên tắc này tự thực hiện, rồi sau đó được một phần dân chúng trong một quốc gia hay một quốc gia trong số các quốc gia noi theo, cho dù các chính sách theo thực tế có thể bị phân bác ý kiến này tùy thích.
Chính trị chân chính không thể tạo một bước tiến khi không tôn trọng đạo đức. Dù chính trị tự nó là một loại nghệ thuật khó khăn, nhưng kết hợp đạo đức và chính trị lại không phải đòi hỏi là một loại nghệ thuật, vì đạo đức lo thắt nút mà chính trị không đưa ra một cách để mở nút, khi cả hai đang tranh chấp nhau.
Cần phải tôn trọng nhân quyền dù phải hy sinh trả giá cho quyền cai trị. Ở đây, không phải chỉ đề ra các biện pháp nữa vời và không thể tưởng tượng một loại luật pháp tuỳ thuộc vào cách áp dụng thực tiễn (giữa luật và cách áp dụng) nhưng trái lại, chính trị phải phục tùng luật pháp. Người ta có thể hy vọng tuy là đoạn đường dài, nhưng sẽ có ngày đạt đến mức độ mà sự quang minh của luật pháp được chiếu sang bền bỉ.