Đỗ Kim Thêm

Việt Nam theo mô hình kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghiã, một khái niệm không có trong khoa học kinh tế hay xã hội học phương Tây. Do đó, những thảo luận lý thuyết không có cơ sở tương đồng để so chiếu.
Sự hình thành và phát triển của thị trường Việt nam cũng không có một bối cảnh như tại châu Âu. Việt Nam không có thời kỳ khai sáng khởi đầu để thay đổi tư duy, phong trào công nghiệp hoá để cất cánh thay cho thị trường nông nghiệp, tiết kiệm quốc nội đủ mạnh để huy động làm vốn cho đầu tư tư nhân, hệ thống doanh nghiệp tư nhân cạnh tranh ráo riết, chấp nhận tự hủy để sáng tạo và tôn giáo Tin Lành là điều kiện tinh thẩn để phát triển xã hội tư bản. Nhưng Việt Nam đã có những điều kiện đặc thù và thành tựu ban đầu.
Thị trường được hình thảnh là do một quyết định mở cửa kinh tế và một chiến thuật ngắn hạn để sống còn hơn là một chiến lược phát triển trong trường kỳ. Không có tiết kiệm, nhưng Việt Nam đã huy động được tư bản khả dụng của các định chế quốc tế, các nhà đầu tư ngoại quốc tư nhân và Việt kiều để đầu tư. Không có những sản phẩm công nghiệp giá trị cao do những canh tân kỷ thuật, nhưng Việt Nam tạo ra được một thị trường xuất khẩu với sản phẩm gia công và nông lâm và thuỷ hải sản. Thâm nhâp thị trường phương Tây thành công vì Việt Nam tạo ra điều kiện cạnh tranh thu hút.
Nhìn chung, với dân số là 95 triệu dân, Việt Nam là một thị trường có tiềm năng to lớn, khởi điểm cần thiết để xác định phương hướng phát triển dài hạn. Những năng động cải cách chỉ thành công trong ngắn hạn và không toàn diện nên gây bất công xã hội và không đồng bộ trong tiến trình phát triển điạ phương.
Thực tế cho thấy khủng hoảng lý thuyết (sẽ tiếp tục định hướng như thế nào và trong chừng mực nào), khủng hoảng lãnh đạo (khả năng kiểm soát và phòng chống tham nhũng) và khủng hoảng niềm tin xã hội (luật pháp không hữu hiệu, giáo dục xuống cấp, đạo đức suy đối và môi sinh cạn kiệt) cần được thảo luận nghiêm chỉnh và dân chủ để khởi đầu cho một cuộc đổi mới khác.
Nhìn riêng, thì từng loại thị trường đang có những vấn đề khác nhau. Thị trường lao động có thuận lợi là nhân công trẻ trung, nhưng không thể phát huy vì trình độ tay nghề không thể nâng cao. Xuất khẩu nhân công lao động là một nghịch lý cho nhu cầu tăng trường kinh tế trong khi thị trường nội địa vẫn luôn cần đến. Lực lượng này tạo thêm kiều hối, nhưng đồng thời gây nhiều tội hình sự, nên cuối cùng, cũng không thể làm toả sáng cho Việt Nam. Hệ thống giáo dục xuống cấp nên chỉ cung ứng được lao động giản đơn cho sản phẩm gia công, không thể đem lại phép lạ vì thị trưởng cần nhiều loại kỷ năng khác nhau của đa số.
Thị trường xuất khẩu khó khăn hơn vì một phần do tình hình thị trường quốc tế mang lại, phần khác lại do phẩm chất kém nên không thể cạnh tranh.
Thị trường đầu tư tùy thuộc vào niềm tin của nhà đầu tư, mà tinh thần thượng tôn pháp luật và đánh giá đúng mức về tiềm năng phát triển thị trường nội điạ là chủ yếu. Bỏ ngỏ thị trường nội địạ để cho người lạ mặc tình thao túng là một sai lầm, trong khi khả năng thâm nhập thị trường ngoại quốc lại càng ngày càng bị hạn chế, nghịch lý này không thể duy trì.
Thị trường sản phẩm sẽ không khởi sắc khi luật cạnh tranh không được triệt để áp dụng và vai trò và quyền lợi người tiêu thụ không được tôn trọng.
Giống như châu Âu, niềm tin phát triển là một khởi đầu cho mọi cải cách khác. Nhưng tin vào cái gì? Với một chiến lược phát triển toàn diện và thuyết phục, sức mạnh dân tộc và ý chí vượt thoát, người dân sẽ tin là tương lai của đất nước là giàu mạnh, dân chủ, văn minh và công bình xã hội. Để đạt mục tiêu này, người dân còn cần tin vào khả năng lãnh đạo của chính quyền, khả năng cảnh báo của tầng lớp trí thức dấn thân và tin vào sự đóng góp chung của mọi giới.
Khác với châu Âu, kêu gọi đoàn kết và hy sinh để xây dựng Việt Nam dể kết hợp hơn, vì là nguyện vọng chung của mọi tầng lớp cùng văn hoá và thuần chủng. Nhưng Việt Nam đang cần có tinh thần đoàn kết hơn bao giờ hết để giải quyết những vấn đề cấp bách khác, thí dụ như an ninh khu vực, vẹn toàn lảnh thổ và xung đột nội bộ.
Tựu chung, thị trường Việt Nam có ba vấn đề nền tảng: một là định hướng xã hội chủ nghĩa không là một lối thoát duy nhất, hai là chính quyền là vấn đề hay có khả năng đem lại giải pháp và ba là đâu là sự đồng thuận của toàn dân.
Không ai biết được nguyện vọng người dân đang nghĩ gì, vì Việt Nam chưa có trưng cầu dân ý và cũng không hy vọng là sẽ có các thăm dò dư luận về những vấn đề nhạy cảm này.
Dầu vậy, các sự kiện trong hiện tại như dịch bịnh COVID 19, nợ công, lũ lụt và môi trường ô nhiểm là những chuyển biến quan trọng khởi đầu cho một tưong lai bất ổn cần thảo luận.