Đỗ Kim Thêm dịch

Thế giới sẽ không tái thiết từ trận đại dịch, cũng như không có bất kỳ cơ hội nào để giải quyết các mối đe dọa sinh tồn rộng lớn hơn như biến đổi khí hậu, cho đến khi các nhà lãnh đạo một lần nữa thấm nhuần hơn về tinh thần hy vọng trong sinh hoạt chính trị và công dân. May mắn thay, Bảng Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền đưa ra một lộ trình để giúp nhân loại vạch ra một con đường phía trước.
Đại dịch COVID-19 đã làm thái đổi cho hàng triệu người trên thế giới. Hoặc là để nói cho chính xác hơn, đại dịch đã phơi bày và làm trầm trọng thêm về tình trạng bất bình đẳng sâu xa về chủng tộc, giới tính và giai cấp trong các xã hội, và nhấn mạnh đế sự bất lực của nhiều hệ thống chính trị để đáp ứng bằng những cách nhằm bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm từng cá nhân. Thế giới sẽ không tái thiết từ cuộc khủng hoảng này, cũng không có bất kỳ cơ hội nào để giải quyết các mối đe dọa sinh tồn rộng lớn hơn như biến đổi khí hậu, cho đến khi nào chúng ta có thể một lần nữa thấm nhuần hơn tinh thần hy vọng trong sinh hoạt chính trị và công dân.
May mắn thay, trong Bảng Tuyên ngôn Phổ quát về Nhân quyền có một lộ trình vón dĩ đã có để giúp cho nhân loại vạch ra một con đường tiến về phía trước. Bảng Tuyên ngôn được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua vào năm 1948, cho đến ngày nay vẫn có liên quan như trong cảnh tàn phá về vật chất và tinh thần do Đệ nhị Thế chiến gây ra.
Điều 1 của Bảng Tuyên bố minh định một chân lý hằng cữu với sự rõ ràng còn vang dội: „Tất cả con người được sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm giá và quyền.“ Ngày nay, để hiện thực viễn kiến này, chúng ta phải thúc đẩy các nhà lãnh đạo vượt ra ngoài những lời lẽ ấm áp và cam kết thực hiện các hành động có ý nghĩa, khả thi và có thể đo lường được. Đặc biệt là họ cần đảm bảo phân phối vắc-xin COVID-19 trong toàn cầu cho công bình và hỗ trợ tài chính đầy đủ cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước sự tàn phá do biến đổi khí hậu.
Để bắt đầu, các quốc gia có thu nhập cao phải thực hiện các biện pháp để đạt được mục tiêu của lời Cam kết Gavi COVAX là cung cấp ít nhất cho các quốc gia nghèo nhất thế giới một tỷ liều vắc-xin chậm nhất là cho đến ngày 1 tháng 9 năm 2021 và vào giữa năm 2022 hơn hai tỷ liều.
Khi các quốc gia giàu có tích trữ vắc-xin COVID-19 cho dân chúng của họ, thì về mặt đạo đức là bất công và về mặt sức khỏe và kinh tế là thiển cận. Khi Coronavirus càng tồn tại lâu và đột biến ở các quốc gia nghèo với ít nguồn lực, toàn thể nhân loại sẽ không còn khả năng để vượt qua mối đe dọa đối với cuộc sống và sinh kế.
Cũng trong tinh thần này, các nhà lãnh đạo của các nước G7 và G20 nên ủng hộ các lời kêu gọi tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc tự nguyện cấp phép và chuyển giao công nghệ để sản xuất vắc-xin. Thất bại điều đó, họ nên ủng hộ việc từ bỏ ngay một số quyền sở hữu trí tuệ theo các quy tắc của WTO – một động thái mà Tổng thống Mỹ Joe Biden gần đây đã ủng hộ.
Đáng buồn thay, tại hội nghị thượng đỉnh gần đây của họ ở Vương quốc Anh, các nhà lãnh đạo của các nước G7 đã không thể hiện sự hiểu biết về quy mô trách nhiệm của họ để giải quyết tình trạng bất bình đẳng trầm trọng do đại dịch gây ra. Nói rộng hơn, COVID-19 đã phơi bày những thiếu sót của chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi và các chính sách dân túy coi thường bằng chứng khoa học và sự đồng cảm. Không có quốc gia nào, bất kể sức mạnh hay quy mô của nó, có thể tự mình giải quyết mối đe dọa y tế công cộng một cách hiệu quả.
Điều chính yếu là các nhà lãnh đạo phải học hỏi từ những sai lầm của họ và tập trung vào các khuyến nghị của Hội đồng độc lập về chuẩn bị và ứng phó với đại dịch của các chuyên gia. Chỉ các hệ thống y tế được tài trợ, kết hợp và tổ chức đúng cách mới có thể ứng phó trước các trận đại dịch và trường hợp cấp cứu y tế trong tương lai.
Tuy nhiên, như các vấn đề thể hiện, những thất bại của các nước giàu có trong việc giải quyết COVID-19 đã làm cho niềm tin bị xoáy mòn giữa hai miền Bắc và Nam trong toàn cầu càng lan rộng. Điều này sẽ gây khó khăn hơn cho việc đạt được một thỏa thuận tại cuộc họp ngoại giao quốc tế quan trọng tiếp theo: hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 ở Glasgow vào tháng 11.
Tất cả các quốc gia cần tăng cường các mục tiêu làm giảm bớt khí thải trong ngắn hạn trước COP26 và chúng ta vẫn đang chờ đợi các nước chủ yếu phát ra khí thải làm như vậy. Ngoài ra, các quốc gia giàu phải xây dựng lại niềm tin bằng cách cho thấy là họ sẽ gia tăng phần đóng góp tài chính cho khí hậu như thế nào – bao gồm một phần lớn hơn để thích nghi – để cung cấp mỗi năm 100 tỷ đô la được cam kết từ lâu để giúp các nước đang phát triển chống lại sự nóng lên trong toàn cầu và tác động của nó.
Trong những thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt qua việc bảo vệ nhân quyền, khắc phục đại dịch và giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu, tất cả thông qua hai chủ đề chung kết hợp nhau: sự cần thiết phải cảnh giác trước sự tự mãn và trách nhiệm hành động vì phúc lợi chung. Trong những thời điểm thử thách này, chúng ta đều có thể lấy cảm hứng từ một nhà lãnh đạo mà ông không bao giờ bị dao động trong cam kết của mình đối với nhân quyền và công lý: Nelson Mandela.
Khi Bảng Tuyên ngôn phổ quát về Nhân quyền được thông qua, đó cũng là năm mà Nam Phi thành lập chế độ phân biệt chủng tộc, đúng là một sự mỉa mai trong lịch sử Nhưng Mandela nhìn thấy ngay sức mạnh và tiềm năng của Bảng Tuyên ngôn. Phát biểu trong năm 1997 với tư cách là Tổng thống Nam Phi, ông đả phản ánh rằng, „Đối với tất cả các đối thủ của hệ thống độc hại này, những lời đơn giản và cao quý của Bảng Tuyên ngôn Phổ quát là một tia hy vọng bất ngờ vào một trong những khoảnh khắc đen tối nhất của chúng ta.“
Ngày nay, hơn bao giờ hết, chúng ta cần khám phá và khẳng định lại các nguyên tắc đoàn kết và nỗ lực chung của Bảng Tuyên bố mà Mandela đã xác quyết lẫm liệt trong suốt cuộc đời mình. Nhiệm vụ của chúng ta hiện nay không phải là „tái thiết tốt hơn“, bởi vì chúng ta không thể xây dựng lại từ một hiện trạng mà nó sản sinh các hệ thống bất bình đẳng và rối loạn chức năng. Thay vào đó, chúng ta phải „xây dựng tương lai tốt hơn“, kết hợp những nỗ lực của chúng ta với hy vọng, kỷ luật và quyết tâm xây dựng một thế giới bền vững, hòa bình và công bằng cho các thế hệ tương lai.
***
Mary Robinson, Cựu Tổng thống Ireland và Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, là Chủ tịch của The Elders.